Sau khi khoe diễn tập phục kích ngầm, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố nhằm thắt chặt cái gọi là "thách thức chủ quyền và an ninh" đầy toan tính.
Phục kích ngầm
Trang China News Service (CNS) hôm 14/2 đã tải thông tin về nội dung dự thảo sửa đổi luật an toàn hàng hải đang được Trung Quốc xem xét. Theo đó, bất cứ tàu lặn nước ngoài phải nổi lên mặt nước và báo cáo hành trình di chuyển cho cơ quan chức năng khi đi vào vùng biển của Trung Quốc.
Ngoài ra, bản dự thảo này còn cho phép nhà chức trách hàng hải chặn tàu nước ngoài vào vùng biển Trung Quốc nếu chúng bị xem là đe dọa đến an toàn và trật tự hàng hải.
Dù CNS không nêu rõ chi tiết dự thảo song khẳng định những thay đổi sẽ "tăng cường hệ thống quản lý cơ bản đối với tàu thuyền nước ngoài ra vào lãnh hải, những chuyến đi vô hại cũng như quyền truy đuổi và trục xuất nóng".
Căn cứ tàu ngầm Trung Quốc. |
Hãng tin Reuters cho rằng, dự thảo luật sửa đổi không đề cập trực tiếp đến Biển Đông - nơi Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết vùng biển có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới này.
Ngay trước khi bản dự thảo này được công khai, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã khoe khoang rằng, lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc vừa thực hiện cuộc diễn tập mai phục dưới biển và tung ra đòn tấn công bất ngờ.
Tàu sử dụng trong cuộc diễn tập này là tàu ngầm 321 thuộc một chi đội tàu ngầm của Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc. Chỉ huy tàu ngầm là Doãn Tuệ Tuyền. Trong cuộc diễn tập này, tàu ngầm 321 đã lặn và mai phục gần 40 tiếng ở biển sâu.
Ngoài khả năng mai phục, trong cuộc diễn tập này, lần đầu tiên tàu ngầm Trung Quốc bắn đồng loạt 4 quả tên lửa và làm cho một chiếc tàu chiến mặt nước cỡ lớn của "đối phương" mất sức chiến đấu.
Sina dẫn nguồn từ Hải quân Trung Quốc cho biết, cuộc diễn tập không có kịch bản trước. Khi phát hiện có biên đội chiến đấu đang nhanh chóng áp sát, binh sĩ tàu ngầm 321 (quân xanh) không hề biết biên đội chiến đấu mặt nước này là quân đỏ, đòi hỏi người chỉ huy tàu ngầm phải độc lập và nhanh chóng đưa ra quyết định: hoặc né tránh, hoặc tiến hành tấn công.
Ngay khi phát hiện ra đối phương, chỉ huy tàu ngầm 321 đã quyết định thăm dò tình hình, rồi cho tàu ngầm 321 lặng lẽ rời khỏi chỗ cũ, chuyển sang trạng thái chủ động, nhanh chóng điều chỉnh, bước vào chuẩn bị phục kích.
Tuy nhiên, một tình huống bất ngờ khác xảy ra là, thiết bị dẫn đường tên lửa số 1 khởi động không bình thường. Viên chỉ huy tàu quyết định hạ lệnh cho một khoang chuẩn bị tự chủ bắn, lập tức khởi động "phương án sửa chữa khẩn cấp hệ thống vũ khí".
Sau khi triển khai sửa gấp, sự cố cuối cùng được khắc phục, lúc này cách thời cơ bắn đã không đến 5 phút. Doãn Tuệ Tuyền đã liên tiếp hạ lệnh bắn, tàu ngầm 321 đã đồng loạt phóng 4 quả tên lửa lao đến mục tiêu.
Hoạt động diễn tập bắn 4 quả tên lửa lần này của tàu ngầm 321 đã kiểm nghiệm khả năng tác chiến hệ thống của đối phương, đồng thời đã tăng cường khả năng tự "đánh thắng". Đó là huấn luyện sát chiến đấu thực tế - chi đội trưởng Từ Chí Vinh đã nói tại một hội nghị tổng kết.
Liên thủ
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên tàu ngầm Trung Quốc diễn tập chiến đấu tại những địa điểm không thực sự rõ ràng. Và những hoạt động như vậy đang khiến nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là Mỹ quan ngoại và phải tìm cách đối phó. Để thực hiện chiến lược của mình, Mỹ tuyên bố sẵn sàng chia sẻ bí mật với Ấn Độ và tăng cường hợp tác với Nhật Bản nhằm siết chặt thòng lọng đối phó tàu ngầm Trung Quốc.
Chiến hạm Mỹ tuần tra Biển Đông hồi năm 2016. |
Các nguồn tin tình báo cho biết Mỹ đã lắp đặt hệ thống theo dõi tàu ngầm bằng sóng âm thanh (SOSUS) hiện đại nhất ở vùng biển Okinawa của Nhật Bản và quân đội hai nước Nhật- Mỹ cùng khai thác sử dụng để theo dõi mọi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc từ Biển Hoa Đông và Hoàng Hải ra Thái Bình Dương.
Mặc dù hệ thống này có thể giúp quân đội Mỹ phát hiện và tấn công tàu ngầm Trung Quốc, nhưng nó lại bị cho là vi phạm Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Hoạt động lắp đặt SOSUS nhằm theo dõi tàu ngầm Trung Quốc là dự án tối mật trong cơ chế bảo đảm an ninh Nhật-Mỹ. Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản chỉ báo cáo sự việc này với hơn 10 quan chức cấp cao trong nội các, bao gồm cả Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng.
SOSUS sử dụng Trạm quan trắc của Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản tại Uruma (thuộc Căn cứ Okinawa) làm cứ điểm, từ đó theo hai hướng Đông Bắc và Tây Nam lắp đặt hệ thống cáp điện dưới đáy biển, mỗi hướng dài hàng trăm km kéo dài đến tận Kyushu (Nhật Bản) và Eo biển Đài Loan, khiến vùng biển phía Tây Nam Thái Bình Dương trong đó bao gồm cả nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đều nằm trong phạm vi theo dõi của SOSUS.
Các chuyên gia quân sự cho biết, SOSUS là hệ thống theo dõi bằng âm thanh hiện đại nhất của Mỹ hiện nay, với hệ thống dây cáp điện được lắp đặt các thiết bị cảm nhận sóng điện từ và sóng âm thanh dưới nước (mỗi thiết bị được gắn cách nhau khoảng 30 km). SOSUS thu thập dữ liệu liên quan đến hoạt động của tàu ngầm và dữ liệu sẽ được truyền về bộ phận phân tích giải mã để quân đội Mỹ và Nhật Bản cùng sử dụng.
Đây là lần đầu tiên Mỹ và Nhật Bản lắp đặt hệ thống SOSUS theo dõi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc. Hơn nữa, SOSUS là hệ thống mới nhất, có mức độ cảm nhận sóng từ và âm thanh dưới nước siêu nhạy từ khoảng cách xa hàng trăm km.
Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng chính các tên lửa đạn đạo được bố trí trên tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc neo đậu ở khu vực ven biển có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ nước Mỹ đã buộc Washington phải tăng cường theo dõi mọi di biến động của tàu ngầm Trung Quốc.
Việc chia sẻ thông tin tình báo thu thập được qua SOSUS được coi là lĩnh vực hợp tác chặt chẽ hiếp thấy giữa Mỹ và Nhật Bản. Với hệ thống này, một khi Eo biển Đài Loan bùng nổ xung đột quân sự, quân đội Mỹ hoàn toàn có thể căn cứ vào thông tin tình báo thu thập được qua SOSUS phát động tấn công chính xác nhằm vào tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.
http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/trung-quoc-chan-tau-nuoc-ngoai-sau-dien-tap-phuc-kich-ngam-3329308/?paged=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét