Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Khi kền kền tham gia cuộc chiến giá dầu

cuoc chien gia dau

Thế giới những ngày này đang trải qua một nỗi sợ hãi mơ hồ về một nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đó là một cuộc chiến giá dầu thứ hai chỉ trong vòng 4 tháng kể từ cuộc chiến giá dầu lần đầu được châm ngòi vào cuối tháng 11.2014 và đã khiến nền kinh tế cả thế giới điêu đứng. 


Quả thực, vì một vài lý do nào đó, một cuộc đọ sức giá dầu thứ hai vẫn chưa bùng phát dù những điều kiện cần thiết của nó đã chín muồi. Nếu như trong thế giới tự nhiên, những con kền kền ăn xác thối phần nào đó đã giúp giảm những sự xung đột giữa những động vật hoang dã, thì ở thị trường dầu thế giới ở thời điểm hiện tại cũng đang có sự xuất hiện của những con kền kền.
Trong thế giới động vật, những con kền kền thường là những con vật hưởng lợi từ những cuộc ẩu đả và giết chóc của những loài vật khác, khi nó sinh tồn bằng cách xử lý phần còn lại của thi thể con mồi mà những con thú khác đã để lại. Kền kền vì thế là biệt danh thường được đặt cho những kẻ sinh tồn bằng cách lợi dụng sự xung đột của kẻ khác theo cách đứng ngoài và kiếm lời dựa trên sự xung đột ấy..
Trong thị trường dầu lửa thế giới ở thời điểm hiện tại vì thế cũng xuất hiện những con kền kền  này, khi chúng biết lợi dụng cuộc đọ sức tay ba giữa OPEC, Mỹ và Nga – một cuộc chiến có thể khiến cả thế giới e sợ - để kiếm lời. Và vì thế, khi mà cả thế giới đang trải qua một nỗi sợ hãi mơ hồ về nguy cơ một cuộc chiến giá dầu thứ hai, thì những con kền kền này lại đang là những kẻ vui mừng hơn hết.
Những con kền kền trong thế giới dầu lửa này, không ai khác ngoài những tay đầu cơ và những chủ sở hữu những bể chứa dầu. Những con kền kền này đang chứng minh một điều rằng một nguyên lý cơ bản nhất của việc kinh doanh từ thời cổ đại vẫn đang còn nguyên giá trị ở thời hiện đại, đó là: rẻ thì mua vào, đắt thì bán ra.
Cuộc chiến giá dầu khiến cho giá dầu chạm đáy ở mức trên dưới 40 USD/thùng cách đây ít tháng vì thế là một cơ hội bằng vàng với những tay đầu cơ dầu này, ngay lập tức một số lượng cực lớn dầu đã được những kẻ đầu cơ và những công ty dự trữ mua vào với ý định không giấu giếm là trữ hàng đến khi giá dầu tăng cao trở lại sẽ đem ra bán để kiếm lời. 
Đa phần những con kền kền bự nhất trên thị trường dầu này đều là những công ty đầu cơ đến từ chính nước Mỹ, nơi đang bùng nổ cuộc cách mạng dầu đá phiến, như Kinder Morgan hay Oiltanking MgbH, hầu hết trong số đó đều đang sở hữu lượng dầu dự trữ ít nhất là gần 10 triệu thùng/mỗi công ty.
Sở dĩ những tay đầu cơ này dám dự trữ một lượng dầu lớn như vậy, là vì chi phí thuê kho bãi ở Mỹ là tương đối thấp, thường chỉ dao động ở mức 20 – 50 cent một thùng mỗi tháng, và kể cả khi nhu cầu kho bãi tăng cao dẫn đến việc các tay chủ sở hữu kho và bể chứa có nâng giá thì cũng chỉ lên tới 80 cent một thùng mỗi tháng. 
So với mức dao động của giá dầu trong từng tháng thì khoản tiền thuê kho bãi kia vẫn là quá thấp, khi mà trong hơn 2 tháng qua giá dầu đã tăng gần 20 USD/thùng kể từ khi chạm đáy thì chi phí cho việc trữ dầu chỉ xấp xỉ 1/10 mức dao động của giá dầu. Kể cả khi những kẻ muốn ăn non và bán dầu ra ở thời điểm hiện tại chứ không chờ đợi thêm thì sự chênh lệch đó cũng đang đem về một khoản lợi nhuận đáng kể.
Mặc dù vậy, những con kền kền này lại đang được các chuyên gia cho rằng đang giữ một vai trò không nhỏ trong việc đẩy lui một cuộc chiến giá dầu thứ hai đang khiến cả thế giới lo ngại. Việc các công ty đầu cơ này đua nhau mua dầu giá rẻ khiến cho dù cả Mỹ, Nga và OPEC vẫn đang tăng cường sản lượng khai thác thì thị trường vẫn chưa có dấu hiệu bão hòa và làm bùng nổ một cú sụt giá kinh khủng của dầu lửa trên thị trường thế giới như trước. 
Tổng lượng dầu dự trữ ở Mỹ đang đạt đến con số 459 triệu thùng, cao nhất trong vòng 80 năm qua, và còn có thể tiếp tục tăng thêm khi mà nền kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và các kho chứa cũng như bể chứa hàng hóa vẫn đang khá dồi dào, và nhất là khi các công ty đầu cơ trên khắp thế giới cũng đang đua nhau theo cách làm của những tay đầu cơ Mỹ.
Trên thực tế, việc các công ty đầu cơ trên toàn cầu đua nhau mua dầu giá rẻ để dự trữ kiếm lời chỉ là một trong những nguyên nhân chính đang trì hoãn một cuộc chiến giá dầu mới trên thế giới. Nó còn phải kể đến sự hồi phục tăng trưởng ở châu Á đang khiến nhu cầu dầu ở đây cao vọt như Nhật Bản hay Ấn Độ, nền kinh tế Trung Quốc dù đã tăng trưởng chậm lại nhưng Bắc Kinh lại cũng đang tận dụng giá dầu rẻ để tăng cường mua dự trữ, tất cả những điều này khiến cho châu Á đang trở thành thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, vượt qua châu Mỹ và châu Âu. 
Cũng phải kể thêm việc một số nền kinh tế lớn nhất thế giới như EU hay Nhật Bản đang rất mạnh tay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để tránh nguy cơ giảm phát, khiến cho dự báo về nhu cầu sử dụng dầu tăng cao hơn.
Giới phân tích cho rằng, vai trò của những công ty đầu cơ trong việc dự trữ dầu là ở việc nó có thể kìm hãm đỉnh bão hòa của thị trường đủ lâu cho đến khi dự báo về nhu cầu dầu ở EU, Nhật Bản hay Ấn Độ tăng cao để tránh bùng nổ một cuộc chiến giá dầu lần thứ hai có thể đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy trầm sâu thêm. 
Các nhà khoa học thường nói vui rằng, tình trạng ẩu đả trong thế giới động vật có xu hướng giảm đi khi mà các loài vật ý thức được vai trò của loài kền kền, rằng dù kẻ nào thắng thì chỉ có những con kền kền hưởng lợi. Và ở thị trường dầu lửa thế giới hiện nay cũng vậy, những con kền kền đầu cơ về một phương diện nhất định lại đang trở thành những kẻ cứu tinh cho nền kinh tế thế giới, khi mà nó là tác nhân quan trọng khiến cho một cuộc chiến giá dầu lần thứ hai có thể ảnh hưởng xấu đến kinh tế thế giới khó có khả năng xảy ra hơn.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
http://motthegioi.vn/quoc-te/ho-so/khi-ken-ken-tham-gia-cuoc-chien-gia-dau-166027.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét