[Vào lúc : 10:30 - 26/06/2011 | Chuyện mục : Ý kiến - đối thoại]
Nhà văn Tạ Duy Anh bày tỏ quan điểm: "Cuộc xâm lăng văn hoá của Trung Quốc vẫn liền mạch từ cả ngàn năm nay. Nhưng chúng ta có bị nô dịch không thì vấn đề đã rõ. Tuy nhiên, cho dù sức đề kháng mạnh đến đâu thì cũng không thể chủ quan. Vả lại cũng nên phân biệt rõ đâu là sự xâm lăng có chủ ý, đâu là ảnh hưởng mang tính toàn cầu hoá. Nếu là do toàn cầu hoá thì chống lại bằng cấm đoán là vô nghĩa. Chúng ta muốn bảo toàn văn hoá Việt thì phải bằng cách khác và nó không thể chỉ được quyết định bởi mấy ông văn nghệ sĩ cho dù bỗng dưng họ khí khái mà quyết định từ bỏ quán nhậu, từ bỏ những cuộc tranh giành chức tước bổng lộc để nhảy vào cuộc hăng hái đến đâu chăng nữa..."
Chúng ta và Trung Quốc đều cần hoà bình
(Nhà văn Tạ Duy Anh trả lời một bạn sinh viên từng tham gia tuần hành ôn hòa bày tỏ thái độ về tình hình biển Đông và sau khi đọc lời hăm doạ của Trung Quốc đăng trên Toàn cầu thời báo )
@ Thưa nhà văn, nghe nói ông thường xuyên "bóp trán suy nghĩ", trăn trở làm thế nào để sống bên cạnh Trung Quốc ngày càng hùng mạnh nhưng cũng ngày một bất quy tắc? Ông tự nhận thấy mình có sứ mệnh hay vì động cơ gì?
Tạ Duy Anh: Đúng là tôi ngày đêm nghĩ về vấn đề vô cùng khó khăn đó. Có thể nói là khó nhất hiện nay. Một người cũng chung nỗi trăn trở và cùng chung ý nghĩ đó với tôi là ông Nguyễn Trần Bạt, tổng giám đốc của một công ty nổi tiếng. Chúng ta không chỉ cứ nói cho bõ tức. Phải có sách lược khôn ngoan, vì con cháu của chúng ta sẽ không thể dọn đi đâu để tránh Trung Quốc được. Nhưng phải nói thật tôi chưa thấy có lối ra khả dĩ để có thể coi đó như một kế nhỏ đem hiến cho đất nước. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, huống hồ tôi là một nhà văn. Lòng yêu nước là bản năng sống không chỉ của tôi, mà của bất cứ người dân Việt nào, sao phải có động cơ mới làm điều mà mình thấy phải làm.
@ Trong những ngày vừa qua, trên khắp đất nước đang sôi sục những thông tin về cuộc gây hấn của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam, thách thức lòng yêu nước của người Việt. Là một người cầm bút, ông quan sát sự kiện này như thế nào?
Tạ Duy Anh: Đây là phản ứng cần thiết. Trước hết nó phát đi tín hiệu về sự đoàn kết đầy sức mạnh của người Việt khi bị hoạ ngoại xâm đe doạ. Không một thế lực nào đủ mạnh để chiến thắng một dân tộc kết thành khối thống nhất. Thứ hai, nó gióng lên lời cảnh tỉnh cho thế giới về mối nguy hiểm của một nước Trung Quốc trỗi dậy trong hiếu chiến. Chỉ cần quan sát thái độ của giới cầm quyền Trung Quốc cũng đủ thấy họ không thể coi thường những phản ứng như vậy. Người dân Việt Nam, một đất nước láng giềng với Trung Quốc, được tiếng là hữu nghị mà còn không chịu nổi thái độ kẻ cả, nước lớn của Trung Quốc, thì hẳn thế giới sẽ càng phải xem xét lại giữa những lời nói và việc làm của Trung Quốc để mà canh chừng, cảnh giác. Hình ảnh Trung Quốc sẽ trở nên xấu xí, đáng ngờ trước cộng đồng thế giới, điều mà Trung Quốc rất ngại vì rất bất lợi cho chiến lược của họ.
@ Những hành động gây hấn liên tiếp của Trung Quốc khiến người dân Việt Nam lo lắng. Trên các diễn đàn, nhiều người trông đợi Chính phủ có những động thái cứng rắn để bảo toàn lãnh thổ. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần phải ứng xử như thế nào?
Tạ Duy Anh: Chúng ta không nên nuối tiếc và oán trách quá khứ khi, vì những éo le của lịch sử, đã vô tình dung dưỡng tên kẻ cướp ngay trong nhà mình để đến ngày nó thò tay ngang nhiên lấy trộm thứ quý giá. Ngồi trách móc nhau khi kẻ thù đang thò chân qua cửa, không phải là việc của người thực lòng muốn giữ nước. Lịch sử quan hệ Việt-Trung vốn là bi thảm! Chúng ta nên chấp nhận đối mặt với sự thật, đối mặt với thực tế. Thực tế đó là ngày nay chúng ta đang phải rất khó khăn để sống yên thân với một nước Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và cũng ngày một hung bạo. Thực tế đó là những mục tiêu của Trung Quốc rất rõ ràng, cực kỳ tham lam, dài hạn và không dễ từ bỏ. Với người dân, khi đã xác định như vậy thì họ sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống. Còn với những nhà lãnh đạo, nếu hiểu rõ như vậy thì họ phải chuẩn bị để đương đầu. Hoà hiếu với Trung Quốc là con đường sống cho cả hai quốc gia, là lựa chọn khôn ngoan, thậm chí không còn cách nào khác. Nhưng muốn có hoà hiếu đôi khi phải chứng tỏ không sợ chiến tranh. Hoà hiếu trên sự bình đẳng, tôn trọng. Vì thế một mặt chúng ta phải trở thành mối quan tâm của thế giới-bằng hình ảnh quốc gia, bằng sự ràng buộc lợi ích, bằng tầm quan trọng của vị trí trời cho… Mặt khác chúng ta phải mạnh về tiềm lực quốc phòng, có thể tự mình bảo vệ mình. Chúng ta cần cho thấy chúng ta không gây chiến nhưng những ai muốn gây chiến sẽ phải hối tiếc. Tôi nghĩ tuyên bố của thủ tướng tại Nha Trang là một thông điệp cần thiết và vừa đủ.
@ Cuộc tuần hành ôn hòa ngày 5/6 vừa rồi cũng thể hiện mặt tích cực là nhiều người Việt Nam, nhất là người trẻ rất quan tâm và có trách nhiệm với đất nước. Đồng thời hàng trăm tướng lĩnh công an, quân đội; nhân sĩ trí thức cũng đã lên tiếng phản đối hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Theo ông tất cả những việc đó đã đúng, đủ, và khôn ngoan chưa? Ông có ý tưởng gì khác nữa?
Tạ Duy Anh: Tôi đã trả lời rồi. Nhưng nếu cần nói thêm thì tôi sẽ nói: Chúng ta chỉ có thể bảo vệ được Tổ quốc bằng lòng yêu nước cộng với sự tỉnh táo của lý trí và khôn ngoan về mặt chính trị.
@: Những chuyện Trung Quốc nhũng nhiễu ngư dân, giữ người đòi tiền chuộc đã diễn ra từ lâu. Vấn đề Biển Đông đã rất căng thẳng, nhưng người dân lại có rất ít thông tin. Thời gian gần đây khi thông tin về tình hình Biển Đông tương đối cởi mở hơn, Trung Quốc đã leo thang những bước nguy hiểm (đưa giàn khoan khủng, tuyên bố bóp méo thông tin gây nguy hiểm cho VN…) Lý do là ở đâu, hay lại quay lại: những người cầm bút, trí thức trong xã hội đã ‘ngủ quên’, thờ ơ vô cảm trong việc thức tỉnh lòng yêu nước, chủ quyền, dân tộc… của nhân dân? Hay còn lý do nào khác?
Tạ Duy Anh: Không nên trách móc lẫn nhau khi tổ quốc lâm nguy! Trung Quốc lấn lướt trong hành động ngang ngược đòi hỏi chủ quyền biển Đông vì chúng ta đã không làm gì đủ mạnh để ngăn cản họ. Chúng ta tự dối lòng mình quá lâu bằng những ảo tưởng về lòng tốt của những người cùng chung một ý thức hệ! Trung Quốc trước sau là một đế quốc Đại Hán! Chủ nghĩa xã hội chỉ là phương tiện tạm thời hữu hiệu cho mục tiêu không thay đổi của họ. Chúng ta phải thấy rõ điều đó. Đáng lẽ chúng ta phải đưa vấn đề Hoàng Sa ra toà án quốc tế từ lâu. Khi họ ru chúng ta bằng 16 chữ vàng, thì họ lén lút thực hiện 16 chữ đen: “ Kiên trì rình rập, phá hoại mọi mặt, gặm nhấm từng phần, vừa cướp vừa la”. Đừng lầm lẫn giữa tình hữu nghị và chủ quyền quốc gia, nhất là khi tình hữu nghị đó chỉ là giả vờ từ phía Trung Quốc.
@: Theo ông, liệu chúng ta sẽ trông cậy vào ai nếu Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm biển Đông? Luật biển được thế giới thừa nhận, DOC, quan hệ hữu nghị giữa hai đảng có cùng ý thức hệ liệu có vai trò gì khiến Trung Quốc phải cân nhắc?
Tạ Duy Anh: Trước hết chúng ta trông cậy vào lòng yêu nước của gần 90 triệu người Việt trong và ngoài nước. Đây là chỗ dựa vững chắc nhất. Chúng ta phải tin ở quân đội của mình, một quân đội dày dạn kinh nghiệm. Ngoài ra chúng ta là thành viên của khối ASEAN nên có thể tận dụng dư luận của 500 triệu người như một sức ép ngoại giao. Nếu cả khối ASEAN kiên quyết phản đối Trung Quốc dùng vũ lực, Hoa Kỳ sẽ không thể làm ngơ cho dù họ có lợi ích lớn ngắn hạn với Trung Quốc và sẽ đứng ngoài nếu chiến tranh xảy ra. Chúng ta có những người bạn truyền thống tốt và liên quan lợi ích như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản…và chúng ta phải tận dụng mối quan hệ này. Ở những nước đó hiện có những nhà lãnh đạo với tầm nhìn rất xa, chắc chắn họ phải lường tới ngày Trung Quốc đủ sức nuốt chửng họ.
Trung Quốc chỉ biết đến một thứ luật, ấy là luật Đại Hán. Đừng mong họ tôn trọng luật biển quốc tế, cũng đừng mong họ tôn trọng DOC, kể cả COC nếu nó được ký kết. Khi cần thi hành luật Đại Hán, tức là luật của kẻ mạnh, họ sẵn sàng biến những gì còn lại thành giấy lộn, kể cả hiến chương Liên hợp quốc. Nhưng khi họ chưa dám làm điều đó thì chúng ta vẫn phải dựa vào những văn bản và những thoả thuận đó một cách khôn khéo để đặt họ vào thế bị cô lập nếu phá bĩnh.
@ Văn học nghệ thuật là con đường mềm mại uyển chuyển và nhất trong việc mang thông điệp đến người dân. Có bao nhiêu tác phẩm hay, hoặc bao nhiêu nghệ sĩ, trí thức đứng lên đốt nóng tình cảm, ý thức, sự đau xót của người dân khi thấy đất mẹ bị xâm phạm. Máu xương cha ông bị chà đạp?
Tạ Duy Anh: Có một thực tế là nếu ai đó muốn làm thế một cách danh chính ngôn thuận cũng không được. Tôi được biết, trong khi Trung Quốc cho lưu hành hàng trăm tác phẩm, hàng ngàn bài báo công khai đả phá, bôi nhọ, vu cáo Việt Nam, khiến người dân Trung Quốc hiểu lầm chúng ta, rồi là dùng phép hư hư thực thực để nhắn nhe, doạ nạt chúng ta và kích động tinh thần đại Hán trong tranh chấp chủ quyền, thì chúng ta lại ít ủng hộ người dân, ít ủng hộ công luận, ít ủng hộ những trang web nhiệt tâm vạch trần âm mưu của Trung Quốc. Vì thế người dân Việt Nam sẽ hoàn toàn bị động trong những sự kiện nan giải nếu họ chỉ trông chờ vào thông tin chính thống. Chủ quyền đất nước chỉ có thể được bảo vệ khi người dân hiểu rõ tình hình bên trong và bên ngoài.
@ Nhiều người cho rằng những diễn biến Biển Đông là đỉnh điểm căng thẳng. Nhưng những vấn đề đã kéo dài như cuộc xâm lăng văn hóa, phim TQ phủ sóng toàn bộ kênh truyền hình, sản phẩm hàng hóa TQ tràn ngập. Văn nghệ sĩ, trí thức VN ở đâu trong những chuyện đó?
Tạ Duy Anh: Cuộc xâm lăng văn hoá của Trung Quốc vẫn liền mạch từ cả ngàn năm nay. Nhưng chúng ta có bị nô dịch không thì vấn đề đã rõ. Tuy nhiên, cho dù sức đề kháng mạnh đến đâu thì cũng không thể chủ quan. Vả lại cũng nên phân biệt rõ đâu là sự xâm lăng có chủ ý, đâu là ảnh hưởng mang tính toàn cầu hoá. Nếu là do toàn cầu hoá thì chống lại bằng cấm đoán là vô nghĩa. Chúng ta muốn bảo toàn văn hoá Việt thì phải bằng cách khác và nó không thể chỉ được quyết định bởi mấy ông văn nghệ sĩ cho dù bỗng dưng họ khí khái mà quyết định từ bỏ quán nhậu, từ bỏ những cuộc tranh giành chức tước bổng lộc để nhảy vào cuộc hăng hái đến đâu chăng nữa.
@: Đỉnh điểm gần đây nhất, bộ phim “Đường tới thành Thăng Long” được gọi là “Phim TQ nói tiếng Việt” đã đổ thêm lửa vào làn sóng phẫn nộ. Là một nhà văn, ông thử lý giải chuyện này như thế nào. Ý thức dân tộc của nghệ sĩ Việt quá kém, hay ‘tại hoàn cảnh’ như cách nói khá quen thuộc của chúng ta?
Tạ Duy Anh: Tôi chưa xem bộ phim đó nên không muốn nói mò. Nhưng tôi biết làm phim về lịch sử ở Việt Nam còn là việc vô cùng khó. Trước hết vì lịch sử cứ bị chính trị hoá một cách thô thiển và tức cười, trong khi các nhà làm phim của ta lại quen ăn xổi ở thì.
@: Trên mạng lưu hành bài báo của tác giả Trung Quốc và được xem là lời nhắn nhe nghiêm túc với Việt Nam có tựa đề “Việt Nam hãy đọc lại lịch sử”. Ông đã đọc nó chưa và phản ứng của ông?
Tạ Duy Anh: Tôi có đọc. Đương nhiên là tôi phải đọc. Và tôi thấy người cần phải đọc lại lịch sử là Trung Quốc chứ không phải chúng ta. Từ khi Việt Nam là một nhà nước độc lập, có cả thảy 8 lần Trung Quốc xua quân qua biên giới (lần thứ 8 là năm 1979), thì cả 8 lần họ đều bị đánh cho tả tơi. Thành Phố Bắc Kinh của họ chưa một lần bị bỏ trống vì giặc chưa đến các chính quyền của họ đã đầu hàng. Còn thành Thăng Long của chúng ta từng bỏ trống hoặc tan hoang ít nhất 5 lần bởi họ, nhưng dân tộc chúng ta thì chưa bao giờ thất bại. Nhiều người lo sợ nếu Trung Quốc cứ dùng vũ lực để chiếm biển Đông, thì liệu chúng ta có giữ nổi không? Tôi không phải là nhà quân sự nhưng tôi cũng có hiểu biết nhất định để nói rằng, họ chiếm biển Đông bằng vũ lực thì họ được một mất mười, thậm chí mất hết. Trong tình trạng hoà bình, cha ông của chúng ta đều chủ động hoà hiếu với Trung Quốc và có phần chịu nhún vài phần. Nhưng khi đã ở trong tình trạng chiến tranh thì hàng chục phen bọn xâm lược bị biến thành lũ chuột, chỉ mong giữ được mạng sống để trở về. Người Trung Quốc chắc chắn còn nhớ cả để rất hiểu điều này: nếu quyết chiếm biển Đông, không một con tầu nào của Trung Quốc có thể kéo cờ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa mà có thể bình yên khi đi qua khu vực này. Họ mạnh hơn chúng ta hàng chục lần về tiềm lực nhưng họ bất chính và dễ tan vỡ hơn chúng ta gấp trăm lần! Chúng ta cần nói với người Trung Quốc rằng không chỉ chúng ta, mà cả họ cũng cần hoà bình để tồn tại và phát triển.
@ Xin cảm ơn ông và vì sự tế nhị, xin được ẩn danh!
Nguồnhttp://lethieunhon.com/read.php/5022.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét