Mỹ lên phương án đặt ra các vận cản nhằm ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị để đối phó.
Mỹ cần đặt ra vật cản đủ lớn để ngăn chặn Trung Quốc
Mạng tin “National Interest” vừa đăng bài viết yêu cầu Mỹ cần đặt ra một vật cản đủ lớn trước Trung Quốc để ngăn cản sự bành trướng ngày càng lớn của nước này.
Đề xuất trên được đưa ra sau chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam và Nhật Bản.
“National Interest” nhận định các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc đối đầu địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực trong tương lai.
Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
Đặc biệt sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng chiến lược “cắt lát salami” đang đe dọa vị trí lãnh đạo của Mỹ tại châu Á.
Theo “National Interest”, mục tiêu của chuỗi hoạt động gây hấn của Bắc Kinh rất đơn giản, đó là thống trị châu Á-Thái Bình Dương, tránh đối đầu quân sự với Mỹ, từng bước vững chắc đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này.
Để thực hiện chiến lược này, Bắc Kinh đã triển khai mô hình mà phương Tây gọi là “chống tiếp cận và xâm nhập khu vực” (A2/AD) với sự triển khai các hệ thống vũ khí bao trùm cả Biển Đông tới sát Indonesia.
Trung Quốc cũng cải tạo các cấu trúc trên biển, xây dựng trên đó các tiền đồn, triển khai các hệ thống vũ khí phòng không, phòng thủ biển cùng các máy bay chiến đấu.
Với những hành động trên của Bắc Kinh, “National Interest” cho rằng Mỹ sẽ phải đứng trước một lựa chọn khủng khiếp, đó là đối đầu, chấp nhận những tổn thất quân sự ngoài sức tưởng tượng, hoặc rút lui, nhường lại khu vực cho Trung Quốc, phá bỏ mạng lưới đồng minh trong khu vực.
Vì vậy để ngăn chặn kịch bản đó diễn ra, Mỹ đang gặp phải rất nhiều cản trở, vừa khách quan vừa chủ quan.
Về khách quan, trong khi Mỹ thực hiện chính sách tái cân bằng hướng về châu Á thì khủng hoảng Ukraine và sự trỗi dậy khủng bố IS đã khiến kết quả của chính sách này không được như mong đợi.
Về chủ quan, những nỗ lực của Mỹ như chiến lược tăng cường hiện diện không quân, hải quân tại Biển Đông hay tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) không có tác động lâu dài nào, cũng như không thể ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Để đối phó với tình trạng trên, Mỹ cùng các nước đồng minh như Nhật Bản, Philippines cần một chiến lược tổng thể hơn để ngăn chặn hoặc chấm dứt hoàn toàn những nỗ lực thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc. Mỹ cần đặt ra một vật cản đủ lớn trước Trung Quốc, và nếu vượt qua, Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá rất đắt.
Bên cạnh đó, theo “National Interest” Mỹ nên tiến hành chiến thuật công khai làm xấu mặt Trung Quốc (Shamefare) vì những hành động bành trướng của nước này. Mỹ và các đồng minh, đối tác cần nỗ lực hết sức để thu thập những bằng chứng, tư liệu về các hành động của Trung Quốc và phổ biến khắp thế giới, nhất là thông qua các mạng xã hội.
Ngoài ra, cần kết hợp với việc tăng cường hiện diện quân sự, tiếp tục FONOP, công khai thông tin về sự phá huỷ môi trường do các hoạt động cải tạo của Trung Quốc gây ra, tăng cường các vụ kiện Trung Quốc tại toà án quốc tế.
Trung Quốc chủ động đối phó?
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên các biện pháp để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc được phía Mỹ đưa ra. Tuy nhiên dường như Trung Quốc đều biết và chủ động đối phó.
Một trong số phương án từng được Trung tâm đánh giá chiến lược và dự toán ngân sách Mỹ đưa ra vào năm 2010 là “Tác chiến không-hải nhất thể” với nhiều kỳ vọng của Washington nhưng đã bị Trung Quốc hóa giải thành công.
Tác chiến không-hải nhất thể không còn khắc chế được Trung Quốc? |
Mục tiêu được đặt ra là khắc chế sự thách thức của chiến lược “chống tiếp cận/khu vực cấm” (A2/AD) mà Trung Quốc đang sử dụng được xác định đe dọa sự “tự do hoạt động” của không quân và hải quân Mỹ.
“Tác chiến không-hải nhất thể” chủ yếu bao gồm các đòn tấn công chính xác phủ đầu từ xa (ví dụ như tên lửa siêu thanh) và tấn công phá hoại mạng thông tin chỉ huy - hiệp đồng với tính chất như một chiến dịch “làm mù mắt đối phương” (ví dụ như bom xung mạch điện từ, vũ khí chống radar…).
Điều này có nghĩa là, quân đội Mỹ sẽ thông qua các phương tiện tác chiến tầm xa tàng hình để hủy diệt khả năng tấn công và dập tắt năng lực phòng không của Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các hành động quân sự tiếp theo.
Mỹ tuyên bố, khái niệm “Tác chiến không-hải nhất thể” của họ không có liên quan gì đến chiến lược của Trung Quốc nhưng rõ ràng mục đích của Washington là nhằm vào Bắc Kinh.
Tuy nhiên, tờ nhận định mới đây của tờ The National Interest , “Tác chiến không-hải nhất thể” mang lại quá nhiều bất trắc nhưng hiệu quả rất thấp khi thực hiện.
Theo đó, một nhiệm vụ hết sức khó khăn mà quân đội Mỹ phải đạt được khi triển khai kế hoạch trên là phát hiện và phá hủy bằng được các hệ thống tên lửa, phần lớn là theo kiểu cơ động của Trung Quốc. Trong chiến tranh vùng Vịnh, dường như quân đội Mỹ đã thất bại khi thực hiện nhiệm vụ này.
Bài báo nêu rõ, cơ hội thành công trong ba lĩnh vực chính của khái niệm về “tác chiến không hải nhất thể” là “Làm mù, Quét sạch các đầu mối chỉ huy, kiểm soát và Áp chế các hệ thống phóng tên lửa của đối phương” là rất nhỏ. Nó còn phải đối mặt với những rủi ro lớn từ các cuộc tấn công của Trung Quốc, khiến xung đột leo thang không thể kiểm soát được.
Đặc biệt, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo vệ mình trước chiến lược này của Mỹ. Nhiều kế hoạch lớn đã được đầu tư phát triển để đối phó như: các phương tiện tác chiến điện tử, tấn công mạng và sử dụng vũ khí chống vệ tinh...
http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/vat-can-my-khong-du-lon-trung-quoc-nghenh-ngang-banh-truong-3310386/?paged=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét