Báo “Người đưa tin Xcốtlen” có bài “Sea change as China unveils aircraft carrier” phân tích về việc Trung Quốc công bố tàu sân bay đầu tiên, trong đó cho rằng sự kiện này gắn liền với những tham vọng thống trị trên biển của Trung Quốc, mặc dù việc thực hiện tham vọng đó không thể diễn ra trước năm 2015.
Tàu sân bay là một trong những bí mật khó giữ nhất trong thế giới ngầm của hoạt động mua sắm quốc phòng. Tuần qua, Trung Quốc đã công bố chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ, nặng 67.500 tấn, chỉ ngắn hơn các tàu sân bay Nimitz của hải quân Mỹ vài mét. Trên thực tế, tàu sân bay của Trung Quốc không phải là tàu mới mà được dựng lại dựa trên con tàu Varyag do Ucraina chế tạo. Bắc Kinh đã mua lại vào năm 1998 khi con tàu này được hoàn thiện 70%. Tuy nhiên, đây được coi là một tài sản của hải quân và là một trong những cái mà Bắc Kinh thèm muốn từ lâu. Được tân trang lại hoàn toàn và trang bị hệ thống điện tử và vũ khí hiện đại, tàu Thi Lang sẽ được hạ thủy vào mùa Hè này và tham gia đội tàu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào cuối năm nay. Mặc dù đã được dự đoán từ lâu, song việc Trung Quốc chính thức công bố tàu này đã phá vỡ sự cân bằng chiến lược ở Biển Đông và khu vực địa-chiến lược Thái Bình Dương.
Trong nhiều năm Trung Quốc vẫn mong mỏi sở hữu một tàu sân bay. Chuẩn bị trở thành một siêu cường toàn cầu, Bắc Kinh phải bảo vệ đường biển, và không lực hải quân là một thành phần quan trọng của các hoạt động can thiệp hiện đại. Bên cạnh đó, sở hữu tàu sân bay là một tuyên bố khéo léo về quyền lực và tham vọng bởi một sự thật được thừa nhận phổ biến là nhóm tác chiến dựa vào tàu sân bay là một hệ thống vũ khí mạnh nhất sau vũ khí hạt nhân. Đó là lý do tại sao Mỹ có rất nhiều tàu sân bay và các nước láng giềng của Trung Quốc là Nga, Ấn Độ và Thái Lan đều đã đầu tư vào đó.
Do nhóm tác chiến tàu sân bay chủ yếu là nhằm tấn công, việc Trung Quốc sắm tàu mới, dù chỉ trong giai đoạn chuẩn bị, cũng đủ gây ra các cuộc tranh luận đầy lo lắng về ý định của Bắc Kinh trong tương lai không xa. Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ yêu sách về vấn đề Đài Loan và đang có một số tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, trong đó có tranh chấp quần đảo Trường Sa. Một tàu sân bay đi vào hoạt động sẽ là sự bổ sung quan trọng cho tiềm lực vũ khí của Trung Quốc. Hải quân nước này đã sở hữu tàu nổi, tàu ngầm hạt nhân và máy bay tấn công đủ để lập thành một nhóm tác chiến tàu sân bay khá ổn.
Tuy nhiên, tàu sân bay Thi Lang sẽ chưa thể được sử dụng ngay lập tức cho một chiến dịch chống lại Đài Loan hoặc một nước láng giềng khác. Tàu Thi Lang là một chiến hạm tuyệt vời, nhưng còn lâu mới phát huy được đầy đủ sức mạnh. Hoạt động của tàu sân bay cần nhiều thời gian để hoàn thiện và đến lúc đó Thi Lang sẽ dễ dàng bị tấn công từ trên không hoặc từ tàu chiến và tàu ngầm.
Bên cạnh đó, do là nơi dành cho máy bay xuất kích nên tàu sân bay luôn dễ bị tấn công. Chúng không thể tự bảo vệ chính mình mà phải cần sự hỗ trợ từ máy bay giám sát, tàu chiến và tàu ngầm. Đó là chưa kể đến phải dùng cả tàu tiếp liệu để có thể hoàn thiện một nhóm tác chiến trên biển. Ngoài ra, việc tập luyện cho một đội tác chiến đạt tiêu chuẩn sẽ mất nhiều thời gian và việc duy tu bảo dưỡng tàu chiến vô cùng tốn kém. Vì vậy, nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra về việc có cần thiết phải tốn nhiều sức lực và tiền bạc hay không để đầu tư cho tàu sân bay. Những người phản đối cho rằng tàu sân bay rất dễ bị tấn công bởi các loại vũ khí tương đối rẻ tiền, như tên lửa hành trình. Những người ủng hộ nói rằng tàu sân bay là thành phần cơ bản cho một kho vũ khí lý tưởng để biểu dương sức mạnh.
Một tàu sân bay có thể tạo ra sự khác biệt hoàn toàn, nhưng điều đó sẽ không xảy ra trước năm 2015 - thời điểm Trung Quốc có thể hoàn thiện tàu Thi Lang và quan trọng hơn là tự đóng một vài chiếc tàu sân bay khác.
Theo Heraldscotland (12/6)
Hương Trà (gt)
Nguồnhttp://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-trung-quoc/1633-tau-san-bay-va-tham-vng-tren-bin-ca-trung-quc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét