Thật ra Tam Giác Vàng nghĩa đen chỉ là một cái cồn được bồi đắp trên dòng Mekong, khi chảy qua đoạn Miến Điện và chuẩn bị vào Thái. Tam Giác Vàng – gắn liền với thuốc phiện, là nơi mà lúc cao điểm chiếm tới ¾ lượng ma túy toàn cầu là một vùng đất rộng có đến bằng một nửa miền Bắc Việt Nam và toàn là núi non hiểm trở và có độ cao trên 1.000 mét. Đó là vùng đất rộng mênh mông trải dài từ tỉnh Mong Hpayak của Miến Điện sang Chiang Rai của Thái Lan và Luông Nậm Thà, U Đôm Say, Phong Sa Lì của Lào.
Người nổi tiếng nhất của Tam Giác Vàng là Khun Sa, nhưng ông không phải là người đầu tiên trồng thuốc phiện ở khu vực này. Từ xa xưa, người Anh đã trồng phiện ở đây để tuồn qua Trung Hoa, từ đó bắt nguồn hai cuộc chiến thuốc phiện lừng danh. Đến giữa thế kỷ 20, việc trồng thuốc phiện ở Miến Điện mới bắt đầu bùng nổ trên quy mô lớn, do một cựu tướng lĩnh Quốc Dân Đảng tên là Lý Di khởi xướng.
I. LÝ DI
Lý Di sinh tại huyện Đằng Xung, tỉnh Vân Nam. Tuổi thơ khó khăn nhưng gia đình vẫn cố gắng nuôi Di ăn học. Năm 1924, Di đến Quảng Đông, học trường Võ bị Hoàng Phố. Ông tham gia Chiến tranh Bắc phạt cùng các bạn đồng khóa Hồ Liên, Trương Linh Phủ, và Lâm Bưu. Sau này khi Quốc Dân Đảng phân liệt thành hai phe, Di đứng về phía Quốc Dân, chống Mao nhiệt tình. Đầu những năm 1930, Lý Di về dưới trướng Tiết Nhạc, chỉ huy một đơn vị Quốc dân đảng tinh nhuệ đánh đuổi quân Cộng sản khỏi Khu Xô viết Giang Tây. Sau đó Lý truy đuổi quân Cộng sản đang rút lui đến hơn 1,000 dặm trong cuộc Vạn lý Trường chinh. Sau khi quân Cộng sản lập căn cứ tại Hoa Bắc, Lý đem quân đánh bại các chỉ huy Hồng quân danh tiếng như Hạ Long và Diệp Đình, chiếm được lãnh thổ của họ. Trước khi Chiến tranh Trung-Nhật nổ ra, Lý đã lên đến hàm đại tá.
Năm 1940, Lý Di được thăng chức Tư lệnh Sư đoàn 1, tham chiến chống Lục quân Nhật Bản tại Hoa Trung, ông tham gia Trận Côn Lôn Quan cùng Đỗ Duật Minh và Khâu Thanh Tuyền (cũng là một danh tướng của Quốc Dân Đảng), quét sạch một lữ đoàn Nhật. Năm 1944, Lý mang quân Quốc Dân Đảng về Vân Nam và xuống tận Miến Điện tiêu diệt các sư đoàn 55 và 56 Nhật Bản. Năm 1945, Lý Di được thăng lên hàm tướng, tháng 6 cùng năm Lý Di tiến hành lật đổ tướng quân phiệt Long Vân, cướp địa bàn ông này là Vân Nam về cho Tưởng Giới Thạch. Trong nội chiến Quốc Cộng sau đó, dù giành thêm được vài chiến thắng nhưng chừng đó là không đủ để cứu vãn tình hình, tháng 10 năm 1949, quân Quốc Dân đảng theo nhau thanh dã ra đảo Đài Loan, riêng Lý rút quân về hướng nam và tây, vượt biên giới vào Thái Lan và các bang người Shan ở Bắc Miến Điện. Khi Miến Điện tuyên bố độc lập năm 1948, Lý thành lập một nhà nước của người Shan làm chỗ dựa cho "Quân chống cộng cứu quốc" của ông. Từ các căn cứ này, quân của Lý tiếp tục chiến tranh du kích đánh vào Vân Nam. Quân của Lý được người Mỹ hỗ trợ vũ khí và cố vấn, nhưng chỉ khoảng 4 năm sau, cùng với sự lạnh nhạt trong quan hệ giữa Trung Hoa Dân Quốc (aka Đài Loan) và Mỹ, người Mỹ cắt dần viện trợ cho Lý. Lý bắt đầu cho quân trồng thuốc phiện để làm cơ sở kinh tài nuôi quân, mua vũ khí đạn dược và đón quân gửi từ Đài Loan qua.
Người Mỹ sau đó đánh giá lại tình hình: Lực lượng Quốc Dân đảng của Lý không hiệu quả bằng một đội quân chính quy của nhà nước Miến Điện thống nhất, thế là Mỹ quay sang ủng hộ chính phủ Miến Điện. Cuối năm 1953, 7000 quân bao gồm cả Lý Di được không vận thẳng về Thái Lan, tuy nhiên còn lại 7000 người quyết định ở lại và tiếp tục kiên trì bám trụ, quân đội Miến Điện ko làm gì được, Mỹ hay Tưởng giờ có nói cũng không ép phê. Anh em cứ trồng phiện đổi vũ khí rồi đi đánh chánh phủ. Cho đến năm 1967 thì tàn dư Quốc Dân Đảng đụng độ với thế lực mới nổi trong vùng: Khun Sa.
II. KHUN SA
Sa sinh năm 1933, tên tiếng tàu là Trương Cơ Phu có nguồn gốc là cha Tàu, mẹ Shan. Năm 7 tuổi cha Sa bị quân Nhật cắt cổ, mẹ tái giá với một tù trưởng người Shan có thế lực nhất vùng biên giới Miến - Trung. Bố dượng Sa lại rất yêu thương con riêng của vợ, cho ăn học đàng hoàng, thậm chí để cho Sa theo học văn hóa Tàu, not Miến. Tuy nhiên Sa chỉ học vừa đủ, và chỉ học cái cần học, đó là kỹ thuật trồng và chế biến thuốc phiện.
Năm 18 tuổi, Sa kế tục bố dượng, lên đứng đầu một nhánh người Shan. Người Shan là một tộc người cổ, nguồn gốc từ Vân Nam di cư sang Miến - Thái. Họ không phục tùng người Miến nên từ thế kỷ 19 đến tận ngày nay luôn phục kích chính quyền. Đó cũng là nguồn cơn vì sao các trùm ma túy Tam Giác Vàng đều có dính tới người Shan. Mà gọi là Shan cho có cái để gọi, nghĩa đen của Shan là Sơn, tức người trên núi cao.
Mới 18 tuổi, Sa đã dẫn quân đi chiếm địa bàn hòng độc chiếm vùng tam giác vàng. Đối thủ mạnh nhất của Sa là La Tinh Hán, người đứng đầu tàn quân Quốc Dân Đảng sau khi Lý Di trở về Đài Loan. Trận kịch chiến lớn nhất là vào năm 1967, quân Quốc Dân Đảng với sự hỗ trợ của Thái và Quân Đội Hoàng Gia Lào, có máy bay ném bom yểm trợ đã đánh bại cánh quân của Khun Sa, bản thân Sa bị tống vào tù. Nhưng hai năm sau, Sa được đàn em cứu ra, gầy dựng lại lực lượng với hai bàn tay trắng. Sa rút lui hoàn toàn khỏi đất Thái chỉ tập trung lực lượng trên đất Miến Điện và giơ cao lá cờ giành độc lập cho dân tộc Shan.
Khun Sa trồng cây anh túc trên những ngọn núi cao ở Lào, sau khi thu hoạch thì đem chế biến thành thuốc phiện ở Miến Điện và xuất khẩu đi toàn thế giới từ Thái Lan. Cả 3 nước xung quanh Tam Giác Vàng đều được phân công cụ thể như vậy. Trong những năm 70 - 80, 60% lượng heroin tuồn vào Mỹ và 3/4 lượng ma túy trên thế giới đều được cung cấp bởi Khun Sa. Người ta gọi Sa là Vua Ma Túy hoặc Hoàng tử của cái chết. Có một điều lạ cái là mặc dù làm trùm ma túy nhưng lính của Khun Sa lại rất ít người nghiện. Thật ra cũng giống như các chủ quán rượu thường là người ko biết uống rượu, Khun Sa xác định rõ ma túy mà ông trồng là để bán chứ ko phải để xài. Nhiều người lính cũ của Khun Sa kể lại rằng với những thành phần nghiện hút, ông trùm này có cách cai nghiện độc đáo: Con nghiện được thả vào một cái hố sâu hơn 2m, rồi cho ở dưới đó 10 ngày cho cắt cơn, trong thời gian đó con nghiện cứ ở dưới hố, ăn ngủ hay vệ sinh cũng trong đó luôn. Hết 10 ngày mà còn sống thì coi như cai thành công, còn nếu vã thuốc mà chết thì người nhà sẽ lãnh được một cục tiền coi như tiền ... tử tuất.
Từ năm 1980, Chính phủ Myanma đã thực hiện chính sách khoan hồng, dùng La Tinh Hán để thuyết phục Khun Sa từ bỏ tham vọng vũ trang cát cứ, trở về với xã hội dân chủ, nhưng ông không đồng ý. La Tinh Hán kiên trì thuyết phục Khun Sa. La Tinh Hán cho biết, ông đã từng cử người thông báo với Khun Sa rằng chỉ có hòa bình thật sự khi Khun Sa chịu quy hàng chính phủ. Thời gian và địa điểm do Khun Sa tự quyết định, La Tinh Hán cũng từng đích thân đến thăm và thảo luận vấn đề hòa bình với Khun Sa.
Song song với đó, chính phủ Miến còn tiếp sức cho một đối thủ cạnh tranh của Khun Sa là Ngụy Học Khang để làm suy yếu lực lượng của Sa. Cũng là dân gốc Hoa như Sa và La Tinh Hán, từng bị nhà chức trách Thái Lan xử tù nhưng vượt ngục và đào thoát sang Miến Điện gây dựng lực lượng. Tổ chức của Khang là cái ổ sản xuất mephatamine (ma túy tổng hợp) lớn nhất tam giác vàng, khác hẳn với mặt hàng truyền thống của Khun Sa và La Tinh Hán là thuốc phiện và heroin. Chưa dừng lại ở đó, sau này khi thuốc phiện được trồng ở Bangladesh, Afghanistan biến khu vực này trở thành thủ phủ ma túy mới kêu là Lưỡi Liềm Vàng thì Ngụy Học Khang tiếp tục móc nối với khu này để tiêu thụ ma túy đi khắp thế giới.
Cuối cùng, vào tháng 1 năm 1996, Khun Sa ra đầu thú và chính thức qui hàng sau khi được Chính phủ Myanma hứa sẽ ân xá. Từ năm 1997, Khun Sa sống trong một biệt thự ở Rangoon và rửa tay gác kiếm, năm 2007, Khun Sa qua đời do liệt nửa người, tiểu đường và cao huyết áp. Sau khi Khun Sa thoái ẩn giang hồ, Ngụy Học Khang khoe đã đạt được sự thỏa thuận ngầm với phe quân đội Myanmar sẽ tiếp tục kinh doanh ma túy đến năm 2007 (?). Nhưng Chính phủ Myanmar, do yêu cầu phải tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong cuộc đấu tranh chung chống ma túy trong khu vực, đã không còn “nương nhẹ” Ngụy Học Khang nữa, và y đang bị quản thúc tại Rangoon. Số phận y sẽ ra sao và sau Ngụy Học Khang trùm ma túy nào lên thay vẫn còn là một câu hỏi.
Theo Chuyện Đông - Chuyện Tây
https://www.facebook.com/tuan.buianh.3597/posts/1049280878593446
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét