Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Trung Quốc dồn cả 6 tàu sân bay xuống Biển Đông?

Theo tình báo Mỹ, để thực hiện tham vọng, Trung Quốc có kế hoạch đóng tới 6 chiếc tàu sân bay và hầu hết trong số này sẽ dồn xuống Biển Đông.


Mỹ gọi là cường quốc

Đài RFI dẫn báo chí chính thức của Trung Quốc cuối tháng 1/2017 cho biết Bắc Kinh có kế hoạch đóng chiếc tàu sân bay thứ 3 vào lúc mà nước này đang đóng hàng không mẫu hạm thứ hai với tốc độ nhanh chóng.

Trong khi đó, trang điện tử của Nhân Dân Nhật Báo dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc nêu rõ: "Hiện nay, hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc đang được đóng. Trong tương lai gần, hải quân Trung Quốc dự trù sẽ trang bị một hàng không mẫu hạm thứ ba, có khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích trên biển".

Mặc dù Trung Quốc chỉ tiết lộ có kế hoạch đóng chiếc tàu sân bay thứ 3 nhưng theo tình báo phương Tây, Trung Quốc dự định đóng 6 tàu sân bay quốc nội được thiết kế trên cơ sở một lớp tàu sân bay dưới thời Liên Xô.

Trung Quoc don ca 6 tau san bay xuong Bien Dong?
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Vừa qua, tờ "Bưu điện Huffington" của Mỹ đưa tin, có thể Trung Quốc sẽ hoàn tất kế hoạch sản xuất tàu sân bay 001A vào cuối năm nay. Đây là chiếc hàng không mẫu hạm được coi là sản phẩm quốc nội đầu tiên mà nước này tự nghiên cứu, chế tạo và có năng lực tác chiến thực sự.

Theo trang mạng Tổng hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, tàu sân bay nội địa 001A sẽ mang số hiệu 18, có trọng tải lớn hơn 5% so với tàu sân bay Liêu Ninh. Tàu sân bay này được Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc đóng tại thành phố Đại Liên, phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh.

Ảnh vệ tinh do “Airbus Defence and Space” chụp hồi tháng 7/2016 tại khu vực nhà máy đóng tàu Đại Liên cho thấy, phần boong chính nơi các máy bay hoạt động cơ bản đã hình thành, sàn đáp mở rộng sắp hoàn thiện, phần mũi tàu đang trong quá trình hoàn thiện.

Cấu trúc thượng tầng đang được lắp ráp phía trên cầu tàu, sau khi hoàn thành sẽ được cần cẩu di chuyển để ráp vào thân tàu nằm trên ụ tàu. Tàu sân bay cũng đã hình thành 2 thang máy nằm cùng phía với cấu trúc thượng tầng để vận chuyển máy bay, trang thiết bị từ nhà chứa lên boong chính.

Hồi trung tuần tháng 6/2016, cũng đã có thông tin cho biết Trung Quốc đã bắt đầu lắp ráp các bộ phận cấu thành chính của tàu sân bay này. Khi 001A ra đời, Trung Quốc sẽ trở thành một trong số không nhiều những quốc gia làm chủ được công nghệ chế tạo tàu sân bay.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, nước này hiện đang khởi đóng đồng loạt 2 chiếc tàu sân bay quốc nội. Ngoài chiếc đầu tiên mang mã số 001A, chiếc thứ 2 mang mã số 002 cũng đang được đóng tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam trên đảo Trường Hưng ở Thượng Hải.

Dự kiến tàu sân bay 001A được đặt tên là Sơn Đông (lấy tên một tỉnh của Trung Quốc) sẽ được biên chế cho lực lượng hải quân nước này vào năm 2018, còn tàu sân bay thứ 2 vào khoảng năm 2020. Cả 2 chiếc tàu sân bay mới đều sẽ định hình khả năng tác chiến trước năm 2025.

Tờ "Bưu điện Huffington" bình luận, việc tự sản xuất được tàu sân bay 001A của Trung Quốc mang lại rất nhiều ý nghĩa, đó là khiến Mỹ phải thay đổi cách nhìn nhận, coi nước này là "cường quốc hải quân đồng hạng".

Tuy nhiên, về bản chất các tàu sân bay mà nước này tự hào là sản phẩm tự lực chế tạo đều được thiết kế nhái theo một thiết kế tàu sân bay hạt nhân chưa hoàn thiện hồi thập niên 80 của hải quân Liên Xô.

Dồn xuống Biển Đông

Cùng với kế hoạch đóng số lượng lớn tàu sân bay của Trung Quốc, trang quân sự Sina có phân tích cho rằng khu vực "dụng võ" lớn nhất của tàu sân bay Trung Quốc phải là ở hướng nam, một căn cứ tàu sân bay tiềm năng khác chính là ở phía Nam, đó chính là căn cứ Tam Á của Hải quân Trung Quốc.

Tam Á nằm ở cực nam đảo Hải Nam, vị trí địa lý ưu việt, vị trí chiến lược rất quan trọng, là căn cứ hải quân được xây dựng trọng điểm của Hải quân Trung Quốc trong thế kỷ mới, ưu thế chủ yếu nhất của nó là ra biển không lâu sẽ có thể đi vào biển âu (đây là khu vực ưu việt nhất so với các cảng khác của Hải quân Trung Quốc), rất thích hợp để đậu biên đội tàu chiến cỡ lớn.

Nhìn vào tình hình hiện nay, Hải quân Trung Quốc đã triển khai rất nhiều tàu chiến mặt nước và tàu ngầm ở đây, trong đó bao gồm tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược tiên tiến nhất hiện nay. Nghe nói, căn cứ này đã thi công riêng 2 bến dài đến 950 m, đã có khả năng đậu tàu sân bay.

Trong tình hình Mỹ-Nhật phong tỏa chặt chẽ chuỗi đảo thứ nhất, Hải quân Trung Quốc phải tìm khâu đột phá mới, từ Biển Đông vượt qua các eo biển của Đông Nam Á, vươn ra Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, duy trì sự thông suốt của các tuyến đường như eo biển Malacca, eo biển Lombok và eo biển Sunda cực kỳ quan trọng.

Trong khi đó căn cứ hải quân Tam Á là căn cứ Hải quân Trung Quốc cách các eo biển nói trên gần nhất, khoảng cách thẳng khoảng 1.200 km, lấy tốc độ 20 - 25 hải lý/giờ của biên đội tàu sân bay để tính, xuất phát từ căn cứ Tam Á, có thể đưa các eo biển này vào phạm vi tác chiến của máy bay trên tàu trong vòng 2 ngày.

Ngoài ra, binh lực Mỹ xung quanh căn cứ Tam Á tương đối mỏng yếu, hơn nữa biên đội tàu sân bay Hải quân Trung Quốc có thể vu hồi eo biển Đài Loan, làm khiếp sợ Nhật Bản từ hướng Đông, đồng thời triển khai ở Tây Thái Bình Dương.

Ở hướng nam có thể đe dọa trực tiếp eo biển Malacca, tiến tới vươn ra Ấn Độ, tạo thế kiềm chế đối với Trung Đông và Đông Phi, triển khai tàu sân bay ở căn cứ Tam Á còn có thể bảo vệ tuyến đường dầu mỏ vốn yếu ớt của Trung Quốc, bảo đảm an toàn mạch máu kinh tế của Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đã là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, dầu mỏ hàng năm nhập khẩu từ vùng Vịnh và châu Phi nhiều tới vài trăm triệu tấn, trong đó hầu hết đều phải đi qua eo biển Malacca mới có thể vận chuyển về nước. Cho nên, triển khai tàu sân bay nội địa tương lai ở căn cứ Tam Á rất có lợi cho bảo vệ tuyến giao thông dầu mỏ của Trung Quốc.

Cùng với việc bảo đảm sự thông suốt cho huyết mạch của mình, biên đội tàu sân bay Trung Quốc còn có thể chặt đứt tuyến đường vận chuyển dầu mỏ của Nhật Bản bất cứ lúc nào (nhập khẩu dầu mỏ của Nhật Bản cũng đến từ Trung Đông, nơi này cũng là con đường phải đi qua).

Trong khi đó Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản nếu như xuất phát từ Okinawa, đi xa ngàn dặm mới có thể đến nơi, vì vậy, cho dù Nhật Bản phá vỡ hạn chế của Hiến pháp Hòa bình, thành lập biên đội tàu sân bay, Trung Quốc cũng có thể tiến hành uy hiếp có hiệu quả đối với họ.

Triển khai biên đội tàu sân bay ở căn cứ Tam Á có thể còn có sự tính toán quan trọng hơn. Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của một quốc gia là vũ khí chủ yếu tiến hành uy hiếp đối với kẻ thù, cũng là mục tiêu dò tìm và tấn công trọng điểm của đối phương, vì vậy ở vùng biển thực hiện nhiệm vụ tuần tra của nó cần bảo vệ chặt chẽ để ngăn chặn lực lượng săn ngầm của đối phương nhất là tàu ngầm hạt nhân tấn công xâm nhập.

Hơn nữa, diện tích Biển Đông rộng lớn, sâu hơn nhiều so với biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, đặc biệt là rãnh biển Biển Đông có độ sâu tới nghìn mét, đặc biệt thích hợp với hoạt động của tàu ngầm hạt nhân tên lửa.

Cho nên, những năm gần đây Trung Quốc bắt đầu bố trí tàu ngầm hạt nhân tên lửa ở Biển Đông, xuất phát từ căn cứ hải quân Tam Á có thể rất nhanh tiến ra khu nước sâu Biển Đông, đồng thời do đó chạy tới khu vực mai phục tuần tra xa hơn.

Vì vậy, Trung Quốc cần xây dựng khu pháo đài tàu ngầm hạt nhân tên lửa ở Biển Đông, bảo vệ an toàn của tàu ngầm hạt nhân tên lửa, hơn nữa biên đội tàu sân bay có năng lực tác chiến đường không, ngoài khơi và dưới nước, có thể xây dựng hệ thống chống tàu ngầm ba chiều, bán kính tác chiến của nó có thể bao trùm toàn bộ khu tuần tra của tàu ngầm hạt nhân tên lửa, như vậy có thể bảo vệ có hiệu quả an toàn của tàu ngầm hạt nhân tên lửa Trung Quốc.

Ngoài ra, vai trò chủ yếu của căn cứ tàu sân bay là phải bảo vệ và chứa biên đội tàu sân bay khổng lồ, đồng thời phải có hệ thống bảo đảm hậu cần đầy đủ.

Hơn nữa, công trình của căn cứ tàu sân bay đòi hỏi tiến hành bảo trì và tiếp tế đối với các loại hệ thống con của tàu sân bay, bao gồm động cơ, vũ khí, thiết bị điện tử, đạn dược và nhiên liệu cùng với máy bay hải quân, ngoài ra còn phải xây dựng doanh trại để nhân viên ở, chữa bệnh và nghỉ ngơi, thậm chí cũng cần phải bố trí ổn thỏa thiết bị bảo trì đồng bộ máy bay trên tàu và các loại tàu cần vụ.
Hơn nữa, nhìn vào quy mô xây dựng của căn cứ Tam Á, hầu như chỉ hơn chứ không kém căn cứ Thanh Đảo, rõ ràng, căn cứ Tam Á ở Biển Đông là khu vực triển khai lựa chọn đầu tiên trong tương lai của tàu sân bay nội địa Trung Quốc – đây là điều không thể nghi ngờ.

http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/trung-quoc-don-ca-6-tau-san-bay-xuong-bien-dong-3328292/?paged=2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét