Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa đăng một báo cáo dài 30 trang, gọi 24 cáo buộc của Mỹ về virus corona là "lời nói dối", đồng thời tuyên bố virus corona chủng mới xuất hiện ở Mỹ trước Vũ Hán, nhưng không đưa ra chứng cứ.
Trung Quốc lớn tiếng đòi Mỹ 'sửa sai ngay lập tức' nếu không muốn bị trả đũa
Hãng tin Reuters ngày 11-5 cho biết bài phản bác dài 30 trang, gồm 11.000 từ được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tối 9-5.
Reuters tóm gọn các luận điểm chính của báo cáo, trong đó nêu các ca nhiễm virus corona chủng mới xuất hiện ở Mỹ trước khi được phát hiện ở Vũ Hán. Tuy nhiên, theo Reuters, Trung Quốc đưa ra luận điểm này không kèm bằng chứng nào.
Để minh chứng cho luận điểm của mình, báo cáo dẫn thông tin đăng trên tạp chí Lancet ngày 24-1 phân tích về 41 ca COVID-19 đầu tiên được xác nhận nhập viện tại Vũ Hán từ 16-12-2019 đến 2-1-2020. Theo đó, ngày khởi phát triệu chứng của bệnh nhân đầu tiên được xác định là 1-12-2019.
Báo cáo cũng dẫn thông tin của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) ngày 7-5 cho biết ông Michael Melham, thị trưởng Belleville của bang New Jersey, nói rằng ông dương tính với virus corona và nghĩ rằng ông có thể đã nhiễm virus hồi tháng 11-2019, tức hơn 2 tháng trước khi Mỹ báo cáo ca đầu tiên vào ngày 20-1-2020.
Kế đến, báo cáo bác bỏ các cáo buộc từ phía Mỹ rằng virus được cố tình tạo ra hay bằng một cách nào đó thoát ra từ Viện Virus học Vũ Hán.
Nhằm phản bác các thông tin cho rằng Trung Quốc chậm thông tin về virus, báo cáo nhấn mạnh nước này đã cung cấp thông tin về COVID-19 cho cộng đồng quốc tế "kịp thời, cởi mở và minh bạch".
Tuy nhiên, theo Reuters, bất chấp những thông điệp lặp đi lặp lại từ phía Trung Quốc, dư luận quốc tế vẫn quan ngại về tính kịp thời của một số thông tin về COVID-19 tại một số thời điểm ở nước này. Tạp chí Der Spiegel hôm 8-5 dẫn báo cáo từ Cơ quan tình báo BND của Đức nói rằng việc che giấu thông tin ban đầu của Trung Quốc đã khiến thế giới chậm trễ 4-6 tuần để ứng phó với COVID-19.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng về trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã tìm cách cảnh báo sớm về dịch bệnh tại Vũ Hán và qua đời vì chính căn bệnh này.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng bác sĩ Lý không phải là "người thổi còi" và cũng chưa từng bị bắt, trái với thông tin của nhiều hãng tin phương Tây. Dù vậy, báo cáo không đề cập đến việc cảnh sát từng mời ông Lý lên trụ sở công an để khiển trách vì "lan truyền tin đồn".
-----------------------------
Trung Quốc lớn tiếng đòi Mỹ 'sửa sai ngay lập tức' nếu không muốn bị trả đũa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11-5 cảnh báo nếu Mỹ không rút lại các hạn chế visa đối với phóng viên Trung Quốc, Bắc Kinh "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành các biện pháp trả đũa".
Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi Bộ An ninh nội địa Mỹ ban hành một quy định mới, trong đó chỉ cho phép phóng viên Trung Quốc được ở tối đa 90 ngày tại nước này. Trường hợp muốn gia hạn phải nộp giấy xin phép.
Nguyên nhân được cho là xuất phát từ cách Trung Quốc đối xử với các phóng viên/nhà báo quốc tế thường trú tại nước này, trong đó có các nhà báo Mỹ. Hồi giữa tháng 3, Trung Quốc đã trục xuất hàng loạt phóng viên nước ngoài là công dân Mỹ.
"Chúng tôi mạnh mẽ phản đối và không hài lòng trước hành động sai trái của phía Mỹ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 11-5.
Ông này khẳng định hành động của Mỹ mang động cơ chính trị và là sự leo thang trấn áp truyền thông Trung Quốc.
"Trung Quốc yêu cầu Mỹ phải sửa sai ngay lập tức, nếu không, Trung Quốc không còn cách nào khác ngoài việc phải tiến hành các biện pháp trả đũa", đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn giọng đòi hỏi.
Các động thái mang tính ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc được ví như "thêm dầu vào lửa" mối quan hệ đã vốn căng thẳng giữa hai nước vì đại dịch COVID-19.
Hồi tháng 2 năm nay, Trung Quốc đã trục xuất 3 nhà báo của tờ Wall Street Journal của Mỹ sau khi một bài bình luận trên đây gọi Bắc Kinh là "con bệnh của châu Á'' và chỉ trích cách nước này xử lý dịch bệnh.
Để trả đũa, sau đó vài tuần, Mỹ quyết định giảm số lượng phóng viên/nhà báo làm việc cho các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ.
Bắc Kinh tiếp tục đáp trả bằng việc trục xuất hơn một chục nhà báo làm việc cho các tờ báo Mỹ như New York Times, Washington Post và Wall Street Journal.
Theo Hãng thông tấn AFP, phóng viên nước ngoài làm việc tại Trung Quốc thường nhận được visa 1 năm và phải gia hạn mỗi năm. Tuy nhiên, trong một báo cáo của hiệp hội các phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc, ít nhất một chục phóng viên chỉ được Trung Quốc cấp thẻ hành nghề báo chí 6 tháng.
Báo cáo của hiệp hội này nhấn mạnh Trung Quốc đã sử dụng visa như một vũ khí để chống lại báo chí nước ngoài ở mức độ chưa từng thấy.
Theo Reuters
Tuổi trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét