Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Chiến sự Tam Giác Vàng và quan hệ Myanmar-Trung Quốc

Myanmar tiêu diệt nhóm phiến quân sắc tộc tại Tam Giác Vàng,quan hệ với Trung Quốc phức tạp.

(Toquoc) – Quân đội Myanmar tiêu diệt một nhóm phiến quân sắc tộc tại Tam Giác Vàng giáp biên giới Trung Quốc; quan hệ với Trung Quốc trở nên phức tạp.
Cuối tháng 8 vừa rồi, chính quyền Myanmar đã điều động 10.000 quân có xe bọc thép và trọng pháo yểm trợ, tấn công một nhóm du kích quân sắc tộc Kokang thuộc bang Shan. 1.000 chiến binh Kokang đã bị xóa sổ. Khoảng 700 chiến binh còn lại chạy sang Vân Nam, bị Quân giải phóng Trung Quốc tước vũ khí và quản thúc. Quân đội chính phủ đã kiểm soát được Laukkai, thủ phủ của Kokang.
Kể từ cuộc xung đột ngày 8/8, khi quân đội Myanmar đột kích vào các cơ sở sản xuất thuốc phiện và bom mìn của phiến quân ở Kokang, đến chiến dịch trong các ngày 27-29/8, khoảng 30.000-50.000 người Kokang và từ các khu vực kế cận đã tràn sang tị nạn tại Vân Nam. Trung Quốc phải lập ra 7 khu tạm trú và cung cấp nhu yếu phẩm và thuốc men cho những người lánh nạn. Đa phần dân tỵ nạn là người Hoa sinh sống lâu đời ở Myanmar.
Về kinh tế - văn hóa, vùng biên giới này của Myanmar có liên hệ gần gũi với Trung Quốc. Thế kỷ 17, dòng tộc Yang trung thành với nhà Minh chạy sang lánh nạn và lập nên Kokang. Trong Chiến tranh thế giới II, nhóm sắc tộc này chiến đấu chống Nhật trong quân đội Quốc dân đảng. Những năm 1950, dân tộc Kokang nổi loạn đòi quyền tự trị. Năm 1968, đảng Cộng sản Miến Điện (CPB) thành lập chịu ảnh hưởng Cách mạng văn hóa Trung Quốc. Khi CPB giải thể; các đảng viên đứng ra thành lập hoặc gia nhập các nhóm vũ trang sắc tộc tại các bang vùng Tam Giác Vàng. Ngày 30/6/1989, Kokang cùng với 16 phong trào vũ trang khác tại các bang này đã ký thỏa thuận ngừng bắn với chính quyền quân sự trung ương của Myanmar. Đổi lại họ được trao các quyền tự trị về mặt chính trị, kinh tế và an ninh, có quân đội riêng, tạo nên tình trạng cát cứ ngoài vòng kiểm soát của chính phủ. Ngân sách thu được từ buôn bán thuốc phiện và mở sòng bạc thừa sức chi cho các lực lượng vũ trang. Hai gia đình thống trị vùng Wa thuộc bang Shan, tiếp giáp Kokang và biên giới Trung Quốc, có khoảng 20.000 tay súng, là lực lượng mạnh nhất tại vùng Tam Giác Vàng của Myanmar.
Du kích quân Kokang kỷ niệm ngày tự trị
Kokang thường được gọi là “đặc khu số 1”. Trong 150.000 dân sống ở Kokang, 3/4 là người Myanmar gốc Hán, 1/4 là người Trung Quốc sang định cư, buôn bán, lập công ty, xí nghiệp trong thập kỷ vừa qua và biến Kokang thành một vùng trù phú nằm trong quỹ đạo kinh tế của tỉnh Vân Nam.
Theo Hiến pháp mới của Myanmar, thông qua trong trưng cầu dân ý tháng 5/2008, tại Myanmar chỉ có một lực lượng vũ trang do chính quyền trung ương kiểm soát. Tháng 4/2009, chính phủ Myanmar yêu cầu các nhóm vũ trang tại các bang biên giới chuyển thành “lực lượng biên phòng” trực thuộc quân đội Myanmar và tham gia bầu cử tại nước này vào năm 2010. Chỉ mấy nhóm nhỏ chấp thuận chủ trương của chính phủ. Còn các thủ lĩnh của những nhóm phiến quân chủ yếu, trong đó có Kokang và Wa, đầu tháng 8 vừa qua bác bỏ yêu sách của chính phủ.
Chiến dịch Kokang đã chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 20 năm. Hành động quân sự này nhằm xóa sổ lực lượng quân sự của người Kokang - nhóm vũ trang yếu nhất – nhằm gây sức ép với các nhóm dân tộc thiểu số khác giải giáp vũ trang và phục tùng quyền chỉ huy của quân đội chính phủ Myanmar. Chiến dịch còn nhằm triệt phá đường dây buôn bán vũ khí do Iran tổ chức nhằm cung cấp vũ khí cho các lực lượng dân quân tại Lebanon và Dải Gaza để chống Israel. Các cố vấn Israel tham gia giúp quân đội Myanmar trong chiến dịch quân sự Kokang.
Người tỵ nạn từ Wa tiến về cửa khẩu Trung Quốc - Myanmar
Gần đây, Trung Quốc ký với Myanmar hợp đồng mua khí đốt từ ngoài khơi Myanmar. Tổng công ty Dầu khí của Trung Quốc chuẩn bị thi công xây dựng 2 đường ống cùng lúc, dài gần 4.000 km, một để chuyển khí đốt của Myanmar và một để chuyển dầu hỏa của Trung Đông, chạy từ bang Arkan ở miền Tây Myanmar sang tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, từ đó chuyển tiếp vào nội địa. Myanmar sẽ thu được ít nhất 29 tỉ USD trong vòng 30 năm tới nhờ dự án xây dựng hệ thống đường ống này. Chiến dịch quân sự hiện nay nhằm “dọn dẹp” mặt bằng cho việc xây dựng đường ống dẫn dầu khí ngang qua bang Shan.
Làn sóng tỵ nạn tràn sang Vân Nam tạo nên tình hình bất ổn định ở phần biên giới bên phía Trung Quốc giữa lúc nước này đang chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập CHND Trung Hoa 1/10. Trung Quốc muốn dòng người tị nạn trở lại Myanmar, nhưng không có ý định thúc ép họ trở về. Đồng thời, nhà chức trách Vân Nam đang giám sát chặt chẽ để ngăn chặn những người tỵ nạn tìm cách trốn vào nội địa Trung Quốc để định cư lâu dài.
Người tỵ nạn Myanmar sống tại các trại tạm thời phía Vân Nam
Có các nguồn tin tại Yangoon cho biết chính quyền Naypyidaw không hài lòng trước việc Bắc Kinh từ chối ủng hộ chủ trương của họ giải giáp các nhóm vũ trang sắc tộc ở vùng biên giới. Về phía mình, Trung Quốc “rất thất vọng” và “giận dữ” vì giới quân sự nước bạn láng giềng đã không cho biết trước về các cuộc tấn công này. Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đã viết bài ám chỉ Myanmar, đề cập đến những hiểm nguy mà những “chính phủ không được lòng dân”, “những nước không ổn định”, gây ra ở vùng biên giới Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Trung Quốc hy vọng Myanmar có thể giải quyết thỏa đáng vấn đề trong nước để giữ ổn định tại khu vực biên giới Trung Quốc/Myanmar;... kêu gọi Myanmar bảo vệ sự an toàn và các quyền hợp pháp của công dân Trung Quốc ở Myanmar”. Theo một nguồn tin ngoại giao Myanmar, chính quyền Naypyidaw đã “xin lỗi” vì gây ra bất ổn ở vùng biên giới với Trung Quốc.
Trung Quốc bị đặt vào thế khó xử khi phải lựa chọn giữa chính quyền Naypyidaw và bà con người Hoa ruột thịt. Nhất là vào thời điểm hiện nay Mỹ đang tìm cách thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với các nước ASEAN và Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb vừa được đón tiếp với nghi lễ cao nhất khi tới thăm Myanmar giữa tháng 8 vừa rồi.
Trước mắt, Bắc Kinh đã khuyên Myanmar ngừng chiến, thìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn mới với Kokang. Trung Quốc yêu cầu Myanmar ổn định biên giới trước thời điểm 1/10. Đài phát thành Vân Nam kêu gọi người Trung Quốc làm ăn ở vùng biên giới của Myanmar về nước để bảo đảm an toàn. Nhiều cuộc dàn xếp ngoại giao ở hậu trường đang diễn ra tại Côn Minh và thủ đô hai nước nhằm tìm kiếm giải pháp mà các bên liên quan có thể chấp nhận được và tránh gây đổ vỡ cho các quan hệ chiến lược giữa hai nước láng giềng hết sức gần gũi mật thiết trong những năm qua./.
Nguyễn Nguyên
http://www.baomoi.com/Chien-su-Tam-Giac-Vang-va-quan-he-MyanmarTrung-Quoc/119/3204637.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét