Tác giả: NGUYỄN QUANG DY
Khi xem xét và lý giải cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong bối cảnh trật tự thế giới mới, cần lưu ý mấy điểm cơ bản (làm hệ quy chiếu). Thứ nhất, chiến tranh thương mại chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, nên xem xét nó trong một bối cảnh lớn hơn. Thứ hai, xung đột về thương mại thực chất phản ánh xung đột về cơ cấu và hệ thống, nên rất nan giải, không thể hóa giải trong vài tháng. Thứ ba, xung đột về thương mại gắn liền với xung đột về lợi ích chiến lược tại Biển Đông và tầm nhìn Indo-Pacific. Thứ tư, tuy người Mỹ phân hóa và chia rẽ sâu sắc, nhưng hầu như tất cả cùng đồng thuận và ủng hộ Trump chống Trung Quốc.
* Năm mới có gì mới?
Có người nói “năm mới lo lắng mới”. Thực ra, nên vừa mừng vừa lo, vì cơ hội và rủi ro luôn đan xen nhau. Người khôn thường biến nguy thành cơ, còn người dại thường biến cơ thành nguy (vì ngộ nhận và nhầm lẫn).
Ngày 7/1/2019, đàm phán thương mại Mỹ-Trung cấp thứ trưởng bắt đầu tại Bắc Kinh. Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên năm 2019, theo thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày. Đoàn Mỹ do phó đại diện thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu, chắc phản ánh quan điểm cứng rắn của Robert Lighthizer (đại diện thương mại, phụ trách đàm phán với Bắc Kinh).
Nếu đàm phán thương mại lần này (diễn ra trong 3 ngày) chưa có kết quả như mong đợi thì cũng dễ hiểu, không nên ngạc nhiên và thất vọng. Theo thông lệ, đàm phán cấp thứ trưởng thường chỉ là sơ bộ như trù bị để chuẩn bị cho lần đàm phán tiếp theo ở cấp bộ trưởng hoặc thậm chí cao hơn, lần tới khả năng sẽ diễn ra tại Washington vào cuối tháng này.
Lần đàm phán tới, dẫn đầu đoàn Trung Quốc chắc là Lưu Hạc (phó thủ tướng, phụ trách kinh tế và Mỹ). Dẫn đầu đoàn Mỹ nhiều khả năng là Robert Lighthizer (được Trump chỉ định phụ trách đàm phán với Bắc Kinh). Nếu lần sau thất bại thì hậu quả mới nghiêm trọng. Tuy cả hai bên đều cần ngừng bắn để đàm phán, nhưng Trung Quốc dường như cần hòa hoãn hơn là Mỹ.
Cùng ngày (7/1/2019) Mỹ đã điều khu trục hạm USS McCampbell tuần tra trong khu vực 12 hải lý gần 3 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa là Tree Island (đảo Cây), Lincohn Island (đảo Linh Côn) và Woody Island (đảo Phú Lâm). Đây là lần tuần tra FONOP đầu tiên năm 2019 như để dẫn chứng quy luật “vừa đánh vừa đàm” và “ngoại giao pháo hạm” của Mỹ.
Trong khi người phát ngôn của hạm đội Thái Bình Dương tuyên bố Mỹ thực hiện “quyền tự do hàng hải”, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc gọi đây là một “hành động khiêu khích” của Mỹ, “vi phạm luật pháp của Trung Quốc và quốc tế”. Nếu lần này Trung Quốc chỉ cảnh cáo mà không điều chiến hạm tới chặn đường như với USS Decatur (30/9/2018), thì chứng tỏ Bắc Kinh không muốn gây căng thẳng với Washington vào lúc này.
Dưới thời Trump, đây là lần tuần tra FONOP thứ 9. Ngoài Mỹ, đã có 8 nước đồng minh điều chiến hạm đến Biển Đông để tuần tra FONOP và tập trận (gồm Nhật, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Canada). Tuy tần suất và tính chất FONOP có được tăng cường, nhưng giới nghiên cứu Biển Đông cho rằng vẫn chưa đủ. Theo Gregory Polling (CSIS) tuần tra FONOP “không đủ tác dụng ngăn chặn Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng trong vùng xám”. Theo một kết quả khảo sát gần đây, 2/3 số người được hỏi trong ASEAN cho rằng sự can dự của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á đã giảm sút, và 1/3 đã mất lòng tin vào Mỹ như một đối tác chiến lược để bảo vệ an ninh khu vực.
* Thực trạng Biển Đông
Biển Đông không chỉ là huyết mạch giao thông cho cả khu vực, mà còn giàu tài nguyên (dầu khí và hải sản). Tranh chấp tại Biển Đông chồng chéo phức tạp, không chỉ giữa các nước khu vực (về chủ quyền biển đảo), mà còn giữa các nước lớn (về lợi ích địa chiến lược). Tại Biển Đông, có nguy cơ Mỹ và Trung Quốc bị xô đẩy vào “bẫy Thucydides”.
Suốt mấy thập niên qua, Mỹ đã ngộ nhận về Trung Quốc, triển khai “can dự mang tính xây dựng” (constructive engagement) với ảo tưởng Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” như một mô hình “dân chủ hóa”. Nhưng kết cục Trung Quốc đã trở thành một quái vật “Frankenstein” (như lời Nixon). Nay người Mỹ tỉnh ngộ thì đã quá muộn, nên chính quyền Trump đang tìm cách lật ngược bàn cờ.
Khi thấy Trung Quốc lớn mạnh, Tập Cận Bình quyết định từ bỏ kế sách “dấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, theo đuổi “Giấc mộng Trung Hoa” và kế hoạch “Made in China 2025”. Tại Biển Đông, Trung Quốc áp đặt “đường lưỡi bò” để bành trướng và bắt nạt các nước láng giềng, không cho họ khai thác dầu khí và đánh cá tại vùng biển của mình.
Đồng thời Trung Quốc triển khai chương trình “Vành đai và Con đường” để thao túng các nước nghèo bằng “bẫy nợ”, mà thủ tướng Malaysia Mahathir gọi là chủ “nghĩa thực dân kiểu mới”. Trung Quốc đã từng bước kiểm soát Biển Đông theo kế sách “tầm ăn dâu” như “việc đã rồi” (fait accompli), và tìm mọi cách gạt Mỹ ra khỏi khu vực Biển Đông.
Có thể nói chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông khá thành công. Trung Quốc từ chỗ không có gì tại Biển Đông, nay họ đã chiếm được Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Trung Quốc đã áp đặt “đường lưỡi bò”, bất chấp luật quốc tế (UNCLOS và phán quyết của PCA). Trong mấy năm qua, Trung Quốc đã ráo riết bồi đắp và quân sự hóa các đảo họ chiếm được thành các cứ điểm quân sự mạnh để kiểm soát Biển Đông như cái ao riêng của họ.
Chính quyền Trump đang tìm cách lật ngược thế cờ bằng cuộc chiến thương mại, có thể trở thành một cuộc chiến tổng lực về kinh tế. Ngừng bắn chỉ là một khoảng lặng tạm thời. Cách đây mấy tháng (30/9/2018) Mỹ đã ký với Mexico và Canada Hiệp định tự do thương mại USMCA (thay thế NAFTA). Trong đó, điều 32.10 là “liều thuốc độc” nhằm cô lập Trung Quốc (có nền kinh tế “phi thị trường”). Mỹ sẽ cài điều khoản “thuốc độc” này vào các hiệp định thương mại sẽ ký với các đối tác khác (như Nhật và Tây Âu).
Theo Reuters, năm 2017 nguồn vốn từ Trung Quốc đầu tư mạo hiểm vào các dự án khởi nghiệp tại Silicon Valley đã tăng lên 3 tỷ USD. Nhưng từ 8/2018 khi Mỹ áp dụng quy chế mới để ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ, tình thế đã đổi chiều. Theo khảo sát của Reuters tại 35 công ty khởi nghiệp của Mỹ, các khoản đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đã chững lại. Dường như các nhà đầu tư Trung Quốc đang tháo chạy khỏi Silicon Valley. Đây là một dấu hiệu bất ổn cho triển vọng “Made in China 2025”.
* Các bước ngoặt tại Biển Đông
Tháng1/1974, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, nhưng Mỹ vì bắt tay với Trung Quốc đã không can thiệp để bảo vệ đồng minh. Tháng 3/1988, Trung Quốc chiếm mấy đảo Trường Sa, nhưng Liên Xô (đóng quân tại Cam Ranh) đã không can thiệp để bảo vệ đồng minh. Ngày 8/4/2012, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, nhưng Mỹ (dưới thời Obama) cũng không can thiệp để bảo vệ đồng minh. Đó là vài dẫn chứng lịch sử.
Có lẽ vì vậy mà Trung Quốc đã dám đưa dàn khoan HD981 đến vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông (5/2014) để khoan dầu bất hợp pháp, gây ra cuộc khủng hoảng mới tại Biển Đông, làm người Việt Nam bị sốc và buộc phải xích lại gần Mỹ. Đó là một bước ngoặt chiến lược, làm quan hệ Việt-Trung xấu đi, trở thành “nửa bạn nửa thù” (frenemy).
Tháng 7/2017 và tháng 3/2018, Trung Quốc đã hai lần đe dọa không cho Việt Nam và hãng Repsol (Tây Ban Nha) khoan dầu khí tại vùng thềm lục địa của mình ở bãi Tư Chính, lô 136-03 và lô 07-03 (mỏ Cá Rồng Đỏ), buộc Repsol phải bỏ cuộc. Trong lần đối đầu đó, Trung Quốc đã điều mấy chục tàu đến khu vực bãi Tư Chính để gây áp lực và đe dọa sẽ tấn công các vị trí của Việt Nam tại Trường Sa, nếu không dừng khoan dầu khí tại đây.
Có thể coi sự kiện đó là khủng hoảng Biển Đông lần thứ hai, tiếp theo vụ dàn khoan HD981. Đến nay không những Repsol (Tây Ban Nha) phải bỏ cuộc, mà Rosneft (Nga) và ExxonMobil (Mỹ) cũng phải hoãn kế hoạch khai thác khí tại Biển Đông, do sức ép ngầm của Trung Quốc. Trong khi ExxonMobil phải hoãn kế hoạch khai thác tại mỏ khí Cá Voi Xanh (12/2017) thì Rosneft cũng phải hoãn kế hoạch khai thác tại mỏ khí Lan Tây (2018).
Gần đây, trong khi trả lời phỏng vấn chương trình Hugh Hewitt (11/10/2018), cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã tuyên bố “Mỹ sẽ tăng cường khai thác tài nguyên tại Biển Đông dù Trung Quốc có hợp tác hay không. Họ nên biết là không thể làm chuyện đã rồi. Đây không phải là một tỉnh của Trung Quốc, và không bao giờ”. Tuy Bolton không giải thích cụ thể, nhưng chắc mọi người đều hiểu Bolton đang muốn nói tới điều gì tại Biển Đông.
Ngày 10/10/2018, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo (87/10) thông qua Đạo luật Chuẩn chi Quốc phòng NDAA (National Defense Authorization Act), với kinh phí $716 tỷ (cho 2019), so với $640 tỷ (cho 2018). Với ngân sách đó, chính quyền Trump hy vọng có đủ nguồn lực để đầu tư vào các chương trình quốc phòng mới, như phát triển năng lực chiến tranh không gian (space warfare), tên lửa tầm trung, máy bay và tàu chiến thế hệ mới, để tăng cường sức mạnh răn đe nhằm đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông và Indo-Pacific.
* Bàn cờ mới, luật chơi mới
Trong mấy năm qua, tình hình Biển Đông có lúc nóng lên làm quan hệ Trung-Việt khủng hoảng khi Trung Quốc đưa dàn khoan HD981 vào Biển Đông (5/2014), và ráo riết bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông với quy mô lớn. Nhưng cũng có lúc Biển Đông tạm lắng xuống một thời gian, như khoảng lặng trước cơn bão mới. Nhưng chưa bao giờ Trung Quốc từ bỏ tham vọng kiểm soát Biển Đông (như cái ao của mình). Thỏa thuận đàm phán về COC của Trung Quốc chỉ là chiến thuật hoãn binh nhằm xoa dịu các nước ASEAN. Lập trường cứng rắn hơn của Việt Nam về COC phản ánh một tư duy mới trong ASEAN.
Ngày 31/12/2018, Trump đã ký sắc lệnh ban hành “Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á” hay ARIA (Asia Reassurance Initiative Act), sau khi được Hạ Viện thông qua với số phiếu áp đảo, và được Thượng Viện thông qua với số phiếu tuyệt đối 100%. Đây là một đồng thuận cao không chỉ giữa hai đảng, mà còn giữa Chính quyền và Quốc hội, với cam kết $1,5 tỷ (2019-2023) cho khu vực, ưu tiên hỗ trợ đồng minh (ASEAN) và “Bộ tứ” (Quad) gồm Mỹ-Nhật-Úc-Ấn (coi Ấn Độ là “đối tác quốc phòng chính”, và tăng cường hỗ trợ Đài Loan. Trong năm 2019, chắc Biển Đông và Đài Loan sẽ nổi lên như hai điểm nóng, trong khi Triều Tiên nguội bớt.
Theo Carl Thayer, ARIA là “chiến lược ngoại giao chặt chẽ đầu tiên của Mỹ cho khu vực”, được cả hai đảng trong Quốc hội ủng hộ và đồng thuận, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, coi trọng các giá trị Mỹ trong chính sách đối ngoại, buộc Trump có trách nhiệm thực hiện, báo cáo Quốc hội hàng năm, đề xuất và xem xét lại các chiến lược để đạt mục đích của ARIA.
Nói cách khác, ARIA coi trọng hơn các biện pháp chính trị, ngoại giao, và cam kết tài chính cụ thể, để tăng cường mạng lưới đồng minh và đối tác (cả song phương và đa phương) trong khu vực Indo-Pacific. Trong khi tranh chấp Mỹ-Trung có thể diễn biến khó lường, ARIA có tầm nhìn chiến lược lâu dài và ổn định. Dù ai làm tổng thống Mỹ cũng phải tuân thủ luật mà Quốc Hội đã ban hành. Đối với Việt Nam, ARIA tái khẳng định các văn bản hợp tác song phương quan trọng, như tuyên bố về Đối tác Toàn diện năm 2013, tuyên bố về Tầm nhìn Chung về Quan hệ Quốc phòng 2015, tuyên bố về Tầm nhìn Chung năm 2017…
ARIA là một “thông điệp kép” cảnh báo Trung Quốc, tiếp theo sự kiện Quốc hội thông qua dự luật CAATSA (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act, 8/2017), và dự luật BUILD Act (Better Utilization of Investment Leading to Development, 10/2018), lập ra quỹ phát triển quốc tế USIDFC (US International Development Finance Corporation). Quỹ USIDFC được Mỹ lập ra để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhằm đối trọng lại sáng kiến BRI và AIIB, để giúp các nước tránh “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc.
Là một công cụ tài chính mới, BUILD Act cam kết tài trợ $60 tỷ cho quỹ USIDFC (trong 7 năm), gấp đôi $29 tỷ của quỹ đầu tư OPIC (Overseas Private Investment Corporation). Tuy con số này còn khiêm tốn so với $60 tỷ mà Trung Quốc cam kết sẽ tài trợ riêng cho Châu Phi, nhưng Mỹ hy vọng quỹ đầu tư USIDFC là một mô hình mới tốt hơn mô hình BRI của Trung Quốc. Nếu chính quyền Trump kết hợp được ARIA với BUILD Act thì Mỹ sẽ có một khuôn khổ chiến lược toàn diện hơn cho khu vực Indo-Pacific. Với nguồn lực mới này, Mỹ cam kết giúp các nước khu vực xây dựng các dự án hạ tầng hiện đại như hải cảng, sân bay, đường bộ và đường sắt, hệ thống ống dẫn dầu và đường truyền dữ liệu.
* Lời cuối
Đối đầu Mỹ-Trung không chỉ về thương mại, mà còn là đối nghịch về hai mô hình kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế Nicholas Lardy (Peterson Institute for International Economics), Trung Quốc quyết định theo đuổi mô hình “chủ nghĩa tư bản nhà nước” (state capitalism) đã làm suy yếu triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng động cơ Tập Cận Bình bảo hộ doanh nghiệp nhà nước không phải là kinh tế mà là chính trị. Tập lo ngại rằng thất nghiệp, bất ổn xã hội, và bất an về tài chính sẽ làm suy yếu quyền lực của Đảng.
Tuy còn hơi sớm để xác định liệu diễn biến và hệ quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có làm thay đổi bàn cờ Biển Đông hay không, nhưng chắc chắn thế và lực của Trung Quốc năm 2019 sẽ không còn như năm 2018. Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang như Trump đe dọa, Trung Quốc có thể mắc kẹt trong thế lưỡng nan và lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Kết cục là Trung Quốc có thể sẽ thiếu hụt nguồn lực cho các chương trình địa chiến lược đầy tham vọng của mình như Sáng kiến Vành đai và Con đường hay quá trình tiếp tục quân sự hóa Biển Đông,…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét