Với sự kiện Trung Quốc đặt tên cho một loạt các thực thể ở Biển Đông trong đó có những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, đề án thống nhất tên gọi các thực thể ở Việt Nam được triển khai từ năm 2001 một lần nữa lại được gợi lại.
Cụ thể, theo Công văn số 1748/BNV-CQĐP của Bộ Nội Vụ ngày 18/6/2007, ngày 17/9/2001, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) phối hợp với Ban Biên giới của Chính phủ (nay là Ban Biên giới – Bộ Ngoại giao) triển khai thực hiện các Đề án thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và các đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phục vụ công tác quản lý hành chính – lãnh thổ, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền đất nước (văn bản số 4303/VPCP-NC của Văn phòng Chính phủ).
Theo đó, cho đến năm 2007, đề án đã thực hiện được các sản phẩm:
1) Dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam.
2) Danh mục thống nhất tên gọi của các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam;
3) Bộ bản đồ gốc tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam;
a. Bản đồ tổng quan địa danh Biển Đông tỷ lệ 1/6.000.000 gồm 01 mảnh
b. Bản đồ địa danh biển Việt Nam và lân cận tỷ lệ 1/1.000.000, được ghép từ 08 mảnh;
c. Bản đồ địa danh chi tiết tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam, khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển lân cận tỷ lệ 1/250.000, gồm có 20 mảnh;
d. Bản đồ địa danh chi tiết tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam, khu vực ven biển từ Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tới Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tỷ lệ 1/50.000, gồm có 20 mảnh;
đ. Bản đồ địa danh chi tiết tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam, khu vực ven biển từ Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình tới Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang tỷ lệ 1/100.000, gồm có 50 mảnh.
4) Cơ sở dữ liệu (đồ họa và thuộc tính) các đối tượng địa lý và chương trình quản lý cơ sở dữ liệu.
Đánh giá kết quả thực hiện Đề án cũng cho biết do vị thế đặc thù của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ và Ban Biên giới - Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu để chuẩn hóa và xác định hơn về tên gọi, về đặc điểm địa lý – địa chất, về lịch sử đối với các đối tượng địa lý trên vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển lân cận phục vụ công tác quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền Việt Nam.
Bộ Nội vụ cũng cho biết Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 05/CV-BCS ngày 10/4/2006 báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc ban hành Nghị định thống nhất tên gọi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên các vùng biển Việt Nam. Tại thời điểm đó, do Bộ Chính trị chưa có ý kiến chỉ đạo nên Chính phủ chưa ban hành Nghị định về thống nhất tên đảo trên các vùng biển Việt Nam.
Bộ Nội vụ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền sớm cho phép ban hành Nghị định.
Đây là văn bản pháp lý gần đây nhất chúng tôi có thể tìm thấy tại các cơ sở dữ liệu pháp lý trực tuyến của Việt Nam liên quan đến đề án thống nhất tên đảo trên vùng biển Việt Nam đã được nghiệm thu từ năm 2007. Chúng tôi không rõ tới nay tình hình có thêm diễn biến cụ thể nào.
Một số nhà khoa học mong mỏi sẽ sớm được nhìn thấy văn bản pháp lý của Việt Nam thống nhất tên gọi các thực thể địa lý trên các vùng biển Việt Nam.
Xem thêm: Công văn 1748/BNV-CQĐP về Kết quả thực hiện Đề án thống nhất tên đảo các vùng biển Việt Nam: https://thuvienphapluat.vn/cong-van/bo-may-hanh-chinh/Cong-van-1748-BNV-CQDP-ket-qua-thuc-hien-De-an-thong-nhat-ten-dao-cac-vung-bien-Viet-Nam-92475.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét