Thay vì một "vụ nổ bom tài chính" bất ngờ hủy diệt hệ thống ngân hàng, phiên bản khủng hoảng của Trung Quốc kéo dài hơn, chậm rãi hơn và khó nhận diện hơn.
Cấu trúc kinh tế Trung Quốc
Một lần nữa, các nhà đầu tư thế giới lại có lí do chính đáng để lo lắng về Trung Quốc. Tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia này trong quý 3 đã giảm xuống mốc 6,5% - mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.
Doanh số xe ô tô bán ra năm ngoái giảm lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỉ. Công ty Apple hồi đầu tháng 1 cảnh báo rằng số lượng iPhone tiêu thụ tại Trung Quốc đã có dấu hiệu chững lại.
Đây là điều nguy hiểm bởi sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ khiến thị trường toàn cầu và lợi nhuận doanh nghiệp sa sút nghiêm trọng.
Nhưng có lẽ người dân Trung Quốc là những người đầu tiên nhận thức được vấn đề này. Kể cả sau khi phục hồi trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán tại Thượng Hải vẫn suy giảm hơn 1/4 so với đỉnh năm 2018. Viễn cảnh tương lai cũng không tươi sáng hơn là mấy.
Cấm vận của tổng thống Donald Trump đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc tới Mỹ đang bắt đầu khiến các doanh nghiệp Trung Quốc lâm vào thế bế tắc.
Đợt sụt giảm xuất khẩu bất ngờ vào tháng 12 vừa qua cho thấy mức độ suy thoái nghiêm trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Đây là điều khiến Bắc Kinh phải hạ nhiệt căng thẳng và đàm phán với Washington để hóa giải những mâu thuẫn còn tồn đọng.
Một thỏa thuận thương mại, nếu có thể, sẽ tạm thời làm yên lòng các nhà đầu tư, và thậm chí còn thúc đẩy kinh tế phát triển - ít nhất trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng nó sẽ không giúp giải quyết toàn bộ những rắc rối mà Trung Quốc gặp phải.
Mặc dù cấm vận từ Mỹ là một điều không hề tốt đẹp, nhưng vấn đề thực sự còn sâu xa hơn rất nhiều, và nằm ngay trong cấu trúc kinh tế Trung Quốc.
Lâu nay, chẳng mấy ai nhận thấy Trung Quốc đã thực sự lâm vào khủng hoảng. Hơn nữa, đây không phải là kiểu khủng hoảng "hấp hối" của nước Mỹ hồi năm 2008 hay sự sụp đổ đột ngột, chớp nhoáng của những Con Hổ Châu Á vào năm 1997.
Tuy nhiên, đây vẫn là một cuộc khủng hoảng, với sự xuất hiện của ngân hàng, nợ xấu, các công ty phá sản, và "bàn tay cứu rỗi" từ chính phủ.
Vì Trung Quốc đặt tên mô hình quản lý là "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", nên chúng ta cũng sẽ có "khủng hoảng tài chính đặc sắc Trung Quốc".
Cuộc khủng hoảng không chỉ là liên quan tới việc tăng trưởng bị chững lại, mà nó đã diễn ra được một khoảng thời gian dài và có vẻ như sẽ không kết thúc trong tương lai gần.
Việc vấn đề này được giải quyết - hay không được giải quyết - cũng sẽ có hậu quả lớn hơn rất nhiều so với chuyện chỉ số tăng trưởng bị giảm sút trong một vài tháng trở lại đây.
Cuộc khủng hoảng liên quan tới tương lai của kinh tế Trung Quốc và liệu Bắc Kinh có thể tiến hành những thay đổi cấu trúc cần thiết để đưa nền tốc độ phát triển quay trở lại "quỹ đạo" của nó hay không. Và hơn cả, chuyện này sẽ quyết định Trung Quốc sẽ trở thành trụ cột để kinh tế thế giới phát triển - hay là mối đe dọa cho sự ổn định kinh tế thế giới.
Thoáng nhìn qua, chuyện Trung Quốc rơi vào khủng hoảng nghe rất nực cười. Dù tỉ lệ tăng trưởng có giảm, nhưng chỉ số vẫn ở trong ngưỡng cao - tất nhiên theo số liệu của chính phủ Trung Quốc. Ngân hàng và các công ty Trung Quốc vẫn chưa mất khả năng thanh khoản trên diện rộng.
Đồng NDT thậm chí còn mạnh trở lại trong thời gian gần đây. Mặc dù sự lo ngại về nền kinh tế đang gia tăng, ảnh hưởng tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng, thì nhìn chung bầu không khí tại Trung Quốc vẫn chưa rơi vào tình cảnh ảm đạm thường thấy trước các cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
Khủng hoảng tới từ đâu?
Đúng là Trung Quốc chưa bao giờ phải trải qua tình cảnh tương tự như Wall Street đã gây ra cho nước Mỹ hồi năm 2008. "Cuộc khủng hoảng đặc sắc Trung Quốc" sẽ không có diễn biến như những cuộc khủng hoảng khác.
Thay vì một "vụ nổ bom tài chính" bất ngờ hủy diệt hệ thống ngân hàng, phiên bản khủng hoảng của Trung Quốc kéo dài hơn, chậm rãi hơn và khó nhận diện hơn. Tuy nhiên, tới cuối cùng, hậu quả và tổn thất gây ra sẽ tương đương - và thậm chí còn kinh hoàng hơn - những cuộc khủng hoảng mà nhân loại đã chứng kiến.
Vài năm trước, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đã dự đoán rằng nền kinh tế nước này sẽ rơi vào khủng hoảng giống như năm 2008. Tất cả những dấu hiệu của "ngày tận thế" đều hiển hiện rõ nét: bong bóng nhà đất, dư thừa sản phẩm công nghiệp từ sắt thép tới tấm pin năng lượng mặt trời, và đáng lo ngại hơn cả, khối nợ tăng cao lên mức khổng lồ.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, vào giữa năm 2018, tổng nợ của Trung Quốc đã tương đương với 253% sản lượng quốc gia - trong khi hơn 10 năm trước, con số này chỉ là 140%.
Không một nền kinh tế đang nổi nào từ những năm 1990 có thể nới rộng khối nợ tới mức khổng lồ như vậy và thoát khỏi thảm họa tài chính. Trung Quốc dường như đã đảo ngược lịch sử trong vấn đề này.
Các chuyên gia của Bloomberg đã theo dõi và chờ đợi giây phút Lehman Brothers phiên bản Trung Quốc (Lehman Brothers là một trong những ngân hàng hàng đầu của Mỹ tuyên bố phá sản, kéo theo sự sụp đổ liên hoàn trong hệ thống tài chính năm 2008 - ND). Nhưng chuyện đó đã không xảy ra.
Vai trò của chính phủ
Một số nhà phân tích nhận định rằng "tận thế" sẽ không xảy ra bởi Trung Quốc quá lớn để có thể sụp đổ. Những bình luận khác cho rằng chính phủ Trung Quốc có khả năng kiểm soát ở nhiều mức độ - đối với ngân hàng, các doanh nghiệp lớn, và dòng tiền - để kìm hãm cuộc khủng hoảng mà một nền kinh tế tự do hơn không thể chống đỡ.
"Siêu năng lực" này của Bắc Kinh đã được thể hiện vào năm 2015 khi bong bóng chứng khoán vỡ do chính sách thúc đẩy tín dụng và can thiệp hành chính. Nguồn tiền nhanh chóng rút khỏi Trung Quốc khi đồng tiền mất giá.
Tuy nhiên, những gì có thể khiến các thị trường mới nổi sụp đổ lại có thể được chính phủ Trung Quốc giải quyết chỉ trong một ngày. Bắc Kinh quyết định giải cứu ngành chứng khoán và ngăn chặn xu hướng thoái vốn. Khủng hoảng chấm dứt.
Đây cũng là cách giải quyết điển hình của Bắc Kinh đối với các vấn đề về nợ. Chính phủ Trung Quốc - vốn luôn chú trọng ổn định xã hội - không cho phép quả bom nợ phát nổ. Nhưng "khủng hoảng tài chính đặc sắc Trung Quốc" vẫn đang gây ra tổn hại nhất định tới nền kinh tế.
Cũng như bất kì cuộc khủng hoảng tài chính nào khác, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đang bị ăn mòn một cách nguy hiểm. Mặc dù theo chính phủ, nợ xấu đã tăng tới mức cao nhất trong thập kỉ vào cuối năm 2018, tỉ lệ này vẫn giữ ở mức dưới 2% tổng nợ. Hầu như không ai tin con số này.
Charlene Chu, một học giả cấp cao tại Autonomous Research và là một trong những chuyên gia hàng đầu về nợ tín dụng của Trung Quốc, ước tính rằng 24% tổng nợ tín dụng - khoảng 8,5 nghìn tỉ USD - thuộc diện nợ xấu. Đây có vẻ là điều khó tin, nhưng trong cuộc khủng hoảng hồi năm 1997, nợ xấu của Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan đã đạt mức 1/3 tổng nợ.
Và cũng như trong các cuộc khủng hoảng khác, mức độ thực sự của nợ và hậu quả của nó lớn hơn rất nhiều so với dự đoán của mọi người. Trong một nghiên cứu hồi tháng 10, S&P Global Ratings đã lưu ý rằng khối lượng nợ quốc gia của Trung Quốc vẫn là một bí ẩn, vì quá nhiều số liệu không được đưa vào sổ sách.
Khoản nợ ẩn này có thể cao gấp nhiều lần con số được công bố chính thức, đạt mức 6 nghìn tỉ USD. S&P gọi đây là "tảng băng nợ cho con thuyền tín dụng Titanic". Chính quyền địa phương Trung Quốc đã can thiệp rất nhiều để thúc đẩy tăng trưởng thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng với quá nhiều nợ như vậy, thì vai trò của chính quyền cũng tới giới hạn.
"Nghiện" tín dụng và hậu quả
Trung Quốc hiện đang đối phó với một khía cạnh khác của cuộc khủng hoảng: đào thoát vốn. Bởi sự kiểm soát nghiêm ngặt, vốn không thể rời khỏi Trung Quốc dễ dàng như tại các nền kinh tế khác. Nhưng tới cuối cùng, vốn vẫn được chuyển ra nước ngoài.
Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Mỹ, người Trung Quốc đã liên tục đứng đầu trong danh sách người nước ngoài mua bất động sản ở Mỹ trong 6 năm liên tiếp. Trong vòng 12 tháng (tính tới tháng 3/2018), công dân Trung Quốc đã mua tới 30 tỉ USD trị giá nhà đất ở Mỹ. Người Canada chỉ mua 1/3 số này; người Mỹ và người Ấn Độ chỉ mua khối lượng bằng 1/4.
Về mặt lý thuyết, cuộc khủng hoảng tài chính kiểu Trung Quốc có lợi thế hơn so với những khủng hoảng khác. Bằng việc duy trì tăng trưởng và việc làm, Bắc Kinh đang "câu giờ" để cải thiện hệ thống.
Trên thực tế, những nhà lập pháp còn khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Họ cố gắng đạt được những mục tiêu tăng trưởng khó có thể hoàn thành nếu thiếu hoạt động vay tín dụng. Trung Quốc "nghiện" tín dụng, và quốc gia này cần những "liều thuốc" tín dụng để tiếp tục tồn tại.
Khi sự bình ổn nhất thời qua đi, nền kinh tế lại bị chậm lại. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng, mất bình tĩnh trong việc xử lí nợ nần, và quyết định dùng một "liều thuốc tín dụng" khác để đạt mục tiêu.
Đây là những điều Bắc Kinh đang làm. Những kết quả tăng trưởng chậm của Trung Quốc trong thời gian gần đây cho thấy nỗ lực của chính phủ trong việc kiểm soát nợ. Các nhà lập pháp, như thường lệ, lại sử dụng chiến lược vay tín dụng.
Đầu tháng 1, ngân hàng trung ương Trung Quốc lệnh giảm lượng tiền tích trữ tại các ngân hàng, cho phép vay nhiều hơn. Tất nhiên, điều này đồng nghĩa với việc có nhiều nợ xấu hơn.
Dinny McMahon, tác giả của cuốn China's Great Wall of Debt (tạm dịch: Vạn Lý Trường Thành Nợ của Trung Quốc), nói: "Nhiều khoản nợ mới hình thành, và nợ được dùng để tạo ra tất cả những thứ gây nên vấn đề cho chúng ta trong suốt thập kỉ qua".
Vì lẽ đó, Bắc Kinh đang khiến cuộc khủng hoảng tài chính kiểu Trung Quốc tệ hơn rất nhiều cuộc khủng hoảng thông thường. Giây phút ngân hàng Lehman phá sản thực sự đáng sợ, nhưng đó là cuộc thanh lọc, là cơ hội để thị trường loại bỏ những "chất độc" và tạo cơ hội cho những điều tốt đẹp trong tương lai.
Trì hoãn khủng hoảng
Bắc Kinh, thông qua việc trì hoãn khủng hoảng, đã tạo điều kiện cho các khoản nợ xấu ăn mòn hệ thống tài chính, và khiến chi phí "dọn dẹp" khủng hoảng sau này trở nên lớn hơn rất nhiều.
Cuối cùng, chính phủ sẽ phải can thiệp và xử lí hậu quả, cũng như Washington đã làm hồi năm 2008. Chúng ta có thể tưởng tượng tổng chi phí từ kinh nghiệm trong quá khứ.
Chính phủ Hàn Quốc đã tiêu tốn 31% tổng sản lượng quốc gia để cải thiện hệ thống tài chính trong cuộc khủng hoảng năm 1997. Nếu áp dụng công thức này, "liều thuốc" cho Trung Quốc sẽ có giá 3,8 nghìn tỉ USD. Thậm chí còn cao hơn. 57% GDP của Indonesia đã bị "thổi bay" trong đợt tái thiết năm 1997.
Trong khi đó, nền kinh tế vẫn bị trì hoãn. Quá nhiều nợ của Trung Quốc đang được tích tụ theo cách thiếu hiệu quả - những nhà máy không cần thiết, những công ty phá sản - và hàng loạt nguồn tài nguyên được bố trí sai chỗ đã và đang cản trở nhân tố then chốt cho sự phát triển kinh tế.
Hiệp hội nghiên cứu Conference Board ước tính tăng trưởng của Trung Quốc đã có dấu hiệu tiêu cực từ năm 2012.
Tất cả những điều này đều cho thấy một xu hướng đi xuống theo chiều xoắn ốc. Khi quốc gia đã chìm trong nợ nần, mọi nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế với khoản vay tín dụng mới sẽ chỉ đem lại hiệu quả ngày càng giảm sút.
Như hãng nghiên cứu Fathom Consulting lí giải trong nghiên cứu hồi tháng 10/2018, mô hình kinh tế cũ của Trung Quốc "đang cho thấy lợi nhuận cận biên giảm dần". Sau nhiều tháng thúc đẩy cho vay, tăng trưởng tín dụng vẫn không đạt được mục tiêu như các nhà lập pháp mong muốn.
Sự lo lắng đối với nền kinh tế kết hợp cùng sự trì trệ của nợ đang khiến chính phủ ngày càng khó khăn hơn trong việc lệ thuộc vào tín dụng để giúp Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng.
Giải pháp cuối cùng
Có thể sẽ tới lúc các nhà lập pháp Trung Quốc sẽ nhận ra rằng nợ quá nguy hiểm, và phải kiểm soát nợ trước khi tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, thật khó để biết điều gì sẽ giúp đánh thức giới chức Trung Quốc.
Tỉ lệ lạm phát tăng cao có thể sẽ là một yếu tố giúp "lật ngược thế cờ", vì trong tình hình đó ngân hàng trung ương sẽ rất khó để tiếp tục bơm tiền vào hệ thống tài chính. Nhưng trong tương lai gần, điều này sẽ không xảy ra.
Mức sụt giảm nhanh chóng trong tỉ lệ lạm phát đang làm dấy lên quan ngại rằng Trung Quốc đang bước vào thời kì giảm phát, khiến nợ ngày càng khó chống đỡ hơn.
Giải pháp duy nhất, theo như McMahon viết, là "thay đổi cách phát triển kinh tế". Các nhà kinh tế và chuyên gia về chính sách đã tranh cãi trong nhiều năm qua về việc Trung Quốc cần phải "tái cân bằng" - chuyển động cơ tăng trưởng từ đầu tư sang tiêu thụ.
Chuyện này không diễn ra với tốc độ nhanh như dự kiến. Mỗi khi chính phủ sử dụng tín dụng để kích thích tăng trưởng, việc cải cách hệ thống tài chính lại bị lùi một bước. Theo Fathom, Bắc Kinh đang "trốn tránh hiện thực kinh tế trong khi tích lũy vấn đề cho tương lai".
Ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là có thể quản lí được mọi mặt kinh tế.
Ông Tập đã chủ trương phát triển nền kinh tế do nhà nước dẫn đầu, đặt nặng về đầu tư.
Các chính sách công nghiệp mới đây nhất đưa ra những sản phẩm hứa hẹn - robot, chip điện tử siêu nhỏ, xe ô tô điện - nhưng đều có thể gây ra những rắc rối tương tự: quá nhiều công ty, quá nhiều nợ, quá nhiều sản phẩm dư thừa.
Kể cả khi giải pháp của ông Tập có tạo lập nên những ngành mới và khoảng trống mới để phát triển, thì điều đó cũng không giúp khôi phục những tổn hại sẵn có.
Các khoản nợ xấu sẽ không bỗng dưng tự biến thành vàng.
Điều khác biệt duy nhất giữa khủng hoảng tài chính thông thường và "khủng hoảng tài chính đặc sắc Trung Quốc" là thời gian. Hầu hết các khủng hoảng kéo dài vài tháng, nhưng khủng hoảng của Trung Quốc sẽ kéo dài hàng năm.
Là một trong những đầu tàu kinh tế thế giới, Trung Quốc nên là trụ cột chống đỡ cho các quốc gia khác. Nhưng cho tới khi đất nước này tự giải quyết được khủng hoảng kinh tế của mình, Trung Quốc vẫn sẽ là mối lo ngại toàn cầu.
http://soha.vn/nghien-tin-dung-kinh-te-tq-dang-nhe-da-vo-tung-tu-giua-nam-2018-tai-sao-chua-xay-ra-20190121080304406.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét