Quần đảo Natuna (Indonesia), nằm ở phía nam biển Đông với 27 trong tổng số 154 đảo có người ở, có khả năng trở thành một điểm gây xung đột mới trong khu vực, theo nhận định của tạp chí National Interest(Mỹ).
Quần đảo Natuna của Indonesia - Ảnh: Reuters
|
Nằm cách thủ đô Jakarta của Indonesia hơn 1.000 km và tọa lạc giữa 2 nửa lãnh thổ của Malaysia, quần đảo Natuna trải dài trên một diện tích khoảng 262.000 km2 trên biển, theo National Interest. Natuna hiện thuộc tỉnh đảo Riau của Indonesia.
Tạp chí Mỹ bình luận chính vị trí nằm quá cách xa với phần còn lại của Indonesia của Natuna khiến cho chính phủ Jakarta khó giám sát vùng biên giới cực bắc này.
Hiện chưa có đường bay thương mại trực tiếp từ Jakarta sang Ranai, thị trấn lớn nhất trên quần đảo Natuna, trong khi hàng hóa vận chuyển cho thị trấn này hằng ngày vẫn phải đi một quãng đường rất dài từ Pontianak, thủ phủ tỉnh West Kalimantan, hoặc từ Batam và Bintan, 2 đảo nằm gần Singapore.
Việc thiếu một cảng nước sâu khiến các tàu thuyền lớn không thể neo đậu ở Ranai, trong khi các tàu thuyền nhỏ không dám liều lĩnh đi lại trong vùng biển động vào mùa mưa bão, theo National Interest.
Tạp chí Mỹ bình luận quần đảo Natunas có thể khai thác cơ hội kinh doanh và đầu tư ở các nước nằm sát cạnh quần đảo này ở phía bắc, phía Đông và cả phía Tây. Tuy nhiên, điều này dường như là nhiệm vụ rất khó khăn do Jakarta có thể phải lo lắng khi vùng lãnh thổ xa xôi của mình có quan hệ quá thân thiết với các nước láng giềng.
Khoảng 76.000 người dân sinh sống tại Natuna khẳng định có chung mối quan hệ gần gũi về lịch sử và văn hóa với người láng giềng Malaysia hơn là với đồng hương Indonesia, theo số liệu của National Interest.
Vùng biển sóng gió
Tàu đánh cá hoạt động ngoài khơi quần đảo Natuna (Indonesia) - Ảnh: Reuters
|
National Interest cho biết việc thiếu sự giám sát chặt chẽ từ Jakarta đã phát sinh rất nhiều vấn đề về an ninh tại Natuna.
Tình trạng đánh cá bất hợp pháp tràn lan trong khu vực chỉ là một phần trong một vấn nạn to lớn. Indonesia từng công bố thiệt hại gần 25 tỉ USD hàng năm từ tình trạng đánh cá lậu, tạp chí Mỹ cho hay.
Tệ nạn đánh bắt cá lậu tại Natuna đang trở nên phức tạp hơn khi một phần của quần đảo này nằm trong cái gọi là đường 9 đoạn do Trung Quốc tự ý thiết lập tại biển Đông. Mặc dù Indonesia đã đưa ra tuyên bố chính thức rằng nước này không liên quan đến các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, nhưng đường 9 đoạn của Trung Quốc đã chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Indonesia do đảo Natuna nằm ở phía nam biển Đông.
National Interest cho biết mặc dù không muốn đối đầu với Bắc Kinh, nhưng Jakarta vẫn tỏ ra khá cứng rắn trước đường 9 đoạn của Trung Quốc.
Một số tàu cá Trung Quốc đã bị bắt giữ hồi năm 2013 và vụ việc đã dẫn đến một cuộc đụng độ nhỏ giữa tàu Trung Quốc với một tàu tuần duyên Indonesia, theo National Interest.
Indonesia cần phát triển Natuna
Chiến đấu cơ của Không lực Indonesia - Ảnh: Không quân Indonesia
|
Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s (Anh) đầu năm 2014 đưa tin Không lực Indonesia đang lên kế hoạch nâng cấp căn cứ không quân tại quần đảo Natuna để có đủ khả năng cho chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 và Su-30 hoạt động.
Reuters vào cuối năm 2014 dẫn lời một cố vấn của Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho hay nước này sẽ tăng chi phí quốc phòng lên 20 tỷ USD/năm vào năm 2019 nhằm bảo vệ chủ quyền trước sự bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông.
Tuy nhiên, National Interest khẳng định, trái ngược với những thông tin trên, Indonesia vẫn chỉ duy trì sự hiện diện quân sự nhỏ tại Natuna. Số tàu thuyền hải quân nhỏ tại quần đảo này không đủ sức di chuyển trong vùng biển động của EEZ. Ngoài ra, không có bất kỳ chiến đấu cơ nào đồn trú vĩnh viễn tại sân bay Ranai, theo tạp chí Mỹ.
Dù đã có tổ chức tập trận tại đây kể từ năm 1996, nhưng việc nâng cấp quân sự tại Natuna của chính phủ Indonesia gặp thách thức vì nền tảng cơ sở hạ tầng hạn chế và khó khăn trong việc tiếp cận các nguyên liệu cần thiết, chẳng hạn như nhiên liệu và linh kiện cho việc bảo trì và sửa chữa.
National Interest bình luận trong khi cơ sở hạ tầng yếu kém, sức hút đầu tư nước ngoài tại Natuna lại có vẻ hứa hẹn, với 3 công ty Trung Quốc được cho là đang quan tâm đến ngành công nghiệp chế biến hải sản địa phương.
“Tuy nhiên, điều này có khả năng khiến Bắc Kinh hiểu lầm rằng Indonesia đang tỏ ra không lo lắng gì về tham vọng của Trung Quốc tại biển Đông”, National Interest nhận xét trong bài xã luận.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang hối hả bồi đắp các bãi đá ngầm ở biển Đông để tạo đảo, quần đảo Natuna của Indonesia sẽ dễ dàng nằm trong tầm hoạt động của radar không quân và hải quân Trung Quốc, tạp chí Mỹ cảnh báo.
Đường băng tại bãi Đá Gạc Ma hoặc Đá Chữ Thập một khi được hình thành sẽ cho thấy chiến đấu cơ Trung Quốc nằm sát Indonesia và cho phép vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc bao phủ một số khu vực thuộc quần đảo Natuna.
Ngoài ra, các đảo nhân tạo còn có thể trở thành điểm tập kết cho tàu đánh cá xa bờ và các tàu tuần tra vũ trang của Trung Quốc, cho phép lực lượng này hoạt động ngay bên trong EEZ của Indonesia, theo National Interest.
“Với những thách thức kể trên, Indonesia cần phải có hành động phát triển Natuna ngay lập tức. Có thể bắt đầu từ việc xây dựng một nhà máy điện đủ sức đáp ứng nhu cầu của người dân trên quần đảo”, tạp chí Mỹ đề xuất.
Hoàng Uy
http://www.thanhnien.com.vn/quoc-phong/xuat-hien-diem-nong-moi-tai-bien-dong-540826.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét