Nắm vững những bài học sinh tồn sau đây, bạn sẽ có cơ hội sống sót nếu không may rơi vào khu vực bị thảm hoạ hạt nhân tấn công trong tương lai.
Tờ tạp chí khoa học danh tiếng Bulletin of the Atomic Scientists (Bản tin khoa học nguyên tử) đã thông báo dời kim của Đồng hồ ngày tận thế (Doomsday Clock) thêm 30 giây về phía nửa đêm, đánh dấu thời điểm loài người tiến gần tới thảm họa diệt vong nhất kể từ năm 1953.
Được biết, đồng hồ ngày tận thế xuất hiện vào năm 1947 nhằm đưa ra mức độ cảnh báo về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân ở phạm vi toàn cầu. Và hiểm họa hạt nhân càng lớn bao nhiêu, kim của chiếc đồng hồ càng chạy gần lại thời điểm nửa đêm hơn nữa.
Trong những năm gần đây, hội đồng cố vấn của Đồng hồ ngày tận thế - bao gồm 16 cá nhân từng nhận giải Nobel đã đưa ra các nguy cơ tiềm ẩn khiến nhân loại diệt vong.
Dĩ nhiên, nó không chỉ đơn thuần là sự biến đổi khí hậu toàn cầu hay chiến tranh sinh học như chúng ta vẫn thường hay nghĩ, mà đó chính là cơn ác mộng mang tên "chiến tranh hạt nhân".
Sau khi thông tin này được công bố, nhiều người dân trên khắp thế giới đã nhanh chóng tìm kiếm các thông tin hữu ích để chuẩn bị cho thảm họa kinh hoàng có thể sắp xảy đến.
Và nếu là một trong số đó, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hứng thú với 4 kinh nghiệm cực hữu ích dưới đây:
1. Chuẩn bị bộ đồ tiếp tế khẩn cấp
Điều tối quan trọng để sống sót trong bất kỳ thảm họa nào là chuẩn bị đầy đủ nguồn thực phẩm và nước uống dự trữ. Tốt nhất, bạn nên chuẩn bị những loại thực phẩm khô hay thực phẩm đóng hộp có khả năng bảo quản được lâu ở điều kiện thời tiết thông thường.
Theo tính toán, các vật liệu phóng xạ phát ra từ một vụ nổ bom nguyên tử sẽ cần khoảng nửa tháng để hoàn toàn phân hủy. Vì vậy, lượng thực phẩm và nước uống nói trên phải đủ để sử dụng trong thời gian hai tuần.
Bức xạ điện từ của vụ nổ sẽ làm đa phần hệ thống thông tin liên lạc cùng các thiết bị điện tử như laptop hay điện thoại tạm thời ngừng hoạt động. Bạn hãy chuẩn bị cho mình một chiếc đài chạy pin để phục vụ cho công việc liên lạc hằng ngày.
Ngoài ra, những vật dụng khác bao gồm dụng cụ sơ cứu y tế, mặt nạ chống bụi phóng xạ,... cũng nằm trong danh sách cần mua sắm vì chúng có thể cải thiện đáng kể khả năng sống sót của bạn trước thảm họa hạt nhân.
2. Xác định nơi trú ẩn phù hợp
Nơi trú ẩn thích hợp cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn sống sót sau thảm họa hạt nhân. Vậy nên, bạn cần phải phân biệt rất rõ ràng giữa nơi tránh bom và nơi trú ẩn bụi phóng xạ.
Thứ đầu tiên gây ảnh hưởng tới bạn chính là sóng xung kích khổng lồ gây ra bởi vụ nổ. Để giảm thiểu tối đa tỷ lệ thương tật, bạn cần tìm đến tầng hầm của các tòa nhà cao tầng vì đây chính đây là khu vực tránh bom thích hợp nhất.
Hoặc không, bạn cần trú ẩn ở vị trí có vách ngăn riêng biệt với không gian bên ngoài bằng nhiều lớp tường dày và cũng nên tránh xa khu vực có cửa sổ hay cửa ra vào.
Nếu sống sót qua đợt sóng xung kích đầu tiên, bạn mới nên nghĩ tới nguy cơ tiềm ẩn từ khói bụi phóng xạ.
Một nơi trú ẩn bụi phóng xạ tốt phải có đủ phần tường và mái dày bằng bê-tông. Đồng thời, bạn hãy bịt kín cửa sổ, cửa ra vào thông với bên ngoài và chỉ để lại vài khe hở vừa đủ để thông khí.
3. Luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng
Nếu đang trót "lưu lạc" bên ngoài và biết rõ một vụ nổ nguyên tử vừa xảy ra gần đó, điều tốt nhất nên làm không phải là tìm nơi trú ẩn mà hãy nằm sấp xuống đất, đặt hai tay sau đầu để chuẩn bị cho đợt sóng xung kích sắp tới.
Ngoài ra, cần chú ý nhắm chặt mắt và đừng nhìn thẳng về phía vụ nổ. Ánh sáng đó có thể khiến bạn bị mù tạm thời và đánh mất 30 phút "an toàn" để tìm kiếm nơi trú ẩn thích hợp.
Nếu không thể tới được nơi trú ẩn đã chuẩn bị trước, bạn hãy nhanh chóng xác định cho mình một nơi trú ẩn thay thế khác.
4. Làm sạch cơ thể
Nếu bạn đang có mặt tại hiện trường của một vụ nổ bom nguyên tử, hãy nhanh chóng làm sạch thân thể ngay sau khi tìm tới nơi trú ẩn an toàn nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của bụi phóng xạ đối với bản thân mình.
Hãy vứt bỏ tất cả trang phục vừa mặc, đồng thời nhớ xì mũi để loại bỏ tất cả vật liệu phóng xạ mà bạn từng hít phải. Nếu không có nước, hoặc cho rằng nguồn nước không đảm bảo thì có thể sử dụng khăn giấy ướt thay thế ngay lập tức.
Một số lưu ý bạn cần biết
Cho dù có chuẩn bị cẩn thận tới đâu, tỷ lệ sống sót sau một vụ nổ bom hạt nhân cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự may mắn của chính bản thân bạn.
Đây là những thông số khi một quả bom nguyên tử với sức công phá chỉ 1 megaton phát nổ, chưa đầy 2% so với sức nổ lên tới 57 megaton của Tsar Bomba- quả bom hạt nhân mạnh nhất hiện nay do Nga chế tạo.
- Khi phát nổ, quả bom sẽ tạo ra luồng ánh sáng chói lòa trong vài giây và có thể khiến bạn bị mù tạm thời khoảng vài phút. Phạm vi ảnh hưởng của quầng sáng này có thể lên tới 21km, hay thậm chí là 85km nếu thời tiết "ủng hộ".
- Khoảng 35% năng lượng của quả bom nguyên tử đều được giải phóng dưới dạng bức xạ nhiệt với nhiệt độ tại trung tâm vụ nổ có thể lên tới 300.000 độ C.
Trong trường hợp không may nằm trong bán kính khoảng 8km cách trung tâm vụ nổ, nhiều khả năng bạn sẽ bị bỏng nặng dẫn tới tử vong ngay tại chỗ hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng nếu thiếu sự sự điều trị kịp thời.
- Sóng xung kích từ quả bom có thể phá hủy toàn bộ các công trình kiến trúc trong bán kính 1km và thổi bay nhiều thứ trong phạm vi bán kính ít nhất 6km.
Mặc dù có thể sống sót nếu cách xa trung tâm vụ nổ nhưng nếu không trú ẩn kịp thời, rất có thể bạn sẽ trở thành nạn nhân của các tòa nhà sập hay hàng loạt mảnh kính bắn tung toé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét