Asia Pacific Defense Reporter đã có bài phỏng vấn 2 trong số những chuyên gia phương Tây hàng đầu về quân đội Trung Quốc để xem quân đội và hải quân nước này đang có những dự tính gì trong tương lai: giáo sư Ross Babbage và Toshi Yoshihara.
Chúng tôi sẽ điểm sơ qua các câu hỏi quan trọng và lược dịch phần trả lời. Mời đọc toàn văn để có nội dung đầy đủ của cuộc phỏng vấn quan trọng này.
- Mức độ nghiêm túc của Trung Quốc trong việc mở rộng hải quân?
Toshi: Chỉ có vài trường hợp trong lịch sử mà quy mô của việc mở rộng sức mạnh hải quân có thể so sánh với Trung Quốc hiện tại. Cần phải có nguồn lực và quyết tâm lớn để thúc đẩy một quốc gia hướng ra biển.
Quá trình xây dựng và phát triển của hải quân Trung Quốc cho tới nay gây ra nhiều lo ngại. Lý do là những ví dụ từ lịch sử cho thấy theo sau bước phát triển mạnh mẽ về hải quân thường là xung đột. Mức độ và quy mô của quá trình này cũng rất đáng kinh ngạc. Ở Trung Quốc, hơn một tá chiến thuyền được đưa vào biên chế mỗi năm, biến nước này trở thành quốc gia sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với hơn 300 thuyền chiến các loại, trong khi Mỹ chỉ có khoảng 290 chiếc.
- Trung Quốc đầu tư một cách toàn diện, hay chỉ nhắm vào một số năng lực cụ thể?
Toshi: Trung Quốc tập trung vào các năng lực phi đối xứng nhằm ngăn cản khả năng triển khai lực lượng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Để làm được điều này, họ đầu tư chế tạo tàu ngầm, tàu tấn công nhanh, máy bay… tất cả đều được trang bị các loại tên lửa chống hạm. Hạm đội Trung Quốc cân bằng hơn hạm đội Mỹ. Họ không những chế tạo mới các tàu sân bay, mà còn là các tàu khu trục, tàu tuần dương và tàu hộ tống đủ các kích cỡ. Bên cạnh đó còn có sức mạnh đổ bộ. Mười năm trước, toàn bộ năng lực này không hề tồn tại.
- Trung Quốc còn có lợi thế hơn về công nghệ?
Toshi: chính xác. Tuy nhiên câu hỏi là Trung Quốc sẽ duy trì hạm đội như thế được bao lâu. Điều gì sẽ xảy ra sau 20-30 năm nữa khi các tàu chiến kể trên trở nên lạc hậu, vì khi đó chi phí duy trì và bảo dưỡng chắc chắn sẽ gia tăng? Điều quan trọng là Trung Quốc có đủ nguồn lực và ý chí để duy trì một hạm đội hùng mạnh như thế trong thời gian dài hay không.
Thời gian rất quan trọng. Hạm đội sẽ trở nên lạc hậu dần ở thời điểm mà kinh tế Trung Quốc không còn tăng trưởng nhanh nữa. Bên cạnh đó là các vấn đề về dân số, về kinh tế xã hội, môi trường…có thể sẽ đạt điểm tới hạn vào thập niên 2030. Chi phí duy trì hạm đội khi đó sẽ tăng phi mã. Do đó, phương Tây phải chơi một ván cờ dài hạn, chờ đợi để lợi thế quay trở lại.
- Về quan điểm cho rằng hải quân Mỹ vẫn có lợi thế vì có nhiều kinh nghiệm tác chiến hơn?
Toshi: quan điểm này có vấn đề. Mỹ có kinh nghiệm là đúng, nhưng kinh nghiệm đối đầu với một đối thủ ngang hàng thì lại không. Mỹ chưa bao giờ đối đầu với một địch thủ ngang hàng trên biển kể từ năm 1944.
Mỹ là một lực lượng hải quân toàn cầu cho nên vì vậy chỉ có thể tập trung một số lượng hạm đội ở Thái Bình Dương, trong khi Trung Quốc thì lại có thể tập trung toàn bộ lực lượng ở khu vực. Trung Quốc có lợi thế về mặt chiến trường, về mặt truyền tải thông tin (do ở gần), và về mặt phòng thủ. Chưa kể, còn có các lực lượng khác như tên lửa, máy bay cất cánh từ đất liền.
Ross: Khi phân tích năng lực của Trung Quốc ở Biển Đông, hầu hết mọi người thường chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng ở đá Chữ Thập, Vành Khăn hay Xu Bi. Họ đã không chú ý tới năng lực mà Trung Quốc đã phát triển ở Hải Nam và các khu vực đất liền ở Bắc Biển Đông. Lực lượng hải quân đồn trú hùng mạnh ở đây còn được hỗ trợ bởi không quân, tên lửa đạn đạo và tên lửa chống hạm.
- Công nghệ hải quân của Trung Quốc tiên tiến như phương Tây?
Ross: Trong một số mảng công nghệ họ còn cần phải bắt kịp, đặc biệt là công nghệ liên quan tới tác chiến ngầm. Thế nhưng người Trung Quốc đã tiến những bước rất dài trong suốt 25 năm qua, đặc biệt ở mảng giám sát hàng hải tầm xa, bao gồm công nghệ giám sát từ không gian, các radar giám sát ngoài đường chân trời hay công nghệ giảm sát dưới nước. Vì thế, họ có thể kiểm soát vùng Tây Thái Bình Dương, đặc biệt bên trong chuỗi đảo thứ nhất, một cách chắc chắn.
Toshi: Cần phải nhắc tới các yếu tố cân bằng hàng hải. Ví dụ như các lực lượng hải cảnh, tàu cá, hay dân quan biển.
- Tại sao Trung Quốc lại hiện đại hoá hải quân? Điều này đã làm thay đổi suy nghĩ của họ?
Toshi: Phần lớn là do sức mạnh kinh tế. Chính sách cải cách mở cửa đã gắn chặt kinh tế Trung Quốc vào hệ thống thương mại toàn cầu. Hầu hết các cảng lớn nhất thế giới đều nằm ở Trung Quốc. Bên cạnh đó là sự gia tăng dân số xung quanh các trung tâm kinh tế ven biển. Các yếu tố kể trên tạo ra một xu hướng địa chính trị hướng biển bởi vì tất cả các trung tâm kinh tế và chính trị quan trọng của Trung Quốc nằm ở vùng ven biển phía đông. Mọi yếu tố này cần phải được bảo vệ.
Một số yếu tố khác: chính sách của Tập Cận Bình mong muốn biến Trung Quốc trở thành một cường quốc biển, vấn đề Đài Loan, hay các lợi ích kinh tế và chiến lược toàn cầu mới xuất hiện gần đây. Cuối cùng chính là vấn đề danh dự quốc gia. Một cường quốc toàn cầu như Trung Quốc phải có sức mạnh của riêng mình để bảo vệ lợi ích của riêng mình chứ không thể nhờ cạnh ai, nhất là Mỹ. Hướng biển sẽ là xu thế tất yếu.
- Những gì Trung Quốc đang làm mang tính phòng thủ chính đáng, hay còn gì khác đáng gây quan ngại hơn?
Toshi: Theo cách người Trung Quốc nói, thì họ đang tiến hành “phòng thủ chiến lược”. Điều này có nghĩa là họ sẽ áp dụng các biện pháp tấn công để đạt được những mục tiêu mang tính chất phòng thủ chiến lược, ví dụ như vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên rõ ràng là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những hành vi mang tính tấn công của Trung Quốc sẽ nghĩ khác. Quân đội Trung Quốc đã có khả năng triển khai lực lượng và tạo ra thiệt hại bên trong Chuỗi đảo thứ nhất. Thế nào là “phòng thủ” tuỳ thuộc vào góc nhìn của từng đối tượng.
Cần phải nhấn mạnh rằng bá quyền khu vực là bước đệm để trở thành siêu cường toàn cầu, thậm chí là bá quyền thế giới. Mỹ đã phải trở thành bá chủ Tây bán cầu trước khi có thể phóng tầm nhìn của mình xa hơn. Tương tự, Trung Quốc cũng phải làm chủ Tây Thái Bình Dương trước khi mở rộng tham vọng của mình xa hơn nữa.
- Mỹ, phương Tây và Australia phải làm gì? Tại sao?
Toshi: Chiến lược Quốc phòng Quốc gia của Mỹ đã nhận diện khá tốt các thách thức từ Trung Quốc. Trung Quốc trong một số trường hợp rõ ràng áp dụng tiêu chuẩn kép. Trung Quốc được tự do hoạt động ở các vùng nước toàn cầu, nhưng một số nước lại không được tự do hoạt động ở những vùng biển gần xung quanh Trung Quốc. Nếu thành công trong việc đạt được vị thế bá quyền khu vực, Trung Quốc sẽ tạo được một hệ thống khu vực đóng, qua đó ngăn cản các hoạt động của Mỹ và đồng minh ở khu vực.
- Liệu Mỹ và các nước nhỏ hơn như Australia cố gắng bắt kịp những gì Trung Quốc đang làm?
Toshi: Mỹ và đồng minh có thể cạnh tranh hiệu quả dựa trên chính sách phản ứng thích hợp. Chúng ta không có khả năng vượt trội Trung Quốc trong hiện tại và chúng ta cũng không thể hiện diện áp đảo Trung Quốc ở khu vực. Chúng ta cần phải làm giống như Trung Quốc và xây dựng khả năng chống tiếp cận. Ví dụ, triển khai các hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa ở những vị trí xung kích trong chuỗi đảo thứ nhất có thể gây ra nhiều rủi ro cho hạm đội tàu mặt nước Trung Quốc.
Chúng ta cũng có thể khiến cho Đảng Cộng sản Trung Quốc phải trả giá đắt, phải tác động vào tính toán của Đảng vốn là trọng tâm hành vi và tham vọng của Trung Quốc. Phải làm cho Trung Quốc cảm thấy đắt đỏ hơn khi muốn tiếp tục có được nguồn tài nguyên cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế, vốn là nền tảng của hiện đại hoá quốc phòng.
Đọc đầy đủ nội dung cuộc phỏng vấn ở:
Asia Pacific Defense Reporter tháng 3/2020: China’s Naval Buildup of Alarming Propotions: https://venturaapdr.partica.online/apdr/apdr-march-2020/features/chinas-naval-buildup-of-alarming-proportions
Một bản toàn văn được lưu trữ ở Thư viện Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tại: https://drive.google.com/file/u/1/d/1rh2IolokoIswt6lJnhWUktVXFWR4-DQV/view?ts=5e8c9f28
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét