Đội ngũ tham mưu chiến lược và quan chức dưới quyền Tổng thống Rodrigo
Duterte đang bọc lót, phối hợp cho nhau rất ăn ý để thực hiện các ý đồ chiến lược.
South China Morning Post, Hồng Kông ngày 7/2 cho biết, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Pháp AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines ông Delfin Lorenzana đã có một số phát biểu bày tỏ lo ngại:
Có khả năng Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ bồi lấp đảo nhân tạo, quân sự hóa bất hợp pháp bãi cạn Scarborough.
Bắc Kinh đã bồi đắp, xây dựng 7 đảo nhân tạo trên 7 cấu trúc nước này chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), đồng thời xây dựng các cơ sở quân sự trên một số cấu trúc.
Giới phân tích tin rằng, một hoạt động tương tự nếu diễn ra ở Scarborough có thể tạo cho nước này khả năng kiểm soát quân sự trên toàn Biển Đông.
Những phát biểu bất ngờ
Ông Delfin Lorenzana nói với AFP:
"Họ (Trung Quốc) đã lấn chiếm. Họ đã chiếm 3 hòn đảo ở đó (quần đảo Trường Sa) cộng với việc họ đang cố gắng chiếm Scarborough.
Vì vậy đối với chúng tôi, đó là điều không thể chấp nhận được.
Nếu chúng ta để yên, họ sẽ xây dựng. Đó là điều rất, rất đáng lo ngại. Trung Quốc xây dựng ở Scarborough với Philippines sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với việc họ xây dựng ở đá Chữ Thập.
Đó có thể là chiến lược của họ để chống lại bất cứ siêu cường nào họ cho là sẽ "xâm phạm" Biển Đông vì họ tin rằng, đó là cái ao nhà của họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: SCMP. |
Người Mỹ đã vạch ra giới hạn đỏ, giới hạn đỏ có nghĩa là bạn không được phép vượt qua nó, cho nên Trung Quốc đã không vượt qua giới hạn này.
Nếu chúng tôi có một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Biển Đông, chúng tôi có thể ngăn chặn họ. Nhưng chúng tôi không có.
Tôi vẫn hy vọng trong tương lai, một số người ở Bắc Kinh sẽ hiểu ra vấn đề, rằng đó là của chúng tôi. Đó có phải là mơ ước xa vời hay không, ai biết được?"
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết thêm, năm ngoái Trung Quốc đã từng tìm cách xây dựng ở Scarborough, nhưng bị Mỹ ngăn lại.
Về bình luận của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Mỹ có thể phong tỏa đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông, ông Delfin Lorenzana tỏ ra lo ngại:
Philippines có thể trở thành nạn nhân của cuộc chiến nếu nó nổ ra giữa 2 siêu cường trên Biển Đông.
Philippines sẽ sớm sửa chữa đường băng trên đảo Thị Tứ (Trường Sa) và xây dựng thêm doanh trại cho lực lượng thủy quân lục chiến đồn trú ở đó.
Manila sẽ cố gắng "quản lý" các tranh chấp hàng hải, trong khi nỗ lực hợp tác với Bắc Kinh trong các lĩnh vực khác, như tuần tra chống cướp biển. [1]
Nước cờ và tính toán của Philippines
Sở dĩ người viết dùng chữ "bất ngờ" là vì, thứ nhất lo ngại của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines là một thông điệp được Manila chủ động đưa ra có tính toán, có mục đích, nhưng không dựa trên các "dấu hiệu" hành động của Trung Quốc ngoài thực địa.
Thấy gì qua việc ông Nghị xoa dịu lo ngại chiến tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông? |
Thực tế người tiền nhiệm của ông, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin thường chỉ chính thức lên tiếng cảnh báo khi các cơ quan tham mưu quân đội Philippines báo cáo lên các dấu hiệu Trung Quốc tăng cường hoạt động ở thực địa.
Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines trong cuộc khủng hoảng năm 2012.
Đó là giọt nước tràn ly buộc Philippines phải khởi kiện Bắc Kinh ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982.
Thứ hai, thời điểm ông Lorenzana bày tỏ lo ngại khả năng Trung Quốc "sớm muộn cũng quân sự hóa Scarborough" đúng lúc quan hệ Manila - Bắc Kinh đang cải thiện sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền.
Đồng thời tại Mỹ, tỉ phú Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Ông và cộng sự có quan điểm khá cứng rắn và cách tiếp cận hoàn toàn khác chính phủ tiền nhiệm về Biển Đông.
Những phát biểu của bản thân ông Donald Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn Steve Bannon, người phát ngôn Nhà Trắng đều cho thấy Mỹ sẽ can thiệp mạnh vào Biển Đông, nhưng bằng nhiều công cụ và phương tiện chứ không chỉ gây sức ép về quân sự.
Thứ ba, bình luận của ông Delfin Lorenzana thoạt nghe có vẻ bi quan so với những gì ông Rodrigo Duterte vẫn nói về Scarborough và chính sách đối ngoại với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Thậm chí "lo ngại" của ông Bộ trưởng Quốc phòng Philippines về phát biểu của người đồng cấp Hoa Kỳ Rex Tillerson bề ngoài có vẻ đối lập với những gì Ngoại trưởng Philippines từng bình luận:
"Nếu ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng các cấu trúc tranh chấp ở Biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ, họ được tự do làm điều này vì khu vực nằm trong vùng biển quốc tế". [2]
Vậy tính toán thực sự của Philippines trong nước cờ dư luận chiến này là gì?
Theo cá nhân người viết, những phát biểu của ông Delfin Lorenzana hoàn toàn không mâu thuẫn với Ngoại trưởng Perfecto Yasay, và đều nhắm tới thực hiện chiến lược của ông Rodrigo Duterte.
Thứ nhất, Manila muốn nhân dịp này hối thúc Mỹ tăng cường cam kết duy trì hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế và hiện trạng Biển Đông, không để Trung Quốc lấn tới thêm nữa trong việc quân sự hóa Scarborough.
Phát biểu của ông Lorenzana cho thấy rõ điều này: cấm Trung Quốc quân sự hóa Scarborough là giới hạn đỏ của Washington; chỉ có Mỹ với ngăn được Trung Quốc; và tạm thời Trung Quốc "vẫn biết sợ" Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã âm thầm nhượng bộ Donald Trump, Biển Đông sẽ lặng sóng? |
Thứ hai, Điện Manacanang muốn thông qua phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng để "trung hòa" dư luận trong nước, khi nước cờ đối ngoại của ông Rodrigo Duterte với Bắc Kinh có thể gây ra những hiểu lầm và chia rẽ nội bộ.
Thứ ba, kéo Trung Quốc và Hoa Kỳ vào thế giữ cân bằng, không có những hành động leo thang nguy hiểm trong bối cảnh Trump lên nắm quyền, theo "tiền lệ" thì Trung Quốc có thể sẽ có hành động ngoài thực địa nhằm ném đá dò đường, thăm dò phản ứng của Mỹ.
Do đó, phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines có thể xem như một động thái ngầm phối hợp với người đồng cấp James Mattis sau những phát biểu của ông về Biển Đông tại Tokyo.
Tìm cách thực hiện một phần Phán quyết Trọng tài
Bình luận về phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, báo An ninh Thủ đô ngày 9/2 nhận định:
"Cuộc đàm phán quan trọng về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào cuối tháng này tại Philippines đã bị phủ không khí u ám bởi những hành vi gây căng thẳng liên tiếp của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược này...
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 7-2 đã cảnh báo Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ xây dựng tiền đồn quân sự trên bãi cạn tranh chấp Scarborough.
Việc làm này của Trung Quốc sẽ khiến cho việc hoàn tất COC rất khó có thể hoàn tất như kỳ vọng vào giữa năm 2017". [3]
Người viết cho rằng, phát biểu của ông Lorenzana mới chỉ là "cảnh báo", "dự đoán", và như phân tích phía trên, đó là một nước cờ chiến thuật Philippines chủ động đưa ra với 3 mục đích.
Do đó cho những phát biểu này là "căng thẳng trước đàm phán COC" e rằng chưa thuyết phục.
Mặt khác, mục tiêu của Trung Quốc và ASEAN hoàn tất COC trong năm 2017 hiện mới chỉ thể hiện mong muốn và cam kết chính trị.
Nếu COC ra đời, ý nghĩa lớn nhất của nó là đã thực hiện một phần quan trọng của Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.
Bởi lẽ Phán quyết Trọng tài đã bác bỏ một cách thuyết phục đường lưỡi bò cũng như các yêu sách "quyền lịch sử" Trung Quốc nêu ra trong đường lưỡi bò.
Mà phạm vi áp dụng COC phải là những vùng biển chồng lấn bởi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của các nước có bờ biển liền kề hay đối diện nhau, thành lập theo UNCLOS 1982 trên Biển Đông.
Biển Đông: Mattis-Tillerson song kiếm hợp bích, Donald Trump im lặng là vàng |
Không thể áp dụng COC cho toàn bộ Biển Đông hay trong phạm vi đường lưỡi bò, bởi nếu xảy ra việc này tức là cả khu vực đã thừa nhận đường lưỡi bò Trung Quốc. Đó mới là mấu chốt vấn đề.
Thiện chí mà Trung Quốc tuyên bố, rằng họ muốn cùng ASEAN kết thúc đàm phán và cho ra đời COC trong năm 2017 sẽ được kiểm tra bởi thực tiễn.
Nếu có COC, tức là Trung Quốc đã âm thầm thừa nhận một phần Phán quyết Trọng tài. Nếu hết năm 2017 mà vẫn chưa có COC, tức là Bắc Kinh chỉ muốn hoãn binh, câu giờ, chỉ là những lời hứa chót lưỡi đầu môi mà thôi.
Mặt khác, COC nếu có, sẽ là một công cụ chính trị tạo dựng lòng tin, hướng tới mục tiêu chung bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế và trật tự ở Biển Đông, nó không phải căn cứ giải quyết tranh chấp, càng không phải chìa khóa vạn năng cho vấn đề Biển Đông.
Vẫn phải cảnh giác khả năng Trung Quốc tìm cách nắn gân Mỹ ngoài thực địa Biển Đông
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines về Scarborough nhắc nhở chúng ta vẫn phải cảnh giác với khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách nắn gân Mỹ ngoài thực địa ở Biển Đông thời gian tới.
Mặc dù sau phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc James Mattis, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã công khai xoa dịu khả năng xung đột, chiến tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông bằng tuyên bố: đối đầu, hai bên đều thua cuộc.
Trung Quốc có thể "nắn gân" Mỹ bằng cách nào? Một cuộc khủng hoảng như Scarborough năm 2012, giàn khoan 981 như năm 2014 với Philippines và Việt Nam khó có thể xảy ra, ít nhất là trong ngắn hạn.
Nhưng không loại trừ Bắc Kinh có thể tiến hành các hoạt động chiếm đóng từng bước các rặng san hô, bãi cát ngầm ở Trường Sa hiện vẫn chưa bên nào đóng giữ.
Hoặc một vụ việc tương tự như bắt giữ thiết bị lặn không người lái của Hoa Kỳ ở Biển Đông có thể lặp lại, để đo lường phản ứng chính sách của chủ nhân mới Nhà Trắng.
Tuy khả năng không cao, nhưng không phải điều không thể.
Một vài điểm nên chú ý về yêu sách của Philippines ở Trường Sa qua phát biểu của ông Delfin Lorenzana
Thứ nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói Trung Quốc chiếm "3 đảo" ở Trường Sa là như thế nào?
Thực tế Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ít nhất 7 cấu trúc ở Trường Sa, bao gồm Gạc Ma, Tư Nghĩa, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi sau khi cất quân xâm lược tháng 3/1988. Năm 1995 họ chiếm thêm đá Vành Khăn.
Tất cả 7 thực thể này Philippines đều yêu sách "chủ quyền", điều này được thể hiện qua Công hàm Philippines gửi Liên Hợp Quốc ngày 5/4/2011 với tên gọi "Nhóm đảo Kalayaan". [4]
Philippines chính thức yêu sách đối với "Nhóm đảo Kalayaan" bằng Sắc lệnh Tổng thống số 1596 ký ngày 11/6/1978 bởi Tổng thống Ferdinand Marcos. [5]
Trong 15 nội dung Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 ngày 1/1/2013 và Tòa ra Phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016, 7 cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Trường Sa thì có 4 cấu trúc là các bãi cạn lúc nổi lúc chìm.
Đó là Vành Khăn, Xu Bi, Ga Ven, Tư Nghĩa. 3 cấu trúc còn lại là Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý theo Điều 121, UNCLOS 1982. [6]
Đây chính là 3 đảo mà ông Delfin Lorenzana đề cập trong phát biểu nêu trên.
Về mặt khái niệm, có những tranh cãi về việc Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên là "đảo" hay "đá", đã được Tiến sĩ Trần Công Trục phân tích trong bài Có phải Việt Nam "thiệt thòi" vì phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông? Quý bạn đọc quan tâm, xin mời theo dõi lại.
Động thái này của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho thấy, đội ngũ tham mưu chiến lược và quan chức dưới quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đang bọc lót, phối hợp cho nhau rất ăn ý để thực hiện các ý đồ chiến lược của ông chủ Điện Manacanang.
Cũng giống như những phát biểu của "cặp bài trùng" Rex Tillerson và James Mattis, kẻ công người thủ nhằm tối đa hóa hiệu quả các nước cờ của chủ nhân Tòa Bạch Ốc, những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng Philippines bề ngoài dường như mâu thuẫn, nhưng lại là 2 lưỡi của một gọng kìm, một cây kéo.
Cá nhân người viết cho rằng đó là những nước cờ hết sức khôn ngoan, phù hợp với tương quan lực lượng, tình thế hiện tại trên Biển Đông, cũng như mục đích mà người đứng đầu đặt ra trong ứng phó với tham vọng của Trung Quốc tìm cách độc chiếm Biển Đông.
Biển Đông hiện đang là một bàn cờ chiến lược so găng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nếu không thận trọng, các nước nhỏ quanh Biển Đông rất có thể sẽ trở thành những con cờ trong tay Trung Nam Hải và Tòa Bạch Ốc.
Đặc biệt là dưới thời Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, một chính khách xem mọi thứ đều có thể trở thành các thương vụ, ngay cả "nền tảng chính trị của quan hệ Trung - Mỹ" như vấn đề Đài Loan, việc phân tích và dự báo những nước cờ của 2 tay chơi chủ chốt ở Biển Đông có vai trò và ý nghĩa quan trọng.
Chính vì thế những động thái của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đang cho thấy sự chủ động của ông trong việc tham dự vào bàn cờ Biển Đông, giảm tối đa nguy cơ bị biến thành quân cờ trong tay các nước lớn.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Nuoc-co-cua-Philippines-ra-mat-lo-ngai-Trung-Quoc-quan-su-hoa-Scarborough-post174311.g
d
d
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét