Trong giao tiếp, đôi khi người Việt ta vẫn hay nhắc đến 2 từ “quân tử” – “tiểu nhân”. Khái niệm “quân tử” – “tiểu nhân” tuy của Trung Quốc nhưng lại khá phổ biến trong văn hoá Việt.
Trên đất Trung Hoa xưa, hai từ này nhằm chỉ người thuộc hai đẳng cấp xã hội. Quân tử là người có địa vị, quyền thế, ngược lại, tiểu nhân thuộc tầng lớp đối lập. Từ điển Từ Nguyên định nghĩa: “Quân tử là người nam thuộc tầng lớp quý tộc, thống trị, còn kẻ bị trị là tiểu nhân hoặc dân quê”. Từ điển Từ Hải giải thích tỉ mỉ hơn: “Thời Tây Chu, Xuân Thu, từ “quân tử” chỉ người thuộc tầng lớp quý tộc, thống trị…, còn “tiểu nhân” là kẻ bị trị. Những năm cuối thời Xuân Thu về sau, từ quân tử, tiểu nhân dần chuyển nghĩa thành “người có đức” và kẻ “vô đức”.
Ngày xưa ở nước ta, các nho sĩ chỉ tập trung học kinh sách Khổng Tử nên trường nghĩa “kẻ có đức/kẻ vô đức” của hai từ “quân tử/tiểu nhân” đã lan rộng và trở thành nghĩa duy nhất trong ngôn ngữ Việt. Khen ai đó là quân tử, chê ai đó là tiểu nhân thì hầu như ai cũng hiểu đây là hai nhân cách đối lập. Cách hiểu này xuất phát từ tư tưởng Nho giáo.
Nho giáo tập trung giáo dục con người
Ở Trung Hoa, tư tưởng nhà Nho vốn có từ thời thượng cổ, về sau được các học giả hệ thống lại. Người có công lớn là Khổng Tử. “Tứ thư” (Luận ngữ, Mạnh tử, Trung dung, Đại học) là bộ sách kinh điển của nhà Nho bàn nhiều về quân tử và hình mẫu đối lập là tiểu nhân.
Quân tử luôn rèn luyện 5 đức:
– Nhân là yêu người. Điều mình không muốn thì không làm cho người.
– Lễ là nghiêm cẩn tuân theo khuôn phép trong giao tiếp, cũng như trong việc thờ cúng. Nhất thiết không vụ hình thức.
– Nghĩa là luôn cư xử theo đạo lý, lẽ phải. Người có nghĩa không chạy theo lợi, không vì lợi mà quên nghĩa. Ngoài ra, để thực hiện nghĩa, người quân tử phải có dũng. “Kiến nghĩa bất vi vô dũng giả” (thấy điều nghĩa mà không làm thì không phải là người có dũng).
– Trí là biết suy xét tinh tường để hành xử đúng lẽ phải.
– Tín là nói và làm đi đôi với nhau. Điều gì đã hứa, đã nói thì không làm trái lại.
Quân tử luôn trau dồi, thực hiện nhân nghĩa…, còn tiểu nhân thì ngược lại, chỉ chạy theo lợi trước mắt. Sách “Đại học” viết: “Đến đứa tiểu nhân, hễ ở rảnh rang một mình thì làm việc chẳng lành, không có chuyện bậy bạ nào mà nó chẳng làm. Tới chừng gặp bậc quân tử là người thành thật thì nó lấm la lấm lét, che giấu điều tồi tệ của nó, mà trưng bày điều tốt ra. Nhưng bậc quân tử sáng suốt nhìn nó, như thấy tận gan phổi của nó lận. Như vậy, chẳng thành thật có ích gì? Đó mới gọi là tâm ý ở trong làm sao thì hiện ra ngoài làm vậy. Bởi vậy cho nên bậc quân tử dè dặt lấy mình, khéo giữ gìn tư tưởng và hành động trong khi ở riêng một mình…”.
Xem cách phân biệt trên, rõ ràng hai hình mẫu có nhân cách hoàn toàn trái ngược: người quân tử thì thành thật, kẻ tiểu nhân thì gian trá, luôn che giấu những điều tồi tệ.
Làm người quân tử không dễ
Khổng Tử sinh trưởng vào cuối thời Xuân Thu. Xã hội Trung Hoa lúc này cực kì hỗn loạn. Đến thời Chiến quốc (403 – 221 TCN), các nước đua nhau rèn vũ khí, trang bị giáp trụ, chiến xa… Người ta chỉ nhìn cái lợi trước mắt, thấy sức mạnh vũ lực là phương tiện hiệu quả để mưu lợi. Chính vì vậy, lí thuyết Nhân-Nghĩa của Khổng Tử không được đón nhận.
Khổng Tử sinh trưởng trong cảnh nghèo nhưng rất ham học, nổi tiếng là người học rộng, có chí hướng mong muốn cải tạo xã hội bằng lí tưởng Nho. Mãi đến năm 51 tuổi, ông mới được vua Lỗ dùng làm quan Trung Đô Tể lo việc chính trị, cai quản kinh đô rồi được thăng chức Đại tư khấu, rồi thăng Nhiếp tướng sự (tương đương chức Tể tướng). Chỉ được một thời gian ngắn, do thấy Lỗ hầu đắm sắc dục nên ông bỏ đi, qua nhiều nước: Vệ, Khuông, Tống, Trần, Thái, Diệp, Sở… Đi nhiều nhưng thấy không có nơi nào có thể thi hành đạo của mình, ông bèn trở về quê hương, dạy học và viết sách truyền bá Nho học. Lúc này ông đã 68 tuổi.
Như vậy, ngay từ đầu tư tưởng của Khổng Tử đã không được chấp nhận trên đất Trung Hoa vì một lí do đơn giản là Khổng Tử thì chủ trương chí thành, dùng nhân nghĩa để quản lí xã hội, trong khi các vua chúa cũng như các quan đại phu của liệt quốc lúc này phần lớn đều muốn dùng sức mạnh để đè người. Nói một cách đơn giản, cái hạnh của người quân tử như Khổng Tử không thể chung sống, chung sức được với cả quần thể tiểu nhân rộng lớn. Chính Khổng Tử đã than “Đạo chi bất minh dã, ngã tri chi hĩ” (Đạo ta không sáng ra được, ta biết điều đó rồi) khi thấy lí tưởng không thể truyền bá. Những năm gần cuối đời, Khổng Tử tự ví như con chó lang thang không nhà (táng gia cẩu).
Cả các triều đại về sau cũng vậy: Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín… của Nho giáo chẳng qua chỉ là bức họa trang trí, tấm bình phong tư tưởng. Truyện “Thủy Hử” kể chuyện đời Tống: Cả một xã hội rộng lớn nhung nhúc đầy những quan lại tham ô. Quan xuất thân từ tầng lớp Nho sĩ, hàng ngày vẫn đọc kinh sách Nho giáo nhưng khi có quyền chức thì quên bỏ đức quân tử để trở thành những tiểu nhân chính hiệu, theo lợi mà sẵn sàng bỏ nghĩa. Kẻ giàu có thì dùng mọi thủ đoạn để bóc lột người, coi người nghèo như rơm rác. Bọn thảo khấu thì giết người không gớm tay.
Tuy truyện đề cao nghĩa, kể về cuộc nổi loạn chống lại vua chúa nhà Tống, song đã kể nhiều chi tiết rất dã man của xã hội: Tôn Nhị Nương, biệt danh “Mẫu dạ xoa”, cùng với chồng là Trương Thanh mở quán rượu ở núi Thập Tự, đánh thuốc mê, cướp tài sản khách bộ hành rồi xả thịt nạn nhân giả làm thịt trâu đem bán và làm nhân bánh bao – chuyện xưa nay không thể xảy ra ở nước ta, cũng như ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Đời Hán là triều đại thịnh vượng của Nho học nhưng đạo Nho cũng chỉ được dùng làm phương tiện. Hán Cao Tổ vốn xuất thân ít học, sau khi thắng Sở Bá Vương, diệt Tần… đã không mấy ưa các nho sĩ, không muốn phổ biến Nho giáo. Về sau, vì Lục Cố ra sức can ngăn, phân tích rõ lợi ích của đức trị, Hán Cao Tổ mới thay đổi ý định. Vậy nhưng việc làm tàn độc của Hán Cao Tổ thì hoàn toàn trái với nhân nghĩa. Lần lượt các công thần bậc nhất như Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố… bị giết, bị tru di ba họ; xác Bành Việt bị chặt ra làm mắm gửi cho chư hầu… Vợ Hán Cao Tổ là Lã Hậu cũng nổi tiếng cực kì dâm đãng và độc ác.
Đời Tần là cao điểm của việc chống lại tư tưởng nhân nghĩa. Tần Thủy Hoàng dùng hình pháp… ra lệnh đốt sách, chôn học trò. Cả nước Trung Hoa lúc này trở thành nhà ngục rộng lớn. Mao Trạch Đông từng ca ngợi Tần Thủy Hoàng là anh hùng và đả kích Khổng Tử đến thậm tệ: “Khổng Tử là con chó giữ nhà cho chế độ phong kiến”.
Rõ ràng lí tưởng Nho giáo từ xưa đến nay hầu như rất hiếm khi có chỗ đứng trong xã hội Trung Quốc, bởi chính người Trung Quốc đã không thể dung nạp. Lỗ Tấn, nhà văn giàu tư tưởng nhân bản đã ngậm ngùi viết truyện ngắn “Thuốc” kể chuyện thời Nhật thuộc: Người ta có thể nô nức đi xem chính người Trung Quốc bị chặt đầu, lính ngục còn lấy bánh bao tẩm máu tươi của người vừa bị xử tử đem bán cho người ốm nướng lên ăn làm thuốc…
Thượng tướng Lưu Á Châu, lúc đang là Chính uỷ không quân Quân khu Thành Đô Trung Quốc trong bài nói chuyện tại căn cứ quân sự Côn Minh ngày 11-9-2002 đã bàn về các hạn chế lớn trong tư tưởng người Trung Quốc: “Hoan hỉ xem người ta bị chặt đầu – Hoan hỉ xem cảnh người ta chuẩn bị nhảy lầu tự tử, lại còn thích thú kêu to lên “khoái khiêu, khoái khiêu!” (nhảy mau lên, nhảy mau lên!), cho tới khi Cảnh sát đến mang người muốn tự sát xuống thì những kẻ đứng xem còn tỏ vẻ tiếc nuối vì lỡ dịp không xem được chuyện vui…!”.
Viên tướng Lưu Á Châu gọi đây là thói bỉ tục (thấp hèn-đê tiện) của người Trung Quốc.
Tất cả những tính cách trên là ngược với những gì Khổng Tử từng mơ tưởng xây dựng ở hình mẫu người quân tử. Trong xã hội Trung Quốc, người quân tử ít xuất hiện, hoặc nếu xuất hiện thì chỉ là những ngụy quân tử – là những tiểu nhân chính hiệu nhưng lại khéo trá hình để người đời nhầm là quân tử. Nhân vật Nhạc Bất Quần trong truyện của Kim Dung là ngụy quân tử. Nhân vật Tống Giang trong suốt 70 hồi của Thủy Hử được quần hùng tôn vinh nhưng rốt ráo lại cũng chỉ là ngụy quân tử.
(Theo Công An Nhân Dân)
http://nguyentandung.org/ngay-xuan-luan-ban-ve-quan-tu-va-tieu-nhan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét