Chiến tranh điện tử công nghệ cao chẳng
phải tương lai xa xăm mà đã trở thành mối nguy hiện thực, và ở khu vực
Đông Á thì Mỹ dường như đang triển khai lực lượng ứng phó.
Với sự phát triển của công nghệ, vũ khí ngày càng có độ chính xác
và hiệu suất hoạt động cao hơn nhưng cũng lệ thuộc nhiều hơn vào nền
tảng điện tử. Nói chính xác thì hệ thống điện tử đóng vai trò sống còn
đối với vũ khí. Khi bị can thiệp vô hiệu hóa hệ thống liên lạc và định
vị, thì chiến đấu cơ, máy bay không người lái (UAV), hệ thống tên lửa,
tàu chiến… sẽ mất khả năng chiến đấu, thậm chí bị phá hủy. Năm 2014, Nga
từng can thiệp thành công để chiếm quyền điều khiển một chiếc UAV MQ-5B
của Mỹ ở Ukraine.
Chính vì thế, chiến tranh điện tử trở thành một xu thế mới mà các
cường quốc đều theo đuổi. Ngày 7.6, truyền thông phương Tây đưa tin Mỹ
sẽ tiến hành hệ thống tác chiến điện tử với khả năng can thiệp vô hiệu
hóa tín hiệu hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS). Cuộc thử nghiệm
diễn ra ở California và có thể gây ảnh hưởng ở khu vực có bán kính lên
đến hơn 300 km, khiến máy bay trong vùng bị mất ổn định.
Nguy cơ trong khu vực
Trong khi đó, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hạm đội 7 - hải
quân Mỹ ngày 16.6 đưa ra thông báo nước này vừa điều động 120 binh sĩ
cùng 4 chiến đấu cơ E/A-18G Growler đến Căn cứ không quân Clark của
Philippines. Đây chính là loại chiến đấu cơ tác chiến điện tử hiện đại
nhất của Mỹ hiện nay.
|
|
Ngày 18.6, nhận xét với Thanh Niên về sự hiện diện của 4
chiến đấu cơ E/A-18G Growler ở Philippines, Giáo sư Richard Javad
Heydarian, chuyên về các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị tại Đại
học La Salle (Philippines), nhận định: “Với nguy cơ bùng nổ chiến tranh
điện tử do Bắc Kinh phát động, Mỹ đang tiến hành tất cả các nỗ lực để
phòng ngừa. Dù Mỹ vượt trội về quân sự truyền thống, Trung Quốc vẫn có
thể khai thác tác chiến điện tử kết hợp cùng ưu thế về khoảng cách địa
lý”.
Tương tự, ngày 18.6, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân
sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cũng nhận xét
với Thanh Niên: “Việc triển khai E/A-18G Growler có thể là một
phần của kế hoạch dựa trên Thỏa thuận nâng cao hợp tác quân sự (EDCA)
giữa Mỹ và Philippines vừa có hiệu lực hồi tháng 2”. Một trong các thỏa
thuận EDCA Mỹ - Philippines là hai bên hỗ trợ nhau đảm bảo an ninh hàng
hải. Qua đó, Mỹ cũng điều động các lực lượng đồn trú luân phiên ở
Philippines để hỗ trợ nước sở tại.
Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin cũng cho biết thêm: “Trung Quốc được
cho là đã vận hành các hệ thống can thiệp tín hiệu định vị toàn cầu
(GPS) và sở hữu cả thiết bị can thiệp vào sóng điện từ”. Thông tin này
đã được đề cập gần đây trong giới quân sự. Ngày 26.4, Lầu Năm Góc đệ
trình báo cáo thường niên “Sự phát triển quân sự và an ninh của Trung
Quốc 2016” lên quốc hội Mỹ. Báo cáo có đoạn nêu rõ: Không quân Trung
Quốc đang tiến nhanh trong việc trang bị khả năng điều khiển và chỉ huy
bằng kỹ thuật điện tử để can thiệp điện từ, tiến hành tác chiến điện tử.
Về chiến lược chiến tranh điện tử mà Bắc Kinh đang tập trung theo
đuổi, báo cáo trên nhận xét thêm: “Trung Quốc đặt lực lượng tác chiến
điện tử trở thành lực lượng thứ 4 và ngang bằng với các binh chủng lục
quân, không quân, hải quân. Vũ khí tác chiến điện tử mà Trung Quốc sở
hữu có thể can thiệp vào nhiều phương tiện liên lạc, tín hiệu vệ tinh…
Với những vũ khí như vậy, Bắc Kinh không chỉ có khả năng vô hiệu hóa các
tên lửa tấn công, mà thậm chí còn có thể can thiệp cắt đứt liên lạc,
phá hỏng hệ thống định vị của máy bay đối phương để triệt hạ.
|
Bên cạnh đó, cuối năm 2015, Hãng thông tấn Sputnik dẫn nguồn tin quân sự cho hay Bắc Kinh đang thử nghiệm dòng máy bay J-16 chuyên dụng tác chiến điện tử. Được phát triển từ nền tảng mẫu J-15 có thể hoạt động trên tàu sân bay, J-16 sẽ giúp tăng cường khả năng tác chiến điện tử cho không quân Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2020, Trung Quốc sẽ nắm trong tay khoảng 100 chiếc J-16.
|
|
Về phía Mỹ, loại chiến đấu cơ tác chiến điện tử hàng đầu E/A-18G
Growler vẫn đóng vai trò chủ lực trong lực lượng viễn chinh của nước
này. Chia sẻ chung nền tảng chiến đấu cơ đa nhiệm F/A-18 Super Hornet,
E/A-18G Growler có tốc độ tối đa khoảng 1.900 km/giờ, tầm bay 2.300 km,
bán kính chiến đấu 700 km. Về hỏa lực, dòng máy bay này chỉ có thể mang
theo các loại tên lửa không đối không và không đối đất quen thuộc.
Tuy nhiên, E/A-18G Growler lại sở hữu nhiều kỹ thuật tác chiến điện
tử, có khả năng gây nhiễu điện từ mạnh mẽ và dò tìm các nguy cơ tấn
công. Nhờ đó, loại chiến đấu cơ này chẳng những đủ sức gây nhiễu để vô
hiệu hóa lực lượng đối phương mà còn truy tìm để định vị mục tiêu tấn
công.
Bên cạnh đó, E/A-18G Growler còn có thể kết hợp với nhau tạo thành
mạng lưới liên lạc phục vụ tác chiến. Với những ưu thế trên, E/A-18G
Growler trở thành nhóm tác chiến quan trọng cho các lực lượng không quân
Mỹ.
Cũng trong tháng 6, Mỹ không chỉ triển khai E/A-18G Growler đến
Philippines mà còn điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS John
C.Stennis (CVN 74) và USS Ronald Reagan (CVN 76) đến khu vực tây Thái
Bình Dương. Trong thông báo do Hạm đội 7 - hải quân Mỹ phát đi ngày
17.6, USS John C.Stennis và USS Ronald Reagan cùng hiện diện ở vùng biển
gần Philippines nhằm thao diễn khả năng vận hành một lúc nhiều nhóm tác
chiến tàu sân bay gần nhau. Từ đó, hải quân Mỹ sẽ tập huấn khả năng
phối hợp tác chiến. Về lâu dài, Washington sẽ tiếp tục duy trì sự hiện
diện như thế nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế.
Lực lượng 2 nhóm tác chiến như trên gồm có khoảng 12.000 binh sĩ,
140 máy bay, 6 tàu chiến nổi, 2 tàu sân bay. Trong đó, mỗi tàu sân bay
không chỉ có hơn 40 chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet mà còn có 5 chiến
đấu cơ E/A-18G Growler, một số máy bay cảnh báo sớm cùng nhiều phương
tiện tác chiến điện tử khác. Chính vì thế, việc hiện diện các nhóm tàu
sân bay cũng đã tăng cường đáng kể khả năng tác chiến điện tử của Mỹ
trong khu vực.
http://thanhnien.vn/the-gioi/the-tran-tac-chien-dien-tu-o-dong-a-714964.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét