Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Trên biển: VN nên ưu tiên cho tiêm kích Su-30MK2 hay tàu chiến?

Ngân sách quốc phòng có hạn, để có hiệu quả tác chiến bảo vệ chủ quyền trên biển cao nhất, Việt Nam nên lựa chọn ưu tiên mua sắm máy bay Su-30MK2 hay tàu chiến?


Trên biển: VN nên ưu tiên cho tiêm kích Su-30MK2 hay tàu chiến?

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi Việt Nam phải hiện đại hóa một cách toàn diện lực lượng quân sự.
Tuy nhiên, điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, chúng ta chưa tự chủ được việc sản xuất các vũ khí trang bị hiện đại, nếu chi phí giành cho quốc phòng ở một thời điểm nhất định bị hạn chế thì liệu nên ưu tiên cho việc đầu tư mua sắm máy bay hay tàu chiến hơn?
Máy bay mạnh hơn trong các trận chiến
Nếu như trước đây, khi các loại máy bay chiến đấu đa số chưa đảm bảo được tầm bay dài, vũ khí không đối mặt chưa được phổ biến nhiều và uy lực, độ chính xác chưa cao thì rõ ràng các tàu chiến là lực lượng chủ yếu để giải quyết các cuộc chiến trên biển.
Tuy nhiên ngày nay, vị trí của các máy bay chiến đấu đã thay đổi, thậm chí theo các nhà bình luận quân sự thì ai làm chủ được bầu trời người đó sẽ giành được thắng lợi trên biển.
Ta cùng xem xét cuộc chiến tranh trên biển điển hình nhất là cuộc chiến Falkland/Malvinas (1982) giữa Anh và Argentina.
Đây là cuộc hải chiến quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều vũ khí phương tiện hiện đại thời bấy giờ và được nhiều nước dựa vào kinh nghiệm thực tiễn để tiến hành điều chỉnh chiến lược cho lực lượng hải quân.

Chiến hạm HMS Sheffield của Anh bị tên lửa chống hạm Exocet từ máy bay Argentina bắn chìm vào tháng 4.1982 - Ảnh: tư liệu Imperial War Museum, London
Chiến hạm HMS Sheffield của Anh bị tên lửa chống hạm Exocet từ máy bay Argentina bắn chìm vào tháng 4.1982 - Ảnh: tư liệu Imperial War Museum, London
Qua cuộc chiến tranh Falkland/Malvinas, các nhà quân sự đã đưa ra nhận xét:
Thứ nhất, trong cuộc chiến này lực lượng không quân cả hai nước đã đóng vai trò rất lớn và đạt được hiệu quả chiến đấu cao. Đặc biệt là trong những cuộc đấu tay đôi giữa chiến hạm và máy bay thì máy bay đã giành phần thắng.
Nếu tính về giá trị của mục tiêu ở khía cạnh giá thành và khía cạnh sức mạnh của hệ thống vũ khí mang theo thì rõ ràng tàu chiến giá trị gấp nhiều lần so với máy bay chiến đấu.
Máy bay được trang bị tên lửa diệt hạm có thể tiêu diệt các tàu chiến một cách dễ dàng.
Không quân Argentina với 3 tên lửa không đối hạm Exocet đã loại khỏi vòng chiến đấu khu trục hạm hạng nặng HMS Sheffield, tàu thương mại Atlantic Conveyor được hoán cải thành tàu chở máy bay.
Thứ hai, các hệ thống phòng không trên hạm không phát huy hiệu quả nhiều đối với các máy bay, đặc biệt là các máy bay nhỏ và đột kích ở tầm thấp. Các loại tên lửa đối hạm có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ nào hiện có lúc bấy giờ.
Đó cũng là lý do để Mỹ chế tạo và cải tiến Aegis thành hệ thống phòng thủ tên lửa.
Một diễn biến khác củng cố cho nhận xét trên là trong lần Việt Nam triển khai đóng giữ ở đảo Len Đao sau trận chiến Trường Sa 1988 khoảng một tháng.
Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh áp đảo của các tàu chiến để ngăn cản, nhưng sự xuất hiện của các máy bay Su-22 của Việt Nam tại Len Đao đã khiến tàu chiến Trung Quốc phải tản ra và không thể thực hiện được ý đồ này.
Tàu chiến hiệu quả hơn trong tranh chấp và đụng độ
Tuy nhiên tình hình thế giới hiện nay và trong tương lai được đánh giá là ít có khả năng xảy ra các cuộc chiến tranh quy mô lớn mà chỉ dừng lại ở mức độ các cuộc xung đột nhỏ. Khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng nằm trong quy luật đó.
Các sự kiện cần xem xét ở đây là:
- Các cuộc đụng độ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoàng Hải.
- Trung Quốc chiếm giữ bãi Scarborough từ Philippin năm 2012.
Điểm chung của các sự kiện này là lực lượng các nước đều sử dụng một lực lượng lớn các tàu chiến hoặc tàu của lực lượng chấp pháp thực hiện ngăn cản, cản phá đối phương và tiến hành hiện diện dài ngày, thường xuyên trên địa điểm đụng độ.
Những nước có sự chuẩn bị tương đối tốt với chiến thuật hợp lý và lực lượng đủ mạnh như Nhật Bản đã giành được kết quả theo ý định. Ngược lại Philippin với những hạn chế nhất định buộc phải ở vào thế bất lợi.
Trong các cuộc đụng độ này, lực lượng không quân có tham gia nhưng vai trò không lớn bởi các nước không muốn đẩy đụng độ thành một cuộc chiến.
Và khi chỉ duy trì ở mức đụng độ, thì nó sẽ diễn ra liên tục, thường xuyên từng ngày và kéo dài nhiều ngày thì chỉ có tàu chiến mới phù hợp. Ngược lại các máy bay do hạn chế về thời gian hoạt động sẽ chỉ đóng vai trò giám sát, cảnh báo.
Nếu như vậy, liệu có phải Việt Nam nên ưu tiên việc mua sắm hoặc đóng mới các tàu chiến, tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư hơn là mua sắm các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 hoặc loại hiện đại hơn?

Các nước thường huy động số lượng tàu lớn, hiện diện liên tục dài ngày tại nơi tranh chấp, sử dụng chiến thuật ngăn cản, đâm va hoặc dùng vòi rồng, vũ khí âm thanh xua đuổi tàu đối phương trong các cuộc đụng độ trên biển
Các nước thường huy động số lượng tàu lớn, hiện diện liên tục dài ngày tại nơi tranh chấp, sử dụng chiến thuật ngăn cản, đâm va hoặc dùng vòi rồng, vũ khí âm thanh xua đuổi tàu đối phương trong các cuộc đụng độ trên biển
Máy bay mua nhanh, mua dễ hơn tàu chiến
Với đặc điểm là một phương tiện chiến đấu nhỏ hơn nhiều so với các tàu chiến nên máy bay chiến đấu có giá thành ít hơn, dễ mua với số lượng lớn trong thời gian ngắn.
Ví dụ, theo Interfax của Nga hồi cuối tháng 8-2013, Việt Nam đã ký hợp đồng mua thêm 12 chiến đấu cơ Su-30MK2 của Nga, tổng trị giá hơn 600 triệu USD trong đó số tiền mua 12 máy bay chỉ là 450 triệu USD.
Đến ngày 6/2/2016, Việt Nam đã tiếp nhận đầy đủ 12 máy bay theo hợp đồng.
Ngoài ra, không tính 4 chiếc để đánh giá hiệu quả nhận từ năm 2004, kể từ khi ký hợp đồng năm 2009 đến tháng 2/2016, Việt Nam đã nhận thêm tổng cộng 32 chiếc máy bay Su-30MK2.
Như vậy tính trung bình mỗi chiếc Su-30MK2 có giá trị khoảng 37,5 triệu USD.
Về các hợp đồng tàu chiến, hai tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 đầu tiên của Việt Nam được ký hợp đồng vào tháng 12/2006 với giá trị 350 triệu USD, nhận vào tháng 3/2011 và 8/2012 sau hơn 6 năm kể từ lúc ký hợp đồng. Tính trung bình mỗi tàu giá 175 triệu USD.
Ngày 17.10.2012, Việt Nam đặt Nga đóng tiếp 2 tàu hộ tống tên lửa Gepard 3.9, trị giá 700 triệu USD, mỗi tàu giá 350 triệu USD. Hai tàu đã được khởi công ngày 24/9/2013, dự kiến bàn giao vào năm 2017 - 2018.
Chậm so với kế hoạch ban đầu là bàn giao năm 2016-2017 do Ukraine từ chối giao các động cơ cho Nga sau vụ Crimea ly khai và sáp nhập vào Nga.
Đáng chú ý nữa là hợp đồng mua và chuyển giao công nghệ đóng tàu Molniya: Hợp đồng ký năm 2003, Việt Nam mua 2 tàu tên lửa Molniya từ Nga và Nga cung cấp trang thiết bị và hỗ trợ Việt Nam đóng 6 tàu loại này.
Hai chiếc mua từ Nga đã bàn giao vào năm 2007 và 2008 (số hiệu 375 và 376). Hai chiếc đầu tiên (M1, M2) được khởi đóng từ tháng 10.2010 tại Nhà máy đóng tàu Ba Son (TP.HCM), hạ thủy năm 2013, bàn giao cho Hải quân Việt Nam tháng 6.2014 (số hiệu 377 và 378).
Hai tàu Molniya kế tiếp (M3, M4) hạ thuỷ tháng 6.2014, thử nghiệm cấp nhà máy trên biển cuối tháng 12.2014 và bàn giao ngày 2.6.2015 (số hiệu 379 và 380).
Cặp tàu thứ 3 (M5, M6) đã được triển khai trong quý I/2014, dự kiến bàn giao trong quý II/2016.
Ngoài ra, Việt Nam còn xem xét mua 2 tàu SIGMA 9814 với giá khoảng 660 triệu USD từ năm 2011. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có thêm thông tin chính thức nào.

Các tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9.
Các tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9.
Rõ ràng qua các hợp đồng mua máy bay và tàu chiến chúng ta thấy rằng:
Giá thành các tàu chiến đắt hơn nhiều so với các máy bay. Khi chiến tranh xảy ra các máy bay với số lượng nhiều hơn dễ dàng hỗ trợ được cho nhau đồng thời phân tán được lực lượng tránh các tổn thất tập trung hơn so với tàu chiến.
Việc mua máy bay có thể được tiến hành nhanh hơn, với số lượng nhiều hơn. Các tàu chiến thường được mua đơn lẻ hoặc theo cặp bởi các nhà máy cũng không thể sản xuất cùng lúc với số lượng lớn.
Các hợp đồng đóng tàu thường được đàm phán và thực hiện trong thời gian dài. Tàu Gepard khoảng 5 năm, tàu Molniya khoảng 4 năm kể từ lúc khởi công đến khi bàn giao.
Do các tàu chiến là tổ hợp nhiều thiết bị và ít nước tự chủ được hoàn toàn công nghệ do vậy thường phải nhập các linh kiện, thiết bị, động cơ… từ nước thứ ba nên tiềm ẩn tính rủi ro và việc chậm tiến độ thường xuyên xảy ra.
Các tàu chiến phù hợp với việc làm các nhiệm vụ yêu cầu sự hiện diện liên tục như tuần tra, bảo vệ đảo hoặc các loại mục tiêu khác trên biển.
Các kịch bản và hướng ưu tiên của Việt Nam
Từ các đặc điểm trên căn cứ vào tính kinh tế và tình hình thực tế cũng như dự báo chiến lược trên biển Đông, Việt Nam cần có những lựa chọn phù hợp theo ba kịch bản sau:
Nếu như điều kiện cho phép Việt Nam cần phải đầu tư mua sắm đồng đều cả máy bay tiêm kích đa năng và tàu chiến.
Nếu như điều kiện kinh tế chưa cho phép, tình hình dự báo trong ngắn hạn chưa xảy ra xung đột mà chỉ ở mức đụng độ trên biển thì có thể tập trung mua sắm, đóng mới các tàu chiến.
Trong đó hỗn hợp cả các loại tàu chiến hiện đại, lượng choán nước lớn, trang bị mạnh như Gerpard 3.9. Đồng thời đầu tư mua sắm, đóng mới các loại tàu nhỏ hơn ít chi phí và thực hiện được linh hoạt các nhiệm vụ như Molnyia hoặc tàu pháo TP-400, TP-200.
Nếu như điều kiện kinh tế chưa cho phép, tình hình dự báo ngắn hạn có khả năng cao xảy ra chiến tranh hoặc xung đột trên biển, Việt Nam cần ưu tiên tập trung mua sắm các máy bay cho lực lượng không quân.
http://soha.vn/quan-su/tren-bien-vn-nen-uu-tien-cho-tiem-kich-su-30mk2-hay-tau-chien-20160317214409124.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét