Việt Nam cần đa dạng hóa sự có mặt của mình trên biển để khẳng định chủ quyền, tận dụng ụ nổi, tàu ma cũ, hoán cải thành những căn cứ nổi.
Trung Quốc đã thật sự quân sự hóa biển Đông
Báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA Daily) đăng tải thông tin cho biết, Hải quân nước này đã đưa vào hoạt động bến tàu nổi tự hành đầu tiên “Huachuan 1”.
Bến tàu Huachuan 1 sẽ phục vụ cho các tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm, Bắc Kinh kỳ vọng, công trình này có thể sửa chữa tàu chiến lớn của quân đội Trung Quốc ở các điểm di động xa bờ thay vì những điểm xác định trên bờ biển như trước đây.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, kỹ sư Phan Vĩnh Trị - nguyên Giám đốc Công nghệ thông tin, Tập đoàn Vinashin cho biết: "Từ cuối năm 2014, đã có tin Trung Quốc đóng những đảo nổi di động (dân sự) để đưa vào hoạt động ở biển Đông.
Khi đó, tôi đã nhận xét rằng đây là một hành động lấn chiếm mới biển đảo của chúng ta và chắc chắn sẽ còn những hành động khác.
Bến tàu tự hành đầu tiên của Trung Quốc sẽ được đưa vào hoạt động
|
Việc đưa vào hoạt động bến tàu di động (quân sự) lần này là một bước tiến mới theo hướng đó. Nó hỗ trợ trực tiếp, mở rộng tầm hoạt động và thời gian hoạt động xa bờ của đội tàu chiến Trung Quốc.
Khi cần thiết, nó cho phép tàu chiến Trung Quốc có thể áp sát bờ biển nước ta hơn, trong một thời gian lâu hơn so với việc dựa vào các căn cứ trên đất liền và các đảo như trước đây".
Đặc biệt, trước việc, Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây hấn trên biển Đông như: xây trạm radar trên đá và rạn san hô, điều tên lửa phòng không tới Đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam của Trung Quốc trong thời gian gần đây, ông Trị nhận định, đây là những hành động minh chứng cho việc tăng cường sự có mặt của các tàu chiến và cơ sở hậu cần của Trung Quốc ở vùng Biển Đông là một hành động leo thang rất nghiêm trọng.
Cần tận dụng cả ụ nổi, tàu ma của Vinashin, Vinalines để bảo vệ chủ quyền
Về phía Việt Nam, trước việc Trung Quốc đang ngày càng lấn tới, đa dạng hóa sự có mặt trên biển Đông, theo ông Trị, chúng ta cần có hành động đáp trả cần thiết, cụ thể, ngoài những tuyên bố phản đối theo đúng thông lệ của Bộ Ngoại giao.
Ông chỉ rõ: "Trước đây đã rất nhiều lần tôi đã đề xuất tận dụng không chỉ ụ nổi mà cả những con tàu ma của Vinashin, Vinalines hoán cải thành những căn cứ nổi, đảo nổi tổng hợp, hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân và các công tác khí tượng, thủy văn, thông tin liên lạc, nghiên cứu biển...
Công tác hoán cải, trang bị bổ sung đó không mất nhiều tiền lại tận dụng được đội tàu rất đắt tiền càng để lâu càng mục nát, không cứu vãn được.
Và điều chủ yếu là sự có mặt của chúng vừa khẳng định chủ quyền của ta, vừa rất hiệu quả cho những nhiệm vụ được giao.
Ví dụ: cấp cứu cho ngư dân nhanh chóng khi bị đâm va, bổ xung vật tư cần thiết cho họ bám biển lâu dài không phải quay vào bờ, sửa chữa nhỏ…
Để lâu hơn nữa, những con tàu đó chỉ có bán sắt vụn. Và khi cần, lại phải bỏ ra rất nhiều tiền để đóng mới những loại căn cứ nổi như thế".
Cũng đưa ra quan điểm về sự việc trên, một kỹ sư đóng tàu nghiên cứu rất kỹ về các bến tàu của Trung Quốc cho hay: "Tất cả những việc Trung Quốc làm đều thực hiện cho mục tiêu quân sự hóa Biển Đông, chiếm trọn Biển đông của mình.
Trung Quốc đang học tập Mỹ rất bài bản, với phương pháp, đưa rất nhiều sáng kiến trên biển, làm cho sức mạnh trên biển ngày càng mạnh lên, tất cả đều phục vụ cho mục đích tăng sức mạnh hải quân.
Những việc Trung Quốc đang làm vô cùng bài bản, phối hợp rất nhịp nhàng với nhau, sau này khi có bến tàu thì họ sẽ cho vào hoạt đồng hàng loạt các loại tàu như tàu cứu hộ, tàu khảo cổ, tàu bệnh viện trên biển, tức là dành quyền hoạt động như một quốc gia trên biển".
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/trung-quoc-van-hanh-ben-tau-noi-dieu-viet-nam-nen-lam-3301971/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét