Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Dự trữ ngoại tệ xuống mức thấp kỷ lục đẩy Trung Quốc vào hiểm cảnh

 Dù khả năng Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế trong ngắn hạn có vẻ tương đối thấp, nhưng tăng trưởng chậm lại gần như là điều chắc chắn sau những bất ổn tài chính mà sự sụt giảm mạnh dự trữ ngoại tệ là một trong số đó.




Năm mới 2017 có vẻ như vẫn chưa thực sự đem lại may mắn cho nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là ở lĩnh vực tài chính. Quỹ dự trữ ngoại tệ của nước này trong tháng 1.2017 đã tiếp tục đà sụt giảm mạnh bắt đầu từ giữa năm 2016 và là tháng thứ 7 liên tiếp sụt giảm, đưa tổng giá trị ngoại tệ dự trữ của Bắc Kinh xuống mức thấp kỷ lục là 2.998 tỉ USD, thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm 2011.

Lý do chính vẫn là các nỗ lực hỗ trợ tỉ giá nhân dân tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) để ngăn chặn đồng nội tệ của nước này giảm giá quá mạnh so với USD. Hãng đánh giá xếp hạng toàn cầu S&P đã hạ triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc xuống mức AA- do những nguy cơ mà hệ thống tài chính của nước này sẽ phải đối mặt trong tương lai gần. Tương lai của nền kinh tế số 2 thế giới đang trở nên khó dự đoán hơn bao giờ hết.


Việc quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm xuống mức dưới 3.000 tỉ USD trên thực tế đã được dự báo từ quý 4/2016 sau khi sụt giảm liên tục 5 tháng kể từ thời điểm giữa năm 2016. Theo số liệu công bố của PBOC, tổng cộng quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã sụt giảm khoảng trên 300 tỉ USD tính từ tháng 6 đến thời điểm cuối tháng 11.2016, chủ yếu đến từ việc bán ra USD để ghìm đà mất giá của nhân dân tệ do dòng vốn đang chảy khỏi nước này ngày càng tăng lên, khoảng 500-600 tỉ USD/năm trong 2 năm 2015 và 2016. Thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc chỉ đạt khoảng 200-250 tỉ USD/năm nên chính phủ nước này buộc phải trích dự trữ ngoại tệ để ổn định tỉ giá do dòng vốn rút ra khỏi thị trường quá lớn.

Vì thế, việc dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong tháng 1.2017 cho thấy chính phủ nước này vẫn chưa thể tìm ra cách để ổn định tình hình. Dự báo trong năm nay, vấn đề này sẽ càng trở nên khó khăn hơn nữa do khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 2-3 lần trong năm 2017 để ứng phó với chính sách kích thích kinh tế của tân Tổng thống Donald Trump, càng khiến cho dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc mạnh hơn nữa. Trong khi đó thặng dư thương mại của Trung Quốc với các nền kinh tế trên thế giới lại có xu hướng suy giảm, khi nó đã sụt giảm tổng cộng 14% trong năm 2016 và dự báo sẽ còn giảm thêm, do kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ và chính sách bảo hộ thương mại đang quay trở lại đặc biệt là ở Mỹ - nơi chiếm tới 50% tổng thặng dư thương mại toàn cầu của Trung Quốc.

Dù cùng chung nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn 2017-2020 do bất ổn tài chính, nhưng đang có khá nhiều đánh giá khác nhau về các kịch bản mà nền kinh tế số 2 thế giới sẽ phải đối mặt trong tương lai. Nhà phân tích tín dụng Singapore Kim Eng Tan cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là triển vọng tiêu cực đang dẫn tới sự gia tăng rủi ro về tài chính và kinh tế của Trung Quốc, không chỉ trong năm nay mà có thể là từ nay đến năm 2020”.

Trong kịch bản xấu nhất, Tan cho biết Trung Quốc sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 5,5%/năm trong vòng 3 năm tiếp theo (tăng trưởng 2016 của Trung Quốc là 6,7%). Do bất ổn tài chính (dự trữ ngoại tệ giảm mạnh, nợ công và nợ xấu ngân hàng tăng lên, nhân dân tệ mất giá, sụt giảm thặng dư thương mại, dòng vốn rút khỏi thị trường tăng mạnh) có thể khiến chính phủ Trung Quốc thắt chặt đầu tư hoặc ít nhất cũng gia tăng kiểm soát dòng vốn, cả hai điều này đồng nghĩa với một sự sụt giảm tăng trưởng đáng kể đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế trong ngắn hạn có vẻ như là tương đối thấp. Báo cáo của hãng đánh giá Fitch đầu tháng 2.2017 nhận định khó khăn tài chính hiện nay sẽ chỉ dẫn tới tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại chứ khó có khả năng tạo ra khủng hoảng.

Kim Eng Tan cho biết: “Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hiện nay vẫn đủ để đáp ứng các nhu cầu và trả nợ. Thặng dư thương mại vẫn rất lớn và tài khoản vãng lai vẫn đang ở tình trạng dư thừa, đó là tấm đệm đủ để kinh tế Trung Quốc không phải đối mặt với những cú sốc như một cuộc khủng hoảng”. Bản thân hãng đánh giá xếp hạng toàn cầu S&P, dù hạ triển vọng kinh tế Trung Quốc xuống mức AA- sau khi quỹ dự trữ nước này giảm xuống dưới mức 3.000 tỉ USD, vẫn cho biết điều này không đe dọa đến xếp hạng tín dụng của Trung Quốc khi mức dự trữ còn lại vẫn thừa đủ để đối mặt với những yêu cầu ngắn hạn.

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong ngắn hạn. Nếu Bắc Kinh không có biện pháp giải quyết tình hình và khiến cho quỹ dự trữ ngoại tệ tiếp tục sụt giảm mạnh như đã diễn ra trong thời điểm 2015-2016 (tổng cộng giảm trên 1.000 tỉ USD), thì nguy cơ sẽ ập đến ngay tức khắc. Mức sàn tối thiểu để giữ kinh tế Trung Quốc không rơi vào khủng hoảng là 2.000 tỉ USD dự trữ ngoại tệ và cứ với tốc độ sụt giảm hiện nay thì cũng không còn cách xa là mấy. Có vẻ như chính phủ Trung Quốc đang ở trong một tình thế khó khăn, hoặc rơi vào khủng hoảng hoặc chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm hẳn lại so với mục tiêu đề ra.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét