Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Tàu sân bay – Cuộc đua chưa kết thúc

 - Tàu sân bay là biểu tượng cho sức mạnh vượt trội của các cường quốc cả về phương diện quân sự và kinh tế. Với chức năng của một sân bay nổi, uy lực của mỗi chiếc tàu sân bay đến từ khả năng tấn công của hàng chục máy bay chiến đấu trên boong, hệ thống hỏa lực chủ động cùng hệ thống tác chiến điện tử tối tân. Ngày nay, tàu sân bay được coi là một trong những con bài quan trọng, quyết định ưu thế chiến lược và thành bại của một trận chiến.

Chiếc tàu sân bay đầu tiên

Tàu sân bay là sản phẩm công nghệ cao được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, chiếc tàu sân bay đầu tiên lại được chế tạo từ một chiếc tàu buôn. Năm 1914, người Anh đã cải tiến chiếc HMS Ark Royal, vốn là một tàu buôn có trọng tải 7.500 tấn, dài 112m, rộng 15,5m và cao 5,5m, thành chiếc tàu sân bay cho Hải quân Hoàng gia Anh sử dụng. Đầu năm 1915, lần đầu tiên HMS Ark Royal phục vụ với tư cách một chiếc tàu sân bay trong chiến dịch Dardanelles trên biển Địa Trung Hải.
 
Kết thúc Thế chiến I, chiếc tàu “buôn” sân bay này còn được đưa đến biển Đen để trợ giúp lực lượng Bạch vệ trong cuộc Nội chiến Nga.

Nước Anh là quê hương của chiếc tàu sân bay đầu tiên, tuy nhiên cái nôi của ý tưởng chế tạo một căn cứ không quân nổi lại xuất phát từ nước Mỹ.
 
Ngược dòng thời gian, trở lại ngày 14/11/1910, thời điểm được coi là mốc khởi đầu cho sự ra đời của tàu sân bay. Đúng ngày này, phi công người Mỹ Eugene Ely đã lái chiếc máy bay Herber Doust Curtis cất cánh thành công từ boong tuần dương hạm bọc thép USS Birmingham CS-2 của Hải quân Mỹ tại bang Virginia. Sau đó, chiếc máy bay do Eugene Ely điều khiển phải hạ cánh trên đất liền tại mũi Willoughby. Chỉ hai tháng sau, ngày 18/1/1911, cũng chính phi công này đã lái một chiếc máy bay khác hạ cánh thành công xuống boong tàu USS Pennsylvania ACR-4 đang neo đậu trên Vịnh San Francisco.
 
 
Tàu sân bay HMS Ark Royal (1939)
Tàu sân bay HMS Ark Royal (1939)


Trước khi HMS Ark Royal chính thức được cải tiến thành chiếc tàu sân bay đầu tiên trên thế giới, sự kiện quan trọng nhất chính là việc phi công Charles Samson của Không quân Hoàng gia Anh đã thực hiện thành công việc cất và hạ cánh trên boong chiến hạm HMS Hibernia khi đang di chuyển với vận tốc 19km/h trên Vịnh Weymoth vào ngày 2/5/1912. Thành công này đã khẳng định khả năng có thể chế tạo một loại tàu cỡ lớn chuyên chở máy bay và làm nơi cất hạ cánh cho chúng. Loại tàu này sẽ thay thế một căn cứ không quân mặt đất và có lợi thế hơn nhờ khả năng di chuyển linh hoạt, tầm hoạt động rộng trên biển và các đại dương.

Vai trò ngày càng lớn

HMS Ark Royal được coi là chiếc tàu sân bay đầu tiên, nhưng nó cũng chỉ dừng lại là một phiên bản “sáng kiến cải tiến kỹ thuật”. Phải mất gần một thập kỷ sau khi tàu sân bay “cải tiến” HMS Ark Royal ra đời, chiếc tàu sân bay thực thụ đầu tiên mới chính thức xuất hiện.

Năm 1923, người Anh đưa chiếc HMS Hermes vào hoạt động với đúng nghĩa chiếc tàu sân bay đầu tiên do họ tự thiết kế và đóng mới. HMS Hermes được khởi công đóng mới vào tháng 1/1918 và đến 11/9/1919, nó được hạ thủy và hoàn thiện. Tàu dài 182m, rộng 21,4m và có mớn nước 5,7m với trọng tải gần 11.000 tấn.
 
Tàu sân bay thực thụ đầu tiên HMS Hermes
Tàu sân bay thực thụ đầu tiên HMS Hermes


Khi mới xuất hiện, tàu sân bay chưa phải là “nỗi kinh hoàng” thực sự đối với hải quân đối phương. Lực lượng không quân phối thuộc nhỏ, tốc độ di chuyển chậm chạp, khả năng giữ ổn định kém và tầm hoạt động bị hạn chế khiến HMS Hermes cũng như các tàu sân bay cùng thời có nhiều hạn chế, đôi khi chỉ giống như một “chàng khổng lồ” ngốc nghếch.

Với trọng tải khoảng 11.000 tấn, HMS Hermes chỉ có thể mang theo 20 máy bay cánh quạt Martlet F4F Swordfish. Vũ khí tự vệ của tàu gồm 6 pháo 140mm, 3 pháo phòng không 102mm, 2 súng phòng không 4 nòng 12,5mm.
 
“Cuộc đời” của HMS Hermes kết thúc vào ngày 9/4/1942 khi nó bị máy bay trinh sát Nhật Bản phát hiện ở ngoài khơi Batticaloa, Sri Lanka và bị cùng lúc 50 chiếc máy bay Aichi D3A1 oanh tạc nhấn chìm.

Trong thời kỳ đầu, tàu sân bay chỉ có thể coi là một căn cứ không quân “mini” di động. Phải đến Thế chiến II, tàu sân bay mới có vai trò đáng kể trong các cuộc chiến. Với kích thước “khủng”, sức mạnh tấn công của tàu sân bay không nằm ở hỏa lực trực tiếp như pháo, tên lửa, ngư lôi, thủy lôi, mà nằm ở lực lượng máy bay mang theo. Tàu sân bay giúp hải quân chiếm ưu thế trên không ngoài biển và đại dương cũng như tấn công tầm xa vào các mục tiêu trên bờ. Tuy nhiên, do kích thước quá lớn, khả năng tự vệ bị hạn chế nên tàu sân bay phải có một đội hộ tống hùng hậu gồm hàng chục chiến hạm bảo vệ. Ngược lại, tàu sân bay cũng là một “kho chứa” hậu cần khổng lồ giúp cung cấp nhiên liệu, thực phẩm và nước uống cho các chiến hạm khác khi hoạt động dài ngày trên biển và đại dương.

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, tàu sân bay vừa đóng vai trò của một sân bay nổi, vừa là một pháo đài nổi với hệ thống vũ khí tự vệ chủ động cực mạnh gồm nhiều loại tên lửa khác nhau và hệ thống tác chiến điện tử tối tân. Chúng giữ vị trí trung tâm trong cụm tàu tấn công và ngày càng trở nên thực sự đáng sợ.

Cuộc đua chưa kết thúc

Với chi phí khổng lồ và đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao, tàu sân bay được coi là “mặt hàng quân sự xa xỉ”. Không phải nước nào cũng có đủ khả năng sở hữu tàu sân bay dù đi mua hay tự đóng mới. Hiện trên thế giới chỉ có 9 quốc gia có tàu sân bay đang hoạt động, trong đó Mỹ vượt trội với 13 chiếc có trong biên chế. Các quốc gia còn lại chỉ có từ 1 đến 3 chiếc. Điều đáng ngạc nhiên là một cường quốc quân sự như Nga cũng chỉ có duy nhất một chiếc tàu sân bay mang tên Đô đốc Kuznetsov.
 
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov

Từ cuối những năm 1930, Liên Xô đã chú ý tới việc chế tạo tàu sân bay. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà mãi đến cuối những năm 1950, các dự án chế tạo tàu sân bay vẫn chưa được tiến hành. Năm 1967, Liên Xô hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên mang tên Moscow 17.500 tấn. Từ năm 1975, Liên Xô đã hoàn thành nhiều dự án chế tạo tàu sân bay khác và lần lượt đưa vào trang bị các tàu sân bay Kiev, Minsk, Novorossiysk và Đô đốc Gorskov. Các dự án chế tạo tàu sân bay nguyên tử Orel trọng tải 80.000 tấn hay tàu sân bay Ulyanovsk trọng tải 75.000 tấn của Liên Xô đã không thể trở thành hiện thực. Trong cuộc chạy đua “tàu sân bay” với Mỹ, Liên Xô đã tỏ ra hụt hơi.
 
Tàu sân bay Novorossiysk
Tàu sân bay Novorossiysk


Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã có hàng loạt dự án chế tạo tàu sân bay với các lớp Midway, Saipan, United States v.v. Trong đó, hàng chục chiếc đã được hoàn thành và vẫn còn sử dụng cho đến tận ngày nay. Bắt đầu từ năm 1975, Mỹ khởi động dự án tàu sân bay lớp Nimitz. Đến năm 2009, Mỹ đã đóng được 10 chiếc tàu sân bay lớp này và đưa vào biên chế. Hiện cả 10 chiếc đều đang hoạt động, như USS George Washington, USS John C. Stennis hay USS Harry S. Truman…

Ngày nay, nhiều quốc gia đang dốc sức cho việc chế tạo tàu sân bay, trong số đó phải kể đến hai cường quốc mới nổi Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia này đang đẩy mạnh việc tự chế tạo tàu sân bay của riêng mình sau khi đã nhập khẩu “hàng phế thải” của nước ngoài về tân trang và sử dụng. Hàng loạt quốc gia khác như Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Brazil cũng đang triển khai các dự án chế tạo tàu sân bay mới và sẽ sớm đưa các thành quả của họ vào sử dụng trong tương lai gần để thực hiện chiến lược “vươn ra đại dương”.
 
 
 Tàu sân bay USS Harry S. Truman
Tàu sân bay USS Harry S. Truman
Tàu sân bay Varyag Trung Quốc mua lại của Ucraina
Tàu sân bay Varyag Trung Quốc mua lại của Ucraina
Tàu sân bay “đắt” nhất USS George H.W. Bush
Tàu sân bay “đắt” nhất USS George H.W. Bush
Tàu sân bay “khổng lồ” USS Enterprise
Tàu sân bay “khổng lồ” USS Enterprise
Tàu sân bay Hosho của Nhật Bản
Tàu sân bay Hosho của Nhật Bản
Tàu sân bay Chakri Naruebet của Thái Lan
Tàu sân bay Chakri Naruebet của Thái Lan
 
 
 
 
1. Danh sách các quốc gia có tàu sân bay đang hoạt động: Mỹ (13 chiếc), Nga (1), Anh (3), Pháp (2), Italia (2), Tây Ban Nha (1), Ấn Độ (2), Brazil (2), Thái Lan (1).

Trong đó, Thái Lan là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có tàu sân bay. Con tàu này mang tên Chakri Naruebet do hai tập đoàn đóng tàu Bazan và Ferrol của Tây Ban Nha đóng theo hợp đồng ký với Thái Lan năm 1992.
 
Chakri Naruebet chính thức được đưa vào biên chế cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan từ ngày 10/8/1997. Cho đến nay, đây là tàu sân bay nhỏ nhất trên thế giới từng được biết đến. Chakri Naruebet dài 182,6m, rộng 22,5m, mớn nước 6,25m. Tàu được thiết kế chủ yếu để mang các loại trực thăng và máy bay phản lực có khả năng cất cánh thẳng đứng. Boong tàu có đủ diện tích cho 5 trực thăng cất hạ cánh cùng lúc. Trong khi đó, hầm chứa máy bay dưới boong có khả năng chứa 10 trực thăng hoặc máy bay chiến đấu Harrier.

Ở châu Á, hiện có Trung Quốc đang tích cực bắt tay vào chế tạo chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình. Năm 1998, Trung Quốc đã mua lại chiếc tàu sân bay Varyag “rác thải” của Ucraina với giá 20 triệu USD. Hiện công việc đại tu chiếc Varyag đã hoàn tất và sẵn sàng đưa vào sử dụng.
 
2. Các tàu sân bay nổi tiếng
 
- Danh hiệu tàu sân bay đắt nhất thế giới thuộc về USS George H.W. Bush của Mỹ. Chiếc tàu này đã tiêu tốn 6,2 tỷ USD cho đến khi được đưa vào hoạt động ngày 10/1/2009.
 
- Tàu sân bay có lượng choán nước lớn nhất là chiếc USS Nimitz của Mỹ. Nó dài 332,85m, rộng 76,8m và có lượng choán nước lên tới 97.000 tấn. USS Nimitz được đưa vào hoạt động từ năm 1975 với giá thành 4,5 tỷ USD.
 
- Tàu sân bay có kích thước “khủng” nhất là chiếc USS Enterprise của Mỹ. Chiếc tàu sân bay này dài tới 342m, rộng 78,4m với khả năng mang theo tối đa 90 máy bay.
 
- Chiếc tàu sân bay thực sự đầu tiên được đưa vào trang bị là chiếc Hosho (Phụng tường) của Nhật Bản. Tuy được khởi công sau chiếc HMS Hermes của Anh nhưng Hosho lại được đưa vào hoạt động trước. Ngày 27/12/1922, trong khi chiếc HMS Hermes vẫn đang được hoàn thiện, thì chiếc Hosho đã được người Nhật đưa vào sử dụng chính thức. Tàu dài 168m, rộng 18m, mớn nước 6,17m và có trọng tải gần 7.500 tấn.

3. Trận chiến nổi tiếng của tàu sân bay
 
Midway là trận hải chiến then chốt trong Thế chiến II trên Thái Bình Dương. Trận chiến diễn ra từ ngày 4-7/6/1942 giữa hải quân Mỹ và Nhật Bản. Khi đó, phía Mỹ có 3 tàu sân bay mang theo 233 máy bay, 50 tàu hộ tống. Nhật Bản có 4 tàu sân bay mang theo 248 máy bay cùng 150 tàu hỗ trợ. Trong trận chiến này, Nhật Bản mất toàn bộ 4 tàu sân bay (Kaga, Akagi, Soryu và Hiryu) và thất bại trước người Mỹ. Midway đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trên chiến trường Thái Bình Dương vốn luôn “nằm trong tay” người Nhật và góp phần thay đổi cục diện Thế chiến II.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét