Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Chiến tranh Biên giới 1979 - bài học của niềm tin


Chiến tranh xâm lược mà quân đội Trung Quốc tiến hành với chiêu bài 
“phản kích tự vệ” có thể đánh lừa người dân Trung Quốc nhưng không 
thể đánh lừa cả thế giới.


Hè năm 1966, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, những sinh viên vừa nhập học khóa 11 Đại học Bách Khoa Hà Nội phải sơ tán lên Lạng Sơn. 
Tàu chạy từ Hà Nội lúc tối, qua Kép một đoạn phải tăng bo vì cầu hỏng, tất cả vào rừng sơ tán đợi đến  tối mới lại có tàu đi tiếp. 
Đến Đồng Đăng lúc gần sáng, cả lớp lầm lũi đi, chẳng đứa nào buồn nói chuyện vì mệt và đói.
Chặng đường đi bộ khoảng 30 cây số từ ga Đồng Đăng đến Lũng Vài (xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng) phải vượt qua một con dốc khá dài là dốc Bố Củng.
Thấy những xe quân sự Trung Quốc chạy, mấy đứa xui bọn con gái giơ tay vẫy, một xe dừng lại cho chúng tôi lên. 
Việc đầu tiên là mấy người lính trẻ Trung Quốc phát cho chúng tôi mỗi người một quyển “Mao tuyển” bìa màu đỏ to hơn bàn tay, tiếp đó mỗi đứa nhận được một chiếc huy hiệu “lãnh tụ vĩ đại”. 

"Chúng ta phải nói cho con cháu biết bản chất thật của quân xâm lược"

Vận dụng vốn tiếng Trung ít ỏi học ở phổ thông, mấy đứa “xia xia thủng chư mân”, mấy người lính Trung Quốc cười vui vẻ móc túi cho thêm mỗi đứa một phong lương khô.
Tưởng chừng những kỷ niệm tốt đẹp ấy sẽ còn được nhân lên vì câu hát “Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông,…”.
Không ngờ hơn chục năm sau, tháng 3 năm 1979, chúng tôi, những thày trò các trường Đại học trên địa bàn tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên, Bắc Kạn) lại phải lên Lạng Sơn, lần này là trên những chiếc Zil ba cầu của Liên Xô. 
Một trung đoàn tự vệ chiến đấu gồm đa số là giảng viên và sinh viên đại học được lệnh hành quân gấp lên mặt trận Khánh Khê, vũ khí trang bị cho các chiến sĩ chỉ có một khẩu tiểu liên K63, 200 viên đạn và mấy quả lựu đạn chày. 
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. (Ảnh trên vtc.vn)
Trên chốt tiền tiêu phía nam đầu cầu Khánh Khê các chiến sĩ phải ăn hạt bo bo luộc với cà pháo, tuy không có những trận đánh lớn nhưng tổn thất là không tránh khỏi.
Thấm thoắt chỉ hai năm nữa là tròn 40 năm ngày quân đội Trung Quốc vượt biên tấn công toàn tuyến biên giới phía bắc Tổ quốc ta. 
Có nhìn tận mắt cảnh trâu chạy lạc vào bãi mìn quân Trung Quốc gài trên triền đồi đối diện bên kia sông bị nổ tung, có tận mắt chứng kiến nghĩa trang liệt sĩ xây vội bên đầu cầu Khánh Khê, mấy trăm ngôi mộ liệt sĩ, chỉ có mộ liệt sĩ Lê Đình Chinh là được xây vôi cát còn lại chỉ là những nấm đất mới hiểu thế nào là “hữu nghị”, thế nào là “hậu phương đáng tin cậy của nhân dân Việt Nam”. 
Cuộc chiến tranh xâm lược mà quân đội Trung Quốc tiến hành với chiêu bài “phản kích tự vệ” có thể đánh lừa người dân Trung Quốc nhưng không thể đánh lừa cả thế giới. 
Đó không chỉ là cuộc xâm lược quy mô lớn mà còn là cuộc chiến tranh phá hoại không khác gì chiến tranh hủy diệt bằng không quân mà Mỹ đã tiến hành trên miền Bắc Việt Nam từ tháng 8 năm 1964.
Khẩu hiệu mà Mỹ rêu rao là “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, còn giới cầm quyền Bắc Kinh khi đó thì cao giọng với thế giới, rằng để “dạy cho Việt Nam một bài học”, thực chất phía sau tuyên bố ngông cuồng ấy là gì?

Đối tác chiến lược và góc nhìn cuộc chiến

Trả lời câu hỏi này, nếu lấy quan điểm của người Việt e là sẽ có người bảo không khách quan, vậy hãy xem người không mang dòng máu Việt nghĩ gì.
Trong lời giới thiệu cuốn sách “China and the Vietnam Wars, 1950-1975 (The New Cold War History)” của tác giả Qiang Zhai (Trại Cường), nhà sách Amazon.com viết: 
Khi xem xét cách hành xử của Trung Quốc với Việt Nam, Zhai cung cấp những hiểu biết quan trọng về chính sách đối ngoại của Mao Trạch Đông và những động cơ tư tưởng và địa chính trị đằng sau nó. 
Trong suốt những năm 1950 và 1960, ông (Zhai) cho thấy, Mao coi Mỹ là mối đe dọa chính đối với an ninh của những người Cộng sản Trung Quốc và do đó (họ) thấy hỗ trợ cho Hồ Chí Minh như là một cách tốt để làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á từ cuối những năm 1960 và 1970. 
Tuy nhiên, khi Mao coi là mối đe dọa lớn hơn từ Liên Xô, ông bắt đầu để điều chỉnh chính sách của mình và khuyến khích Bắc Việt chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với Hoa Kỳ”. [1] 
Trong sách tác giả Qiang Zhai viết: “Mặc dầu họ (Trung Quốc) tuyên bố chính họ là những môn đồ của chủ nghĩa quốc tế Mác-Lênin song họ lại kế thừa hoàn toàn cái di sản lịch sử của Trung Hoa: quan niệm Đại Hán theo đó Trung Quốc là cái nôi của thế giới. 
Các quốc gia nhỏ bé khác bên ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, là man di và phải là những chư hầu trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc”. [4]
Bìa cuốn sách “China and the Vietnam Wars, 1950-1975” trên Amazon.com
Chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ thống nhất đất nước không phải là điều mà “người bạn lớn” mong đợi. 
Điều mà họ muốn - như Trại Cường khẳng định - Việt Nam “phải là chư hầu trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc” và đó mới chính là điều thôi thúc họ tiến hành cuộc chiến xâm lược đẫm máu nhất chống lại một quốc gia có chủ quyền kể từ sau chiến tranh Triều Tiên.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy: “quân Trung Quốc còn thực hiện chính sách cướp bóc và phá hoại triệt để ở các khu vực chiếm đóng được: ước tính 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ, 600.000 mét vuông nhà ở và 80.000 héc-ta hoa màu ở khu vực chiến sự bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp. 
Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân ở biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống. 
Các thị xã lớn Lạng Sơn, Cao Bằng và Cam Đường gần như bị hủy diệt hoàn toàn, lính Trung Quốc dùng mìn đánh sập hầu hết các công trình, nhà ở, cầu, đường bộ và đường sắt...
ngay cả những di tích lịch sử hoàn toàn không có ý nghĩa gì về mặt quân sự như hang Pắc Bó (Cao Bằng) – từng là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, động Tam Thanh, Nhị Thanh (Lạng Sơn)… cũng bị phá hoại…”.[2]

Tướng Lê Mã Lương: "Không sợ chiến tranh nên mới có hòa bình"

Nhiều năm trước, có dịp lên thăm anh Dương Chí Khuầy, bạn học cùng lớp, cùng tổ hồi đại học, anh là con trai đại tá Dương Đại Lâm, cần vụ của Bác Hồ. Nhà ông Dương Đại Lâm cách hang Pắc Bó chưa đến “một quăng dao”.  
Mấy đứa chúng tôi được anh Khuầy dẫn lên thăm hang, vòm hang lúc đó chỉ rộng hơn một mét vì đã bị lính Trung Quốc giật mìn đánh sập, dòng suối phía trước cửa hang có rất ít nước, trơ trọi những viên đá cuội, không còn “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”, chỉ còn lại cây ổi khẳng khiu phía ngoài hang.
Cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai từng nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Công ơn của Người đối với Tổ quốc chúng tôi cũng to lớn và vô cùng hiển hách…”. [3] 
Vậy mà một di tích lịch sử cách mạng vô cùng quý giá của nhân dân Việt Nam, gắn với quãng đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch từ năm 1941 vẫn bị quân Trung Quốc nổ mìn phá sập. 
Đối chiếu với lời cố Thủ tướng Chu Ân Lai, ai là kẻ vô ơn, bạc nghĩa, ai là kẻ sẵn sàng chà đạp lên tinh thần quốc tế cao cả nhằm thỏa mãn tham vọng bắt các nước nhỏ làm chư hầu như nhận định của Qiang Zhai?
Năm 2005, một người gốc Hoa, Xiaoming Zhang, giảng viên trường Cao Đẳng Chiến tranh không quân (Air War College) thuộc Bộ Không Quân Mỹ đã xuất bản bài viết “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment” (Một cách đánh giá lại cuộc chiến 1979 của Trung Quốc với Việt Nam). 
Bài này được đăng trên tờ China Quarterly (tạm dịch: Tài liệu quý về Trung Quốc), một tạp chí quốc tế có uy tín xuất bản tại Anh Quốc. 
Tác giả viết: “Chủ thuyết chính trị của Mác, mặc dầu được cả hai nước suy tụng cũng không ngăn cản được việc Trung Quốc phát động một cuộc “chiến tranh tự vệ” chống lại quốc gia láng giềng nhỏ bé một khi quyền lợi dân tộc tối cao bị đe dọa…
Bắc Kinh luôn nói rằng họ không bao giờ gây sức ép về chính trị và kinh tế thông qua viện trợ vật chất và quân sự khổng lồ cho Hà Nội, nhưng họ lại muốn Hà Nội phải thừa nhận vai trò lãnh đạo của Trung Quốc đối với phong trào giải phóng dân tộc trong khu vực và trên thế giới” (bản dịch của Thời đại mới). [4]
Cuộc chiến tranh xâm lược mà Trung Quốc phát động năm 1979 chống Việt Nam không đơn giản chỉ là cuộc chiến biên giới giữa hai quốc gia có chủ quyền, chung ý thức hệ mà còn cho thấy nó báo hiệu một thời kỳ mới của lịch sử nhân loại.
Đó là sự kết thúc thời kỳ ngắn ngủi tồn tại hai hệ thống xã hội đối lập mà chúng ta quen gọi là “phe” - phe Xã hội chủ nghĩa và phe Tư bản chủ nghĩa. 
Tiếng súng mà Trung Quốc phát động trên tuyến biên giới dài 900 km giữa hai nước chính là đòn giáng mạnh vào niềm tin về một thế giới đại đồng.
Là sự khẳng định chân lý “không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”. 
Hơn chục năm sau, khi Liên Xô tan rã cũng là lúc phe Xã hội chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng, thay vào đó hàng loạt nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu, trừ Nga, trở thành thành viên NATO hoặc Liên minh Châu Âu. 
Ảo mộng đưa Trung Quốc thành lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc trong khu vực và trên thế giới - như nhận định của Xiaoming Zhang - sụp đổ là hậu quả tất yếu khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh quay lại với chính mình.
Đó là lý do vì sao chủ thuyết “phục hưng dân tộc Trung Hoa” ra đời.  

Sự thật của chiến tranh vệ quốc chống xâm lược cần được đưa vào sách giáo khoa

Thực ra, tìm trăm phương nghìn kế để trở thành lãnh tụ phong trào giải phóng dân tộc thế giới chỉ là chiêu bài che dấu những gì mà giới thống trị Trung Quốc đã làm hàng nghìn năm qua và sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian sắp tới. 
Mộng ước ấy nằm trong ngay cái tên “Trung Quốc” - quốc gia là trung tâm của thiên hạ.
Chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ đã được Trung Quốc vận dụng sáng tạo và nâng thành nghệ thuật. 
Chỉ cần một chút viện trợ kinh tế, chỉ cần lôi kéo một quốc gia, Bắc Kinh có thể biến ASEAN thành một tổ chức lỏng lẻo không thể đồng thuận những vấn đề quốc tế liên quan đến Trung Quốc.
Giới lãnh đạo Bắc Kinh say sưa với sự tăng trưởng ngoạn mục về kinh tế đang có ảo vọng sẽ thay thế Mỹ trở thành siêu cường thống trị thế giới cả về kinh tế, quân sự lẫn chính trị.
Và một lần nữa, những cái đầu dân tộc chủ nghĩa lại tìm cách thực hiện mộng ước “thế giới đại đồng” không phải theo một học thuyết xa vời nào đó mà là những vành đai, những con đường tơ lụa mới, bằng những đạo quân trá hình - công nhân, nông dân, ngư dân hiện diện bất kỳ nơi nào có thể. 
Trong bối cảnh ấy, chịu ảnh hưởng nhiều nhất, rõ nhất không ai khác chính là nước Việt Nam chúng ta, bởi chúng ta có thể chọn bạn bè nhưng không thể chọn láng giềng.

Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Chien-tranh-Bien-gioi-1979--bai-hoc-cua-niem-tin-post174374.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét