Đằng sau các chiến dịch tuyên truyền yêu sách tứ sa, Trung Quốc vẫn nuôi tham vọng cũ - yêu sách đường lưỡi bò phi pháp ở Biển Đông.
LTS: Trong các công hàm số CML/14/2019, CML/11/2020 và CML/42/2020 gửi tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền với khu vực Nam hải chư đảo. Hiểu nôm na, đây là yêu sách tứ sa, chiếm hơn 90% diện tích Biển Đông. Báo Pháp Luật TP.HCM có trao đổi với ông Hoàng Việt, chuyên gia luật biển quốc tế (ĐH Luật TP.HCM), để làm rõ lịch sử hình thành, nội dung, tính pháp lý, mưu đồ và phương án triển khai yêu sách tứ sa của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông.
Thời gian gần đây, cụm từ “tứ sa” được chính quyền Bắc Kinh đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, lẫn trên các diễn đàn ngoại giao chính thức. Trong khi yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc (TQ) vẫn còn mập mờ, giới quan sát bắt đầu quan tâm đến nội dung mà TQ có ý đồ chuyển tải qua cái gọi là “yêu sách tứ sa”. Chuyên gia Hoàng Việt nhận định đã lý giải cặn kẽ về ý đồ TQ đẩy mạnh tuyên truyền cái gọi là tứ sa thay vì đường lưỡi bò như trước.
- Tứ sa cùng bản chất đường lưỡi bò
.● Phóng viên: Trên mặt trận pháp lý và tuyên truyền, ông quan tâm đến điểm nhấn nào trong tất cả động thái mà TQ thực hiện ở Biển Đông?
+ Chuyên gia Hoàng Việt: Tôi quan tâm đến “cuộc chiến công hàm”. Trong cuộc chiến pháp lý mới đây thông qua các công hàm ngoại giao, khởi đầu là việc Malaysia tái yêu sách thềm lục địa mở rộng hồi tháng 12 năm ngoái, dẫn tới các quốc gia liên quan đã gửi các công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) để thể hiện quan điểm của mình, trong đó có Việt Nam (VN) và cả TQ. Bắc Kinh đã gửi ba công hàm lên LHQ.
Đặc biệt, với Công hàm số CML/42/2020 ngày 17-4, TQ thể hiện những nội dung ngầm đe dọa VN, đồng thời trình bày một số luận điệu mang tính pháp lý của TQ. Trong đó, ngoài việc dẫn lại Công hàm số CML/17/2009 mà TQ gửi lên LHQ 10 năm trước đó, có đính kèm bản đồ yêu sách đường lưỡi bò, TQ nhắc lại cụm từ “Nam hải chư đảo” (Nanhai Zhudao). Cụm từ này được một số chuyên gia diễn dịch nôm na là tứ sa, hay bốn vùng thực thể mà TQ gọi là quần đảo và TQ đòi yêu sách.
●. Phạm vi của yêu sách tứ sa là gì, thưa ông?
+ Nói một cách dễ hiểu nhất đây chính là bốn nhóm thực thể ở Biển Đông mà TQ gọi là quần đảo: Đông Sa (đảo đá Pratas), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của VN), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của VN) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield). Tôi phải khẳng định rằng mục tiêu và tham vọng của TQ là độc chiếm Biển Đông. Điều này không còn ai hoài nghi hay bàn cãi gì thêm nữa. Chính vì thế, yêu sách tứ sa không khác gì nhiều so với đường lưỡi bò ở khía cạnh phạm vi mà TQ muốn chiếm. Có người cho rằng trong khi đường lưỡi bò chiếm hơn 80%, còn tứ sa thì hơn 90%. Chính trị gia hay học giả quốc tế nói gọn là “TQ muốn chiếm hầu hết Biển Đông”. Còn việc dùng cụm từ đường lưỡi bò hay yêu sách tứ sa chính là chiêu trò tuyên truyền của TQ thay đổi để phù hợp với những phản ứng của dư luận quốc tế, cũng như thực tế pháp lý của họ.
- Thực tế pháp lý yêu sách của TQ
.● Như vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền thuật ngữ tứ sa chỉ là một trò truyền thông, hay có gắn với một ý đồ về pháp lý phía sau?
+ Tôi cho rằng cả hai. Lâu nay để độc chiếm Biển Đông, TQ tìm cách để có bằng được một cơ sở pháp lý khả dĩ mà họ hy vọng có thể vin vào đó để thuyết phục các cơ quan tố tụng theo quy định luật pháp quốc tế, hay chí ít là thuyết phục công luận (TQ lẫn quốc tế). TQ đã tìm thấy và dựa trên một bản đồ được xuất bản nội bộ của chính quyền Tưởng Giới Thạch năm 1947. Theo nhà nghiên cứu người Anh Bill Hayton, bản đồ này là xuất phát từ việc vẽ sai của một nhà địa lý người TQ trước đó. Tuy nhiên, cả chính quyền Tưởng Giới Thạch và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vẫn coi đây là yêu sách của họ. Đây chính là nguồn gốc của đường lưỡi bò đầy tai tiếng mà TQ chính thức đưa ra thế giới năm 2009.
Như vậy, một mặt TQ cố tìm cách dựa vào bản đồ này (dù tính pháp lý không có) để thể hiện chủ quyền trên Biển Đông. Mặt khác, TQ tung hỏa mù đối với công luận thế giới bằng những ngôn từ và cách giải thích khác nhau nhưng mập mờ, khó hiểu về tính chất pháp lý bản đồ đường lưỡi bò mà TQ đã trưng ra với thế giới. Tứ sa nằm trong cả hai mưu đồ này.
. ● Như vậy, để hiểu vì sao TQ giai đoạn này lại đẩy mạnh tuyên truyền tứ sa thay vì đường lưỡi bò, chúng ta phải đi sâu vào lập trường của TQ khi dùng hai cụm từ này?
+ Đúng vậy. Bắt đầu từ cách hiểu yêu sách đường lưỡi bò, vốn có nhiều quan điểm khác nhau. Trong một bài đăng trên tạp chí luật quốc tế Mỹ tháng 1-2013, hai học giả TQ là Cao Chí Quốc (hiện là thẩm phán của tòa án quốc tế về luật biển tại Hamburg) và Giả Bình Bình đã giải thích đường lưỡi bò bằng ba điểm chính: (i) TQ có chủ quyền với tất cả đảo và các thực thể nằm bên trong, và có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán - tương ứng với UNCLOS đối với các vùng nước và đáy biển cũng như lòng đất dưới đáy biển của các đảo và các thực thể đó; (ii) đường lưỡi bò thể hiện “quyền lịch sử” của TQ; (iii) đường này thể hiện chức năng là đường phân định biển trong tương lai.
Theo một nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2014, TQ có ba cách giải thích yêu sách lưỡi bò: (1) nó thể hiện yêu sách chủ quyền của TQ đối với các thực thể bên trong và các vùng nước xung quanh; (2) nó là đường biên giới quốc gia; (3) nó là đường yêu sách lịch sử của TQ, thể hiện chủ quyền của TQ đối với các không gian biển, bao gồm vùng nước lịch sử hoặc danh nghĩa lịch sử hoặc có thể là quyền lịch sử.
Cộng thêm cách hiểu của một số học giả khác, tôi tổng hợp thành bốn nhóm giải thích về đường lưỡi bò của TQ: Thứ nhất, đây là đường thể hiện yêu sách chủ quyền đối với các đảo và các thực thể bên trong đường này; thứ hai, đây là đường biên giới quốc gia trên biển; thứ ba, đây là đường thể hiện liên quan đến lịch sử (quyền lịch sử hoặc vùng nước lịch sử); cuối cùng, đây là đường thể hiện phân định biển trong tương lai.
- Áo khoác mới che tham vọng cũ của TQ
● Tính pháp lý của bốn cách hiểu về đường lưỡi bò như thế nào sau phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 vụ Philippines kiện TQ, thưa ông?
+ Trong phán quyết năm 2016, Tòa Trọng tài lý giải mối quan hệ giữa “quyền lịch sử” với “danh nghĩa lịch sử” và “vùng nước lịch sử”. Mặc dù đây là các khái niệm riêng biệt nhưng giữa chúng có mối liên quan chặt chẽ. Song song đó, tòa bác bỏ quyền lịch sử của TQ vì không có bằng chứng cho thấy người TQ là người duy nhất đánh cá trên vùng biển này và lập luận rằng các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà TQ cũng là thành viên phải được ưu tiên hơn tất cả quyền khác, trong đó “có quyền lịch sử”. Điều này có nghĩa về mặt tuyên truyền lẫn pháp lý, việc giải thích đường lưỡi bò theo kiểu là đường thể hiện “vùng nước lịch sử” của TQ cũng đồng thời bị bác bỏ.
Ngoài ra, trong lúc tranh luận, các luật sư của Philippines đã chứng minh trước Hội đồng trọng tài là cách giải thích đường lưỡi bò là đường biên giới quốc gia trên biển là không hợp lý. TQ trước nay luôn tuyên bố họ tôn trọng quyền tự do hải hành và tự do hàng không bên trong đường lưỡi bò. Chính vì thế, theo UNCLOS, không thể có chuyện tự do hải hành và tự do hàng không bên trong khu vực biển thuộc chủ quyền quốc gia được. Mặc dù tòa không nhắc tới vấn đề này trong phán quyết (vì không thuộc thẩm quyền của tòa) nhưng tòa đã tỏ ra đồng ý với lập luận này của Philippines. Như vậy, cách giải thích đường lưỡi bò là “đường biên giới quốc gia” của TQ cũng bị phá sản.
. ● Hai cách giải thích đầu tiên đã bị Tòa Trọng tài 2016 bác bỏ tính pháp lý, đồng nghĩa là đường lưỡi bò đã suy yếu trầm trọng về tính pháp lý. Có phải vì vậy mà TQ né dùng cụm từ đường lưỡi bò mà thay vào đó là tứ sa?
+ Đúng là như vậy. TQ chỉ còn hai cách giải thích: (i) Đường lưỡi bò thể hiện yêu sách chủ quyền đối với các đảo và các thực thể bên trong đường này; (ii) Đường lưỡi bò là “đường phân định biển trong tương lai”. Trong đó, cái gọi là “đường phân định biển trong tương lai” chỉ là một cách nói lấp liếm của TQ nhằm xoa dịu dư luận. Cách giải thích này không trợ giúp cho ý đồ “ngụy trang pháp lý” của TQ.
Vì vậy, TQ chỉ còn một cách giải thích duy nhất, đó là yêu sách chủ quyền với tất cả nhóm đảo và các thực thể bên trong đường này. Đây là “cứu cánh” cuối cùng của TQ trong việc giải thích đường lưỡi bò, phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông. TQ dùng tứ sa như một “chiếc áo khoác mới lên cho một tham vọng cũ”. Để làm rõ lập trường này của TQ ở LHQ, tôi sẽ đánh giá nội dung các công hàm TQ gần đây trong kỳ tới.
✪ Xin cám ơn ông.
------
. Lính Trung Quốc xuất hiện trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm giữ trái phép. Ảnh: REUTERS