Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Đối đầu Mỹ-Nga đã là cuộc đấu toàn cầu

Không còn là cuộc đối đầu ở Ukraine, Mỹ đã mở ra một sàn đấu quy mô toàn cầu, và Nga buộc phải vào cuộc...

Những gì đang chờ đợi Ukraine?
Nếu ai đó nghĩ rằng Nga đang thắng thế, đang áp đảo châu Âu, và thỏa thuận Minsk sắp thành hiện thực, cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ kết thúc nay mai, người Nga dẫn 1-0 trong cuộc đấu Ukraine này, thì có lẽ đã quá lạc quan hơi sớm.
Nga có thể áp đảo được EU, nhưng cuộc chơi bắt đầu phức tạp khi đối thủ thực sự của Nga  là Mỹ đã vào cuộc. 
Kiev đang tìm mọi cách để kéo dài thời gian, duy trì cuộc khủng hoảng, tình trạng giao tranh ở miền Đông. Kiev tiếp tục tăng cường xe tăng cho quân đội quốc gia, tiếp tục thông qua luật tăng quân số cho quân đội.
Diễn biến cuộc chiến ở miền Đông Ukraine vẫn ác liệt tại sân bay Donetsk. Trong ngày 3/3, có 24 trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn. Ngày 4/3, ba binh sỹ Ukraine thiệt mạng, 9 người bị thương. Và bản thân OSCE cũng không thể xác nhận việc Ukraine có thực sự rút vũ khí hạng nặng hay không.
Pháo phản lực vẫn bắn ở sân bay Donetsk
Pháo phản lực vẫn bắn ở sân bay Donetsk
Vì sao Kiev cần tiếp tục duy trì sự căng thẳng ở miền Đông? Bởi đó là sức ép duy nhất mà họ có thể gia tăng lên EU lúc này. Trước đây, vấn đề năng lượng còn là thứ để Ukraine mang ra đe dọa EU, nhưng giờ đây vấn đề khí đốt đã khác. Khi Kiev hết tiền mua năng lượng, EU đã chủ động đàm phán với Nga, qua mặt Ukraine để đảm bảo về một nguồn cung đều đặn và an toàn cho EU.
Bản thân Kiev đã phải bỏ 15 triệu USD để mua khí đốt của Nga để cầm hơi trong vòng 5 ngày. Sau đó, hết 5 ngày kể từ ngày 6/3 trở đi, họ sẽ phải tiếp tục tìm kiếm Mạnh Thường Quân. Việc Kiev tiếp tục gia tăng tấn công, bất ổn chỉ khiến cho thỏa thuận Minsk trở nên mong manh dễ vỡ.
Sự bất ổn đó kết hợp với sức ép từ Mỹ, khi mà Washington nhăm nhăm viện vào lý do "Minsk" bị phá hoại để áp đặt trừng phạt gia tăng vào Nga, sẽ buộc EU phải móc hầu bao. Không phải Kiev không biết toan tính của Mỹ trong thương vụ này.
Chưa kể, các nước thuộc NATO vẫn đang viện trợ quân sự cho Ukraine, tiêu biểu có thiết bị hỗ trợ ngắm mà Phần Lan tặng Kiev, và vừa qua, Ba Lan cũng lớn tiếng ủng hộ tăng cường sức mạnh cho quân đội quốc gia Đông Âu này.
Càng kéo dài thời gian, Kiev càng nhận được nhiều sự trợ giúp. Và một yếu tố quan trọng hơn, Mỹ có thêm cơ hội để duy trì một trong các mặt trận đối đầu với Nga.
Thế trận toàn cầu Mỹ-Nga
Vẫn với cuộc khủng hoảng Ukraine, nếu thỏa thuận Minsk được thực hiện, người ly khai sẽ có hai vùng tự trị là Donetks và Lugansk, Nga có thêm bán đảo Crimea... Và quan trọng nhất là các biện pháp trừng phạt Nga mà EU áp đặt sẽ phải gỡ bỏ.
Điều đó cho thấy Nga mất vài chục tỉ USD xuyên suốt cuộc khủng hoảng, mà hầu như trong đó, Nga thiệt hại vì giá dầu sụt giảm. Giá dầu giảm đâu phải một mình Nga thiệt, Mỹ cũng thiệt, OPEC cũng lao đao. Vì thế có thể nói rằng Nga không thiệt hại nhiều như Mỹ mong đợi, nhưng Nga lại thu lợi quá nhiều về địa chính trị.
Phe ly khai ở Donbass vẫn tiếp tục tuyển lính hằng ngày với lý do Kiev chưa thôi các hành động tấn công
Phe ly khai ở Donbass vẫn tiếp tục tuyển lính hằng ngày với lý do Kiev chưa thôi các hành động tấn công
Chưa kể đến việc Moscow sẽ yên bề một mặt trận sát sườn phía Nam, tập trung vào các mặt trận khác trong cuộc đối đầu với Mỹ. Đó là lý do thứ nhất Washington muốn Ukraine kéo dài bất ổn, để kéo dài nỗi đau kinh tế do trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt. .
Tạm gác vấn đề Ukraine qua một bên, sở dĩ đặt ra vấn đề Mỹ đang áp đặt cuộc chơi toàn cầu với Nga, không phải không có lý do.
Cuộc đối đầu đã kéo lan sang Iran. Bản thân Nga cũng từng mang Iran vào cuộc để đe dọa Mỹ. Tổng thống Putin từng nói hồi cuối tháng 2/2015 rằng Mỹ gia tăng trừng phạt, Nga sẽ cung cấp vũ khí cho Iran. Putin biết rằng cường quốc Trung Đông này vẫn là một con bài chiến lược của mình.
Nhưng Mỹ bắt đầu bẻ mũi nhọn này của Nga khi liên tiếp xúc tiến các hành động đàm phán với Tehran về vấn đề hạt nhân. Dù còn nhiều căng thẳng, nhưng người ta đã nhìn thấy sự cởi mở của Washington. Thậm chí, Mỹ còn khẳng định sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay nào của Israel nếu quốc gia này dám phát động tấn công hay không kích vào Iran.
Sự thành tâm thành ý của Mỹ đã thể hiện rõ ràng, Iran cũng sẽ phân vân và khó có thể vì Nga mà bạc đãi Mỹ. Trong khi bản thân quốc gia này cũng mong muốn được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, cấm vận đang bị Liên hợp quốc áp đặt.
Và sân chơi phía Đông nước Nga được thành lập. Những quân bài tủ của Nga bắt đầu mất dần tác dụng khi Mỹ lựa chọn chiến lược "thay đổi hình ảnh." Chiến lược này được Tổng thống Obama đề cập đến khi kích hoạt các hành động nhanh chóng hòa giải mối quan hệ với Cuba ở Mỹ Latinh.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif kết thúc 3 ngày thảo luận về hạt nhân tại Thụy Sĩ hôm thứ Tư 4/3. Một số giới chức từ cả đôi bên cho biết có đạt được tiến bộ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif kết thúc 3 ngày thảo luận về hạt nhân tại Thụy Sĩ hôm thứ Tư 4/3. Một số giới chức từ cả đôi bên cho biết có đạt được tiến bộ.
Mỹ mang chiến lược đó tới đối phó với Iran. Và với một đồng minh khác của Nga là Syria, gần như đã trở thành một quân cờ tàn khi đắm chìm trong cuộc chiến với khủng bố IS và phe đối lập.
Mỹ vẫn duy trì cuộc chiến với IS một cách cầm chừng bằng các hành động không kích. Nhưng IS lúc này bỗng trở thành hữu dụng với Mỹ hơn hẳn bất kỳ đồng minh nào. Khi chính IS làm bất ổn Syria, gắn Mỹ với Iran vào một mục đích chung là tiêu diệt tổ chức khủng bố này.
IS càng tồn tại, cả Trung Đông và thế giới vẫn phải trông chờ vào vai trò đầu tàu quân sự, lãnh đạo, dẫn dắt của Mỹ.
Như vậy có thể thống kê rằng, mặt Tây, Nga bị NATO cô lập, phía Đông là một Trung Đông hỗn loạn, ngoài tầm kiểm soát, sát sườn là bất ổn ở Ukraine. Chưa kể vòng kim cô trừng phạt kinh tế vẫn siết trên đầu. Đến giờ phút này, thế thượng phong không phải nằm ở Nga, mà dường như gió đã đổi chiều để Mỹ phất lên nhanh chóng.
Nga có thể làm gì?
Trong một vòng đai cô lập càng ngày càng siết chặt, Nga đang tìm mọi cách để tạo thành thế cài răng lược với đối phương. Giống như cách Mỹ làm với Nga khi biến bạn thành thù, Moscow cũng chơi chiêu bài tương tự khi đẩy EU vào mâu thuẫn nội bộ, và lôi kéo EU về phe mình bằng các lợi ích thiết thực.
Tiêu biểu trong đó là những cái tên như Đức, Pháp, một số quốc gia Đông Âu, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ... Nga mang ra chiêu bài lợi ích kinh tế lớn lao hơn cả để kêu gọi những người bạn mới này.
Song song với đó, Moscow vẫn thị uy bằng những hành động mang tính đe dọa khi các tướng nước Nga thường xuyên đăng đàn truyền thông để nói về một cuộc tấn công hạt nhân, hay những cuộc giáng trả chớp nhoáng khiến kẻ thù sụp đổ ngay tức khắc...
Một cứu cánh khác của Nga, mà Mỹ không thể tác động được đến, đó chính là Trung Quốc. Nền kinh tế thứ hai thế giới, với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ hoàn toàn đủ khả năng cứu Nga khỏi cơn nguy khốn về kinh tế tài chính, hoặc thậm chí là cả quân sự.
Cái chết của Boris Nemtsov hoàn toàn có thể đưa cuộc đối đầu Nga - Mỹ bước vào một giai đoạn mới, khốc liệt hơn rất nhiều
Cái chết của Boris Nemtsov hoàn toàn có thể đưa cuộc đối đầu Nga - Mỹ bước vào một giai đoạn mới, khốc liệt hơn rất nhiều
Nhưng chắc chắn, Moscow sẽ chỉ dùng Bắc Kinh như bước đường cùng. Bởi Nga thừa hiểu rằng Trung Quốc như một con dao hai lưỡi. Khi mới vấp vào khó khăn, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng trục lợi với gói hợp đồng năng lượng 400 tỉ USD, nhìn ngoài tưởng khổng lồ, nhưng đơn giá thì rẻ hơn cả bán cho EU. Hoặc Bắc Kinh liên tiếp đưa sức ép để Moscow phải nhả các vũ khí hiện đại bậc nhất của mình, đổi lại sự ủng hộ, hậu thuẫn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều mà Nga chưa làm được, đó là một mảy may tác động đến nước Mỹ. Thậm chí sân sau của Mỹ là khu vực Mỹ Latinh cũng đã được Tổng thống Obama thúc ép nhanh chóng rào lại cho kín đáo với một loạt các biện pháp bình thường hóa quan hệ với các quốc gia đối đầu.
Quay trở lại với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Nga có thể tạm dẫn trước, nhưng xét toàn cục, Mỹ đã chính thức mở rộng cuộc đối đầu với Nga từ cấp khu vực Ukraine lên cấp toàn cầu. Như vậy, khái niệm bất ổn khu vực cũng sẽ chuyển thành bất ổn toàn cầu, điều này thực sự nguy hiểm với toàn thế giới.
  • Đỗ Minh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét