Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

"Tình anh em" giữa Trung Quốc và Việt Nam rạn nứt ở Biển Đông?

(Trích Bản Tin Biển Đông Số 20: https://dskbd.org/2020/05/06/ban-tin-bien-dong-so-20/)

Một bài phân tích của David Koh, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hợp tác và Hoà bình Campuchia, về mối quan hệ Việt-Trung qua lăng kính Biển Đông với khái niệm “tình anh em" (brotherly love).
Theo Koh, “tình anh em” trong giai đoạn căng thẳng hiện tại giữa hai nước không phải là một nền tảng hữu hiệu và bền vững để thiết lập chính sách nữa, nhất là đối với Việt Nam. Trong tranh chấp Biển Đông, tuyên bố chủ quyền của hai bên là trò chơi có tổng bằng không, không có bất cứ một sáng kiến "chung" nào như chủ quyền chung, sử dụng chung, khai thác chung...được thảo luận.
Nhiều nhà quan sát xem sự thất vọng của Hà Nội đối với Bắc Kinh sẽ khiến Việt Nam xoay trục sang Mỹ. Tuy nhiên, những lo ngại về phản ứng của Trung Quốc, cùng với ý đồ dân chủ hoá từ phía Mỹ, khiến cho Việt Nam chỉ xem Mỹ như một yếu tố mặc cả trong quan hệ với Bắc Kinh.
Phản ứng của công chúng trong nước trước chiến lược của chính phủ Việt Nam khá đa dạng, từ chỗ xem chính phủ là ngây thơ, vẫn còn ảo tưởng trước cái gọi là ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, cho tới xem chính phủ là cẩn trọng đúng mức, không mong muốn chiến tranh nhưng sẵn sàng tham chiến nếu cần thiết.
Trong nội bộ chính phủ và Đảng, sự khác biệt về quan điểm hẹp hơn, tập trung vào sự cần thiết phải áp dụng chiến thuật và chiến lược đa chiều, đa tầng nấc, hơn là đơn thuần chỉ tập trung vào quân sự hoá. Điều này thể hiện qua các công cụ đa phương cả về ngoại giao và quân sự, kinh tế mà Việt Nam áp dụng trong thập kỷ vừa qua.
Tuy nhiên, tác động của các chính sách đó tới Bắc Kinh vẫn còn là dấu chấm hỏi. Cái gọi là “đồng chí tốt, láng giềng tốt" là một phiên bản nhợt nhạt của tình hữu nghị “môi hở răng lạnh" trước kia, và có thể không còn hữu hiệu nếu cả hai nước đứng trước vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia vì 3 lý do.
Thứ nhất, Trung Quốc không còn coi Việt Nam là quan trọng về mặt đoàn kết xã hội chủ nghĩa nữa. Trong khi Việt Nam cần Trung Quốc trợ giúp để chống lại quá trình dân chủ hoá. Bắc Kinh xem Hà Nội đơn thuần là láng giềng như các láng giềng khác mà thôi. Lợi ích quốc gia đứng đầu.
Thứ hai, Việt nam không cho Trung Quốc bất cứ lợi thế nào về kinh tế và chính trị để Trung Quốc có thể trao đổi. Nói cách khác, Việt Nam trong mắt Trung Quốc không có nhiều vị thế chiến lược, trừ khi Hà Nội kết đồng minh với Mỹ hoặc Nga.
Thứ ba, có thể nói Trung Quốc đã bao vây Việt Nam về mặt địa chính trị, khi Bắc Kinh thiết lập quan hệ đặc biệt với Thái Lan, Lào và Campuchia. Mặt trận phía Tây của Việt Nam có lẽ đang bị khoá chặt.
Xem thêm:
SCMP ngày 28/4: Is China and Vietnam’s ‘brotherly love’ adrift in the South China Sea? https://www.scmp.com/week-asia/opinion/article/3081787/china-and-vietnams-brotherly-love-adrift-south-china-sea
Ảnh: chiếc tàu hải cảnh lớn nhất Trung Quốc với trọng tải trên 10.000 tấn mang số hiệu 3901 (hiện đã thay đổi là 5901) hộ tống chiến dịch khảo sát của tàu Hải Dương Địa Chất 8 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nguồn: Báo Thanh Niên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét