Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

NHẬT KHÔNG ĐỂ BẮC KINH BẮT NẠT Ở HOA ĐÔNG


Trước tần suất xâm nhập ngày càng nhiều, tàu ngày càng lớn của Trung Quốc, Nhật Bản đã cảnh giác điều chỉnh, tránh “sự đã rồi”.
Những cuộc truy đuổi giữa các tàu tuần duyên Nhật Bản và hải cảnh Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn không ngớt trong suốt 10 năm qua.
Hôm 8-5, lần đầu tiên kể từ năm 2008, hai tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để truy bắt tàu cá Nhật Bản. Tuần duyên Nhật lập tức cử tàu ra ngăn chặn.
Cuộc rượt đuổi diễn ra trong khoảng 50 phút trước khi các tàu Trung Quốc rút đi, nhưng quay lại vào hôm sau với số lượng tăng gấp đôi.
Động thái này được cho là diễn ra ngay sau khi Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Hoa Đông, Biển Đông, Bột Hải và Hoàng Hải.
● Tần suất xâm nhập chưa từng có
Quần đảo không người trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, do Nhật Bản kiểm soát trên thực tế với tên gọi Senkaku. Năm 2012, sau khi Chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo này từ tư nhân, tần suất các vụ xâm nhập của tàu công vụ Trung Quốc tăng liên tục.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, Nhật đã ghi nhận tổng cộng 1.097 vụ xâm nhập vùng nước xung quanh Senkaku của tàu Trung Quốc, trong đó có 126 lần các tàu này tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh Senkaku. Theo báo Asahi của Nhật Bản, đây là tần suất cao thứ hai chỉ sau năm 2013.
Chưa dừng lại đó, Bắc Kinh cũng điều thêm các tàu hải cảnh cỡ lớn, thế hệ mới và một số tàu được hoán cải từ tàu chiến cũ đến Senkaku. Điểm đáng chú ý là lượng giãn nước của những tàu này luôn lớn hơn tàu Nhật Bản gấp đôi, có khi gấp ba.
Chẳng hạn năm 2016 Trung Quốc chủ yếu sử dụng các tàu hải cảnh lớp Shucha II 3.980 tấn, đến năm 2019 đã sử dụng các tàu 4.900 tấn thuộc lớp Zhaolai với tần suất nhiều hơn.
Hồi đầu năm nay, tàu hải cảnh 10.000 tấn số hiệu 2901 đã được Trung Quốc đưa tới Senkaku, trong khi tàu tuần tra lớn nhất của Nhật trực chiến Senkaku chỉ 7.000 tấn.
Liên tục xâm nhập, Trung Quốc chỉ sử dụng tàu hải cảnh. Hải quân Trung Quốc hầu như không can dự các hoạt động ở Senkaku, cá biệt chỉ có năm 2016 một tàu chiến Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải.
Giới quan sát nhận xét mục đích của Trung Quốc chủ yếu để quấy rối, tạo sự bình thường mới và tuyên bố Nhật Bản không có năng lực quản lý nếu không cử tàu ra ngăn cản.
Theo nhà nghiên cứu Adam P. Liff thuộc Đại học Indiana (Mỹ), Bắc Kinh đã cố gắng tránh tạo cớ để Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản can thiệp bởi họ hiểu đằng sau đó có thể là hải quân Mỹ.
Sự thận trọng này được nâng lên vào năm 2014, sau tuyên bố của tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama rằng Washington sẽ đứng về phía Tokyo và bảo vệ Senkaku là một nghĩa vụ trong hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật.
● Bố trận của Nhật Bản
Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, Nhật Bản đã hoàn tất việc bố phòng cho Senkaku với các căn cứ của tuần duyên và Lực lượng phòng vệ biển trải dài từ đảo Yonaguni tới Amamioshima.
Các hòn đảo nằm trong chuỗi này vừa là căn cứ hậu cần cho các tàu tuần duyên chuyên tuần tra Senkaku vừa là “tai mắt” phát hiện các hoạt động của máy bay, tàu chiến và tàu công vụ Trung Quốc trong khu vực.
Trong bài viết trên Trung tâm An ninh hàng hải quốc tế hồi tháng 4 rồi, chuyên gia Michael Perry cho biết Trung Quốc không dám sử dụng tàu hải cảnh quấy rối và bắt giữ ngư dân Nhật như đã làm trên Biển Đông bởi Tokyo sở hữu sức mạnh tuần duyên tương đương với Trung Quốc.
Trước sự xuất hiện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, Nhật Bản đã quyết định thành lập lực lượng cảnh sát tuần tra đảo trực chiến Senkaku. Nhiệm vụ của lực lượng này là phá vỡ kịch bản các tàu cá ngụy trang của Trung Quốc có thể bất ngờ tiếp cận và đổ bộ các toán vũ trang lên Senkaku hòng tạo sự đã rồi.
Với ngân sách năm đầu tiên khoảng 66 triệu USD, lực lượng này sẽ được trang bị các máy bay trực thăng cỡ lớn cho phép triển khai quân nhanh chóng tới những địa điểm nghi ngờ có đổ bộ bất hợp pháp.
● Mỹ cân nhắc đưa quân tới Senkaku
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy hồi đầu năm nay tiết lộ Washington đang cân nhắc triển khai binh sĩ và một số loại vũ khí đến quần đảo Senkaku vào năm 2021. Trong số này có thể có cả vũ khí chính xác tầm xa và tác chiến điện tử.
Trong nhiều năm qua, Washington và Tokyo cũng đã thảo luận về việc biến đảo Mageshima phía nam Nhật Bản thành “hàng không mẫu hạm không thể bị đánh chìm”.
✪ Theo Tuổi Trẻ
---------
Tàu tuần duyên Nhật Bản (trái) truy đuổi tàu hải cảnh Trung Quốc tại quần đảo Senkaku – Ảnh: Tuần duyên Nhật Bản
(TTO - 11 Tháng Năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét