Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Quân sư của ông Tập nghĩ mưu vượt khủng hoảng từ 10 năm trước, Trung Quốc có cơ làm "bá chủ hoàn cầu"?

Đối với Trung Quốc, một cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra là điều mà ban lãnh đạo nước này đã sẵn sàng trong vòng một thập kỷ - tờ Washington Post (Mỹ) chỉ ra.


Quân sư của ông Tập nghĩ mưu vượt khủng hoảng từ 10 năm trước, Trung Quốc có cơ làm "bá chủ hoàn cầu"?

Trung Quốc đã trù bị từ lâu cho khủng hoảng kinh tế
Các nhà quyết sách của Trung Quốc từ lâu đã tiến hành công việc đánh giá tác động địa chính trị của cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo, với khả năng chặn đứng kỳ tích tăng trưởng đã kéo dài hàng chục năm qua của họ.
Các tài liệu chính sách chính thức phản ánh nhận thức của Bắc Kinh rằng cuộc khủng hoảng lớn tiếp theo (sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008) sẽ là một thử thách quan trọng đối với ban lãnh đạo đất nước, đồng thời cũng là một cải tổ đối với cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và phương Tây.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc viết trong một nghiên cứu năm 2013 về vấn đề suy thoái: "Sau một cuộc khủng hoảng lớn, những thứ được tái phân bổ không chỉ là của cải bên trong một đất nước, mà còn là tương quan sức mạnh giữa tất cả các nước".
Thời điểm năm 2013, ông Lưu là Bí thư tổ đảng, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc. Cùng năm, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo tài chính kinh tế trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó chủ nhiệm Ủy ban cải cách phát triển nhà nước (NDRC). Ông Lưu Hạc được xem là kiến trúc sư trưởng về kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong Quý I năm 2020, Trung Quốc báo cáo GDP tăng trưởng âm 6.8% so với cùng kỳ - đánh dấu sụt giảm tăng trưởng trong Quý I lần đầu tiên kể từ sau Đại cách mạng văn hóa 1976.
Trong những tuần gần đây, ông Tập đã phát động chiến dịch kiến thiết mới, khuyến khích công cuộc giảm nghèo và đầu tư vào công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ các nhà máy bị dịch Covid-19 ảnh hưởng, cũng như kích thích tiêu dùng.
Theo WaPo, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc lên nắm quyền sau Đại hội đảng khóa 18 vào năm 2012 đã có những chuẩn bị về chính trị cho sự sụt giảm tăng trưởng.
Richard von Glahn, nhà sử học kinh tế Trung Quốc tại Đại học California, Mỹ, đánh giá những chính sách quản lý chính trị của nước này được dẫn dắt một cách nhất quán bởi "ý thức rằng một ngày nào đó, phép màu kinh tế sẽ bắt đầu tan biến".
"Virus corona đã đẩy nhanh thời gian biểu đó."
Quân sư của ông Tập nghĩ mưu vượt khủng hoảng từ 10 năm trước, Trung Quốc có cơ làm bá chủ hoàn cầu? - Ảnh 2.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) tại lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với tổng thống Mỹ Donald Trump ở Nhà Trắng, Washington, Mỹ, tháng 1/2020 (Ảnh: ERIK S LESSER/EPA-EFE/Shutterstock)
Những thách thức nằm ngoài dự kiến
Vào năm 2010, Trung Quốc tổ chức một đội ngũ do ông Lưu Hạc đứng đầu để nghiên cứu về Đại suy thoái (1929-1933) và khủng hoảng tài chính 2008. Dự án quy tụ các quan chức từ ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý ngân hàng. Kết quả là bản phân tích và đề xuất chính sách hàng trăm trang được công bố 3 năm sau đó.
Sự chuẩn bị này có thể mang lại cho Trung Quốc một "cú hích" trong nỗ lực ứng phó khủng hoảng. Trong khi hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới vẫn đấu tranh để đẩy lùi đại dịch Covid-19 tính theo từng ngày, Trung Quốc đã bắt đầu có những thúc đẩy chiến lược rộng hơn, từng bước mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, cũng như khẳng định thẩm quyền đối với Hồng Kông.
Chiến dịch của Bắc Kinh trở nên thuận lợi hơn trong thời gian chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung xử lý tình hình dịch bệnh trong nước, song song với việc Mỹ đã rút khỏi một số vai trò quốc tế truyền thống trước đó.
Dù vậy, Bắc Kinh có thể phải đối mặt với thách thức kinh tế trong nước đáng kể hơn là họ từng dự kiến. Trong khi dịch Covid-19 thổi bùng lên tâm lý đối địch với Trung Quốc ở nhiều nơi, chính quyền Trump và chính phủ nhiều nước đang chớp thời cơ thúc đẩy các nhà sản xuất của họ rời nhà máy khỏi Trung Quốc để trở về quê nhà.
Các nguồn tin độc quyền của hãng Reuters tiết lộ một báo cáo nội bộ do Bộ an ninh quốc gia Trung Quốc gửi đến các lãnh đạo hồi đầu tháng 4, trong đó đánh giá tâm lý chống lại Trung Quốc ở xã hội quốc tế đang ở mức cao nhất kể từ sau biến động chính trị năm 1989.
Nhật Bản tháng trước thông báo một phần trong gói cứu trợ Covid-19 của nước này sẽ hướng đến việc hồi hương các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc. Tại Mỹ, thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn cho biết bà cùng những nhà lập pháp khác đang thúc đẩy các ưu đãi tương tự dành cho những doanh nghiệp dược phẩm Mỹ.
"Chuỗi cung ứng sẽ dịch chuyển nhanh chóng khi họ được khích lệ," bà Blackburn nói trong một phỏng vấn.
Rút bài học quý giá, Trung Quốc có thể tận dụng khủng hoảng để vươn lên?
Nhà kinh tế trưởng Trung Quốc của Citibank Li-gang Liu đánh giá phản ứng của Trung Quốc trong khủng hoảng năm nay cho thấy nước này đã rút ra được những bài học từ khủng hoảng tài chính. Vào năm 2008, nhà chức trách ồ ạt bơm tiền và các gói tín dụng giá rẻ giúp nền kinh tế giữ tăng trưởng, nhưng hệ quả là chính quyền các địa phương chìm trong nợ nần suốt nhiều năm và giá nhà tăng chóng mặt.
Lần này, Trung Quốc nói rằng sẽ khắc phục khủng hoảng thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, một giải pháp ổn định hơn nếu các biện pháp kích thích kinh tế chậm hơn. Ông Tập Cận Bình từng nhắc nhở rằng nhà là nơi dùng để ở chứ không phải để đầu cơ.
Lấy kinh nghiệm từ Đại suy thoái Mỹ, ông Lưu Hạc dành nhiều trang trong báo cáo năm 2013 để phân tích hệ quả chính trị dài hạn của khủng hoảng - bao gồm sự bùng nổ Thế chiến II. Theo ông, chủ nghĩa dân túy cao trào vào thời kỳ đó đã vượt qua nỗ lực ứng phó của các chính phủ.

Hãy sẵn sàng cho những hậu quả xấu nhất
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc
Ông Lưu cũng kiến nghị cần phải chống lại sự cám dỗ của việc bành trướng ngoại giao quá mức, cũng như đối đầu quân sự không cần thiết. Ông lý giải địa vị thống trị toàn cầu mà Mỹ có được sau Thế chiến II bắt nguồn từ chủ nghĩa cô lập mà nước này theo đuổi trong nhiều thập kỷ trước đó.
WaPo cho hay, lịch sử thế kỷ trước của Trung Quốc đã chứng kiến một trong số khủng hoảng kinh tế đưa đất nước đến bờ vực chính trị. Trong cuộc Đại suy thoái, Nhật Bản trong cơn khó khăn đã tiến hành xâm chiếm vùng Mãn Châu giàu tài nguyên ở Trung Quốc, khơi mào hai thập kỷ chiến tranh và làm kiệt quệ kinh tế Trung Quốc.
Phó thủ tướng Lưu Hạc nêu trong báo cáo năm 2013 các bảng số liệu minh chứng cấu trúc quyền lực toàn cầu đã chuyển dịch sau những khủng hoảng kinh tế. Lần đầu tiên là sự thống trị kinh tế toàn cầu của Mỹ sau Đại suy thoái, lần thứ hai đã chứng kiến các nền kinh tế mới nổi tăng tốc giành lấy chỗ đứng sau khủng hoảng tài chính 2008.
Không gian sau cuộc khủng hoảng mới nhất năm 2020, do Covid-19 gây ra, đến nay vẫn là một khoảng trống - WaPo nhận xét.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét