Căng thẳng trên biển Đông leo thang khi các tướng lĩnh quân đội Mỹ liên tiếp "nắn gân" Bắc Kinh, trong khi báo chí nhà nước Trung Quốc đe dọa trả đũa bằng "quân bài cuối cùng".
Trung Quốc đe dọa đối đầu Mỹ bằng "quân bài cuối cùng"
Tờ Washington Post của Mỹ tiết lộ, Nhà Trắng đã xây dựng một kế hoạch hoàn chỉnh cho trường hợp xung đột với Trung Quốc xảy ra trong tương lai.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ liên kết cùng Australia, Singapore, Ấn Độ và các nước châu Âu để tạo thành tiếng nói thách thức đủ trọng lượng nhằm vào tuyên bố chủ quyền phi lý mà Bắc Kinh đưa ra trên biển Đông.
Washington Post dẫn lời một tướng Mỹ: "Không nhất thiết phải khiến Trung Quốc mất thể diện, nhưng cần phải cho họ biết, nếu cứ đi theo con đường hiện nay thì chỉ tự cô lập mình, không được ai giúp đỡ."
Trong diễn biến mới nhất, Mỹ đã đạt được thỏa thuận triển khai 5 căn cứ quân sự ở Philippines.
Phó trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Amy Searight hôm 18/3 cho biết thỏa thuận này là một phần của Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường mà Washington và Manila ký kết cuối năm ngoái.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) hôm 18/3 bình luận, việc Mỹ và Trung Quốc đối đầu ở biển Đông là cách để mỗi bên "đánh giá sức đe dọa của nhau" và chiến lược "xoay trục châu Á" của Mỹ nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo tờ này, vấn đề mà Bắc Kinh lo ngại nhất là tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ "sẽ đi xa đến đâu" trong các hành động tuần tra biển Đông và thách thức các hoạt động xây đảo nhân tạo, quân sự hóa trái phép của Bắc Kinh trong khu vực.
Vụ tàu USS Curtis Wilbur tuần tra đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (bị TQ cưỡng chiếm) hôm 30/1 khiến mâu thuẫn Mỹ-Trung tiếp tục leo thang. (Ảnh minh họa: U.S. NAVY)
Cho đến nay, mỗi khi Mỹ gia tăng mức độ các hành động cảnh cáo thì Trung Quốc lại trả đũa bằng việc ngấm ngầm tăng cường bố trí khí tài quân sự (trái phép) ra các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Diễn biến này cho thấy Mỹ-Trung đang dần xa rời khỏi các cơ chế đối thoại và ngoại giao, mà đến gần hơn tình trạng đối đầu quân sự.
Một câu hỏi không mới lại được giới quan sát và các tướng lĩnh quân đội hai nước đặt ra: Liệu có xảy ra xung đột vũ trang? Nếu xảy ra xung đột thì có làm leo thang đối đầu Mỹ-Trung? Kịch bản xấu nhất là gì?
"Phái diều hâu" Trung Quốc, gồm nhiều tướng lĩnh, học giả hiếu chiến, nói rằng Mỹ và Trung Quốc cần tôn trọng lẫn nhau.
Nhưng theo họ, "quyền lợi cơ sở" này được thực hiện là khi và chỉ khi có nền tảng dựa trên sức mạnh quốc gia, đặc biệt là sức mạnh quân sự của... Trung Quốc.
Nhóm này tin rằng Bắc Kinh cần phải làm cho Mỹ có thái độ e sợ ở biển Đông và có cùng mối lo giống như Trung Quốc về hậu quả nếu song phương "trở mặt".
Thời báo Hoàn Cầu hung hăng tuyên bố: "Trong tình huống xấu nhất, sức mạnh hạt nhân sẽ là 'quân bài cuối cùng' trong chính sách của Mỹ và Trung Quốc. Bởi vậy, Trung Quốc phải kiên quyết với con đường xây dựng lực lượng hạt nhân hùng mạnh..."
Hoàn Cầu thừa nhận, trong tương lai gần, Trung Quốc vẫn ở thế yếu hơn so với Mỹ về mặt chiến lược và về cơ bản không có khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu với Mỹ.
Vì vậy, ở khu vực gần nhất với Trung Quốc là biển Đông và biển Hoa Đông, Bắc Kinh "bắt buộc phải tranh giành bằng được thế chủ động chiến lược so với Mỹ" - tờ báo Trung Quốc kết luận.
Căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang
Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ hôm 16/3 đã chỉ trích không đích danh Trung Quốc "quân sự hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng mang tính chất xâm lược ở biển Đông".
Ông Scott cáo buộc Bắc Kinh có xu thế theo đuổi chính sách "sức mạnh là công lý", tạo thành mối đe dọa đối với tự do trên biển.
Tư lệnh Hải quân Mỹ, tướng John Richardson thì cảnh báo, Trung Quốc dường như đang chuẩn bị tiến hành hoạt động cải tạo tại bãi cạn Scarborough mà nước này giành quyền kiểm soát từ Philippines vào năm 2012.
Theo ông Richardson, tuyên bố chủ quyền phi lý và hoạt động cải tạo trái phép mà Bắc Kinh tiến hành ồ ạt ở biển Đông đã kéo dài nhiều thập kỷ mà hệ lụy là tạo ra "luật rừng" khi Trung Quốc lớn tiếng đòi các nước phải "xin phép" để đi qua vùng biển quốc tế này.
Trong tình hình căng thẳng Mỹ-Trung trên biển Đông leo thang những ngày vừa qua, dư luận quốc tế một lần nữa lo ngại nguy cơ xung đột bùng phát.
William Jones, thành viên của tuần san Executive Intelligence Review (Mỹ) nhận định tình hình Biển Đông, nơi có những tranh chấp gay gắt về chủ quyền biển đảo, đang tiến đến “giai đoạn tiền chiến."
Ảnh vệ tinh bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc được cho là sắp tiến hành cải tạo, xây đảo nhân tạo. (Nguồn: Inquirer)
Báo Daily Star của Lebanon đánh giá, Mỹ muốn tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Trung Quốc ở biển Đông, nhưng cũng không hề rơi vào thế bị động trước "mối đe dọa Trung Quốc".
Nhưng tờ này cho rằng Bắc Kinh và Washington đang ở vào giai đoạn nguy hiểm, tiến gần hơn tới thời điểm "phân định thắng thua", đặc biệt trong khi chính phủ Mỹ muốn lấy lại "sự tự tin nước lớn" bằng chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương.
Tờ Dhaka Tribune (Bangladesh) bình luận, chính sách ngoại giao của Mỹ đối với châu Á còn tồn tại "khiếm khuyết nghiêm trọng.
Theo đó, Hội nghị cấp cao đặc biệt hồi tháng 2 tại Californa, Mỹ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obamacùng lãnh đạo các nước ASEAN vẫn chưa thảo luận cụ thể và chi tiết về vấn đề biển Đông.
Mặt khác, Hạm đội số 7 của Mỹ ở châu Á cũng được cho là chưa phát huy hết vai trò thực chất.
Lực lượng này chỉ hiện diện tại một số căn cứ quân sự ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore nhưng không có được hệ thống hỗ trợ giống như những gì Hải quân Trung Quốc đang làm khi bành trướng ra biển Đông, Dhaka Tribune cho hay.
http://soha.vn/quoc-te/bien-dong-trung-quoc-dinh-dau-voi-my-bang-suc-manh-hat-nhan-20160319190200573.htm#first
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét