Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc có năng lực đe dọa các tàu sân bay Mỹ?


Sự kiện nổi tiếng nhất phải kể đến vào năm 2006 khi một tàu ngầm SSK thuộc lớp Tống đột ngột trồi lên ở một khoảng cách rất gần với tàu sân bay USS Kitty Hawk của Hoa Kỳ.
Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc có năng lực đe dọa các tàu sân bay Mỹ?
Trong thời gian vừa qua, đã có nhiều cuộc tranh luận về chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc. Tất cả đều dẫn đến một hình dung rằng các tàu sân bay của Hoa Kỳ sẽ rất dễ bị tổn thương nếu xảy ra xung đột giữa hai cường quốc ở Tây Thái Bình Dương. 
Điều đáng lo ngại ở đây chính là sự gia tăng tiềm lực tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc (PLAN) trong những năm gần đây. Chuyên gia phân tích cao cấp Ben Ho Wan Beng thuộc Chương trình Nghiên cứu Quân sự, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore đã có bài viết về vấn đề này.

Theo báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân Hoa Kỳ, hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc rất đông đảo. Phần lớn trong số này là tàu ngầm điện-diesel thông thường (SSK) (57 chiếc) và 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN). Các chuyên gia thường ám chỉ về mức độ đe doạ của các SSK đến hải quân Hoa Kỳ. 
Điều này xuất phát từ thực tế rằng trong nhiều trường hợp, các tàu SSK thậm chí còn vận hành êm ái và không ồn ào như SSN dù mức độ nguy hiểm đến từ vũ khí trang bị là cách khá xa nhau. 
Sự kiện nổi tiếng nhất phải kể đến vào năm 2006 khi một tàu ngầm SSK thuộc lớp Tống đột ngột trồi lên ở một khoảng cách rất gần với tàu sân bay USS Kitty Hawk của Hoa Kỳ. Cần chú ý rằng các tàu ngầm lớp Tống chỉ là bản sao nội địa được Trung Quốc sản xuất dựa trên nguyên mẫu là tàu ngầm SSK lớp Kilo của Nga. 
Vụ việc làm dấy lên tranh cãi rằng, nếu các tàu lớp Tống, vốn chỉ là một bản sao có thể dễ dàng lọt qua được các màn hình giám sát của biên đội tàu chiến Hoa Kỳ, thì các tàu ngầm lớp Kilo có thể làm được điều gì nữa?

Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần làm rõ hai vấn đề thuộc về năng lực của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc. Thứ nhất, làm thế nào các tàu chiến của Bắc Kinh có thể xác định vị trí và theo dõi các tàu của Hoa Kỳ? Và thứ hai, nếu chúng có khả năng làm được điều đó, mức độ mà chúng sẽ phá huỷ hay đánh chìm các tàu sân bay là như thế nào?
Đội hình tàu sân bayUSS Kitty Hawk của Hoa Kỳ
Trong cuốn sách “Sức mạnh biển đang trỗi dậy của Trung Quốc: Thách thức từ tàu ngầm Hải quân Trung Quốc” do Routledge xuất bản năm 2006, các tàu ngầm của Trung Quốc có thể được triển khai theo đội hình hàng ngang. 
Những giới hạn về mặt tốc độ và khả năng tác chiến có thể biến những tàu ngầm này trở thành các bãi mìn di động dưới lòng biển. Những tiến bộ gần đây trong công nghệ đã đẩy xa tầm hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc, không chỉ còn giới hạn trong chuỗi đảo thứ nhất.

Thêm vào đó, nếu chỉ dựa vào ưu thế về số lượng, các tàu Trung Quốc sẽ rất khó có thể xác định được vị trí nhóm tàu sân bay của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu có sự kết hợp nhịp nhàng với hệ thống giám sát vệ tinh, vốn đã được Bắc Kinh đầu tư rất nhiều trong suốt thời gian qua, Trung Quốc có thể xác định được vị trí chính xác hơn trước. 
Do đó, nếu thiếu đi các hệ thống định vị vệ tinh, sẽ rất khó để các tàu ngầm Trung Quốc xác định, theo dõi và bắt kịp nhóm tác chiến tàu sân bay của Hoa Kỳ. 
Nói một cách khác, sự chậm chạp của các SSK của Trung Quốc sẽ không thể nào giúp nó bám kịp tàu sân bay của Washington, vốn có tốc độ lên tới 30 hải lý/giờ. Rất khó để một tàu ngầm Trung Quốc có thể giữ khoảng cách gần với tàu sân bay Hoa Kỳ mà không bị phát hiện.

Những giới hạn về tốc độ cũng như thời gian hoạt động và sự phức tạp về khu vực địa hình dưới lòng biển là nguyên nhân khiến các tàu ngầm Trung Quốc gặp khó khăn trong việc xác định vị trí và theo dõi tàu sân bay Hoa Kỳ. 
Tuy nhiên, một sự kết hợp với các hệ thống vệ tinh có thể khắc phục được những thiếu sót này. Giả sử tàu ngầm Trung Quốc có t hể vượt qua được những trở ngại đó và trở thành một mối đe doạ tầm gần với tàu sân bay của Washington, có vũ khí có thể lựa chọn để tấn công: ngư lôi hoặc tên lửa hành trình chống hạm.

Hiện nay, Hải quân Hoa Kỳ đang tích cực phát triển các thiết bị không người lái dưới nước, chuyên biệt cho việc phát hiện tàu ngầm đối phương, thậm chí là tiêu diệt nếu cần thiết. Điển hình như SQQ-89 hay máy bay tuần thám săn ngầm thế hệ mới P-8 Poseidon. Điều này chắc chắn đặt ra những thách thức mới cho Trung Quốc, đòi hỏi nước này cần có thời gian để tìm ra cách khắc chế.

Trong khi đó, các cải cách quân đội mới được Tập Cận Bình đưa ra gần đây được đánh giá là có khả năng gia tăng nguy cơ xung đột với Mỹ và các quốc gia láng giềng. 
Thứ nhất, trong trường hợp các cải cách được tiến hành thành công và khả năng chiến đấu của PLA được nâng cao, Mỹ và các nước khác sẽ ngày càng lo lắng hơn. Trước các căng thẳng về lãnh hải và lãnh thổ gần đây tại khu vực, việc PLA trở nên mạnh hơn hoàn toàn là nhân tố có thể khiến cho Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn nữa so với hiện nay.

Thứ hai, gia tăng thẩm quyền cho các cấp chỉ huy thấp hơn có thể khiến cho các sự kiện đối đầu trên biển trở nên thường xuyên hơn, như vụ đối đầu giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc năm 2001. Thông thường, Bắc Kinh cho rằng các sự kiện như vậy là hành động của các cá nhân ở ngoài thực địa hay các chỉ huy quân sự địa phương. 
Việc các chỉ huy cấp thấp có thể ra quyết định nhanh hơn khiến cho xung đột dễ xảy ra và giúp cho giới chức quân đội cấp cao ở Bắc Kinh có thể có khả năng “chối bỏ trách nhiệm” nếu có thiệt hại vật chất xảy ra khi đụng độ. 
Quá trình điều chỉnh cấu trúc như thế làm cho Mỹ và các nước khác khó có thể đổ lỗi cho các lãnh đạo Trung Quốc trong trường hợp có thiệt hại gây ra bởi các cuộc đối đầu cường độ thấp.

Một tàu ngầm tấn công của Trung Quốc vào tháng 10 đã tiến hành một cuộc tấn công giả định vào tàu sân bay USS Reagan, theo một quan chức quốc phòng Mỹ. Vụ việc xảy ra tại vùng biển Nhật Bản đã vi phạm các quy tắc được nêu ra trong Bộ Quy tắc ứng xử về các trường hợp va chạm ngẫu nhiên trên biển (CUES) được thiết kế để giảm thiểu nguy cơ xung đột giữa hai bên.

Sự việc khác cũng đáng chú ý đó là việc lần đầu tiên một máy bay tuần thám AP-3C Orion của Australia được ghi nhận là đang thực hiện quyền tự do hàng hải trên vùng biển của quần đảo Trường Sa. Vụ việc được phóng viên BBC là Wingfield-Hayes tường thuật khi ông cũng đang tiến hành một chuyến bay qua các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng. 
Đáng chú ý hơn, Canberra chưa bao giờ tuyên bố chính thức về các nhiệm vụ đảm bảo quyền tự do hàng hải (FONOPs) của mình tại Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ không tiến hành các hoạt động FONOPS nào nữa trong năm 2015, nhưng sẽ bắt đầu lại vào tháng 1 năm 2016.
http://viettimes.vn/quoc-phong/vu-khi-cong-nghe/ham-doi-tau-ngam-trung-quoc-co-nang-luc-de-doa-cac-tau-san-bay-my-29616.html

1 nhận xét: