Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Trung Quốc nuôi mộng “Đế chế kinh tế Trung Hoa” toàn cầu

Trung Quốc đang chiếm lĩnh không gian kinh tế thế giới bằng chính sách “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”.


Trung Quốc nỗ lực mua lại các thương hiệu truyền thông, Internet

Vừa qua, hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ cho biết, một tập đoàn của các nhà đầu tư Trung Quốc lập kế hoạch mua toàn bộ công ty Opera Software ASA của Na Uy - nhà phát triển trình duyệt web Opera.

Nhóm công ty Internet của Trung Quốc đã thỏa thuận được với nhà cung cấp trình duyệt lớn thứ năm trên thế giới về những điều khoản của hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD.

Chủ đầu tư của dự án là tập đoàn Trung Quốc “Golden Brick Silk Road”, trong nhóm này còn có công ty phát hành các trò chơi điện tử “Beijing Kunlun Tech Co”, công ty phát triển phần mềm bảo mật “Qihoo 360” và công ty đầu tư tài chính “Yonglian”.

Các chủ sở hữu và ban lãnh đạo công ty “Opera Software ASA” đã phê duyệt giao dịch này và khuyến cáo các cổ đông nên chấp nhận nó, bởi các nhà đầu tư Trung Quốc đề xuất mua mỗi cổ phiếu được định giá cao hơn 56% so với giá bình quân trong hơn 1 tháng, kể từ đầu tháng 1-2016.

Đặc biệt là, họ cam kết sẽ trả tiền mặt để mua trọn gói số lượng cổ phiếu. Nhờ đó, các chủ sở hữu của Trung Quốc có thể toàn quyền bán các loại sản phẩm Opera cho người dùng trên mobile và máy tính, và được hưởng lợi từ kinh doanh quảng cáo trên trình duyệt Opera.

Về thực chất, trong những năm qua, Trung Quốc đang tích cực tiếp cận không gian Internet toàn cầu nhưng trở ngại chính trên con đường này là sự thống trị của các công ty phương Tây.

Trung Quoc nuoi mong “De che kinh te Trung Hoa” toan cau
Trung Quốc đang nuôi tham vọng xây dựng “Đế chế Trung Hoa” về kinh tế trong phạm vi toàn cầu

Hợp đồng mua lại Opera là một nỗ lực thành công nhằm phá vỡ thế độc quyền của các tập đoàn nước ngoài đang đi đầu trong lĩnh vực Internet, cũng như để mở rộng quyền kiểm soát không gian mạng.

Công ty cung cấp trình duyệt web Opera là một trong những tài sản quan trọng mà chính quyền Bắc Kinh nhắm tới. Người Trung Quốc nhận thấy điều quan trọng nhất không phải là bản thân trình duyệt Opera, mà là hai thành phần khác.

Trước hết, ngoài những lợi ích về quảng cáo, phần mềm duyệt web còn là một công cụ để gây ảnh hưởng đến hàng triệu và có thể là hàng trăm triệu người dùng Internet trên toàn thế giới.

Thứ hai là bất kỳ trình duyệt Internet nào cũng là một cầu nối giữa các ứng dụng web. Mỗi ứng dụng giải quyết những vấn đề cụ thể, không phải lúc nào cũng bảo đảm an toàn cho chủ thể sử dụng.

Nói một cách hình ảnh, trong máy tính lưu rất nhiều trang web và phần mềm có thể thực hiện những hành động khác nhau, từ việc bí mật quan sát, theo dõi cuộc sống của con người, cho đến việc phá hoại hay theo dõi, đánh cắp các tài liệu của các chủ thể Internet, cả dân sự lẫn quân sự.

Trung Quốc đang nỗ lực mua lại các thương hiệu khách sạn-du lịch

Vừa qua, một công ty bảo hiểm của Trung Quốc là Tập đoàn Bảo hiểm An Bang đã trả giá (bằng tiền mặt) 76 USD cho mỗi cổ phiếu của chuỗi khách sạn Mỹ Starwood Hotels & Resorts, vượt trước đối thủ của mình là tập đoàn Marriott, với đề nghị trả giá 72 USD cho mỗi cổ phiếu.

Trung Quoc nuoi mong “De che kinh te Trung Hoa” toan cau
Các công ty Trung Quốc đã mua đứt công ty “Opera Software ASA”, cha đẻ của phần mềm Internet Opera

Các doanh nhân Trung Quốc sẵn sàng chi trả ngay lập tức 13 tỷ USD bằng bất cứ hình thức thanh toán nào cho toàn bộ gói khách sạn. Nếu họ đạt thành công thì đây sẽ là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử các công ty Trung Quốc hoạt động trên thị trường bất động sản toàn cầu.

Đã từ lâu Bắc Kinh quan tâm đến kinh doanh khách sạn và đã hành động rất tích cực trong lĩnh vực này. Suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới không phải là một trở ngại đối với Trung Quốc mà ngược lại, Bắc Kinh lợi dụng những khó khăn này để sở hữu nhiều khách sạn ở các khu vực khác nhau trên khắp thế giới.

Cần phải lưu ý rằng, Trung Quốc mua những thương hiệu nổi tiếng nhất trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Từ Starwood cho đến Marriott, Hilton và bây giờ trên thế giới đã có một cách nhìn nhận mới là "khách sạn tốt nhất trên thế giới là của người Trung Quốc".

Vào tháng 1 năm nay, chiến thuật "vung tiền vượt trước đối thủ cạnh tranh" của giới kinh doanh Trung Quốc lại một lần nữa thành công khi Tập đoàn Vận tải Nhà nước COSCO (Hồng Kông-Trung Quốc) đã “mua” được thành phố cảng Piraeus của Hy Lạp.

Tập đoàn này đã trả giá bằng tiền mặt với 22 euro cho mỗi cổ phiếu, trong khi các chuyên gia độc lập chỉ định giá 18,4-21,2 euro mỗi cổ phiếu. Kết quả là, ở giai đoạn cuối cùng chỉ có 1 nhà thầu tham gia là COSCO và chính phủ Hy Lạp đang trong cơn “túng quẫn”, đã tuyên bố tập đoàn này là "nhà đầu tư ưu tiên".

Còn Tổng công ty Hóa chất Trung Quốc (ChemChina) cũng khá dễ dàng thâu tóm hãng sản xuất hạt giống và thuốc trừ sâu Thụy Sỹ "Syngenta". Họ hào phóng đưa ra đề nghị thanh toán “ngay và luôn” bằng tiền mặt, trả giá 470 franc Thụy Sĩ cho mỗi cổ phiếu.

Đáng nói là, các chuyên gia tài chính và đầu tư đã thẩm định rằng, cái giá mà doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra cao gần 25% so với giá bình quân trên thị trường chứng khoán thế giới. Và dĩ nhiên là trước khi kết thúc năm nay, hợp đồng này sẽ được ký kết.

Động lực chính của Trung Quốc khi mua ồ ạt các thương hiệu quốc tế là để hiện diện trên các thị trường mà trước đây Trung Quốc không có quyền tiếp cận cũng như để mở rộng hoạt động kinh doanh, bằng tài sản nước ngoài.

 
Trung Quốc đang lên “cơn sốt” mua lại thương hiệu quốc tế

Tham vọng xây dựng “Đế chế Trung Hoa” về kinh tế

Chuyên gia Nga trong lĩnh vực tình báo cạnh tranh, trung tá Andrei Masalovich, trước đây là nhân viên của Cơ quan Liên bang Thông tin và Truyền thông Chính phủ Nga cho biết, có thể nhận định rằng, Trung Quốc sẽ ồ ạt mua sắm các loại tài sản có thể đảm bảo quyền thống trị thế giới.

Đây là một chính sách mang tầm quốc gia và có định hướng rõ ràng của chính quyền Bắc Kinh, được xây dựng từ lâu và bắt đầu thực hiện từ đầu thế kỷ này.

Cho đến những năm 2000, Trung Quốc chỉ là một quốc gia nhận dòng tiền từ nước ngoài vào và hầu như không đầu tư cái gì ra nước ngoài. Sau đó, theo quan niệm “tìm lối thoát” bằng cách vươn ra ngoài biên giới, các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu tích cực đầu tư vào nước ngoài.

Các doanh nhân Trung Quốc đã phát triển một công thức cho sự thành công khi dùng rất nhiều tiền để mua tài sản ở khắp nơi trên thế giới.

Người Trung Quốc ngay lập tức có thể vung hàng đống “tiền tươi” ra để đánh bại các đối thủ và làm lóa mắt những người bán đang gặp khó khăn, trong khi các đối thủ cạnh tranh không có ý định hoặc không có khả năng bỏ ra số tiền lớn như vậy. Do đó, họ có thể mua được tất cả những gì mình muốn.

Nhà nghiên cứu chính trị thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn Lâm Khoa học Nga Alexander Larin cho biết, tính đến giai đoạn này, khối lượng đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài và khối lượng đầu tư nước ngoài vào nước này tương đối cân bằng.

 
Bắc Kinh đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 thế giới

Bình luận về chiến lược của các doanh nhân Trung Quốc trên thị trường chứng khoán, Nhà phân tích Dmitry Tratas cho rằng, mặc dù thời gian gần đây lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm đi, nhưng, đây vẫn là nguồn dự trữ khổng lồ so với các quốc gia khác.

Với tham vọng xây dựng “Đế chế Trung Hoa” trong phạm vi toàn cầu, chính phủ Trung Quốc luôn sẵn sàng cung cấp những khoản vay khổng lồ và đầy ưu đãi cho các công ty của nước này. Do đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đủ lực mua tất cả mọi thứ, kể cả cảng biển và công ty nước ngoài.

Bằng cách hỗ trợ tài chính tối đa cho các doanh nghiệp, chính phủ Trung Quốc thực hiện kế hoạch bành trướng toàn cầu về kinh tế thông qua các công ty nước này, đảm bảo sự hiện diện trong tất cả các thành phần kinh tế và trong các khu vực trên thế giới.

Hiện nay, Bắc Kinh đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới, chiếm vị trí thứ ba sau Mỹ và Nhật Bản.

Vào tháng 1 năm 2016, các công ty Trung Quốc đã đạt được một kỷ lục mới, họ đã thông báo về 82 hợp đồng sáp nhập và mua lại các công ty của đối thủ cạnh tranh nước ngoài, với tổng trị giá 73 tỷ USD.

Trong cùng kỳ năm 2015, con số này là thấp hơn đáng kể, về cả số lượng và đặc biệt là giá trị các hợp đồng mua lại, với 55 hợp đồng các loại, có tổng trị giá khá khiêm tốn là 6,2 tỷ USD.

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trung-quoc-nuoi-mong-de-che-kinh-te-trung-hoa-toan-cau-3304236/?paged=2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét