Trung Quốc từ nay vừa là cường quốc đất liền, vừa là cường quốc biển, có khả năng từ đất liền tác động đến những gì xảy ra trên biển. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không còn là quan hệ giữa một cường quốc biển và một cường quốc đất liền, mà là giữa hai cường quốc biển.
Tháng 9/2015, một đội tàu nhỏ của Trung Quốc đã xuất hiện trong vùng biển của Mỹ, vài tuần trước chuyến thăm Washington của Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 24 cùng tháng đó. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hẳn đã lệnh cho các tàu đi tắt (một cách hợp pháp) qua các vùng lãnh hải của Mỹ, ngang tầm quần đảo Aleutian ngoài khơi Alaska. Tổng cộng, 5 tàu đã vượt qua eo biển Bering, dẫn đến phản ứng nhẹ nhàng và lịch thiệp của Washington. Một phát ngôn viên của Hải quân Mỹ đã tuyên bố: "Trung Quốc có lực lượng hải quân tầm cỡ quốc tế, và chúng tôi khuyến khích họ, cũng như những hải quân khác trên thế giới, qua lại trong các vùng biển quốc tế phù hợp với những chuẩn mực nghề nghiệp và an ninh, cũng như tôn trọng luật biển".
Tại sao Trung Quốc lại "nhiễu sự" thực hiện một chuyến viễn du đến tận miền Bắc Tây bán cầu như vậy? Vì họ thấy cần phải chứng tỏ sự hiện diện của họ ở các vùng biển xa. Và vì họ có thể làm điều đó: Bắc Kinh không còn hoàn toàn phụ thuộc vào hạm đội quân sự của mình để đẩy lùi các mối đe dọa trên các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Giờ đây, Trung Quốc đã có các vũ khí tầm xa cho phép họ bắn tới các hạm đội của đối phương từ đất liền. Hạm đội của Hải quân Trung Quốc từ nay có thể đi lại tung hoành tới giáp ranh Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hoặc thậm chí xa hơn.
Đối với Trung Quốc, một chiến lược hàng hải "tầm xa" mang lại nhiều lợi ích quan trọng, và ngày càng bớt đi những điều bất lợi. Chuyến viễn du nhỏ của Hải quân Trung quốc tới quần đảo Aleutian chỉ là biểu hiện gần đây nhất của dự án của Tập Cận Bình nhằm đưa Trung Quốc từ vị thế cường quốc lục địa truyền thống trở thành "cường quốc biển thực sự" – (và như vậy giúp Trung Quốc thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa"). Những khát vọng của Trung Quốc đã được nêu lên trong các cuộc thảo luận ngày 24/9/2015 giữa Barack Obama và Tập Cận Bình. Thách thức đặt ra là gì? Một thời đại mới của Hải quân Trung Quốc trên biển khơi.
Bắc Kinh sẽ được gì với chiến lược biển nói đúng ra là mạo hiểm này? Có nhiều lợi ích. Hãy bắt đầu trước hết với nơi họ vừa đột nhập: eo biển Bering là lối vào Bắc Băng Dương thuận tiện nhất cho các tàu buôn và tàu quân sự của Trung Quốc. Tình trạng tan băng do sự nóng lên toàn cầu sẽ khiến cho các tuyến hàng hải ở Bắc cực trở nên ngắn hơn và trực tiếp hơn (và do đó ít tốn kém và ít phức tạp hơn) so với các tuyến đường hiện tại. Do vậy, có thể dễ dàng hiểu vì sao Hải quân Trung Quốc lại quan tâm đến việc triển khai dọc theo các tuyến đường biển ở phía Bắc của lục Á-Âu.
Mặt khác, việc thám hiểm các vùng biển xa sẽ hun đúc "tinh thần hải quân", khả năng tác chiến và lòng nhiệt huyết. Nếu Trung Quốc muốn Hải quân của họ trở thành một lực lượng có sức mạnh tương đương với Hải quân Mỹ, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, và các lực lượng hải quân lớn khác, thì hạm đội của Hải quân Trung Quốc phải có các hoạt động triển khai tham vọng hơn, phức tạp hơn và vươn xa hơn về mặt địa lý.
Cách đây ít lâu, các sĩ quan hải quân Trung Quốc vẫn do dự khi điều quân ra ngoài phạm vi Tây Thái Bình Dương và các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Điều này đã thay đổi khi hạm đội hải quân Trung Quốc phát triển về vật chất. Vũ khí tốt không quan trọng bằng có người điều khiển vũ khí giỏi. Hải quân Trung Quốc dường như rất hài lòng về trang thiết bị của mình, và bây giờ là lúc hoàn thiện yếu tố con người. Đó là lý do khiến Hải quân Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn trên các vùng biển của thế giới (ngoài chuyến dừng chân mới đây tại quần đảo Aleutian, còn có chuyến thăm cảng Ai Cập hồi tháng 9/2015, một chuyến đi vòng quanh Biển Đen vào tháng 5/2015, và nhiều cuộc phiêu lưu trên biển cũng như các chuyến thăm ngoại giao khác). Cải tiến thiết bị và nâng cao năng lực con người chính là con đường lý tưởng để thực hiện một quan điểm mang tính chiến lược.
Ngoài tất cả những điều trên, Tập Cận Bình và các cộng sự của ông có lẽ muốn thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc trong vùng biển của mình, đồng thời khiêu khích Mỹ ngay chính trong các vùng biển của Mỹ. Các nhà lãnh đạo và các sĩ quan Trung Quốc thường nghĩ rằng người Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận trong các vùng biển của Mỹ điều mà Hải quân Mỹ đang làm ở vùng biển gần Trung Quốc (chẳng hạn điều máy bay trinh sát dọc các bờ biển, thực hiện các nhiệm vụ giám sát dưới biển, cho các máy bay chiến thuật cất cánh từ các tàu sân bay…). Đó là lý do tại sao họ không ngừng đề cập tới học thuyết Monroe hay cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba hoặc bất kỳ giai đoạn lịch sử nào khác của nước Mỹ để chứng tỏ rằng Mỹ tự cho mình quyền ngăn cấm một số hoạt động trong không gian biển của họ.
Với lý do có đi có lại, Trung Quốc đã đòi hỏi Washington phải dành cho các cường quốc khác những đặc quyền như vậy trong các vùng biển lân cận của Mỹ. Và Trung Quốc thực sự mong muốn các nước khác không áp đặt các quy tắc chi phối các hoạt động quân sự trong vùng biển của Trung Quốc. Đặc biệt, Bắc Kinh muốn cấm thực hiện trên các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông các chuyến bay giám sát, hoạt động trinh thám dưới biển và hoạt động của các tàu sân bay nước ngoài (chỉ cho phép qua lại trên một số tuyến đường hàng hải khu vực, nối từ điểm A đến điểm B). Những hoạt động này vốn đã được quy tắc hóa thông qua pháp luật theo tập quán và các điều ước quốc tế. Để cho Trung Quốc độc chiếm sẽ là xóa bỏ quyền tự do đi lại trên các vùng biển này. Các tàu nước ngoài sẽ chỉ được sử dụng các tuyến đường biển của Trung Quốc khi Bắc Kinh cho phép. Theo thời gian, việc mất quyền tự do đi lại trên biển ở Đông Nam Á có thể ảnh hưởng xấu tới nguyên tắc này thậm chí ở khắp nơi trên thế giới. Biển Đông Nam Á (Biển Đông) không còn là tài sản biển chung toàn cầu nữa. Và điều này có thể khuyến khích các cường quốc hung hăng khác trên thế giới đòi chủ quyền đối với các tuyến đường biển ở gần lãnh thổ của họ. Hôm nay là Biển Đông Nam Á, ngày mai là Biển Đen hay Vịnh Persian?
Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh hy vọng có thể khiến Washington mệt mỏi và giảm bớt các hoạt động hải quân của Mỹ trong khu vực châu Á, thì Bắc Kinh có lẽ sẽ thất vọng. Một số người ngờ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tưởng người Mỹ có cách nhìn nhận thế giới giống họ và cũng sẽ phản ứng như họ trước các hành động của nước khác giống người Trung Quốc.
Người Mỹ không có thái độ đòi hỏi về biển như vậy giống người Trung Quốc. Vả lại, người Mỹ thấy không cần thiết phải coi biển nằm trong lãnh thổ của họ (không phải vô cớ mà vùng biển phía Nam nước Mỹ lại được gọi là Vịnh Mexico). Ngay cả vào lúc cực điểm của chủ nghĩa Mỹ, với học thuyết Monroe trong thế kỷ 19, Mỹ chưa bao giờ đòi chủ quyền đối với Vịnh Mexico hoặc biển Caribe. Đây là một sự khác biệt rõ ràng với Trung Quốc khi nước này coi Biển Đông như là "vùng đất xanh" của họ – một lãnh thổ thuộc Trung Quốc và là nơi thực thi luật lệ Trung Quốc.
Để hiểu cách thức phản ứng của Mỹ trước sự xâm nhập của Hải quân Trung Quốc vào vùng biển của Mỹ, chúng ta hãy tham khảo thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Washington vẫn coi sự hiện diện của lực lượng hải quân nước ngoài ở gần các bờ biển nước Mỹ như là cái giá phải trả cho các hoạt động giao thương của Mỹ trên đại dương. Tự do đi lại trên biển là một vấn đề có đi có lại. Nếu một nước hạn chế tự do đi lại trên biển của các nước khác thì họ cũng sẽ hạn chế quyền tự do đi lại của nước đó.
Trong Chiến tranh Lạnh, Hải quân Liên Xô, thường xuyên hoạt động trên các vùng biển gần nước Mỹ. Các tàu ngầm hạt nhân từng thực hiện các hoạt động tuần tra răn đe ở ngoài khơi. Các tàu do thám (AGI – tàu thuộc cơ quan tình báo), tàu đánh cá của Liên Xô trang bị đầy các thiết bị điện tử hết sức tinh vi, đã theo dõi các lực lượng hải quân Mỹ. Các AGI có mặt ở khắp nơi, đến mức nhiều lần một thuyền trưởng Mỹ đã phải sắp xếp cho một tàu Liên Xô đi vào trong hàng ngũ hạm đội của mình, để tránh xảy ra bất kỳ va chạm nào trong khi thay đổi hành trình hay tốc độ. Như vậy, trên thực tế, AGI đã trở thành bạn đồng hành của một hạm đội thù địch. Có những cách hành xử lịch thiệp ngay cả giữa các kẻ thù hung bạo với nhau.
Trung Quốc vẫn còn phải học cách thích ứng với những "luật chơi" trên biển. Tại sao? Bởi vì một cường quốc lục địa như Trung Quốc có xu hướng nhìn nhận về biển khác với những quốc gia biển như Mỹ hay Anh. Nơi nào mà các quốc gia biển coi là một tài sản chung, một không gian tự do mỗi nước đều có thể sử dụng, thì các quốc gia lục địa lại coi đó là một lãnh thổ quốc gia giống như đất liền. Một hố sâu thực sự ngăn cách giữa cách nhìn của Trung Quốc và cách nhìn của phương Tây.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của cuộc Chiến tranh Lạnh đã không làm thay đổi nhiều quan điểm của Trung Quốc. Với mong muốn nhanh chóng trở thành một cường quốc công nghiệp hiện đại, dưới thời Mao Trạch Đông từ năm 1949 đến năm 1976, Trung Quốc đã hướng vào nội địa. Ở giai đoạn đó, Hải quân Trung Quốc bị ngăn cách sau một quần đảo bị các lực lượng đồng minh chiếm đóng và do vậy đành bằng lòng với nhiệm vụ bảo vệ các bờ biển của Trung Quốc chống lại một cuộc xâm nhập của các tàu đổ bộ. Bị ám ảnh bởi sự cạnh tranh chiến lược với Liên Xô, Chính phủ Trung Quốc rõ ràng đã dành nhiều sự quan tâm đến khu vực biên giới Trung-Xô hơn là đến biển. Trước khi triển khai cuộc cải cách kinh tế vào cuối những năm 1970, Trung Quốc đã tập trung chủ yếu vào đất liền. Không giống như Mỹ hay Liên Xô, Trung Quốc chưa bao giờ thích ứng với sự cạnh tranh chiến lược trên biển.
Nhưng giờ đây Bắc Kinh dường như đi trên những "đường ray mới". Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã rất thường xuyên và hăng hái đưa ra những đòi hỏi về chủ quyền lãnh hải đến mức họ sẽ có nguy cơ tỏ ra hèn yếu và vụng về trước dân chúng của họ nếu như họ phải lùi bước. Giờ đây, khó có thể hình dung rằng họ sẽ từ bỏ ý định hạn chế quyền tự do đi lại trên biển. Vấn đề là ở chỗ thái độ rõ rệt không gì lay chuyển được của Bắc Kinh (lời tuyên bố mới đây rằng Biển Đông "thuộc Trung Quốc" là một ví dụ điển hình) đã gắn kết các bên liên quan.
Sở dĩ Trung Quốc từ nay lao vào cuộc phiêu lưu trên biển là vì họ có thể làm điều này. Các loại vũ khí được trưng ra trong cuộc duyệt binh ngày 2/9 tại Bắc Kinh, để kỷ niệm ngày Nhật Bản đầu hàng vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, đã cho thấy vì sao các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không còn sợ hãi khi đưa các hạm đội nhỏ của họ đến các vùng biển xa (ban đầu nhằm để bảo vệ Trung Quốc Đại lục đồng thời theo dõi những gì đang xảy ra trong không gian biển châu Á), và họ thấy không có nguy cơ gì lớn đối với họ. Nhờ những tiến bộ công nghệ trong ngành công nghiệp vũ khí, các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã có thể đi lại trên tất cả các vùng biển của thế giới mà không lo sợ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Nói một cách rõ ràng hơn, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày càng có thể đương đầu với các mối đe dọa tới các lợi ích của Trung Quốc ở biển khơi mà không cần tới các tàu của Hải quân Trung Quốc. Trước đây, thông thường cần phải có một tàu để chiến đấu chống lại một tàu khác. Công nghệ đã làm thay đổi điều đó. Hiện nay, Trung Quốc có một loạt vũ khí phòng thủ "chống tiếp cận" khá hiện đại để ngăn chặn phần lớn các mối đe dọa (kho vũ khí ven biển cho phép Trung Quốc quản lý các sự kiện trên biển).
Việc sở hữu các vũ khí phòng thủ hiện đại đã mở ra cho Bắc Kinh các cơ hội chiến lược hấp dẫn. Hạm đội của Hải quân Trung Quốc có thể tung hoành trên biển trong tầm bắn của các tên lửa hành trình chống tàu và các giàn tên lửa đạn đạo dọc bờ biển Trung Quốc, cộng thêm một hỏa lực mạnh trên đất liền. Các tên lửa đạn đạo chống tàu được phô trương trong cuộc duyệt binh ngày 2/9 có khả năng bắn tới các mục tiêu ở xa như các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương.
Trong kho vũ khí của PLA còn phải kể tới các máy bay chiến đấu được trang bị các tên lửa chống tàu. Những máy bay này có thể tấn công các mục tiêu ở cách bờ biển châu Á hàng trăm km. Bổ sung cho các phương tiện không quân và các tên lửa trên bộ còn có các tàu ngầm và các tàu tuần tra mặt nước nhiệm vụ cảnh giới – giống như các trạm gác ngoài khơi để báo trước các cuộc tấn công. Tóm lại, chúng tạo thành một mạng lưới phòng thủ hết sức dày đặc, và trở thành một cơn ác mộng đối với Mỹ và các đồng minh muốn bảo vệ các nước bạn bè cũng như sự tự do trên biển và thực hiện các mục tiêu đáng quan tâm khác.
Như vậy, việc triển khai trên bộ của lực lượng hải quân đã cho phép Hải quân Trung Quốc bù lấp sự chênh lệch về hỏa lực giữa các tàu Trung Quốc và các tàu Mỹ. Việc cấm tiếp cận các tuyến đường biển đã mang lại những lợi thế không thể phủ nhận cho Trung Quốc. Nếu một cuộc chiến diễn ra ở Tây Thái Bình Dương, các lực lượng ven bờ của Trung Quốc có thể tấn công các lực lượng Mỹ, do đó làm gia tăng sức mạnh tấn công của Hải quân Trung Quốc. Chính vì vậy, so sánh số lượng tàu và máy bay của quân đội hai nước là sai lầm, mà cần so sánh sức mạnh của một bộ phận lực lượng Hải quân Mỹ (hạm đội Thái Bình Dương) với toàn bộ Hải quân Trung Quốc, cộng thêm sự tăng viện của pháo binh PLA, các tên lửa đạn đạo, cũng như các thiết bị của không quân và hải quân có khả năng tác chiến trên biển.
Người ta có thể nghĩ rằng Hải quân Trung Quốc thậm chí không cần tham gia chiến đấu. Vì vậy, PLA có đủ khả năng tấn công các kẻ thù trong khu vực (như Hạm đội 7 của Mỹ, đóng tại Nhật Bản, và Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản). Thực tế này đã khiến Washington, Tokyo và những kẻ thù tiềm năng khác của Trung Quốc phải cân nhắc kỹ trước khi làm điều gì đó gây hại cho Trung Quốc. Nếu như mạng lưới chống tiếp cận vận hành như dự kiến, Bắc Kinh sẽ ngày càng ít do dự điều hạm đội quân sự của mình tới Ấn Độ Dương, Vịnh Persian, thậm chí tới Địa Trung Hải hay Đại Tây Dương.
Đối với Trung Quốc, việc bảo vệ vùng bờ biển là một phần của một chiến lược biển đầy tham vọng. Nếu pháo binh và các máy bay của PLA có thể tấn công kẻ thù từ bờ biển, thì tại sao họ không điều các tàu của Hải quân Trung Quốc tới những vùng biển xa hơn, để thực hiện những nhiệm vụ mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng quan trọng?
Cần nghiên cứu kỹ lịch sử để có một cái nhìn tổng quan về sự vận hành của cấu trúc phòng thủ của Trung Quốc. Cách đây một thế kỷ, chuyên gia nổi tiếng về biển Alfred Thayer Mahan đã chỉ trích Hải quân Đế quốc Nga là nhút nhát và thiếu tinh thần tấn công. Ông đã nói đến cuộc Chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905, trong đó Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã đánh chìm một số lượng lớn các tàu của Nga trong không gian biển Đông Á và nắm quyền kiểm soát biển. Mahan chỉ trích lính hải quân Nga đã sử dụng thuyền của họ ở Thái Bình Dương như một "hạm đội pháo đài", chứ không như một lực lượng chiến đấu.
Chiến tranh trên biển không phải là một "chuyện nhỏ". Theo lý thuyết, các tàu chiến được triển khai nhằm bảo vệ các cảng biển quan trọng chống lại các kẻ thù trên biển. Tuy nhiên, trên thực tế, một số thuyền trưởng, cũng như các thuyền trưởng của Hải quân Đế quốc Nga lại muốn dùng cảng biển để bảo vệ các tàu chiến. Khi lực lượng bảo vệ lại trở thành đối tượng được bảo vệ, sẽ nảy sinh vấn đề, và đó chính là vấn đề mà Mahan nhấn mạnh.
Tại sao phải trú ẩn dưới các nòng pháo của một pháo đài (hay dưới các tên lửa và các máy bay chiến đấu ở thời kỳ cực kỳ hiện đại này)? Câu trả lời đơn giản là: Pháo đài lớn hơn tàu. Tàu lớn nhất vẫn nhỏ hơn pháo đài, và chỉ có không gian hạn chế không cho phép vận chuyển pháo hạng nặng và đạn dược. Các căn cứ cho phép sử dụng vũ khí hạng nặng hơn, cùng các kho dự trữ đạn dược lớn hơn. Giờ đây, điều này càng trở nên đúng hơn khi mà các tên lửa chống tàu được vận chuyển trên xe tải có thể được đặt ở bất kỳ khu vực ven biển nào. Pháo đài Trung Quốc mang lại một địa hình rộng lớn hơn để thiết lập các vũ khí chống tiếp cận.
Không ngạc nhiên khi Đô đốc Horatio Nelson, người giúp Hải quân Anh giành chiến thắng trước Hải quân Pháp và Hải quân Tây Ban Nha trong trận Trafalgar, từng tuyên bố rằng dùng tàu để tấn công pháo đài là một hành động điên rồ. Cũng không ngạc nhiên khi Hải quân Đế quốc Nga đã ẩn nấp tại cảng Arthur, trên Bán đảo Liêu Đông (Đông Bắc Trung Quốc) và để cho pháo binh bờ biển bảo vệ họ chống lại hạm đội của Đô đốc Togo Heihachiro.
Có thể nói rằng đối với Trung Quốc, cách tấn công tốt nhất là phòng thủ tốt (chứ không phải ngược lại). Nói cách khác, có một hệ thống phòng thủ vững chắc trên bộ cho phép các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc muốn đến đâu thì đến trên các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông hay Tây Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ tấn công, đồng thời có thể lợi dụng các máy bay và các giàn tên lửa di động trong trường hợp cần thiết. Như vậy, một cách nào đó các lực lượng phòng thủ ven biển đã "cởi trói" cho các tàu của Hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc từ nay vừa là cường quốc đất liền, vừa là cường quốc biển, có khả năng từ đất liền tác động đến những gì xảy ra trên biển: một cường quốc biển tự do lựa chọn một chiến lược biển vươn xa. Các hạm đội của Hải quân Trung Quốc sẽ xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn trong các cảng châu Á... và xa hơn nữa. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không còn là quan hệ giữa một cường quốc biển và một cường quốc đất liền, mà là giữa hai cường quốc biển.
James Holmes là giáo sư về chiến lược của trường Hải chiến và từng tham gia chiến đấu trong cuộc chiến Vùng Vịnh. Ông cũng là đồng tác giả của Red Star Over the Pacific: China's Rise and the Challenge to U.S. Maritime Strategy. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bài viết được đăng trên Foreign Policy.
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/5737-khi-trung-quoc-thong-tri-cac-dai-duong