Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Cuộc chiến 17/2/1979: Chiến lược 'biển người Trung Quốc' vỡ vụn

5h sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc chính thức mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

So sánh cán cân lực lượng giữa Trung Quốc và Việt Nam

Các chiến dịch quân sự đã được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam dọc theo biên giới kéo dài đến 900 km, từ điểm tây bắc là Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến điểm đông bắc ở Pò Hèn (Quảng Ninh).

Hơn 60 vạn quân được sự yểm trợ của gần 800 xe tăng, xe bọc thép, trọng pháo đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam (từ trái sang phải theo tuyến biên giới là Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh).

Cuoc chien 17/2/1979: Chien luoc 'bien nguoi Trung Quoc' vo vun
Dân binh Trung Quốc trong các đội tải thương. Ước tính có khoảng 4.000 lính Trung Quốc tử trận chỉ trong 2 ngày đầu của cuộc chiến

Theo Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, cánh quân Quảng Tây (phía đông) do Hứa Thế Hữu chỉ huy, bao gồm các Tập đoàn quân (TĐQ) 41, 42, 43, 54, 55 và 50 (thiếu sư 149, phối thuộc cho cánh quân Vân Nam), tiến công vào đông bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng.

Trong đó, hướng Lạng Sơn do Tập đoàn quân 43, 54, 55 phụ trách, còn hướng Cao Bằng do Tập đoàn quân 41, 42, 50 đảm nhận nhiệm vụ tấn công.

Cánh quân Vân Nam (phía tây) do Dương Đắc Chí - tư lệnh Đại Quân khu Thành Đô chỉ huy, bao gồm các Tập đoàn quân 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50 đảm nhiệm tấn công vào hướng tây bắc Việt Nam, với trọng điểm là Lào Cai (trước thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, nay tách ra thành Lào Cai và Yên Bái).

Hướng Hoàng Liên Sơn do quân đoàn 13, 14 phụ trách tấn công; hướng Lai Châu có quân đoàn 11; hướng Quảng Ninh, Hà Giang (trước thuộc tỉnh Hà Tuyên, nay tách thành Hà Giang, Tuyên Quang) mỗi nơi cũng có từ 1-2 sư đoàn.

Cuoc chien 17/2/1979: Chien luoc 'bien nguoi Trung Quoc' vo vun
Mặt trận Cao Bằng

Vào thời điểm đó, 3 trong số 4 Quân đoàn chính quy đang tập trung ở khu vực phía Nam, nên phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số sư đoàn chủ lực quân khu (phần lớn là tân binh) của Quân khu I và II cùng các đơn vị bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương tỉnh, huyện; công an vũ trang (biên phòng), du kích xã và dân quân - tự vệ.

Lực lượng tinh nhuệ nhất của phía Việt Nam đứng chân trên khu vực biên giới Việt-Trung là Sư đoàn 3 (đóng ở Lạng Sơn) và sư đoàn 316A (đóng tại Sa Pa). Ngoài ra, còn có các sư đoàn 346 ở Cao Bằng, 325B ở Quảng Ninh, 345 ở Lào Cai, 326 ở Phong Thổ, Lai Châu.

Lực lượng độc lập của ta gồm các trung đoàn 141, 147, 148, 197, trung đoàn pháo binh 68, các trung đoàn quân địa phương 95, 121, 192, 254 và 741.

Đến ngày 18 và 19-2, chúng ta lần lượt bổ sung hai sư đoàn 327 của Quân khu III (gồm Trung đoàn bộ binh 42, 75, 540 và Trung đoàn pháo binh 120) từ Quảng Ninh lên tiếp viện Quân khu I và sư đoàn 337 của Quân khu IV, (gồm Trung đoàn bộ binh 4, 52, 92 và Trung đoàn pháo binh 108) hành quân bằng cả tàu hỏa và xe vận tải từ Nghệ An ra bắc, lên tiếp viện thẳng cho mặt trận chính ở Lạng Sơn.

Để đối phó với lực lượng tấn công tới 60 vạn quân của Trung Quốc, lúc đó lực lượng phòng thủ biên giới của chúng ta chỉ có tổng cộng khoảng 7 vạn quân.

Quân đoàn chủ lực duy nhất ở ngoài bắc là Quân đoàn 1 triển khai lực lượng xây dựng một phòng tuyến bảo vệ thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là Trung Quốc đột phá qua tuyến phòng thủ biên giới, tiến sâu xuống vùng châu thổ sông Hồng.

Đến giai đoạn 2 của cuộc chiến (theo tuyên bố của Trung Quốc), Việt Nam đã quyết định tung lực lượng chủ lực tham chiến.

Ngày 27-2, Quân đoàn 2 chủ lực của Bộ quốc phòng được lệnh cơ động lên mặt trận tăng viện để quét sạch quân Trung Quốc. Các trung đoàn máy bay vận tải, trực thăng vận tải Việt Nam và Liên Xô đã dùng máy bay vận tải bốc bộ binh và vũ khí, trang bị của Quân đoàn từ chiến trường biên giới Tây Nam về miền bắc.

Tuy nhiên, việc bốc một số lượng lớn bộ binh và vũ khí trang bị với khoảng cách xa như thế là điều không hề đơn giản, nên mãi đến cuối cuộc chiến lực lượng chủ lực của quân đoàn này mới kịp triển khai lên biên giới. Lúc đó, quân đội Trung Quốc đã rút chạy sau khi ta tung một phần lực lượng của Quân đoàn 1 lên biên giới.

Trước tình hình chiến sự ngày càng trở nên quyết liệt ở khu vực thị xã Lạng Sơn và phần lớn lực lượng chủ lực của Quân đoàn 2 chưa về kịp, vào ngày 3-3, Bộ Quốc phòng đã quyết định sử dụng đến các đơn vị chủ lực cơ động chiến lược của Quân đoàn 1(tức Binh đoàn Quyết Thắng).

Quân đoàn 1 lập tức điều Sư đoàn bộ binh 320B (sau này đổi thành 390 - đoàn Đồng Bằng, gồm Trung đoàn bộ binh 27, 48, 64 và Trung đoàn pháo binh 54), được tăng cường Trung đoàn bộ binh 209 (đoàn Sông Lô) - thuộc Sư đoàn bộ binh 312 (đoàn Chiến Thắng) và tiểu đoàn pháo tầm xa 130mm của Lữ đoàn pháo binh 45 (đoàn Tất Thắng) cấp tốc hành quân lên Lạng Sơn.

Mặt trận Lạng Sơn

Đến ngày 5-3, lực lượng của Quân đoàn 1 bắt đầu triển khai chiến đấu, nhưng chưa kịp tham chiến thì Trung Quốc tuyên bố rút quân, ngay sau khi Lệnh tổng động viên toàn quốc để quét sạch bè lũ xâm lăng của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng được công bố vào ngày hôm đó.

Tóm lược diễn biến cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979 của Trung Quốc

Do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng ta sẽ không đi sâu vào các chi tiết của những trận đánh và chỉ điểm qua tình hình chính trong các giai đoạn. Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ trình bày kỹ lưỡng về diễn biến chiến sự cụ thể trong những loạt bài khác.

Giai đoạn 1 (từ ngày 17 đến 27-2):

5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, pháo binh Trung Quốc ồ ạt tấn công vào nội địa của ta, tiếp theo là xe tăng và khoảng 120.000 quân Trung Quốc rầm rộ tràn qua, tiến đánh Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, từ tỉnh tây bắc là Lai Châu đến tỉnh đông bắc là Quảng Ninh.

Cánh phía đông (hướng Quảng Tây) có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh và mục tiêu chính là Lạng Sơn, Cao Bằng với 2 hướng tiến đánh chính.

Hướng thứ nhất do Tập đoàn quân 42 (thuộc Đại quân khu Quảng Châu) dẫn đầu từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng, nhằm làm bàn đạp đánh Lạng Sơn, hướng thứ hai do Tập đoàn quân 41 dẫn đầu, từ Tĩnh Tây và Long Châu đánh vào Cao Bằng và Đông Khê.

Ngoài ra, Tập đoàn quân 55 cũng tổ chức một hướng tiến công từ Phòng Thành - Quảng Tây đánh vào Móng Cái - Quảng Ninh của ta.

Cánh phía tây (hướng Vân Nam) có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Mông Tự-Vân Nam, với 3 mũi tiến công chính.

Mũi thứ nhất do lực lượng của các Tập đoàn quân 11 và 13 (Đại quân khu Thành Đô), đánh vào thị xã Lào Cai. Hướng thứ hai từ Văn Sơn đánh vào Hà Giang. Hướng thứ 3 do sư đoàn 42 của Tập đoàn quân 14 (Đại quân khu Thành Đô) dẫn đầu đánh từ Kim Bình vào Lai Châu.

Mặt trận Lạng Sơn

Tổng cộng quân Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm, các khu vực dân cư Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất từ đợt tấn công đầu tiên này là thị xã Lào Cai, huyện Mường Khương (Lào Cai), Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái (khi đó là huyện lỵ của huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh).

Trong giai đoạn từ ngày 17 đến ngày 28-2, quân Trung Quốc đánh chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng và một số thị trấn. Với tư tưởng quán triệt trước là phải phá hoại nền kinh tế Việt Nam, quân Trung Quốc đã phá hủy triệt để các cơ sở vật chất, kinh tế ở những địa phương này.

Tuy nhiên, do vấp phải tinh thần chiến đấu kiên cường và chiến thuật phòng ngự hiệu quả của bộ đội địa phương và dân quân du kích Việt Nam, cũng như áp dụng chiến thuật lạc hậu, nên quân Trung Quốc tiến rất chậm và bị thương vong rất nặng nề.

Giai đoạn 2 (27/2-5/3):

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27-2, là giai đoạn bộc lộ dã tâm xâm lược của Trung Quốc khi chúng liên tiếp tăng quân đánh sang Việt Nam. Đến thời điểm này cộng đồng quốc tế cũng đã nhận ra sự giả dối và tráo trở của Trung Quốc đằng sau cái gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ”.

Áp dụng chính sách hai mặt, Trung Quốc tiếp tục điều quân tăng viện từ Trung Quốc sang Việt Nam trong khi trước đó Đặng Tiểu Bình hứa hẹn "có thể sẽ rút quân sau 10 ngày”. Điều này cho thấy những lời hứa hẹn "cuộc chiến giới hạn" chỉ là điều dối trá trắng trợn.

Chiến sự tập trung tại khu vực Lạng Sơn (mũi Quảng Tây của Trung Quốc), tuy giao tranh tại Lào Cai, Cao Bằng, và Móng Cái vẫn tiếp diễn.

Trung Quốc điều tới hướng thị xã Lạng Sơn thêm 2 sư đoàn từ Đồng Đăng và Lộc Bình (phía Đông Nam Lạng Sơn). Sau đó, đến ngày 2-3 sử dụng thêm sư đoàn 162 dự bị chiến dịch của Tập đoàn quân 54 và dùng 6 sư đoàn tấn công đồng loạt trên nhiều hướng vào Lạng Sơn.

Ở hướng này, sư đoàn 3 và sư đoàn 337 (lực lượng chi viện của Quân khu 4, vừa hành quân từ Nghệ An ra) đã anh dũng đánh bật cuộc tiến công của 6 sư đoàn và nhiều trung đoàn của địch. Với lực lực lượng bình quân hơn 1 sư đoàn đánh với 1 trung đoàn ta, mãi đến ngày 4-3 Trung Quốc mới chiếm được thị xã Lạng Sơn.

Mặt trận Lào Cai

Đến giai đoạn này, Việt Nam cũng quyết định tung lực lượng chủ lực để ra đòn quyết định, đánh bật quân Trung Quốc về bên kia biên giới. Việt Nam đã điều các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng.

Quân đoàn 14 (vừa được thành lập ngày 25-2), bao gồm các sư đoàn 3, 327, 338, 337 hầu như còn nguyên vẹn, bắt đầu tái triển khai quân bao vây đánh chiếm lại thị xã Lạng Sơn.

Lúc này, sư 320B của Quân đoàn 1 (gồm 3 trung đoàn bộ binh và 1 trung đoàn pháo binh), được tăng cường thêm 1 trung đoàn bộ binh 209 và 1 tiểu đoàn pháo tầm xa 130mm đã từ đồng bằng lên tăng viện cho Lạng Sơn và triển khai đội hình chiến đấu vào ngày 4-3.

Ngoài ra, lực lượng chủ lực của Quân đoàn 2 được máy bay vận tải bốc thẳng từ mặt trận biên giới Tây Nam về đã bắt đầu tập kết sau lưng Quân đoàn 14.

Sau khi thấy một phần chủ lực của Việt Nam đã lên biên giới và các sư chủ lực khác cũng đang ầm ầm kéo quân ra Bắc, cộng với kết quả thương vong, tổn thất quá lớn, ngày 5-3-1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh" và bắt đầu rút lui trong "chiến thắng".

Giai đoạn 3 (từ ngày 5 đến 18-3):

Quân Trung Quốc đang di chuyển tại Cao Bằng. Đi đầu là xe bọc thép Type 63

Có một số tài liệu cho rằng cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc chia làm 2 giai đoạn, kết thúc khi tuyên bố rút quân về, nhưng trên thực tế, đến ngày 18-3, những lực lượng cuối cùng mới rút khỏi Việt Nam và trong giai đoạn này vẫn xảy ra một số trận đánh, nên chúng ta có thể phân thành 3 giai đoạn.

Ngày 5 tháng 3 năm 1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc để “bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc”. Trong khi đó, lực lượng chủ lực của Quân đoàn 1 và 2 cũng đã lên đến biên giới.

Trong bối cảnh đó, Đặng Tiểu Bình vội vã tuyên bố đã hoàn thành được mục đích “dạy cho Việt Nam một bài học” và tuyên bố rút quân. Việt Nam thể hiện tinh thần nhân đạo đúng với truyền thống lịch sử dân tộc hàng ngàn năm qua, tuyên bố cho phép quân xâm lược Trung Quốc được rút lui an toàn.

Tuy nhiên, do trên đường rút chạy, quân Trung Quốc vẫn không ngừng đốt phá, giết người và phá hoại các công trình của Việt Nam nên chủ lực ta đã tiến hành một số trận truy kích, ví dụ như trận Chi Mã, để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời răn đe quân xâm lược giở trò lật lọng.

Ngày 18-3-1979, tàn quân Trung Quốc rời khỏi nước ta, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của bè lũ bành trướng Bắc Kinh.

Với lực lượng chỉ bằng gần 1/10 của kẻ thù và phần lớn là dân quân du kích nhưng Việt Nam đã gây tổn thương nặng cho quân địch cả về lực lượng và trang bị, đẩy lùi quân giặc ra khỏi biên giới, bảo vệ thắng lợi miền Bắc, viết thêm một trang sử hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc của dân tộc.

Trong kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về con số thương vong của cả 2 phía và nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam, cùng những lí do khiến quân xâm lược Trung Quốc phải nhận thất bại thảm hại.

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cuoc-chien-1721979-chien-luoc-bien-nguoi-trung-quoc-vo-vun-3301349/?paged=3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét