Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Viện Khổng Tử: Giấc mơ dang dở về quyền lực mềm của Trung Quốc

Đâu là những chỉ dấu cần thiết của một cường quốc ở thời điểm hiện đại, hầu hết tất cả đều nghĩ rằng chỉ hùng mạnh về kinh tế, chính trị và quân sự là chưa đủ mà phải có ảnh hưởng mạnh mẽ về văn hóa đối với các châu lục trên thế giới. Đó là quyền lực mềm.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nghĩ như vậy khi họ chứng kiến các trào lưu và tiêu chuẩn văn hóa phương Tây đang lan tràn trên khắp thế giới, và họ cũng nỗ lực thực hiện những bước đi để đạt được những thành tựu tương tự, để quảng bá văn hóa truyền thống Trung Quốc ra toàn thế giới. Chỉ có điều nó mãi mãi vẫn chỉ là giấc mơ dang dở mà thôi.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, tiêu chuẩn mới về một siêu cường trên thế giới đã ra đời. Đó là ngoài việc sở hữu một sức mạnh tổng hợp, bao gồm kinh tế, chính trị, quân sự, thuộc diện hàng đầu thế giới, quốc gia đó cần phải sở hữu một hệ giá trị tư tưởng mạnh mẽ đủ sức lan tỏa ra không chỉ các nước láng giềng mà còn là nhiều nơi trên thế giới. 
Chiến tranh lạnh trở thành một cuộc chiến về các hệ giá trị một cách điển hình nhất được dẫn dắt bởi hai siêu cường ở thời điểm đó là Mỹ và Liên Xô, với hai hệ giá trị tiêu biểu và đối lập nhau: khối tư bản do Mỹ đứng đầu với phạm vi ảnh hưởng chủ yếu ở Bắc Mỹ và các nước Tây Âu, khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu với phạm vi chủ yếu ở khu vực Đông Âu.
Chiến tranh lạnh kết thúc nhưng vai trò và tầm quan trọng của hệ giá trị không mất đi. Thậm chí nó càng trở nên mạnh mẽ hơn ở thời điểm hiện tại, khi nó đang trở thành tiêu chuẩn gần như bắt buộc để xác định một quốc gia có phải là một siêu cường hay không. Hùng mạnh về kinh tế và quân sự đã là một tiêu chuẩn lỗi thời, giờ đây yếu tố mấu chốt nằm ở việc hệ giá trị của anh có đủ mạnh mẽ để vượt qua các đường biên giới và lôi cuốn người dân khắp nơi trên thế giới hay không. Nhạc Rock, Coca-Cola, McDonald và các phong cách sống của giới trẻ ở Âu - Mỹ đang dần trở thành những trào lưu phổ biến trên toàn thế giới đang chứng tỏ sự lôi cuốn mạnh mẽ của hệ giá trị Âu - Mỹ hiện nay. 
Nó đang trở thành minh chứng rõ nét nhất cho sự mạnh mẽ và lôi cuốn của hệ giá trị Âu - Mỹ, đồng thời cũng là dẫn chứng khẳng định cho vị thế siêu cường của Mỹ trên toàn thế giới ở thời điểm hiện tại, khi mà quốc gia này đang không chỉ xuất khẩu đi các thể chế chính trị và kinh tế, mà còn là cả các quan niệm và phong cách sống đặc trưng của người dân nước này.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có lẽ cũng nghĩ như thế, nên khi mà viễn cảnh về một Trung Quốc có nền kinh tế hùng mạnh hàng đầu trên thế giới đã ở trong tầm mắt, Bắc Kinh đã lập tức xúc tiến kế hoạch về việc quảng bá văn hóa truyền thống Trung Quốc ra toàn thế giới như một dấu hiệu chính thức cho vị thế siêu cường mà quốc gia này đang hướng đến trong tương lai. 
Vào năm 2004, khi mà Trung Quốc vẫn chưa soán ngôi Nhật Bản để trở thành nền kinh tế số hai thế giới, các nhà lãnh đạo nước này đã triển khai dự án đầy tham vọng để thúc đẩy ảnh hưởng văn hóa của nước này ra toàn thế giới, bằng cách thành lập những “viện Khổng Tử” ở khắp các nước trên thế giới như một trung tâm giới thiệu và quảng bá văn hóa Trung Quốc ở mỗi quốc gia.
Trên thực tế, những số liệu thống kê có vẻ như đang ủng hộ kế hoạch này của Bắc Kinh. Khi mà sự lớn mạnh về kinh tế của Trung Quốc đang nhận được sự chú ý của giới học giả và các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới về lịch sử, văn hóa và truyền thống của đất nước đông dân nhất hành tinh. Chỉ tính riêng ở Mỹ, số lượng học giả tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Trung Quốc lên tới cả trăm ngàn người.
 Việc thành lập các viện Khổng Tử như những trung tâm văn hóa truyền thống Trung Quốc ở các nước vì thế cũng tạo ra sự háo hức và quan tâm của giới học giả từng nước, và số lượng các viện này trên toàn thế giới tính đến cuối năm 2014 đã đạt một con số kỷ lục: 1.086, nhiều nhất là tại Mỹ với 458 viện và 31 viện ở Canada. Có lẽ không có một nước nào trên thế giới lại có hệ thống cơ quan đảm nhiệm vai trò quảng bá văn hóa ra toàn thế giới một cách đồ sộ và quy mô như vậy.
Thế nhưng, thực tế lại quá phũ phàng. 10 năm kể từ khi Bắc Kinh triển khai kế hoạch thành lập hệ thống các viện Khổng Tử trên toàn thế giới, số lượng thực sự các viện đi vào hoạt động đang quá ít ỏi và thực sự trở thành một nỗi thất vọng đối với học giả các nước và là một phiền toái với người dân các nước. Thay vì trở thành các trung tâm giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống của Trung Quốc với người dân các nước trên thế giới, các viện Khổng Tử này lại đang có xu hướng trở thành những cơ quan tuyên truyền cho đường lối chính sách của Trung Quốc. 
Tự do học thuật bị bóp nghẹt, các chương trình giới thiệu và giảng dạy văn hóa truyền thống thì nghèo nàn và cứng nhắc, và gần như chỉ được phép đề cập đến những vấn đề được chính phủ Trung Quốc coi là “an toàn”. Thậm chí có nơi, viện Khổng Tử này lại trở thành một tổ chức mang màu sắc chính trị như viện Khổng Tử tại đại học bang North Carolina ở Mỹ, khi những người phụ trách viện này tuyên bố sẽ phản đối bài phát biểu của Đạt Lai Lạt Ma – vị lãnh tụ tinh thần lưu vong của người dân Tây Tạng – tại đại học này.
Quá thất vọng đối với các viện Khổng Tử kiểu như thế này, nên không khó hiểu khi người dân và quan chức các nước trên thế giới ngày càng tỏ ra xa lánh với các cơ quan tuyên truyền trá hình này. Bắc Kinh đang phá hỏng sự quan tâm và yêu mến của người dân trên toàn thế giới dành cho văn hóa Trung Quốc, và đang không khác gì ném nó vào thùng rác. Hàng loạt viện Khổng Tử bị đóng cửa ở nhiều nước trên thế giới, mà điển hình gần nhất là các viện ở Toronto, Canada; cùng với các đại học Chicago và Pennsylvania. 
Ở nhiều nước khác, văn phòng của các viện này hoặc là bị bỏ hoang hoặc là đóng cửa. Một số nhà phân tích thì nói đùa rằng, có lẽ trong lịch sử, Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu văn hóa của mình qua con đường xâm lăng và bạo lực và điều này đã ăn sâu vào tư duy của các nhà lãnh đạo nước này đến nỗi họ cũng đang sử dụng một phương pháp đầy thô bạo để truyền bá văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay. Có thể đúng, có thể sai. Nhưng chắc chắn một điều rằng sẽ còn rất lâu nữa Bắc Kinh mới có thể đưa giấc mơ dang dở về truyền bá văn hóa ra toàn thế giới trở thành hiện thực, nếu như họ không thay đổi suy nghĩ và cách thức tư duy của mình.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
http://motthegioi.vn/ho-so-phan-tich/vien-khong-tu-giac-mo-dang-do-ve-quyen-luc-mem-cua-trung-quoc-167167.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét