Gần đây có nhiều bài viết về từ nhiều góc độ khác nhau về các tàu sân bay của Mỹ, Nga, Trung đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chúng tôi cũng muốn giới thiệu một số thông tin về các tàu sân bay Mỹ, nhưng từ một cách tiếp cận khác để những bạn đọc quan tâm tham khảo.
Các dữ liệu và số liệu trích dẫn trong bài được tổng hợp từ các bài viết cũng của Đại tá hải quân Nga Konstantin Sivkov (các chức danh khác của ông, chúng tôi đã giới thiệu trong bài trước) và từ một số nguồn khác trên “Bình luận quân sự” (Nga) để đối chiếu, bổ sung. (Lưu ý độc giả: bài nghiên cứu dài nhưng đáng đọc)
Tàu sân bay mới Gerald Ford” ( Mỹ ) trước khi hạ thủy . Ảnh từ trang mạng www.navy.mil |
1. Định nghĩa tàu sân bay Mỹ
Tàu sân bay (Mỹ) - trước hết, đó là một tàu chiến, vũ khí của nó là hơn 70 máy bay và máy bay lên thẳng – biên chế tương đương một không đoàn.
Hải quân Mỹ có 10 tàu sân bay hạt nhân đa năng và 9 không đoàn không quân tàu sân bay (tạm gọi không quân hạm) và các tàu sân bay (cùng máy bay trên tàu) này là lực lượng tấn công chủ yếu của Hải quân Mỹ trong các hoạt động tác chiến sử dụng vũ khí phi hạt nhân.
Trong thời gian ngắn sắp tới, chiếc tàu sân bay đầu tiên trong số 11 tàu lớp mới kiểu “George Ford” (CVN 78) sẽ tham gia trực chiến cùng với 10 tàu sân bay hạt nhân kiểu “Nimitz” (CVN 68) hiện có.
2. Chức năng- nhiệm vụ của tàu sân bay
Các nhiệm vụ chủ yếu của tàu sân bay (Mỹ) là: chiếm ưu thế trên biển và trên không; tấn công các mục tiêu trên bờ, hỗ trợ hỏa lực trực tiếp bằng không quân cho các lực lượng trên mặt đất.
Sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh và trong bối cảnh không còn kẻ thù (thực sự) trên biển, các tàu sân bay Mỹ bắt đầu được sử dụng chủ yếu để tấn công các mục tiêu trên mặt đất tại các quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh với Mỹ và kể cả trên lãnh thổ các nước không trực tiếp đánh nhau với Mỹ.
Khả năng cơ động cao của tàu sân bay cho phép chúng nhanh chóng có mặt tại khu vực được xác định trước cho các máy bay trên tàu cất cánh (để thực hiện nhiệm vụ tác chiến) với tốc độ cơ động lên tới 900 km/ngày đêm. Khả năng cơ động nhanh của tàu sân bay cũng đảm bảo khả năng sử dụng vũ khí tấn công vào các mục tiêu khu vực duyên hải, nơi có tuyệt đại đa số dân cư trên trái đất sinh sống.
Về những tính năng kỹ thuật của tàu sân bay, có một số số liệu sau đây: tàu sân bay hạt nhân kiểu “Nimitz” trong 50 năm (tuổi thọ) phục vụ có thể có mặt trên biển tối đa 6.000 ngày đêm (tính toán lý thuyết), đi được quãng đường 3 triệu hải lý trên biển, thực hiện 500.000 chuyến cất/hạ cánh của máy bay và máy bay lên thẳng.
Về hiệu suất (năng suất) hoạt động của tàu sân bay- đó là khả năng của không đoàn không quân trên tàu sân bay trong điều kiện tác chiến / một khoảng thời gian nhất định có thể thực hiện một số lần xuất kích cần thiết để thực hiện một loạt các nhiệm vụ (tấn công và phòng thủ , tác chiến và đảm bảo) -, còn trong thời bình, là số lần cất cánh cần thiết để duy trì và rèn luyện (nâng cao) kỹ năng (bay, chiến đấu) cần có của các phi công (diễn đạt nôm na: số lần xuất kích tác chiến trong thời chiến hoặc số lần cất cánh cần thiết trong thời bình / trên một đại lượng thời gian nhất định).
Tiêu chí cuối cùng để tính hiệu suất hoạt động của tàu sân bay – đấy là số lượng các mục tiêu trên không, trên biển và trên mặt đất của đối phương bị (các phương tiện tác chiến của tàu sân bay) tiêu diệt hoặc bị vô hiệu hóa trong khi tàu sân bay này chắc chắn vẫn không bị đánh chìm (hoặc bị loại khỏi vòng chiến đấu).
Tần xuất sử dụng máy bay của tàu sân bay phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có kết cấu của tàu, khả năng tác chiến của tàu và của không đoàn trên tàu, điều kiện thời tiết – khí hậu, chất lượng vũ khí, thành phần của cụm tàu sân bay tấn công (tức tàu sân bay + các tàu hộ tống) và khả năng đối phó của đối phương.
Kết cấu của tàu sân bay có ảnh hưởng nhưng thế nào để hiệu suất hoạt động của tàu ? Chiều dài và chiều rộng của tàu càng lớn, độ giãn nước càng lớn (“Nimitz” có lượng giãn nước toàn phần 88.000 tấn, còn “George Ford” – 90.700 tấn) thì độ lắc ngang và lắc dọc của tàu càng nhỏ, - nếu độ lắc ngang (độ nghiêng bên sườn so với mặt phẳng nằm ngang) >50 và độ nghiêng chiều dọc (mũi ) >10thì máy bay không được phép cất, hạ cánh).
Diện tích khoang cất/ hạ cánh và khu vực bãi đỗ máy bay càng lớn, thì càng mang được nhiều máy bay và diện tích khu vực sửa chữa máy bay và máy bay lên thẳng càng lớn (khoảng một nửa số máy bay trên tàu có thể bố trí trong các khu vực đỗ có che chắn hoặc dưới hầm tàu, số còn buộc phải để tại các bãi đỗ lộ thiên), để bố trí:
1/ các thiết bị (máy) nâng máy bay (có 4 chiếc), 2/ các bộ hãm (cũng có 4 bộ, đảm bảo khoảng thời gian cần thiết để hạ cánh của mỗi máy bay trong khoảng từ 45- 60 giây), 3/ máy phóng máy bay trên boong cất hạ cánh từ mũi và từ góc tàu (tàu sân bay “Nimitz” có 4 máy phóng hơi nước đảm bảo cho 3- 4 máy bay cất cánh / 1 phút: còn “ George Ford “ – có 3 máy phóng điện – từ).
Lượng giãn nước càng lớn, thì tàu sân bay càng mang được nhiều nhiên liệu, dầu mỡ, đạn được, lương thực thực phẩm, phụ tùng thay thế (tàu sân bay hạt nhân có thể mang tới 8.100 tấn dầu mỡ, đến 2.700 tấn đạn dược các loại và có thể được bổ sung sau mỗi 6 - 7 ngày đêm) và càng ít phụ thuộc hơn vào các tàu đảm bảo đa năng có tốc độ di chuyển tương đối thấp so với tàu sân bay.
Thực tế cho thấy, các tàu sân bay có lượng giãn nước 80 -90.000 tấn có thể sử dụng các máy bay của mình trên Đại Tây Dươn, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong khoảng 90% thời gian có mặt trên biển (10% thời gian còn lại các máy bay không thể hoạt động do gió lớn, tầm nhìn hạn chế, mưa, biển động, sóng lớn, nhiệt độ không khí).
Các tàu sân bay Mỹ - đó là những tàu “yêu “ khí hậu nóng, chúng cố gắng hạn chế tối đa số lần phải vượt quá vòng Cực (vĩ độ 66 "33′44″). Chúng cũng tránh sóng lớn vì độ cao trọng tâm của tàu tương đối lớn. Tàu sân bay Mỹ “kỵ” các khu vực có gió lớn vì các máy bay F/A -18C chỉ có thể cất cánh khi tốc độ gió < 18 m/s và hạ cánh khi tốc độ gió < 10 m/s.
Do có rất nhiều trang bị các loại khác nhau nên tàu sân bay cần phải thường xuyên tiến hành sửa chữa. Yếu tố này ảnh hưởng lớn tới năng suất (hoạt động) của không đoàn trên tàu sân bay trong suốt vòng đời của tàu (tức thời gian tàu có mặt trong trang bị của hải quân): để dảm bảo không xảy ra sự cố, tàu sân bay kiểu “Nimitz” phải được đưa đến nhà máy để tiến hành sửa chữa và bảo dưỡng trung bình cứ sau mỗi 1,5 năm hoạt động.
Thời gian mỗi đợt sửa chữa và bảo dưỡng tùy thuộc vào cấp độ, chúng ta không đi sâu vào chi tiết, nhưng thường như sau: ví dụ :
1/ từ 30-59 ngày đêm nếu sửa chữa và bảo dưỡng một số hệ thống chuyên dụng trên tàu như thay thế và sửa chữa một số bộ phận động cơ, máy phóng máy bay v.v),
2/ từ 120 đến 130 ngày nếu sửa chữa nhỏ và bảo dưỡng tại ụ tàu, sơn, sửa thân tàu, kiểm tra và hiện đại hóa các hệ thống trên tàu,
3/ từ 135 đến 190 ngày đêm nếu đưa tàu lên ụ để sửa chữa vừa hoặc sửa chữa lớn thân tàu và các trang thiết bị,
4/ từ 245 đến 610 ngày đêm nếu đại tu thân tàu và trang thiết bị,
5/ từ 975 đến 1.280 ngày đêm nếu thay nhiên liệu và đại tu .Tổng thời gian sửa chữa, bảo dưỡng của tàu chiếm 25-30 % tuổi thọ và vì thế thời gian hoạt động trên biển chỉ còn 33% - tức 6.000 ngày đêm như đã nói ở trên.
3. Khả năng tác chiến
Khả năng tác chiến của tàu sân bay- được xác định bẳng các chỉ số như mức độ trang bị vật chất cho tàu và cho không đoàn (nói ngắn gọn – số lượng và chất lượng phương tiện kỹ thuật quân sự– vũ khí trên tàu), thành phần biên chế nhân sự trên tàu và của không đoàn, trình độ huấn luyện và kỹ năng của nhân viên trên tàu và của các phi công máy bay hạm.
Có một số tiêu chí để đánh giá khả năng chiến đấu của tàu sân bay và khả năng này được phân thành các mức (cao nhất là C1 , chấp nhận được là C3, thấp nhất – C5). Khái niệm (mức độ) trang bị vật chất cho tàu còn có nghĩa là tình trạng kỹ thuật của các trang thiết bị đó được duy trì ở cấp độ cần thiết.
Ví dụ, trong chiến dịch quân sự của Mỹ chống Iraq năm 2003, tỷ lệ các máy bay và máy bay lên thẳng đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật (tình trạng kỹ thuật tốt - có thể cất cánh tác chiến ) là hơn 75% tổng số máy bay và máy bay lên thẳng trên tàu sân bay và ở khoảng từ 78, 8 đến 92,1 % trong toàn bộ các máy bay được huy động tham gia chiến dịch.
Hải quân Mỹ cũng áp dụng định mức quy chuẩn khoảng thời hạn sử dụng thân và động cơ máy bay giữa hai kỳ sửa chữa. Trong các năm tài chính 2015 - 2017 mỗi năm bay của Không quân Hải quân Mỹ và Quân đoàn lính thủy đánh bộ với tổng số giờ bay định mức của hai lực lượng này là gần 1 triệu giờ / hơn 4.000 máy bay với 8.000 động cơ,- thì hàng năm phải đưa 1.800 động cơ và gần 400 thân máy bay đến các nhà máy để sửa chữa, bảo dưỡng.
Trình độ huấn luyện chiến đấu của các tổ lái được đánh giá bằng một loạt các tiêu chí. Nếu biên chế nhân sự của không quân chiến thuật là 1,54 tổ lái / một máy bay và thời gian bay huấn luyện trung bình hàng tháng của mỗi tổ lái là 18h thì thời gian bay huấn luyện hàng năm có thể là 216h/ 1 tổ lái và 333h cho mỗi phương tiện bay.
Tổ lái máy bay tiêm kích – cường kích dứt khoát phải có khả năng thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Cất cánh từ tàu sân bay, điều khiển máy bay trong mọi điều kiện thời tiết, nhận tiếp dầu trên không, hạ cánh xuống tàu sân bay; không cho đối phương tiếp cận tàu sân bay, phong tỏa khu vực tác chiến trên biển và trên đất liền; tiến hành các hoạt động tác chiến trên biển; hộ tống (bay bảo vệ các máy bay khác); tuần tiễu tác chiến trên không; cất cánh đánh chặn máy bay đối phương khi đang trong trạng thái đang trực chiến trên boong; cơ động trong không chiến; chế áp lực lượng phòng thủ của đối phương; hỗ trợ đường không trực tiếp (cho các lực lượng mặt đất);
thực hiện chức năng dẫn đường chỉ mục tiêu; sử dụng các phương tiện hàng không để phát hiện các mục tiêu trên mặt đất; sử dụng vũ khí lớp “không đối đất”; sử dụng vũ khí lớp “không đối không”; sống sót trong tác chiến; điều khiển (có nghĩa là thi hành mệnh lệnh, truyền lệnh, chuyển và tiếp nhận báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ) và giữ liên lạc; rải mìn; hoạt động phối hợp (có nghĩa là phối hợpvới các lực lượng mặt đất và với lực lượng không quân của Không quân Mỹ , Không quân của Quân đoàn Lính thủy đánh bộ và Không quân Lục quân).
Điểm khác giữa các phi công của các không đoàn tàu sân bay với phi công với phi công các quân chủng khác còn ở chỗ họ có kỹ năng cất cánh trên các máy phóng và sử dụng thiết bị hãm khi hạ cánh xuống tàu sân bay.
Để phục vụ công tác huấn luyện tác chiến, hàng năm Hải quân Mỹ sử dụng gần 100.000 quả bom đường không và Không quân hải quân sử dụng đại bộ phận số bom này.
Mức độ rèn luyện kỹ năng phòng không và phòng thủ chống tên lửa của không đoàn trên tàu sân bay rất khó xác định bời vì hiện đang có xu hướng giảm các động tác cơ động (của máy bay) trong các trận không chiến (một nghiên cứu năm 2015 cho thấy, trong các năm từ 1965 -2014, trên thế giới đã xảy ra 1.450 trận không chiến và trong phần lớn các trận này phi công chiến đấu sử dụng tên lửa tầm xa, hạn chế tối đa nhu cầu cơ động của các phương tiện mang (máy bay).
Khả năng tác chiến đấu của tàu sân bay có liên quan trực tiếp đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của nó.
Khả năng sẵn sàng chiến đấu của tàu sân bay – đấy là khả năng của tàu đang trực chiến có thể triển khai các hoạt động tác chiến sau một khoảng thời gian nhất định kể từ khi nhận lệnh.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh ,một tàu sân bay được coi là sẵn sàng chiến đấu nếu tàu này này có thể ra biển sau 24h kể từ khi nhận lệnh và sau đó có mặt liên tục trên biển trong vòng 3 tuần, hoặc là tàu sân bay có thể ra biển và tiến hành các hoạt động tác chiến sau khoảng thời gian đến 4 ngày đêm kể từ thời điểm nhận lệnh và hoạt động trên biển (tức được triển khai) không ít hơn 56 ngày đêm.
Đầu thế kỷ này, Hải quân Mỹ đã quy định là trong thời hạn 30 ngày đêm (kể từ khi nhận lệnh) phải có 6/ 12 tàu sân bay có thể ra biển hoặc hoạt động trên biển, còn trong thời hạn đến 90 ngày – 8 tàu sân bay.
Việc Hải quân Mỹ hiện chỉ có trong trang bị 10 -11 tàu sân bay và trong thời gian gần đây các tàu này đang gặp một số vấn đề (thời gian sửa chữa kéo dài, hoặc được đưa đi sửa chữa chậm so với kế hoạch - có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các định mức này).
Chiếc tàu sân bay “cao tuổi” nhất của Mỹ “Nimitz” đã có mặt trên khắp các đại dương. Ảnh : www.navy.mil |
4. Sức mạnh tấn công chủ yếu của các sân bay nổi
Không quân tàu sân bay (Mỹ) – đó là hơn 1.100 máy bay và máy bay lên thẳng, được biên chế cho các không đoàn có thành phần tương tự nhau. Có 9 không đoàn không quân hỗn hợp tàu sân bay (CVW).
Mỗi không đoàn có 4 phi đội tiêm kích – cường kích (đến 12 chiếc F/A-18C/E/F mỗi phi đội ), một phi đội máy bay tác chiến điện tử (4 chiếc EA- 18G), một phi đội máy bay phát hiện radar từ xa và điều khiển (4 chiếc E-2D), 2 phi đội máy bay lên thẳng (đến 15 chiếc máy bay lên thẳng chống ngầm MH-60R và máy bay lên thẳng đa năng MH-60S ), một đội máy bay vận tải ( 2 máy bay C-2), tổng cộng là hơn 70 chiếc.
Mỗi không đoàn được biên chế cho một tàu sân bay nhất định, máy bay và máy bay lên thẳng của không đoàn đó sẽ bay từ các căn cứ không quân trên bờ đến tàu sân bay khi tàu này được lệnh triển khai trên biển và rời tàu sân bay ngay sau khi tàu nhận lệnh trở về căn cứ đóng quân thường xuyên.
Không quân tàu sân bay – là loại vũ khí sử dụng nhiều lần của tàu sân bay. Ví dụ, F/A-18E/F theo tính toán sẽ thực hiện 6.000 giờ bay (nếu được sửa chữa và hiện đại hóa thì thời gian bay là 9.000 giờ) với thời gian bay trung bình hàng năm vào khoảng 350 giờ.
Định mức – mỗi máy bay F/A-18C thực hiện 4,5 lần xuất kích / ngày đêm trong các cuộc tập trận (bay huấn luyện) và 2 lần /ngày đêm trong điều kiện tác chiến, còn phi công - 2 chuyến xuất kích/ ngày đêm trong cả khi bay tập và cả trong tác chiến.
Trong chiến dịch quân sự năm 2003, 12 máy bayF/A-18E/F của phi đội không quân tiêm kích – cường kích trên tàu sân bay hạt nhân “Abraham Lincoln “ (CVN 72) trong vòng 16 ngày đêm đã thực hiện 560 chuyến xuất kích. Loại máy bay này với trọng lượng cất cánh tối đa 30 tấn (trọng lượng rỗng 14 tấn) và trọng lượng hạ cánh không lớn hơn 19,5 tấn có thể mang 8 tấn bom, tên lửa và đạn + 6,5 tấn nhiên liệu bên trong và 7 tấn nhiên liệu trong 5 thùng dầu phụ treo bên ngoài , tốc độ tối đa đạt 1.915 km/h.
Với 11 móc treo, nó có thể mang một khối lượng bom và tên lửa nhất định bay ở cự ly 1. 250 km không cần tiếp dầu trên không – bán kính hoạt động tùy thuộc vào khối lượng vũ khí và nhiên liệu trên máy bay.
Hiệu suất hoạt động của không quân tàu sân bay tính theo tiêu chí số lần xuất kích có thể tạm chia thành 4 loại :1/ theo tính toán, 2/ tối đa, 3/ hàng ngày và 4/ trong điều kiện tác chiến.
Hiệu suất hoạt động theo tính toán của một không đoàn tàu sân bay được tính bằng tổng số lần cất cánh/ hạ cánh trên tàu đó trong suốt vòng đời của chiếc tàu sân bay này( suốt thời gian phục vụ).
Bởi vì mỗi tàu sân bay có thời gian hoạt động là 50 năm và thực hiện 500 .000 (năm trăm nghìn) lần cất/hạ cánh / 6.000 ngày đêm có mặt trên biển (như đã nói ở phần trước), thì đối với tàu sân bay kiểu “Nimitz” con số trung bình các chuyến xuất kích trong mỗi năm của tàu trong suốt vòng đời (50 năm) là 10.000, trong một ngày đêm suốt vòng đời của tàu – 27,4 và là 83,3 chuyến xuất kích của máy bay và máy bay lên thẳng / một ngày đêm tính theo thời gian tàu có mặt trên biển.
Trong số 500.000 chuyến xuất kích, có > 22 % số lần (hơn 110.000) chuyến là của máy bay lên thẳng và < 78% ( đến 390 .000 chuyến ) là của máy bay - tỷ lệ này cũng tương đương với tỷ lệ máy bay lên thẳng/ máy bay trên tàu.
Hiệu suất tối đa – đó là khả năng của không đoàn tàu sân bay trong thời gian từ 1 đến 6 ngày đêm liên tục có thể thực hiện số lần xuất kích tối đa để thực hiện nhiệm vụ (số lần xuất kích tối đa/1-6 ngày đêm). Kỷ lục hiện nay đang thuộc về tàu sân bay “Nimitz” - kỷ lục này được lập năm 1997.
Không đoàn của tàu sân bay này được tăng cường lực lượng đảm bảo kỹ thuật chỉ vòng 4 ngày đêm liên tục đã thực hiện 250 chuyến xuất kích /ngày đêm, trong đó có 200 chuyến là của máy bay tiêm kích- cường kích , máy bay tiêm kích và các máy bay tác chiến điện tử.
Hiệu suất hàng ngày – đó là tổng số các chuyến bay của không đoàn trong thời gian không đoàn có mặt trên tàu sân bay (không tính tới các chuyến bay của không đoàn trong thời gian các máy bay và máy bay lên thẳng của nó đóng tại các sân bay trên đất liền) khi tiến hành các chuyến bay huấn luyện tác chiến thường xuyên và tham gía vào các hoạt động tác chiến có hệ thống trong các chiến dịch quân sự. Năm 2014, một chiếc máy bay của không đoàn tàu sân bay hạt nhân “Carl Vinson” (CVN 70) đã thực hiện lần hạ cánh thứ 230.000 xuống chiếc tàu bằng thiết bị hãm sau 32,5 năm “ CarlVinson” có mặt trong trang bị.
Thành thử, con số trung bình các lần cất/hạ cánh trong một năm của tàu này là 7077 (con số tính toán là 7.800) và trong một ngày đêm là 19,4 (con số tính toán là 21,4 ), và điều đó có nghĩa là trong 50 năm (vòng đời của tàu) thì với nhịp độ như vậy, các máy bay của tàu có thể thực hiện 360.000 chuyến xuất kích (con số tính toán là 390.000) .
Cũng trong năm 2014, tàu sân bay “George Bush” (CVN 77) trong thời gian 273 ngày đêm hoạt động trên biển, ghé thăm 6 cảng nước ngoài với hải trình 73.400 hải lý đã thực hiện 12.524 chuyến xuất kích, trong đó có 9.689 là của máy bay (chiếm tỷ lệ 77,4% ) và 2.835 là của máy bay lên thẳng (22,6%). Với số lượng trung bình số lần cất cánh trong thời gian trên biển/ một ngày đêm là 49, không đoàn của tàu này trong thời gian 6.000 ngày đêm hoạt động trên biển có thể thực hiện 300.000 chuyến xuất kích (con số tính toán là 500.000).
Từ những sốl iệu đã dẫn nói trên, năng suất hoạt động hàng ngày thực tế ở một số tàu sân bay (kể cả tổng số lần máy bay lên thẳng + máy bay, lẫn số lần xuất kích chỉ của riêng máy bay) hiện đang thấp hơn con số tính toán.
Trong hoạt động hàng ngày, không đoàn tàu sân bay thực hiện hơn 70 % số lần cất cánh vào thời gian ban ngày và dưới 30% - vào ban đêm. Tỷ lệ số lần gặp sự cố trung bình của Không quân Hải quân Mỹ trong giai đoạn 2004-2014 là 0,88vụ /100.000 giờ hoạt động trên không.
Hiệu suất tác chiến – đấy là cường độ sử dụng không quân trên tàu trong các chiến dịch quân sự. Trong những năm chiến tranh lạnh người ta tính toán là một không đoàn của một tàu sân bay trong các hoạt động tác chiến / một ngày đêm bay (12 giờ bay + 12 giờ bảo dưỡng máy bay) với chu kỳ các chuyến xuất kích là 1 giờ 40 phút của 8 cụm máy bay, mỗi cụm 15-17 máy bay có thể thực hiện đến 120 -130 chuyến xuất kích (với 5-6 ngày đêm bay và 1-2 ngày nghỉ ngơi và bảo dưỡng/ một tuần).
Trong các chiến dịch quân sự từ năm 1991, các chuyên gia quân sự đã khẳng định rằng, tàu sân bay đôi khi có thể thực hiện tối đa đến 140 lần xuất kích (trong đó có đến 90 chuyến của các máy bay tấn công) /một ngày đêm trong vòng một ngày, từ 120 -130 chuyến cất cánh/ ngày đêm liên tục trong vòng một tuần (tối đa 12 nhóm, mỗi nhóm có 8-20 máybay), 100 – 110 chuyến xuất kích / ngày đêm liên tục trong vòng một tháng.
Xin dẫn các con số của tàu sân bay “Theodor Roosevelt (CVN 71) để tham khảo. Trong chiến dịch quân sự chống Iraq năm 1991, không đoàn của tàu này trong 39 ngày đêm đã thực hiện 4.149 lần xuất kích, trong đó có 1.624 lần (39%) là tấn công, 1.240 (30%) là để chiếm ưu thế trên không và 1.285 (31%) là tiến hành các hoạt đông tác chiến và đảm bảo hậu cần.
Tần xuất trung bình các lần xuất kích / một ngày đêm bay là 106, còn ngày tối đa là 140 lần. Trong chiến dịch quân sự chống Nam Tư năm 1999, cũng không đoàn của tàu này với 72-74 máy bay trong 56 ngày đêm bay đã thực hiện 4.270 lần xuất kích, trong đó để tấn công là 1.580 (37%), sử dụng hơn 800 tấn đạn dược - tấn công 535 mục tiêu (88 mục tiêu cố định, 447 mục tiêu chiến thuật). Tần xuất trung bình – 76 lần xuất kích / ngày đêm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giảm tần xuất cất cánh tác chiến (của không đoàn) là tỷ lệ vũ khí chính xác cao/ tổng số vũ khí trên tàu sân bay tăng lên. Để tiêu diệt các mục tiêu cần ít đạn dược hơn và vì thế số lượng các lượt xuất kích cũng giảm đi.
Tỷ lệ sử dụng vũ khí chính xác cao / tổng số các loại vũ khí của Mỹ và các đồng minh trong các chiến dịch quân sự tăng từ 8% năm 1991 lên 35 % năm 1999, 37 % năm 2001 và tới 68% năm 2003.
Đối với không quân tàu sân bay, tỷ lệ này cũng tăng từ 1% năm 1991, lên 37% năm 1999, 57% năm 2001 và 95% năm 2003. Nghịch lý là ở chỗ đối với những loại vũ khí chính xác với xác xuất bắn trúng mục tiêu khi đó là 0,7 – 0,75 (hiện nay không vượt quá 0,98 với độ tin cậy 0,95) thì không còn đủ mục tiêu để tấn công.
http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nguoi-nga-phan-tich-thua-nhan-suc-manh-tau-san-bay-my-3329364/?paged=5
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét