Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Logic của chiến tranh và tránh chiến tranh

Khi Đại Công tước Franz Ferdinand, người thừa kế ngài vàng của Đế quốc Áo-Hung, bị ám sát ở Sarajevo, không ai nghĩ rằng, bằng một chuỗi sự kiện xãy ra ngay sau đó, nó sẽ dẫn đến một cuộc chém giết rùng rợn nhất của nhân loại với Chiến tranh Thế giới lần thứ I.
Súng đạn có cái logic riêng của nó. Đó là thứ logic của sự xung đột giữa các thế lực chính trị, trong phạm vi của một quốc gia và giữa các cường quốc, mà cho đến khi các thế lực này đồng ý trên một khung giá trị quyền lực nào đó, có thể phải mất hàng trăm năm nữa, thì nó chỉ có thể được giải quyết bằng chiến tranh. Những cuộc chiến tranh này ít khi liên quan đến các vấn đề của chủ quyền quốc gia, mặc dù chúng luôn dùng chủ quyền quốc gia như những lý cớ. Cuộc chiến tranh sắp tới ở Biển Đông, nếu không tránh được và càng lúc càng có vẽ như không tránh được, cũng nằm trong cái logic đó.
Xung đột nền tảng trong mối quan hệ địa chính trị trên vùng Biển Đông Nam Á không phải là xung đột chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước liên quan mà chính là xung đột ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ đối với Đông Nam Á và trên trường quốc tế. Trong hai thập niên qua, người Mỹ đã chuẩn bị và trông đợi một cuộc đối đầu ôn hòa để tránh cái bài học lịch sử đẫm máu của Đế chế Phổ một thế kỷ trước. Nhưng hình như Trung Quốc mong muốn nhiều hơn những gì Mỹ có thể nhượng bộ. Trung Quốc mong muốn thực hiện một thứ “Monroe Doctrine” đối với Đông Nam Á. Trung Quốc còn mong muốn một vai trò bình đẳng với Mỹ trong việc lãnh đạo thế giới. Cho đến khi Trung Quốc có những thay đổi nền tảng về cơ chế quyền lực chính trị nội địa, Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận hai điều này. Tất cả những xung đột chủ quyền cục bộ khác phải được xem xét trên cơ sở của xung đột nền tảng này.
Thế lực chính trị đang cầm quyền ở Trung Quốc đã rất thành công trong việc thuyết phục nhân dân của họ về một thái độ ôn hòa, có lúc nhu nhược, của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp. Người dân Trung Quốc tin rằng Trung Quốc là quốc gia thiệt thòi nhất trong cuộc tranh chấp hiện nay, nếu tính theo số lượng biển đảo sở hữu hay số ngoại tệ thu được trong việc khai thác tài nguyên. Họ tin rằng chính quyền của họ đang có một thái độ hiếu hòa, nhân nhượng vì hòa bình và phát triển trong khu vực. Trong mắt họ, Việt Nam là quốc gia hung hăng hiếu chiến trên vùng biển tranh chấp, thế lực chính trị đang cầm quyền ở Việt Nam là một thế lực chịu nhiều ân huệ của Trung Quốc nhưng vô ơn. Rõ ràng chính quyền Trung Quốc đang nuôi dưỡng một dư luận thuận tiện để tiến hành chiến tranh khi cần thiết.
Tương tự, chính quyền Việt Nam, trong chừng mực nào đó, cũng đang thực hiện “khổ nhục kế” này. Họ tỏ ra nhu nhược, nhưng chỉ nhu nhược vừa đũ để cân bằng các hiệu ứng bất lợi cho họ từ đời sống chính trị xã hội. Họ chứng tỏ rằng họ có khả năng hướng hiệu ứng bất lợi đó ra bên ngoài dưới hình thức của sự biểu hiện tinh thần dân tộc bảo vệ chủ quyền. Cũng như chính quyền Trung Quốc, chính quyền Việt Nam cũng đang nuôi dưỡng một dư luận thuận tiện để tiến hành chiến tranh khi cần thiết.
Cuộc chiến Biển Đông Nam Á, nếu xãy ra, có lẽ sẽ không lặp lại cái tình cờ của hành động tự phát ám sát Đại Công tước Ferdinand của bốn thanh niên yêu nước Serbia. Nó có khả năng chỉ sẽ xãy ra khi một trong hai thế lực cầm quyền ở Trung Quốc và Việt Nam cần thực hiện một cuộc chiến tranh cục bộ để giải quyết một vấn đề nào đó của chính trị nội bộ.
Chính quyền Trung Quốc cần một cuộc chiến tranh như thế cho ba mục tiêu căn bản: 1) hướng hiệu ứng bất lợi cho chính quyền ra ngoài và giải tỏa bức xúc xã hội ngày càng tăng, 2) thử nghiệm tiềm lực và khả năng tác chiến của hải quân và cũng để thỏa mản nhu cầu khẳng định ý chí của thế lực diều hâu trong quân đội Trung Quốc, và 3) đo lường phản ứng của Mỹ cho một kế hoạch bành trướng dài hạn bằng những cuộc chiến tranh cục bộ kế tiếp. Những người lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng vấn đề xung đột Biển Đông Nam Á quá lớn, vì đó là xung đột ảnh hưởng giữa hai cường quốc, và chỉ có thể được giải quyết bằng một cuộc chiến tranh toàn diện. Trong lúc này, và vài thập niên tới, một cuộc chiến tranh toàn diện như thế đem đến cho họ quá nhiều rủi ro. Hay nói như Michael Martin trên International Business Times, tổ chức một cuộc chiến tranh toàn diện ngay trên đường vận chuyển huyết mạch kinh tế của mình là điều thiếu khôn ngoan.
Khả năng chiến tranh từ phía chính quyền Việt Nam cũng rất đáng kể. Cũng như ở Trung Quốc, thế lực cầm quyền ở Việt Nam có nhu cầu giải tỏa những hiệu ứng chính trị xã hội bất lợi cho họ bằng cách hướng các hiệu ứng này ra bên ngoài, biến nhu cầu bày tỏ bức xúc xã hội, ngày càng trở nên tự tin và quyết liệt, thành sự bày tỏ tinh thần dân tộc bảo vệ chủ quyền, cùng lúc khẳng định tính chính đáng lãnh đạo của họ một khi họ cảm thấy bị đe dọa.
Tình hình trong những ngày qua cho thấy Trung Quốc đang giang bẫy để Việt Nam bắn phát súng đầu tiên cho một cuộc chiến tranh cục bộ như thế. Tạm thời điều này chưa xãy ra vì Việt Nam chưa có như cầu đó. Nếu tình hình kinh tế Việt Nam không khả quan gì hơn trong vài năm tới, chiến tranh có thể không tránh được. Và đó chính là điều trông đợi của Mỹ và cả của Trung Quốc.
Sự xung đột Trung – Mỹ như hai tảng băng lớn trôi ngược chiều. Hiện nay, trong các mối quan hệ của hai quốc gia này không tồn tại một cơ chế hòa giải nào khác. Chiến tranh cục bộ trên Biển Đông Nam Á là cơ hội khả thi nhất để Trung Quốc và Mỹ hòa giải và xác định lại vị thế của họ trên trường quốc tế. Kết quả của cuộc chiến tranh cục bộ này sẽ là cơ sở cho một thương lượng quyền lực địa chính trị mới. Cả hai đều không phải tổn hao gì nhiều như trong một cuộc chiến tranh trực diện. Mỹ không phải tổn hao gì cả.
Mỹ cá cược vào khả năng không khuất phục của Việt Nam để giữ vững thế địa chính trị truyền thống, kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần II, của mình. Nếu Việt Nam thắng thì Trung Quốc buộc phải chấp nhận thế “status quo” hiện nay. Hơn thế, Việt Nam không có lựa chọn nào khác hơn là đi vào quỹ đạo quân sự của Mỹ. Mỹ có thêm một đồng minh kiên cường mà không phải đổ máu (ngoài máu của hơn 55 ngàn binh sĩ Mỹ đã đổ trên đất Việt Nam gần nửa thế kỷ trước).
Trung Quốc đặt cọc vào khả năng có thể khuất phục Việt Nam trong một cuộc hải chiến chớp nhoáng và có kiểm soát để buộc Mỹ chấp nhận phần ảnh hưởng. Trung Quốc tin rằng họ có thể làm việc này mà không cần đến chủ lực hải quân, nghĩa là không phải tốn kém gì nhiều. Nếu Trung Quốc thắng thì Mỹ buộc phải nhượng bộ quyền “Monroe Doctrine”. Chiến tranh có khả năng sẽ lan rộng nếu Trung Quốc không nhượng bộ về quyền hải lưu.
Khả năng tốt nhất cho Việt Nam là tránh chiến tranh và nếu không tránh được thì phải thắng, kể cả việc phải toàn diện hóa cuộc chiến (biến cuộc chiến cục bộ thành cuộc chiến toàn diện trên Biển Đông Nam Á) và tiến hành chiến tranh du kích cho đến lúc thắng. Vị thế Việt Nam trong vai trò lãnh đạo Đông Nam Á sẽ được nâng cao. Việt Nam cũng ở tư thế mạnh hơn trong quan hệ với Trung Quốc.
Khả năng lớn nhất có thể xãy ra cho Việt Nam là khởi động chiến tranh và thua. Khả năng xấu nhất là lãnh đạo Việt Nam thỏa hiệp với lãnh đạo Trung Quốc trong một tinh thần đảng cộng sản anh em nào đó để thực hiện cuộc chiến cục bộ này và thua. Trung Quốc sau khi thắng có thể sẽ nhượng bộ Việt Nam về những đòi hỏi chủ quyền trên biển để giữ thể diện cho thế lực lãnh đạo. Nhưng Việt Nam sẽ yếu đi và sẽ trở lại hẳn trong quỹ đạo kinh tế chính trị xã hội của Trung Quốc. Cộng đồng Đông Nam Á cũng sẽ yếu đi.
Khả năng tránh chiến tranh khả thi duy nhất lúc này của Việt Nam là nhanh chóng thiết lập quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. Thiết lập quan hệ này cũng sẽ giúp củng cố quyền lãnh đạo của thế lực chính trị cầm quyền hiện nay. Phía Mỹ cũng rất sẳn sàng cho một quan hệ như thế. Tuy nhiên, sức ỳ trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, vì những hệ lụy ân nghĩa quá khứ, đang là trở ngại lớn. Một mặt, Mỹ xúc tiến các mối quan hệ đang có để đẩy mạnh tiến trình này. Mặt khác, Mỹ cũng rất kiên nhẫn. Nếu khả năng xấu nhất của sự thỏa hiệp nào đó giữa hai đảng cộng sản không xãy ra thì sớm muộn Việt Nam cũng đi vào quỹ đạo quân sự của Mỹ. Mỹ biết, dài hạn, tự mình Việt Nam không có khả năng chống lại Trung Quốc.
Nếu những người lãnh đạo Việt Nam khôn ngoan thì họ vẫn giữ được quyền lãnh đạo và tránh được một cuộc chiến tranh.


Nguồnhttp://xuanbinhfreelance.wordpress.com/2011/06/22/logic-c%E1%BB%A7a-chi%E1%BA%BFn-tranh-va-tranh-chi%E1%BA%BFn-tranh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét