Ngay từ đầu tháng 1, quân đội Trung Quốc đã gây choáng váng khi tiết lộ một loạt vũ khí mới tinh vi và mạnh mẽ.
Quá trình thử nghiệm một số mẫu được phô trương ầm ĩ, song với chất lượng vũ khí Trung Quốc từ trước tới nay, vẫn có một câu hỏi được đặt ra là: Trong tình huống chiến đấu, những công nghệ mới đó đáng tin cậy tới mức độ nào?
Hãng tin CNN của Mỹ đã đưa ra những nhận định cụ thể để trả lời câu hỏi này.
1. Mẹ của các loại bom
Đầu tháng 1, Thời báo Hoàn Cầu đưa tin Trung Quốc đã thử nghiệm phiên bản "Mẹ của các loại bom" do nước này chế tạo. Tên này được gọi theo mẫu bom "Massive Ordnance Air Blast" (MOAB) mà Mỹ giội xuống một hệ thống hầm ngầm của khủng bố tại Afghanistan năm 2017.
Theo Hoàn Cầu, phiên bản MOAB của Trung Quốc có sức mạnh chỉ đứng sau bom hạt nhân. Các hình ảnh công bố cho thấy MOAB được thả từ khoang chứa của máy bay ném bom H-6K, và sau đó là vụ nổ khổng lồ, dữ dội dưới mặt đất.
"Vụ nổ lớn này có thể dễ dàng quét sạch hoàn toàn các mục tiêu kiên cố trên mặt đất như các tòa nhà được gia cố, pháo đài và hầm trú ẩn" – Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia phân tích quân sự Wei Dongxu cho hay.
Tờ báo cho biết thêm rằng, bom MOAB của Trung Quốc nhỏ hơn và nhẹ hơn bom của Mỹ nên có thể được triển khai từ máy bay ném bom như vũ khí thông thường. Trong khi đó, Mỹ phải triển khai bom MOAB bằng máy bay vận tải C-130.
Bắc Kinh cũng tuyên bố rằng phiên bản MOAB của nước này sẽ có độ chính xác cao hơn MOAB của Mỹ.
Nhận định của CNN: Có khả năng.
Trung Quốc đang tìm cách sao chép công nghệ quân sự từ các nước khác và cải tiến để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, ngay cả với những gì họ tuyên bố (về phương thức mang phóng ưu việt) thì việc triển khai loại bom này trong chiến đấu cũng sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải chiếm được ưu thế toàn diện trên không.
2. Vạn Lý Trường Thành bằng thép
Bài viết đăng trên website tiếng Anh của quân đội Trung Quốc (PLA) ngày 13/1 tuyên bố "Vạn Lý Trường Thành bằng thép dưới lòng đất" (USGW) sẽ là tuyến phòng thủ của Trung Quốc được bố trí sâu bên dưới những ngọn núi.
Cơ sở này được xây dựng nhằm bảo vệ các căn cứ quân sự Trung Quốc trước các cuộc tấn công của đối phương.
Ông Qian Qihu, viện sĩ của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết USGW sẽ mang lại cho Bắc Kinh khả năng phòng thủ trước các loại tên lửa và vũ khí siêu vượt âm tương lai – những loại di chuyển với tốc độ gấp 5-10 vận tốc âm thanh, mang đầu đạn hạt nhân và có thể thay đổi hướng bay để qua mặt hệ thống phòng không.
"Công trình của ông Qian đảm bảo an toàn cho các loại vũ khí chiến lược quốc gia, các cơ sở phóng, dự trữ, và sự an toàn cho các chỉ huy trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng" – chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping nói.
CNN: Còn hoài nghi.
Mặc dù Nga tuyên bố đã có trong tay tên lửa siêu vượt âm sẵn sàng triển khai nhưng trên thực tế, nó chưa từng được sử dụng trong chiến đấu. Vì vậy, việc phát triển "bức tường thép" có thể chống chọi với loại vũ khí như vậy dường như mang ý nghĩa lý thuyết nhiều hơn.
3. Tên lửa đạn đạo chống tàu
Không lâu sau khi Hải quân Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tới gần đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông hôm 10/1, truyền thông Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh đã triển khai các tên lửa đạn đạo DF-26 "có khả năng tấn công các tàu cỡ trung và cỡ lớn" trên biển.
Bản tin của Thời báo Hoàn Cầu cho biết DF-26 có tầm bắn 5.471km, là "một lời nhắc nhở rằng Trung Quốc đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình".
DF-26, được giới thiệu lần đầu tiên trong cuộc duyệt binh năm 2015 tại Bắc Kinh, vốn được đánh giá là tên lửa đạn đạo tầm trung dùng để chống lại các mục tiêu mặt đất. Giới phân tích đặt cho DF-26 biệt danh "Sát thủ diệt Guam" do nó có thể đặt hòn đảo này và các cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ tại đó trong tầm ngắm.
Tuy nhiên, Trung Quốc chưa đưa ra được bằng chứng nào cho thấy họ đã thử nghiệm DF-26 với cấu hình chống tàu, đủ khả năng tiêu diệt các tàu chiến di động.
CNN: Còn hoài nghi
Chuyên gia phân tích quân sự Carl Schuster, một cựu đại tá hải quân Mỹ, cho biết chưa từng có quân đội nào phát triển thành công tên lửa đạn đạo chống tàu.
Việc triển khai loại tên lửa này trong chiến đấu sẽ đòi hỏi phải thực hành phóng rất nhiều để cải tiến chiến thuật và quy trình. Hiện Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được bằng chứng nào cho thấy họ đã làm được điều này.
4. Tiêm kích-bom tàng hình hai chỗ ngồi
Phiên bản mới của tiêm kích tàng hình J-20 [đưa vào trang bị của Không quân Trung Quốc tháng 2/2018] có thể được sửa đổi để trở thành tiêm kích-bom, cũng như tiêm kích hạm và máy bay tác chiến điện tử - Theo bản tin trên website tiếng Anh của PLA.
Bài viết cho biết thêm rằng, những phiên bản trên của J-20 có thể sẽ được bố trí thêm một chỗ ngồi cho phi công thứ hai.
"Hiện tất cả các mẫu tiêm kích tàng hình hiện nay là một chỗ ngồi, vì thế phiên bản mới của J-20 có thể sẽ trở thành tiêm kích tàng hình hai chỗ ngồi đầu tiên trên thế giới" – Bài viết dẫn lại thông tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cho hay.
CNN: Có khả năng
Bản báo cáo của Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết "Không quân Trung Quốc đang phát triển các máy bay ném bom tàng hình tầm xa có thể tấn công các mục tiêu trong một khu vực nhất định hoặc trên toàn cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét