Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã tìm cách xây dựng một học thuyết quân sự mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ, thúc đẩy một cuộc cải cách mang tính lịch sử.
Trong kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa 12 Trung Quốc, vấn đề xây dựng quốc phòng và quân đội đã được đề cập khá nhiều, nhất là trong thời điểm Trung Quốc đang đẩy mạnh cải cách thể chế lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang.
Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư - Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc |
Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã tìm cách đưa ra một đường lối xây dựng quân đội và quốc phòng mới mang dấu ấn của cá nhân ông, cũng như phục vụ cho các mục tiêu mà ban lãnh đạo do ông đứng đầu đưa ra.
Trong rất nhiều bài phát biểu, bản thân ông Tập Cận Bình thường xuyên nhấn mạnh đến “giấc mộng Trung Hoa”, tức là “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại”, mục tiêu trước mắt là đến năm 2020 phải xây dựng được xã hội khá giả toàn diện.
Trong vấn đề quốc phòng, quân sự, ông Tập Cận Bình thường xuyên nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng một đội quân mạnh, đó là một đội quân phải biết “nghe đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ huy, đánh thắng trận và tác phong tốt”. Mục tiêu này được ông đưa ra vào ngày 11/3/2013.
Sau đó, ông Tập Cận Bình cũng nhiều lần đề cập đến xây dựng quốc phòng và quân đội trong các bài phát biểu, đưa ra nhiều quan điểm mới, phương châm, chiến lược về quân sự, tìm cách đẩy mạnh cải cách, xây dựng một đội quân “biết đánh và đánh thắng”.
Nội dung xây dựng quân đội Trung Quốc về chính trị đã được xác định rất rõ trong Hội nghị công tác chính trị toàn quân tổ chức ở Cổ Điền, một huyện thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào tháng 10/2014.
Binh sĩ Trung Quốc |
Cho đến kỳ họp Quốc hội Trung Quốc lần này, vấn đề xây dựng quân đội về chính trị lại được đặc biệt nhấn mạnh, trong đó nhấn mạnh đến việc quán triệt các bài phát biểu về quốc phòng và quân đội của ông Tập Cận Bình, thực hiện chế độ Chủ tịch Quân ủy Trung ương thống lĩnh, tức là tập trung quyền lãnh đạo, chỉ huy vào ông Tập Cận Bình.
Điều gây chú ý cho dư luận là, trong các phiên họp của đoàn đại biểu Quân đội Trung Quốc, nhất là khi thảo luận về Báo cáo Công tác Chính phủ, các tướng lĩnh cấp cao nhất của quân đội Trung Quốc đã thề nghe ông Tập Cận Bình lãnh đạo chỉ huy, xóa bỏ những tàn dư của vụ án Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, tập trung lấy pháp trị để “trị quân”.
Trung Quốc triển khai đợt cải cách mới này nhằm xây dựng được một đội quân mạnh, hiện đại theo mục tiêu do ông Tập Cận Bình đặt ra từ năm 2013. Trọng tâm của cải cách lần này là cải cách thể chế lãnh đạo, quản lý, và trọng điểm là cải cách thể chế chỉ huy tác chiến liên hợp chiến khu.
Cải cách lần này bắt đầu từ cuối năm 2015 và đã đẩy nhanh triển khai vào đầu năm 2016 như đã thành lập 15 cơ quan của Quân ủy Trung ương, 3 quân chủng (lục quân, lực lượng tên lửa, đội quân chi viện chiến lược) và biến 7 đại quân khu trước đây thành 5 chiến khu hiện nay.
Có chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng quân đội theo mô hình mới, đó là mô hình kiểu Mỹ, từ đó giúp cho quân đội nước này có thể xây dựng được sức chiến đấu, đối phó với các mối đe dọa và thách thức an ninh mà Trung Quốc cho là cực kỳ phức tạp hiện nay.
Ông Tập Cận Bình thăm Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Trung Quốc vừa tuyên bố ngân sách quốc phòng năm 2016 khoảng 146 tỷ USD, mức tăng là 7,6%, tức một con số, không phải hai con số như 6 năm trước. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn thấy đây là một con số khổng lồ.
Có người dự đoán, Trung Quốc giảm mức tăng ngân sách quốc phòng là do kinh tế Trung Quốc thực sự đang có vấn đề, nhưng cũng có thể do Trung Quốc đã đạt được thành công nhất định trong chống tham nhũng, đã có thể quản lý, sử dụng kinh phí quốc phòng có hiệu quả hơn.
Biển Đông đang bị Trung Quốc quân sự hóa nhanh chóng và bất hợp pháp chắc chắn là một trọng điểm hàng đầu để chi tiêu quân sự. Trong khi đó nhiều quan điểm tin rằng, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc không minh bạch. Trung Quốc có thể sử dụng các nguồn ngân sách khác để triển khai các hoạt động liên quan đến quốc phòng.
Những phát biểu của quan chức cấp cao Trung Quốc trong đó có một số tướng tá quân đội thực sự đáng quan ngại, vì nó càng khẳng định rõ dã tâm biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc, các nước láng giềng không thể coi thường.
Việc Trác Di Tân, Chính ủy căn cứ Du Lâm, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc vừa hô hào "kế thừa truyền thống" xâm lược Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam), luyện quân đánh trận, hòng thực hiện tham vọng vĩ cuồng độc chiếm Biển Đông là một động thái đáng cảnh giác.
Không chỉ có vậy, trước đó, vào tháng 2/2016, Bắc Kinh cũng để cho một viên Thượng tướng, Tư lệnh Chiến khu Miền Nam Vương Giáo Thành lên giọng về cái gọi là "sẵn sàng chiến đấu bảo vệ yêu sách chủ quyền, hàng hải (bành trướng) ở Biển Đông là “sứ mệnh quan trọng nhất”, hô hào “phải dám đánh, có thể đánh và đánh thắng” các đối thủ ở Biển Đông.
Trung Quốc đang đẩy nhanh quân sự hóa Biển Đông |
Đợt cải cách quốc phòng và quân đội lần này, Trung Quốc có một mục tiêu quan trọng là cải các để tăng cường năng lực chỉ huy tác chiến liên hợp, tức là khả năng chỉ huy hiệp đồng quân binh chủng một cách tốt hơn, hệ thống chỉ huy tinh gọn hơn, từ đó tăng cường huấn luyện, diễn tập bảo đảm có thể chiến đấu thực tế, trong đó có năng lực tác chiến ở Biển Đông.
Ngoài ra, trong cải cách quân đội Trung Quốc, những ngày qua, truyền thông nước này thường nhắc đến hai chiến lược khác do ông Tập Cận Bình đưa ra.
Chiến lược thứ nhất là kết hợp giữa quân đội và các địa phương của Trung Quốc, tức là kết hợp kinh tế với quốc phòng. Ông Tập Cận Bình đưa ra chiến lược này từ năm 2015, thúc đẩy quân đội và các địa phương tham gia vào các hoạt động của nhau, chia sẻ các nguồn lực, các thành quả phát triển.
Chiến lược thứ hai vừa được ông Tập Cận Bình đưa ra khi tham dự một hội nghị riêng của Đoàn đại biểu Quân đội Trung Quốc tham dự kỳ họp Quốc hội Trung Quốc lần này vào ngày 13/3, đó là: coi “sáng tạo” là động lực hàng đầu để xây dựng, cải cách quốc phòng và quân đội Trung Quốc.
Trong chiến lược này, ông Bình yêu cầu sáng tạo về lý luận, sáng tạo về khoa học kỹ thuật, chú ý quản lý khoa học, xây dựng đội ngũ nhân tài và thúc đẩy sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, tìm cách để Quân đội Trung Quốc có bước đột phá mới, dẫn trước trong những lĩnh vực quan trọng, cạnh tranh với các cường quốc quân sự khác.
Tờ Tin tức Trung Quốc ngày 13/3 bình luận, đến đây, thế giới đã nhìn thấy một “đường lối phát triển Quân đội Trung Quốc hoàn chỉnh hơn” của ông Tập Cận Bình.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Duong-loi-quan-su-cua-ong-Tap-Can-Binh-da-hoan-chinh-post166422.g
d
d
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét