Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Tên lửa xuyên lục địa Trung Quốc đe dọa ai?

 Đánh giá về các loại tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM)của Trung Quốc hiện nay.
Báo chí ngày 24/1/2017 đưa tin về việc Trung Quốc triển khai tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, gần biên giới Nga. Một số người đã vội vàng tuyên bố các tên lửa này là mối đe dọa tiềm tàng đối với Nga từ phía Bắc Kinh. Ngay sau đó, các nguồn Trung Quốc đã bác bỏ thông tin này, điều không thể là chứng cứ tin cậy cho bất kỳ giả thiết nào.
DF-31A (IceUnshattered / Wikipedia)

DF-41 là gì?
Hệ thống tên lửa tương lai DF-41 (東風-41, Đông Phong-41) bắt đầu được phát triển trong thập niên 1990, nhưng bị tạm dừng vào năm 1999 vì tại thời điểm đó, ban lãnh đạo quân đội Trung Quốc đánh giá DF-31A, tên lửa thứ hai của Trung Quốc sau tên lửa nhiên liệu lỏng hạng nặng DF-5 có khả năng với tới một số mục tiêu ở Tây Bắc lãnh thổ lục địa Mỹ, là có triển vọng hơn. Sau thời gian tạm dừng ngắn, việc phát triển ICBM tương lai lại tái tục: tên lửa mới phải với tới các mục tiêu trên toàn lãnh thổ Mỹ, đồng thời phải cung cấp cho giới quân sự đủ nhiều phương án quỹ đạo bay, tạo điều kiện cho việc vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đã thiết lập.

Việc bay thử DF-41 bắt đầu vào mùa hè năm 2012. Tên lửa ngay từ đầu được chế tạo theo một số phương án triển khai: trong giếng phóng, cơ động trên xe bệ phóng bánh lốp và cơ động trên đường sắt. DF-41 bắt đầu được triển khai vào năm 2014 và đến nay, theo các đánh giá hiện nay, kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc có 12-24 tên lửa loại này. Tầm bắn của tên lửa ước 12.000-15.000 km, ta thường gặp nhất con số ước tính gần 14.000 km, khiến DF-41 trở thành ICBM có tầm bắn xa nhất trong số các ICBM được triển khai cho đến nay. Chỉ trừ các tên lửa có hệ thống tấn công một phần từ quỹ đạo, nhưng hiện nay, không cường quốc hạt nhân nào sở hữu các tên lửa đó. Các tên lửa R-36orb của Liên Xô đã bị loại biên vào năm 1983 theo Hiệp ước START-II.
 

DF-41 (globalsecurity.org)

Tên lửa nhiên liệu rắn, 3 tầng DF-41 có trọng lượng ước khoảng 80 tấn, tải trọng hữu ích 1,5 tấn và phỏng đoán mang 1 đầu đạn 1 MT hoặc đến 10 đầu đạn tách dẫn độc lập (MIRV) có đương lượng nổ 20-150 kT. Như vậy, xét về tính năng, DF-41 nằm giữa ICBM mới của Nga RS-24 Yars (trọng lượng phóng dưới 50 tấn, tải trọng hữu ích 1,2 tấn gồm đến 4 đầu đạn 150-250 kT và bộ phương tiện đột phá phòng thủ tên lửa) và các tên lửa đã loại biên 15Zh60/15Zh61 từng được sử dụng trong hệ thống tên lửa đường sắt RT-23 UTTKh Molodets (trọng lượng phóng gần 105 tấn, tải trọng hữu ích 4,3 tấn gồm 10 đầu đạn 430 kT).

Theo các chuyên gia Nga trong lĩnh vực vũ khí chiến lược, DF-41 có các thông số năng lượng/trọng lượng không quá cao: tuy nặng hơn 2/3 so với tên lửa Yars của Nga, DF-41 chỉ hơn Yars chưa đến 15% về tầm bắn và chưa đến 25% về tải trọng chiến đấu. Trọng lượng lớn gây khó khăn cho việc triển khai DF-41 trên các phương tiện cơ động. Tuy nhiên, các chuyên gia tên lửa Nga nghi ngờ về khả năng các phương tiện vận tải hệ thống DF-41 di chuyển trên đường đất và địa hình không đường sá.

Tương lai của Lực lượng pháo binh 2
Lực lượng pháo binh 2 là cái tên chính thức cho đến gần đây của lực lượng tên lửa hạt nhân mặt đất Trung Quốc. Mùa đông năm 2016, Trung Quốc bắt đầu cuộc cải cách quân đội, theo đó Lực lượng pháo binh 2 đã chuyển thành Lực lượng Tên lửa. Hiện nay, lực lượng này được biên chế đến 90 ICBM mà ngoài 12-24 DF-41, còn có:

1) Gần 10 DF-4 - ICBM 2 tầng, nhiên liệu lỏng, tầm bắn gần 6.000 km, được trang bị 1 đầu đạn 3,3 MT (biến thể sau đó DF-4A trang bị 3 đầu đạn MIRV đương lượng nổ 1 MT). Trọng lượng 82 tấn, nhận vào trang bị từ năm 1974. Đang bị loại bỏ và thay thế bằng các tên lửa họ DF-31. Bố trí trong các hầm nằm ngang và được di chuyển bằng toa xe đường sắt ra khỏi đó và dựng đứng trước khi phóng.

2) Gần 20 DF-5A và DF-5B - ICBM 3 tầng, nhiên liệu lỏng, tầm bắn hơn 12.000 km. Trang bị đầu đạn đơn khối 4-5 MT hay ở các biến thể sau này thì mang 3-8 đầu đạn MIRV đương lượng nổ đến 1 MT, sử dụng từ năm 1983. Trọng lượng 183 tấn, triển khai trong giếng phóng. Dự kiến thay thế bằng DF-41.

3) Đến 50 tên lửa DF-31 (DF-31, DF-31А) tầm bắn 7.000-11.000 km, trang bị 1 đầu đạn 1 MT (DF-31/31А) hay (đối với DF-31B) là 3-5 đầu đạn MIRV đương lượng nổ 20-150 kT, được triển khai từ năm 2006. Trọng lượng đến 42-45 tấn, triển khai trong giếng phóng hay trên xe bệ phóng cơ động mặt đất.

Ngoài ra, Lực lượng Tên lửa Trung Quốc còn có gần 120 tên lửa đường đạn tầm trung (1.750-3.000 km) và gần 200 tên lửa tầm ngắn (300-600 km) và hơn 50 tên lửa hành trình chiến lược phóng từ mặt đất (tầm bắn hơn 3.000 km).

Lực lượng hạt nhân Trung Quốc còn có 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược lớp Type 094, mỗi chiếc mang 12 tên lửa JL-2 tầm bắn 7.200 km. Không quân Trung Quốc có trong biên chế gần 120 ném bom chiến lược H-6 có khả năng mang tên lửa hành trình lắp đầu đạn hạt nhân.

H-6K (Wikipedia)

Cần lưu ý rằng, từ ban đầu, từ thập niên 1970, kho vũ khí hạt nhân chiến lược Trung Quốc đã được triển khai cho tình huống chiến tranh có thể xảy ra với Ấn Độ và Liên Xô. Đối với Mỹ, do hạn chế về năn lực công nghiệp mà các kế hoạch của Trung Quốc không mở rộng quá việc bảo đảm khả năng tiêu diệt các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản, Đông Nam Á và các đảo ở Thái Bình Dương. Trước hết, Trung Quốc triển khai nhằm vào Liên Xô lực lượng tên lửa tầm ngắn và tầm trung với các mục tiêu chính nằm trên tuyến đường sắt xuyên Siberia (Transib) và tuyến đường sắt Baikal-Amur (BAM) vì ban lãnh đạo Trung Quốc coi khả năng loại khỏi vòng chiến các đầu mối đường sắt chính ở Siberia là một yếu tố răn đe có sức nặng.

DF-5 (listamaze.com)

Lực lượng ICBM Trung Quốc ban đầu gồm các tên lửa DF-4 đã có thể tiêu diệt các mục tiêu ở các khu vực phía Tây Liên Xô và Tây Bắc Thái Bình Dương, còn sau đó khả năng của lực lượng này tăng mạnh khi bắt đầu triển khai các tên lửa DF-31 và đặc biệt là DF-31А, cho phép tiêu diệt các mục tiêu trên toàn lãnh thổ Mỹ. Việc đưa vào sử dụng các tên lửa này trùng hợp với việc bắt đầu đối đầu công khai giữa Mỹ và Trung Quốc vào cuối những năm 2000.

Tên lửa DF-41 đánh dấu sự gia tăng khả năng của lực lượng hạt nhân chiến lược Trung Quốc - tầm bắn của chúng cho phép lựa chọn quỹ đạo bay phù hợp nhất kho bắn mọi mục tiêu trên lãnh thổ lục địa Mỹ, tạo điều kiện cho việc đột phá lá chắn phòng thủ tên lửa Mỹ.

Dấu hiệu tin cậy 
Các tên lửa đường đạn mang đầu đạn hạt nhân là vũ khí uy lực nhất của nhân loại hiện nay, là những mục tiêu cực kỳ giá trị, những mục tiêu trước tiên một khi nổ ra xung đột. Do đó, việc bố trí chúng phải tuân theo nhiều yêu cầu, trong đó, ngoài vị trí tối ưu để bắn mục tiêu (cụm mục tiêu) đã lựa chọn, thì khả năng bảo vệ mạnh nhất có thể cũng rất quan trọng. Tầm bắn của các ICBM, nhất là của các loại như DF-41 cho phép bố trí chúng gần như ở bất cứ nơi nào ở Trung Quốc nhằm bảo đảm trước hết yêu cầu bảo vệ tối đa trước nguy cơ tiến công đường không.

Các lực lượng hạt nhân chiến lược của Liên Xô và Nga cũng đã được triển khai như vậy - các trận địa bắn ICBM tách rời tuyến tiếp xúc với kẻ địch tiềm tàng không chỉ bởi khoảng cách địa lý mà cả các tuyến phòng không dày đặc và các trận địa của lục quân. Đến nay, nguyên tắc này vẫn tồn tại - các trận địa của các sư đoàn tên lửa chiến lược được phân tán rộng từ tỉnh Tver đến Irkutsk với điể tập trung tối đa tại khu vực từ Povolzhie đến Tây Siberia chỉ có thể bị tấn công chắc chắn bằng vũ khí chiến lược.

Trước khi chuyển sang đánh giá hậu quả của việc triển khai tên lửa Trung Quốc gần biên giới Nga, cần nhớ lại thêm một đặc tính nữa của tên lửa đường đạn,mà cụ thể là chúng có “vùng chết” không thể tiêu diệt nằm bên trong tầm bắn tối thiểu. Trị số chính xác của tầm bắn tối thiểu của DF-41 không được tiết lộ, nhưng theo một số đánh giá, tầm bắn tối thiểu của DF-41 là gần 5.000 km, nghĩa là khi triển khai ở Đông Bắc Trung Quốc thì tuyệt đại đa số lãnh thổ Nga sẽ lọt vào khu vực không thể tiêu diệt. Ngược lại, chúng sẽ lọt vào tầm sát thương của không chỉ các phương tiện chiến lược mà cả các phương tiện chiến dịch-chiến thuật của quân đội Nga, trong đó có các hệ thống tên lửa đường đạn Iskander và máy bay chiến thuật.

Do DF-41 rất dễ bị tiêu diệt, biến thể triển khai trong giếng phóng (giống như mọi ICBM khác) là cố định, còn biến thể cơ động mặt đất thì không thể di chuyển nơi không có đường mặt cứng, nên việc bố trí các tên lửa DF-41 ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc chỉ có thể có một ý nghĩa: ban lãnh đạo quân đội Trung Quốc tin tưởng rằng, các tên lửa này sẽ không trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công có thể từ phía Nga.
Nguồn: Lenta, 26.1.2017.
http://vietnamdefence.com/Home/quandoi/trungquoc/Ten-lua-xuyen-luc-dia-Trung-Quoc-de-doa-ai/20171/55126.vnd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét