Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Báo Trung Quốc nói về 4 mục đích điều tàu sân bay USS Carl Vinson tuần tra Biển Đông của Mỹ


Mỹ muốn khẳng định vị thế "bá chủ toàn cầu", đề phòng "tác dụng phụ" khi làm dịu quan hệ với Trung Quốc, tạo thế "thượng phong" khi đàm phán và mặc cả, tiếp tục thúc đẩy chiến lược "tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương".
Tàu sân bay USS Carl Vinson tiến hành tuần tra Biển Đông. Ảnh: NewsjsTàu sân bay USS Carl Vinson tiến hành tuần tra Biển Đông. Ảnh: Newsjs
Hải quân Mỹ ngày 18 tháng 2 tuyên bố cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson tiến vào Biển Đông, bắt đầu tiến hành tuần tra. Đây là lần đầu tiên Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra Biển Đông sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.

Theo trang tin Sina Trung Quốc ngày 20 tháng 2, so với chính quyền tiền nhiệm Barack Obama, thái độ đối với Trung Quốc của chính quyền Donald Trump trong 1 - 2 năm tới sẽ cứng rắn hơn. Logic cứng rắn này bắt nguồn từ tư tưởng cầm quyền của ông: Nước Mỹ là số 1!

Trên thực tế, ông Donald Trump không chỉ cứng rắn với Trung Quốc, mà còn cứng rắn với cả những đồng minh không “phục tùng”. Ông rất hoan nghênh Nhật Bản - nước sẵn sàng tăng chi tiêu quân sự; cũng rất hoan nghênh Anh - nước sẵn sàng phân hóa EU, nhưng lại cứng rắn với các nước đồng minh khác như Đức, Pháp.

Sở dĩ ông Donald Trump vừa làm dịu quan hệ với Trung Quốc vừa điều tàu sân bay đến tuần tra Biển Đông là do có bốn nguyên nhân sau:

Một là tuyên bố vị thế “bá chủ” toàn cầu, khẳng định hiện diện quân sự ở Biển Đông. Biển Đông là một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, nhưng lại đang bị yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc (đường chín đoạn) cản trở, vì vậy Mỹ triển khai hiện diện quân sự ở đây để thể hiện vai trò “bá chủ” toàn cầu. 
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson, Hạm đội 3, Hải quân Mỹ. Ảnh: Newsjs
Nhưng, theo Sina, hiện nay, Trung Quốc đã có sức mạnh quốc gia và sức mạnh quân sự mạnh hơn, có “đảo nhân tạo” lớn hơn, lại có ưu thế vị trí địa lý. Mỹ từ xa đến nên sẽ gặp khó khăn trong cuộc “đối đầu” quân sự với Trung Quốc, sẽ từng bước bị Trung Quốc ép lùi ra xa. Trung Quốc sẽ ngày càng mạnh lên ở Biển Đông.

Hai là đề phòng “tác dụng phụ” bởi việc làm dịu quan hệ với Trung Quốc. Trước sau khi nhậm chức, ông Donald Trump thể hiện rõ thái độ cứng rắn với Trung Quốc, tuyên bố muốn xếp Trung Quốc vào danh sách những nước thao túng tỷ giá hối đoái, muốn tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc, muốn triển khai hành động với Trung Quốc về quân sự…

Nhưng sau khi nhậm chức được hơn nửa tháng, thái độ của ông Donald Trump cuối cùng đã “mềm” đi, quyết định làm dịu quan hệ với Trung Quốc. Song, tránh để xuất hiện “tác dụng phụ” trong cộng đồng quốc tế, Mỹ đã điều tàu sân bay đến Biển Đông phô diễn sức mạnh.

Ba là tiếp tục răn đe, phản ánh logic chính sách đối ngoại “ưu tiên nước Mỹ, nước Mỹ là số 1”. Khởi điểm logic trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay là “cứng rắn”. Mỹ điều tàu sân bay đến Biển Đông hiện nay nhằm chiếm lấy ưu thế “tâm lý” khi đàm phán với Trung Quốc, bảo đảm thế “thượng phong” của Mỹ trong hợp tác với Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc và Mỹ tạm thời làm dịu quan hệ, tiếp theo hai nước chắc chắn sẽ tiến hành “mặc cả” với nhau. Việc điều tàu sân bay đến Biển Đông nhằm giúp Mỹ chiếm ưu thế trong đàm phán, tăng cường khả năng “ra giá” khi mặc cả trong thời gian tới.
Biên đội tàu chiến Trung Quốc phô trường sức mạnh trên Biển Đông. Ảnh: Sina
Bốn là tiếp tục thúc đẩy chiến lược “tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương”. Hiện nay, Mỹ không hề thay đổi gì mà chắc chắn sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện chiến lược này nhằm đạt mục đích “tái cân bằng”, việc triển khai lực lượng quân sự ở xung quanh Trung Quốc là điều tất yếu.

Mỹ có ưu thế về hải, không quân, lại không muốn tình hình biển Hoa Đông trở nên nóng bỏng. Do đó, Mỹ điều tàu sân bay đến Biển Đông là một tất yếu của chiến lược quốc gia.

Đối với vấn đề này, Trung Quốc đã điều một biên đội huấn luyện biển xa thuộc Hạm đội Nam Hải đến Biển Đông tiến hành một cuộc diễn tập tác chiến phòng không liên hợp, có sự tham gia của lực lượng đường không, lực lượng phòng không bờ biển. 

Đặc biệt, theo Sina, cuộc diễn tập này rõ ràng có sự tham gia của lực lượng chiếm đóng trên các đảo, đá ở Biển Đông, tức là các lực lượng chiếm đóng đối với các đảo, đá ngầm của Việt Nam. Do đó, các hành động này rõ ràng xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Sina cho rằng, mục đích diễn tập liên hợp là để đối phó các hành động “khiêu khích” của Mỹ.

Cuối cùng, Sina Trung Quốc tự tin đe nẹt rằng, khi bạn đến sẽ mời rượu ngon, còn khi kẻ thù đến sẽ sử dụng “súng săn”. Đối mặt với một nước Trung Quốc đang nhanh chóng trỗi dậy, Mỹ sẽ không “đứng vững” ở Biển Đông. Biển Đông là “của ai” thì thời gian sẽ đem lại một câu trả lời đúng đắn.
http://viettimes.vn/bao-trung-quoc-noi-ve-4-muc-dich-dieu-tau-san-bay-uss-carl-vinson-tuan-tra-bien-dong-cua-my-109224.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét