Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Cuộc chiến 17-2-1979: Mặt trận Biển Đông trong đối đầu căng thẳng...

Năm 1979, ngoài sự giúp đỡ về ngoại giao, cố vấn, viện trợ, Liên Xô đã điều 30 chiến hạm đến Biển Đông, ngăn chặn hải quân Mỹ và Trung Quốc.


Trong và sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của quân đội Trung Quốc ngày 17-2-1979, rất nhiều ý kiến (chủ yếu từ phương Tây) cho rằng, Liên Xô không sẵn sàng tung quân đội vào tham chiến bảo vệ đồng minh (Việt Nam) mà chỉ ủng hộ về ngoại giao và tập trung viện trợ kinh tế, quân sự.

Những luồng ý kiến này tập trung chỉ trích Hiệp định hợp tác Việt-Xô là không thực chất, Việt Nam không thể trông cậy vào đồng minh những lúc “hữu sự”, cuộc chiến tranh Việt-Trung năm 1979 thật sự là một sự thất bại về uy tín của Liên Xô cũng như đối với khối Xã hội Chủ nghĩa.

Những nhận định như vậy có cơ sở thực tế không hoặc chí ít nó đúng được bao nhiêu phần trăm? Trên thực tế đây là những nhận định tuyên truyền nhằm ly gián mối quan hệ hợp tác chí tình, chí nghĩa của Liên Xô và Việt Nam nhằm mục đích riêng của những người đưa ra luận điệu đó. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Liên Xô đã giúp Việt Nam những gì.

Ủng hộ nhiệt tình về chính trị và ngoại giao

Sáng sớm ngày 17-2-1979, các cuộc tấn công xâm lược của quân đội Trung Quốc đã đồng loạt diễn ra tại 26 điểm trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, dài 1460 km của ta. Ngày 18-2, Moscow công bố bản "Tuyên bố của Chính phủ Liên Xô" (Bản tuyên bố thứ nhất) ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Bản tuyên bố thứ nhất lên án hành động xâm lược của Trung Quốc, khẳng định sự ủng hộ và thực thi những cam kết của mình đối với Việt Nam, thông qua những điều khoản trong Hiệp ước hợp tác hữu nghị toàn diện và giúp đỡ lẫn nhau giữa Liên Xô và Việt Nam.

Trong đó có đoạn viết: “Nhân dân Việt Nam anh hùng lại một lần nữa trở thành nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược mới, nhưng quân và dân Việt Nam có đủ sức mạnh và ý chí để đánh bại kẻ thù xâm lược, hơn nữa, nhân dân Việt Nam có những người bạn thủy chung và là chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”.

Liên Xô đã yêu cầu Trung Quốc phải ngay chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa chống nhân dân Việt Nam và lập tức rút quân khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cuoc chien 17-2-1979: Mat tran Bien Dong trong doi dau cang thang... 
Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều để chống cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc

Liên Xô còn tuyên bố sẽ thực hiện đầy đủ những điều khoản cam kết được ghi trong Hiệp ước hợp tác hữu nghị toàn diện và giúp đỡ lẫn nhau giữa Liên Xô và Việt Nam (ký ngày 3-11-1978 tại Moscow).
Ngày 23 tháng 2, Liên Xô cùng Tiệp Khắc đưa dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong đó lên án hành động xâm lược và đòi nhà cầm quyền Bắc Kinh phải rút quân, bồi thường chiến tranh cho Việt Nam đồng thời kêu gọi quốc tế cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc.

Với lời hiệu triệu của Liên Xô, các nước Xã hội Chủ nghĩa anh em như Cuba, Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgaria, Albania, Mông Cổ…, cũng đã đã đồng loạt lên án nhà cầm quyền Bắc Kinh và bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam.

Những lời kêu gọi ủng hộ về cả tinh thần lẫn vật chất cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của Việt Nam có sức lan tỏa mạnh mẽ thu hút thêm nhiều nhiều quốc gia châu Á, châu Phi khác như Lào, Ấn Độ, Afghanistan, Ethiopia, Angola, Mozambique…. vào mặt trận ủng hộ Việt Nam, chống Trung Quốc xâm lược.

Thậm chí, trước ngày Trung Quốc tuyên bố rút quân, đất nước Cuba anh em của Chủ tịch Fidel Castro đã cảnh báo rằng, nếu nhà cầm quyền Bắc Kinh không chấm dứt hành động xâm lược, nước này và Liên Xô có thể sẽ đưa quân đội đến giúp đỡ Việt Nam.

Những sự ủng hộ về cả vật chất lẫn tinh thần của Liên Xô và khối Xã hội Chủ nghĩa là sự động viên lớn lao đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, là đồng lực để quân và dân ta giành chiến thắng trong cuộc chiến chống quân xâm lược phương Bắc.

Đưa cố vấn, tăng cường viện trợ vũ khí trang bị cho quân đội Việt Nam

Trước cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tàn khốc của những kẻ trước đây từng được coi là “đồng chí”, Liên Xô hoàn toàn không có ý định bỏ qua những trách nhiệm đã được cam kết. Nước bạn đã ngay lập tức cử đoàn cố vấn quân sự cao cấp sang Việt Nam.

Ngày 19-2-1979, một đội cố vấn và chuyên gia kỹ, chiến thuật của tất cả các quân, binh chủng Liên Xô, đứng đầu là Đại tướng G.Obaturovym đã đến Việt Nam với nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ và cố vấn cho các cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong tình huống phức tạp của chiến trường.

Vừa tới Việt Nam, các cố vấn quân sự lập tức tham gia vào những hoạt động quân sự cùng với những chuyên gia trước đây đã ở Việt Nam.

Nhóm chuyên gia của Trung tướng M.Vorobevy có trách nhiệm cố vấn cho bộ tư lệnh lực lượng Phòng không - Không quân, còn Đại tướng G.Obaturovym làm cố vấn cho Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Hoạt động đặc biệt hiệu quả là lực lượng chuyên gia thông tin liên lạc của đoàn cố vấn (biên chế có 120 người từ năm 1978 và 68 người được đưa sang ngay khi cuộc xung đột nổ ra), một bộ phận thông tin liên lạc đi cùng với các cố vấn chiến trường, thực hiện nhiệm vụ ngay trong vùng chiến sự.

Tháng 3-1979, đoàn cố vấn quân sự Liên Xô chịu một tổn thất không nhỏ khi chiếc máy bay của hàng không Việt Nam An-24 đã gặp phải sự cố khi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, khiến 6 phi công, chuyên gia huấn luyện và Thiếu tướng không quân Malyh hy sinh. 

Cuoc chien 17-2-1979: Mat tran Bien Dong trong doi dau cang thang...
Máy bay trinh sát Liên Xô chuẩn bị cất cánh trên sân bay quân sự Cam Ranh.

Ngoài ra, Liên Xô cũng xác định, viện trợ quân sự cho Việt Nam là một nhiệm vụ trọng đại, nhằm mục tiêu gia tăng nhanh chóng tiềm lực quân sự cho bạn bè nên đã sử dụng các phương tiện vận tải, chuyên chở cung cấp cho quân đội ta một khối lượng vũ khí, trang bị khổng lồ.

Các đơn vị thuộc không quân vận tải Liên Xô (với máy bay An-12, An-26, Mi-8…) làm nhiệm vụ vận chuyển đường không trong lãnh thổ Việt Nam. Các phi công của phi đoàn máy bay vận tải An-12 đã phối hợp với lực lượng không quân vận tải của ta, tiến hành không vận toàn bộ binh lính và vũ khí, trang bị của quân đoàn 2 chủ lực từ mặt trận biên giới Tây Nam về Lạng Sơn.

Không quân chiến thuật Liên Xô đã vận hành rất hiệu quả cầu hàng không. Lực lượng này đã thực hiện nhiệm vụ chuyên chở tổng cộng 20 ngàn quân, hơn 1.000 đơn vị trang bị xe, 20 máy bay và trực thăng, 3 ngàn tấn quân dụng, đạn dược.

Từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc cho đến cuối tháng 3-1979, Liên Xô cũng đã dùng đường thủy đưa sang Việt Nam hơn 400 xe tăng và xe bọc thép, xe chở quân, 400 pháo và súng phóng lựu, 50 dàn phóng đạn phản lực 40 nòng 122 mm “Grad”, hơn 100 khẩu pháo cao xạ, 400 tổ hợp pháo PK cơ động, 800 súng chống tăng của bộ binh, 20 máy bay tiêm kích.

Dù việc chuyển giao gấp rút, nhưng các vũ khí và trang bị này đều đã được thẩm định về chất lượng sẵn sàng chiến đấu bởi một ủy ban gồm các chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm của quân đội Xô Viết.

Ngoài ra, không quân Xô Viết đã cử máy bay trinh sát của mình sang công tác tại Việt Nam để giải quyết vấn đề trinh sát đường không trên lãnh thổ Việt Nam và cung cấp cho Việt Nam toàn bộ các thông tin về các động thái quân sự của cả Trung Quốc và Mỹ thu được từ vệ tinh do thám.

Khống chế Biển Đông, ngăn chặn hoạt động hải quân Mỹ và Trung Quốc

Binh lực của hải quân Trung-Mỹ trên biển Đông

Trong quá trình chuẩn bị tấn công Việt Nam, hải quân Trung Quốc (PLAN) đã triển khai một Hạm đội hỗn hợp mang phiên hiệu 217 đến quần đảo Hoàng Sa và các cảng ở Quảng Tây-Quảng Đông, để chuẩn bị tấn công Hải quân Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi khu vực biển miền Trung.

Hạm đội lâm thời này có số lượng khổng lồ lên tới gần 300 chiếc, gồm hai tàu khu trục tên lửa, một nhóm tàu hộ vệ tên lửa, một nhóm tàu phóng lôi và một nhóm tàu tên lửa cao tốc và một số lượng lớn các tàu tuần tiễu hạng nhẹ. huy động tất cả tàu chiến của toàn bộ Hạm đội Nam Hải và tăng cường thêm từ các Hạm đội Bắc Hải và Đông Hải.

Các đơn vị không quân của hải quân trên đảo Hải Nam cũng được chỉ định canh chừng các hoạt động của hải quân Việt Nam và Liên Xô ở Biển Đông. Trong trường hợp phải chiến đấu chống lại các tàu tuần dương của Liên Xô, PLAN đã xây dựng kế hoạch sử dụng các đảo và bờ biển để che giấu tàu mang tên lửa, cho phép chúng lao ra thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ từ vị trí ẩn nấp.

Ngoài ra, do đã hiệp đồng từ trước với Trung Quốc, hải quân Mỹ cũng bắt đầu vào biển Đông nhằm phối hợp với Trung Quốc ngăn chặn các tàu chiến Liên Xô đến bảo vệ Việt Nam.

Về phía Liên Xô, cụm lực lượng công kích chủ lực là Biên đội tàu sân bay (AUG) do tàu sân bay Constellation (CV-64) là kỳ hạm, đã thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu ngoài khơi Biển Đông từ ngày 06-12-1978. Khi chiến sự nổ ra, cụm tàu này đã di chuyển về hướng bờ biển Việt Nam.

Biên chế của cụm AUG bao gồm tàu tuần dương hạm Leany (CG-16), khu trục hạm Morton (DD-948), tàu vận tải đổ bộ Takelma (ATF-113). Ngày 25-2, Cụm AUG đã neo đậu ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, với mục đích như tuyên bố của người Mỹ là để “theo dõi và kiểm soát tình hình”.

Tàu chống ngầm 729 Vasily Chapaev, thuộc Project 1134A của Hạm đội Thái Bình Dương, hiện diện trên Biển Đông từ tháng 01 đến tháng 04-1979

Các chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương hoàn toàn không chỉ hiện diện với ý nghĩa biểu dương lực lượng, Gluhov Vladimir Efimov - Trưởng tàu đo đạc thủy văn của Hạm đội Thái Bình Dương khẳng định, chiến hạm Nga đã tiến vào án ngữ Vịnh Bắc Bộ, khi đó, tất cả tên lửa đã lên bệ phóng.

Sau này, Thuyền trưởng tàu ngầm B-88 lớp Zulu là ông Fedor Gnatusin cũng nhắc lại, những tàu ngầm Xô viết đã được lệnh triển khai ngăn chặn những chiến hạm của Hải quân Trung Quốc bằng hỏa lực, nếu các chiến hạm của PLAN di chuyển áp sát bờ biển của Việt Nam, đồng thời ngăn chặn các hành động tương tự của hải quân Mỹ.

Hạm đội Thái Bình Dương-Liên Xô tổng lực bảo vệ bờ biển Việt Nam

Sau khi nhận được các thông tin đầu tiên về ý định tấn công Việt Nam của Trung Quốc, Hải quân Liên Xô đã cảnh giác điều một số tàu tuần dương và tàu khu trục tới Biển Đông, các tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương cũng bắt đầu triển khai lực lượng trên vùng biển này.

Ngay sau khi cuộc tấn công xảy ra, tính đến ngày 20-2, ngoài khơi bờ biển Việt Nam đã tập trung 13 tàu chiến của hải quân Liên Xô, một biên đội tàu khác với sự chỉ huy của tuần dương hạm “Đô đốc Senyavin” tiếp tục được tăng cường đến bảo vệ dải bờ biển Việt Nam, nhằm bảo vệ hành lang vận tải từ Nga sang và bảo vệ Việt Nam từ hướng biển.

Từ Ulysses hành quân tới bờ biển của Việt Nam đã có tới 5 liên đội tàu. Cộng với các đội tàu đến từ Konyushko, Vanguard, Shell, Sovgavan, Magadan và Bicheva. Lực lượng hải quân của Liên Xô đến đầu tháng 3 đã tăng lên tới 30 tàu, vũ khí trang bị đầy đủ và sẵn sàng khai hỏa.

Ngoài ra, một số chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương cũng được triển khai trong trạng thái trực sẵn sàng chiến đấu tại các khu vực của biển Hoa Đông, sẵn sàng tiếp viện, đồng thời chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Cụm chiến hạm Xô viết có mặt trên Vịnh Bắc bộ đến tận tháng 4-1979. Những hoạt động sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Thái Bình dương đã gây một sức ép nặng nề, buộc các chiến hạm của Hạm đội Nam Hải không dám tham gia cuộc tấn công, mặc dù có tới gần 300 tàu chiến các loại.

Song song với đối phó với tàu chiến Trung Quốc, các chiến hạm Liên Xô đã triển khai đối phó với các tàu chiến Mỹ. Tính đến ngày 25-2-1979, một số lượng lớn các tàu Mỹ đã neo đậu thành chuỗi ngoài khơi bờ biển Việt Nam, mà theo Washington tuyên bố lúc bấy giờ là để “theo dõi tình hình chiến sự”.

Để ngăn chặn các chiến hạm Mỹ tiếp cận khu vực tác chiến, các tàu ngầm diesel-điện của hạm đội Thái Bình Dương-Nga đã lập một phòng tuyến đối đầu. Một số các tàu ngầm cơ động ở độ sâu tác chiến, một số tàu ngầm đã nổi hẳn lên mặt nước, để chiến hạm của hải quân Mỹ trông thấy.

Người Mỹ đã không dám vượt qua tuyến ngăn chặn của tàu ngầm Liên Xô. Vào 06-3 - một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân, Cụm AUG do tàu sân bay Constellation dẫn đầu đã rời Biển Đông, hành trình về Vịnh Aden, nơi đang xảy ra xung đột dữ dội giữa miền Bắc và Nam Yemen.

Xây dựng hành lang vận tải trên biển sang Việt Nam

Ngoài ra, hải quân Liên Xô đã lập một hàng lang vận tải khẩn cấp từ nước mình sang Việt Nam. Hải quân Liên Xô đã trưng dụng 3 quân cảng Vladivostok, Nakhodka, Odessa để tập trung hàng hóa, khẩn trương vận tải hàng viện trợ quân sự bằng đường biển đến Đông Nam Á.

Tàu vận tải đổ bộ của Liên Xô vận chuyển trang thiết bị quân sự lên quân cảng Cam Ranh

Một số lượng lớn các tàu vận tải của hải quân Liên Xô đảm bảo việc chuyển hàng hóa thông thường và vũ khí, trang bị cho Việt Nam. Chỉ tính riêng ở Hải Phòng lúc đó đã có 20 tàu cả dân sự lẫn quân sự chở hàng và chở dầu của Liên Xô vào cảng bốc dỡ.

Thậm chí là Liên Xô còn điều động một đội bốc xếp chuyên nghiệp lớn từ các Cảng Liên Xô Vladivostok, Nakhodka và Vanina Korsakov, do ông G.I.Pikusa, Trưởng đội bốc xếp của cảng Nakhodka làm trưởng nhóm, sang Việt Nam làm nhiệm vụ bốc dỡ ở cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn.
Đội được cấp tốc điều chuyển đến đến Việt Nam trên tàu vận tải “Olga Androvskaya”. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Việt Nam, đội bốc dỡ này đã triển khai xuống hàng trên 26 tàu tải trọng lớn với tổng cộng hơn 100 nghìn tấn hàng hóa.

Vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được thể hiện xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ Việt Nam chống quân Trung Quốc xâm lược, 36 quân nhân thuộc hạm đội Thái Bình Dương đã được trao những phần thưởng cấp Nhà nước của Liên bang Xô viết.

Như chúng ta đã thấy, Liên Xô đã làm tất cả những điều cần thiết để ủng hộ tinh thần và vật chất để giúp đỡ Việt Nam chống lại sức tấn công dữ dội của quân đội Trung Quốc. Sự giúp đỡ của nước bạn là vô cùng quý báu, giúp quân dân Việt Nam đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược trên quy mô lớn.

Tuy nhiên, một thắc mắc rất lớn vào thời điểm đó và cả hiện nay là tại sao Liên Xô không tung quân giúp đỡ Việt Nam và vì sao Trung Quốc không sử dụng đến các lực lượng không quân và tên lửa. Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong các kỳ sau.

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cuoc-chien-17-2-1979-mat-tran-bien-dong-trong-doi-dau-cang-thang-3302099/?paged=4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét