Triều đình nhà Thanh giai đoạn thế kỷ 18 trở nên yếu đuối trước sự trỗi dậy của phương Tây, đánh dấu thời kỳ mà chính người Trung Quốc gọi là “ô nhục” khi 20 vạn quân Thanh không đánh lại nổi chưa tới 2 vạn quân Anh, chủ yếu là Hải quân Hoàng gia.
Trong giai đoạn thế kỷ 17-18, nhu cầu ở châu Âu đối với hàng hóa Trung Quốc tăng vọt, đặc biệt là lụa, đồ sứ và trà,tạo ra sự mất cân bằng thương mại nghiêm trọng. Ngược lại, Trung Quốc thời phong kiến nhà Thanh duy trì bế quan tỏa cảng, không cho thương nhân nước ngoài đến buôn bán.
Để ngăn chặn tình trạng trên, đế quốc Anh chủ trương trồng cây thuốc phiện ở Ấn Độ rồi bán cho thương lái Trung Quốc ở bờ biển để tuồn thuốc phiện vào Trung Quốc đại lục. Điều này giúp đế quốc Anh thu lại một lượng lớn vàng bạc đã dùng để mua hàng hóa Trung Quốc.
Đồng thời, số người nghiện thuốc phiện ở Trung Quốc ngày càng tăng, phụ thuộc vào nguồn hàng do Anh cung cấp, làm suy thoái chính quyền phong kiến nhà Thanh từ bên trong.
Chiến tranh nha phiến
Từ đầu năm 1800, lượng thuốc phiện nhập vào Trung Quốc chỉ 200 tấn, nhưng 39 năm sau, con số này tăng lên tới hơn 2.500 tấn. Điều này khiến nhà Thanh mất một lượng lớn tiền của trong khi tỉ lệ người dân phụ thuộc vào thuốc phiện ngày càng tăng.
Đến lúc này, Hoàng đế nhà Thanh khi đó là Đạo Quang mới ra lệnh cấm sử dụng và buôn bán thuốc phiện. Tướng nhà Thanh là Lâm Tắc Từ đã tịch thu 20.000 thùng thuốc phiện (khoảng 1.200 tấn) của các thương nhân Anh ở Quảng Đông mà không bồi thường. Điều này khiến đế quốc Anh nổi giận, cho rằng, việc nhà Thanh bất ngờ áp dụng quy định khắt khe là một sự tráo trở đối với các thương nhân.
Giao tranh giữa hải quân Hoàng gia Anh và quân nhà Thanh diễn ra lẻ tẻ từ giữa năm 1839 nhưng chỉ thực sự biến thành cuộc chiến quy mô lớn khi lực lượng viễn chinh Anh bao gồm 15 tàu chở quân, 4 tàu pháo chạy bằng động cơ hơi nước và 25 tàu nhỏ hơn có mặt ở ngoài khơi Quảng Đông.
Hải quân Hoàng gia Anh lên kế hoạch chiếm đảo Chu San mà mục tiêu chính là kiểm soát cảng Đình Hải, mở đường cho các hoạt động quân sự của Anh ở Trung Quốc.
Cuộc chiến diễn ra chóng vánh trong hai ngày 5-6.7.1840, khi 5 tàu chiến Anh đánh chìm 13 tàu chiến Trung Quốc, mở đường để 3.650 binh sĩ Anh đổ bộ lên đảo. Thương vong bên phía Anh chỉ duy nhất một người.
Chiến thắng này mở đường để Hải quân Hoàng gia Anh tấn công Quảng Châu. Nhưng quân Thanh đã lường trước, cho bố trí lực lượng dày đặc khiến binh sĩ Anh không đổ bộ được.
Hải quân Anh liền thay đổi chiến thuật, lấy Hong Kong làm bàn đạp chuẩn bị lực lượng. Một năm sau, quân Anh tiến lên phương Bắc, trực chỉ hướng cửa sông Trường Giang.
Năm 1842, Hải quân Hoàng gia Anh mở chiến dịch quân sự quy mô lớn nhất với 25 tàu chiến và 10.000 người, nhằm kiểm soát Trường Giang. Chỉ trong vòng một tháng, quân Anh chiếm Thượng Hải, Chiết Giang, làm gián đoạn tuyến đường vận lương, khiến nhà Thanh kiệt quệ, buộc phải đàm phán.
Chiến tranh nha phiến chính thức kết thúc vào ngày 29.8.1842 với hòa ước Nam Kinh. Nhà Thanh bồi thường chiến phí cho Anh, mở 11 cảng và cho truyền đạo tự do. Hương Cảng (Hong Kong) và vùng cửa sông Châu Giang được chuyển giao cho người Anh trong 99 năm và lợi ích của Anh phải được đặt lên hàng đầu khi Trung Quốc cân nhắc giao thương với bất kỳ quốc gia phương Tây nào khác.
Vì đâu người Anh “vượt mặt” Trung Hoa?
Chính quyền phong kiến nhà Thanh đã ngủ quên trong thời gian dài, tụt hậu cả về khoa học và kỹ thuật trong khi kiểm soát vùng đất đai rộng lớn.
Khi chiến tranh nổ ra, quân Thanh cũng được trang bị súng nhưng tốc độ bắn thấp, độ chính xác thấp hơn nhiều so với súng đá lửa nòng trơn của quân Anh.
Đó là chưa kể chỉ có khoảng một nửa quân nhà Thanh được trang bị súng trong cuộc chiến. Phần còn lại vẫn sử dụng những vũ khí truyền thống như gươm, giáo, cung tên. Cung tên có ưu điểm bắn nhanh và chính xác hơn súng, nhưng độ sát thương không cao bằng nên binh sĩ Anh khi đó hầu hết chỉ bị thương.
Ngược lại, quân Anh về sau đều được trang bị lưỡi lê đi kèm với súng đá lửa nòng trơn. Điều này giúp binh sĩ Anh có thể giáp lá cà với kẻ thù ngay khi quân địch xông tới ở cự ly gần.
Chiến thuật của quân Anh cũng vượt trội hoàn toàn do kế thừa những ưu việt kể từ thời Napoleon. Đội hình chiến đấu của quân Anh bao gồm những người có kinh nghiệm chinh chiến lâu năm ở Ấn Độ nên rất kiên cường, chiến đấu theo hàng ngũ và không hề rút lui.
Ở trên biển, cục diện cũng không khác biệt. Pháo của quân nhà Thanh cồng kềnh, nặng nề trong khi độ chính xác không cao. Ngược lại, tàu chiến Anh trang bị nhiều pháo hơn, di chuyển linh hoạt hơn, không cho đối phương có cơ hội áp sát.
Các tàu chạy bằng hơi nước như HMS Nemesis còn có khả năng chạy ngược gió và thủy triều trong khi, một tàu như vậy mang nhiều pháo hơn toàn bộ một hạm đội tàu chiến thô sơ của nhà Thanh.
Hải quân Hoàng gia Anh biết rõ lợi thế của mình nên chỉ tập trung tấn công những hòn đảo, thành phố nằm sát biển để tận dụng sự yểm trợ của tàu chiến, nhằm làm giảm thương vong xuống mức tối thiểu.
Có thể nói, ở thời điểm cao trào nhất trong chiến tranh nha phiến, hải quân Anh chỉ huy động 2 vạn người, 37 tàu chiến trong khi bên phía nhà Thanh là 20 vạn cùng vô số tàu pháo thô sơ. Chênh lệch lực lượng là vậy nhưng nhà Thanh cũng không tận dụng được ưu thế về số lượng. Các sử gia phương Tây ước tính chỉ có 69 binh sĩ Anh thiệt mạng trong cuộc chiến, còn tổn thất của quân Thanh lên tới 20.000 người.
Chiến tranh nha phiến được giới phân tích đánh giá mang nhiều ý nghĩa sâu rộng, bởi đây chính là cuộc chiến đánh dấu sự can thiệp của phương Tây vào Trung Quốc. Người Trung Hoa về sau gọi giai đoạn này là “một thế kỷ ô nhục”.
http://redsvn.net/chien-tranh-nha-phien-va-noi-han-hen-yeu-cua-nguoi-trung-quoc/?fbclid=IwAR0dE0dA_DKyAO9-qEj2OyDYevyUYxSY80S8krvzC3HrE-WFcAOSQHelrdc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét