Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Hàng xóm kỳ lạ và liên minh chân vạc

LTS: Trong vòng hơn hai tuần lễ, tàu Trung Quốc đã hai lần có những hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Hành động có tính hệ thống này cho thấy rõ ràng mục tiêu biến yêu sách ngang ngược “đường lưỡi bò” trên khu vực Biển Đông thành hiện thực của Trung Quốc. Tác giả Lê Vĩnh Trương, từ góc nhìn liên hệ với lịch sử, đưa ra một vài suy nghĩ trước các hành động trên của Trung Quốc và đối sách nên có của Việt Nam.
 
Trong lịch sử đối đầu với Trung Quốc, Việt Nam chưa hề có bên thứ ba nào giúp sức mà trái lại, Trung Quốc đã từng có các bên thứ ba giúp sức trong một số cuộc chiến với Việt Nam như cuộc chiến thời Lý năm 1076, Quách Quỳ và Triệu Tiết đánh từ phía bắc xuống và hẹn Chiêm Thành, Chân Lạp đánh từ phía nam lên. Còn gần đây, các bên thứ ba thường cũng là bên xử lý quan hệ Trung Quốc – Việt Nam trên cơ sở lợi ích của họ.
 
Tàu thăm dò địa chấn Viking II
Tàu thăm dò địa chấn Viking II
 
 
Theo học giả địa chính trị Samuel P. Huntington thì trong tương lai, nếu xảy ra những cuộc xung đột lớn thì đó sẽ là những cuộc xung đột giữa các nền văn minh như Hồi giáo, Hindu, Nhật Bản, Mỹ Latinh, Khổng giáo... Ông này xếp Việt Nam vào nền văn minh Khổng giáo, cùng với Trung Quốc. Tuy vậy, trong một tác phẩm của mình, ông lại tiên đoán quân đội Trung Quốc sẽ xâm chiếm Việt Nam (theo The clash of civilization and remaking of world order, Touchstone, 1996, trang 313).

Từ cách đặt vấn đề của Samuel P. Huntington, tham khảo lịch sử, có thể thấy từ xa xưa Trung Quốc đã thấm nhuần lý thuyết “viễn giao cận công” – đánh gần và ngoại giao xa. Do vậy, đồng minh hàng xóm của họ – ngoài các gương mặt như Bắc Hàn, Myanmar và Pakistan – người ta chưa thấy nhiều hơn. Còn với “láng giềng gần” Việt Nam, cường quốc có cùng nền văn minh Khổng giáo này lại tỏ ra thô bạo với ngư dân Việt ở những ngư trường mà lâu nay Việt Nam vẫn đánh bắt cá và gần đây, còn có hành động phá hoại tàu Bình Minh 2 trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tín hiệu mà họ muốn gởi đến, có lẽ không chỉ là ngư dân hay Chính phủ Việt Nam, mà còn cả những đồng minh tiềm ẩn của Việt Nam: “Ai sẽ cứu Việt Nam nếu Việt Nam chưa lên phương án tự bảo vệ mình?” Trung Quốc đang tìm cách quấy phá để những ai muốn liên minh với Việt Nam sẽ phải nản lòng khi nhìn thấy một đối tác liên minh tương lai chưa sẵn sàng.

Nhiều chuyên gia nhận định khi hành xử thô bạo với ngư dân và tàu Bình Minh 2 của PVN Việt Nam, Trung Quốc đang làm phép thử với ASEAN, Ấn Độ, Mỹ và các nước có lợi ích thông thương không chỉ ở Biển Đông. Bối cảnh hiện tại cho thấy các cường quốc đứng trung lập về chủ quyền của Trường Sa, Hoàng Sa. Cả ASEAN hiện cũng chưa lên tiếng.

Không phải tự nhiên Trung Quốc tự tin hơn mức cần thiết khi tham gia và phát biểu tại các diễn đàn đa phương của khu vực. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã bất chấp nghi lễ ngoại giao nói thẳng vào mặt ngoại trưởng Singapore: Chúng tôi là nước lớn, các ông là nước nhỏ! Và gần đây, giới quân sự Trung Quốc đi thăm Mỹ và ba nước ASEAN (Singapore, Indonesia và Philippines). Họ cũng thường xuyên liên lạc với Malaysia, người bạn cùng đăng ký một hồ sơ về thềm lục địa của Việt Nam. Về phía Ấn Độ Dương, Trung Quốc tiến hành chiến lược “chuỗi ngọc trai” từ Pakistan, Maldives, Mauritus, SriLanka, Bangladesh, Myanmar để chuẩn bị cho vành đai Ấn Độ Dương.

Lịch sử cũng cho thấy dân tộc Việt Nam, khi độc lập, chủ quyền đất nước bị đe doạ, người dân sẽ kết thành một khối không khuất phục. Tinh thần bất khuất ấy, theo nhìn nhận của các chuyên gia, sẽ như chiếc chìa khoá mở cánh cửa để bạn bè thế giới đến bên Việt Nam. Nói cách khác, giải pháp phải do chúng ta tự tìm kiếm lấy. Tình thế hiện nay cho thấy phải có một sự độc lập, tự chủ, trọng dân, dựa vào dân mới không thành nạn nhân thoả thuận của các nước lớn. Độc lập, tự chủ và dựa vào dân (như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore) chính là cách để Việt Nam có được một đồng minh kính trọng mình. Trên thực tế, những quốc gia vừa nêu đều có sự liên kết với các cường quốc khá bền vững và hiệu quả.

Nhìn từ góc độ này, cộng với cách thức viễn giao truyền thống của người láng giềng Trung Quốc – như trình bày ở trên – có vẻ không còn cô đặc mà đang loãng dần vì họ phải dàn trải khá nhiều nơi với các lợi ích khác nhau, chúng ta không phải không có những thuận lợi.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh từng trả lời báo chí khi được hỏi về vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông rằng Việt Nam có thể tự bảo vệ mình mà không cần đến nước thứ ba. Điều đó cho thấy sự tự tin của Việt Nam. Tuy vậy, sự tự tin đó sẽ càng vững chắc hơn nếu Việt Nam có thêm hỗ trợ tinh thần của nhân loại yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới.

Với các góc nhìn trên, có thể thấy nếu khôn khéo trong việc liên minh, Việt Nam có thể xử lý tốt vấn đề Biển Đông bằng thắng lợi ngoại giao. Còn nếu phải dùng biện pháp mạnh, Việt Nam sẽ phải tính toán để có đủ bạn và bắt lấy để có cơ hội cho ngàn năm sau dân tộc Việt Nam được sống trong hoà bình. Mọi động thái của người láng giềng lúc này cần được tham khảo thật sâu sắc và chúng ta cũng rất mong chờ một sự xử lý cương nhu kết hợp, công thủ toàn diện trên mọi mặt ngoại giao, kinh tế và quân sự vì chủ quyền đất nước vào lúc này của các nhà lãnh đạo. Trong đó, thiết nghĩ một công cuộc ngoại giao dựa vào dân và lắng nghe dân sẽ là nền tảng. Nền ngoại giao ấy là bảo đảm để có sự tôn trọng và tin tưởng của các đồng minh dành cho Việt Nam trong thế trận tương lai. 
 
 

Không sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề Biển Đông
Tại hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (AFR) ngày 8.6 ở Indonesia, thứ trưởng bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán hoà bình đa phương, trên cơ sở tuân thủ Công ước Liên hiệp quốc năm 1982 về Luật biển (UNCLOS 1982), thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cố gắng tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất. Ông nêu rõ: Việt Nam cho rằng để giải quyết tốt những thách thức, trước hết tất cả các nước thành viên ARF, những nước có lợi ích ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần có trách nhiệm đầy đủ hơn, mạnh mẽ hơn đối với các thách thức về an ninh. Các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, đặc biệt là tránh chia rẽ, tránh xung đột, để ASEAN luôn trở thành trung tâm trong các cấu trúc an ninh khu vực.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với các đề xuất thiết thực và mạnh mẽ của bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro về việc cuối năm nay sẽ có bước tiến mới về COC, và của Thủ tướng Campuchia Hunsen mong muốn COC sẽ được ký kết năm 2012 tại Campuchia, nhân kỷ niệm mười năm DOC. Trong khi chưa tiến tới được COC hoặc chưa thực hiện một cách đầy đủ UNCLOS 1982, ông Vịnh đề nghị tất cả tranh chấp, bất đồng trong vấn đề này phải được giải quyết bằng biện pháp hoà bình, tránh những hành động đơn phương, đặc biệt tuyệt đối không được sử dụng bạo lực, sử dụng các biện pháp mạnh để hành xử với nhau.

Trưởng đoàn Trung Quốc, trung tướng phó tổng tham mưu trưởng Nguỵ Phụng Hoà, khẳng định Trung Quốc sẽ nghiêm chỉnh tuân thủ nguyên tắc hoà bình và phát triển đã cam kết với cộng đồng thế giới, cam kết tiếp tục đóng vai trò duy trì hoà bình và ổn định tại khu vực; ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, ủng hộ UNCLOS 1982, song không nhất trí đưa các vấn đề song phương như tranh chấp lãnh thổ ra các diễn đàn đa phương.
TTXVN
(Theo SGTT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét