Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Vì sao lãnh đạo Trung Quốc ngưỡng mộ Lý Quang Diệu?

Thủ tướng lập quốc của Singapore Lý Quang Diệu là một trong số ít nhân vật mà Bắc Kinh kính nể và thừa nhận sử dụng di sản của ông như "kim chỉ nam" để phát triển Trung Quốc.

 
Lý Quang Diệu và di sản chính trị cực kỳ quý giá
Ông Lý Quang Diệu là cố vấn cho tất cả các lãnh đạo Trung Quốc, từ thời Đặng Tiểu Bình cho đến nay.
Khi ông ra đi, các báo Trung Quốc tràn ngập thông tin, hình ảnh, các bài bình luận về ông với nhiều sắc thái: Tự hào, khâm phục, tiếc nuối...
Điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, mà có nguyên nhân của nó.
Tờ Nhân dân Nhật báo bình luận rằng, "mô hình Singapore" - di sản cốt lõi của ông Lý Quang Diệu - đã phản ánh bối cảnh tư tưởng văn hóa của "nhà kiến tạo" chủ chốt này.
Theo đó, tư tưởng của người sáng lập Singapore là sự dung hòa giữa chủ nghĩa xã hội dân chủ từ Công đảng Anh, tư tưởng Pháp gia Trung Quốc và quân chủ luận của nhà triết học Italia Niccolò di Bernardo dei Machiavelli.
Kể từ khi nhậm chức Thủ tướng sau khi bang tự trị Singapore thành lập (1959) tới khi rút khỏi chính trường (2011), Lý Quang Diệu nắm quyền lãnh đạo trong 31 năm, đảm nhiệm các chức vụ Nội các trong 52 năm và có tiếng nói rất mạnh trong chính phủ Singapore mới.
Trong thời kỳ cầm quyền của Lý Quang Diệu, Singapore chỉ mất không tới 40 năm để từ một vùng đất "thiếu thốn nguồn lực kinh tế và bảo đảm an ninh" hiên ngang trở thành một trong "4 con rồng châu Á", tiến vào nhóm các quốc gia phát triển.
Tổng thể chu trình phát triển của Singapore, hay chính là thành tựu và di sản của Lý Quang Diệu, được đúc kết chung là "mô hình Singapore".
"Mô hình Singapore" của Lý Quang Diệu có sự khác biệt rõ rệt so với mô hình đi lên của các quốc gia phát triển phương Tây hay các nước kém phát triển ở thế giới thứ ba
Mô hình phát triển này là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa pháp trị uy quyền, chủ nghĩa phát triển, chủ nghĩa mậu dịch tự do và chủ nghĩa phúc lợi xã hội, được thúc đẩy bởi một "cơ chế trị quốc tinh anh".
Sự kết hợp này đã thành công mỹ mãn, giúp Singapore hình thành được cơ cấu chính phủ liêm khiết, chính sách đối ngoại tích cực, mô hình tích lũy tài chính cao và thể chế bảo đảm xã hội ổn định.
Có thể nói, cái tài của Lý Quang Diệu là ông đã "nâng cấp" và dung hòa được những luồng tư tưởng đa dạng thành một "quan niệm quản lý quốc gia", đồng thời chuyển hóa quan niệm này vào sự vận hành của thể chế hành chính.
Trên thực tế, trong lịch sử có vô số tiền lệ thất bại trong quá trình chuyển hóa này. Nhưng Lý Quang Diệu đã thành công, và điều này không thể lý giải là một sự may mắn ngẫu nhiên.
Mô hình Singapore là di sản chính trị quý giá của Lý Quang Diệu, minh chứng là những kỳ tích mà đất nước này đã tạo nên chỉ trong vòng 40 năm.
"Mô hình Singapore" là di sản chính trị quý giá của Lý Quang Diệu, minh chứng là những "kỳ tích" mà đất nước này đã tạo nên chỉ trong vòng 40 năm.
Giai đoạn manh nha của "mô hình Singapore", đất nước nhỏ bé này phải đối mặt với xung đột văn hóa và chủng tộc nghiêm trọng giữa người gốc Hoa và người gốc Malaysia, bên cạnh đó là cơ sở kinh tế lạc hậu, tỉ lệ thất nghiệp cao, thị trường nội địa không phát triển...
Những nhiệm vụ nan giải nhất là thống nhất giá trị xã hội, tìm kiếm động lực phát triển kinh tế, ổn định tình hình khu vực... vào giai đoạn sơ khai của Singapore, hoàn toàn không có một tổ chức xã hội nào đủ năng lực chia sẻ cùng chính phủ.
Lựa chọn duy nhất chính là đưa những bộ óc thông minh nhất vào chính phủ, để chính phủ giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, nhấn mạnh "trật tự đi trước dân chủ".
Sự lựa chọn này xuất phát từ tính tự giác và ý thức liêm khiết của ông Lý Quang Diệu cùng Nội các của mình, mà về sau đã được ghi nhận.
"Mô hình Singapore" là minh chứng cho thấy hình thái giá trị "phi phương Tây" của các quốc gia phát triển sau cũng có khả năng đạt được thành công, và hơn thế nữa là xây dựng được cả một thể chế giá trị quốc gia mới.
Bản thân Lý Quang Diệu hay người đồng cấp Malaysia Mahathir chính là những người đề xướng mạnh mẽ "giá trị quan châu Á" mà điểm tựa chủ yếu là "mô hình Singapore".
Điều này khiến quan niệm lãnh đạo của ông Lý tạo nên sức ảnh hưởng cực lớn đối với nhiều quốc gia đang trên đà phát triển.
Trung Quốc, sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách mở cửa cũng xem đường hướng của Lý Quang Diệu như "đá mài ngọc" đưa đường dẫn lối.
Sau khi đảng Nhân dân hành động chỉ giành được 60,14% phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2011, "mô hình Singapore" đã đối mặt với những chỉ trích về "bóng dáng của quốc gia bảo hộ" hay "bám váy chủ nghĩa tư bản".
Dù tình hình thực tế yêu cầu lớp lãnh đạo kế cận Lý Quang Diệu cải cách mạnh mẽ, và mô hình của ông cũng không hoàn toàn phù hợp với các nước khác, song có một điều không cần bàn cãi, "mô hình Singapore" là di sản chính trị quý giá mà ông để lại cho nhân loại.
Những giá trị chính trị và tư tưởng bao hàm trong con đường của ông Lý được tin tưởng rằng sẽ còn được phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Ông Lý Quang Diệu năm 1965.
Ông Lý Quang Diệu năm 1965.
"Ngoại giao cân bằng" - Con đường sinh tồn của nước nhỏ trong mắt Lý Quang Diệu
Nhân dân Nhật báo đánh giá, chính sách về Trung Quốc của Lý Quang Diệu xuất phát từ quan điểm ngoại giao cân bằng của ông, song cho rằng "trạng thái cân bằng" chỉ là hình thức lý tưởng và nếu vận dụng không phù hợp sẽ tạo bất lợi cho chính Singapore.
Xét về diện tích và dân số, Singapore được xếp vào dạng quốc gia "siêu nhỏ", nhưng lại có tầm ảnh hưởng không thể chối cãi tại châu Á và cả thế giới nói chung. Điều này có được phần lớn dựa vào ông Lý Quang Diệu.
Việc tìm chỗ đứng của quốc gia bé nhỏ này buộc phải dựa vào phát triển nền kinh tế "quy mô nhỏ mà mạnh".
Trong khi đó, giai đoạn sơ khai, Singapore vô cùng thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên, ngay cả nước ngọt họ cũng không thể tự cung tự cấp, chưa nói tới khoáng sản, năng lượng.
Trong bối cảnh buổi đầu độc lập, chính ông Lý Quang Diệu đã nhắc đi nhắc lại với chính phủ và quốc dân rằng "phải có ý thức mạnh mẽ về hoàn cảnh khó khăn".
Dưới sự lãnh đạo của ông Lý, Singapore đã có những bước "quật khởi" thần kỳ, với những thành tự làm thế giới kinh ngạc.
Một trong những thành tựu đáng nể khác của Lý Quang Diệu chính là tài ngoại giao "lấy nhỏ đấu lớn". Sau khi lập quốc, Singapore đối diện với vấn đề an ninh khu vực vô cùng phức tạp, trong khi "sóng ngầm" Chiến tranh Lạnh không ngừng ập đến.
Trật tự thế giới lưỡng cực với Mỹ và Liên Xô đã ảnh hưởng tới Đông Nam Á, khiến đất nước của Lý Quang Diệu "phải tìm đường sinh tồn trong thế gọng kìm giữa cuộc chơi của các nước lớn".
Lúc này, "lấy nhỏ đấu lớn" đã trở thành nguyên tắc cốt lõi trong tư tưởng chiến lược ngoại giao của Lý Quang Diệu.
Ông Lý từng nói - "Tại một khu vực, nếu như có từ 2 cường quốc trở lên cạnh tranh thì nước nhỏ sẽ có không gian để thực hiện chính sách 'hợp tung' và 'liên hoành' (2 đường lối ngoại giao do Tô Tần, Trương Nghi thời Chiến Quốc đề ra)".
Lý Quang Diệu gọi đường lối của mình là "ngoại giao cân bằng". Đầu tiên, ông duy trì quan hệ hữu nghị với Mỹ, song vẫn tuân theo tư tưởng "không liên kết", không xây dựng quan hệ đồng minh với Mỹ.
Mặt khác, Lý Quang Diệu áp dụng chính sách trung lập theo cách mà Thụy Sĩ thực hiện, thúc đẩy quan hệ với nhiều bên, tránh đối đầu và cố gắng duy trì vị thế "không can thiệp" khi đứng giữa 2 phe đối nghịch.
Dù vậy, ông Lý không hề né tránh việc tuyên bố quan điểm của Singapore. Ông thông minh hơn người khác ở chỗ biết chọn đúng chủ đề, đúng thời điểm để nói lên lập trường của mình, qua đó dần dần xác lập tầm ảnh hưởng của nước mình.
Ông Tập Cận Bình gặp ông Lý Quang Diệu ngày 23/5/2011 tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, khi ông Tập còn là phó Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: Chinanews.
Ông Tập Cận Bình gặp ông Lý Quang Diệu ngày 23/5/2011 tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, khi ông Tập còn là phó Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: Chinanews.
Trong quan hệ với Trung Quốc, Bắc Kinh cũng phải thừa nhận và "ngả mũ" trước đường lối ngoại giao của Lý Quang Diệu.
Nhân dân Nhật báo lý giải một cách khá "tự hào" rằng nhờ thấm nhuần tư tưởng Nho gia, ông Lý có sự hiểu biết sâu sắc về Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Singapore từng thực hiện hàng chục chuyến thăm Trung Quốc, đầu tư rất nhiều tâm huyết để tạo dựng quan hệ với Bắc Kinh và được giới lãnh đạo nước này gọi là "người vong niên của Trung Quốc".
Thế nhưng, Lý Quang Diệu cũng nhận định, sự trỗi dậy của Trung Quốc ở phương Đông là xu thế tất yếu và bản thân ông không che giấu thái độ hy vọng Mỹ ra mặt "cân bằng" thế lực của Bắc Kinh ở châu Á - Thái Bình Dương.
Thậm chí, ông cũng không ngần ngại cảnh báo Nhật Bản, Ấn Độ "đề cao cảnh giác với Trung Quốc" - Nhân dân Nhật báo viết.
Trung Quốc "nể" ông Lý bởi ông dường như là một con người đầy mâu thuẫn và luôn khiến báo chí tốn giấy bút để tranh cãi, song điều này lại không hề ảnh hưởng tới vị thế cũng như tầm ảnh hưởng quốc tế của ông.
Bất kể là khi tại nhiệm hay đã "về hưu", Lý Quang Diệu luôn là nhân vật được rất nhiều nguyên thủ quốc gia "xếp hàng" để gặp mặt và xin ý kiến.
Lý Quang Diệu từng viết trong sách rằng, ông sùng bái Charles de Gaulle và Winston Churchill bởi ý chí kiên cường, không đầu hàng của các nhà lãnh đạo Pháp và Anh.
Luôn xác định bản thân là "lãnh đạo một nước nhỏ", ông Lý đã nỗ lực tiếp thu phẩm chất của các vị nguyên thủ này.
"Mọi người sẽ nhớ về tôi như thế nào, điều đó tôi không quyết định được. Trong cuộc sống, tôi chỉ làm những việc mà mình tin rằng sẽ mang lại giá trị" - Lý Quang Diệu từng nói.
Nhân dân Nhật báo đã cảm thán rằng, chính cuộc đời Lý Quang Diệu đã là một di sản vô cùng phong phú và quý báu để người Singapore tham thấu.
http://soha.vn/quoc-te/vi-sao-lanh-dao-trung-quoc-nguong-mo-ly-quang-dieu-20150318140257051.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét