Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Quần đảo Malvinas/Falklands-Cuộc chiến tranh không-biển-đảo đầu tiên sau thế chiến II

Cuộc xung đột vũ trang tại quần đảo Malvinas/Falklands năm 1982 là cuộc chiến tranh không - biển - đảo hiện đại đầu tiên sau thế chiến II.

Cuộc chiến không tuyên bố

Quần đảo có tên tiếng Tây Ban Nha là Malvinas (tiếng Anh là Falklands) nằm ở Nam Đại Tây Dương cách Argentina khoảng 400 km, cách Anh khoảng 13 ngàn km. Gồm hai đảo lớn và nhiều đảo nhỏ, tên và chủ quyền của quần đảo này đã từng là đối tượng bị tranh chấp. Argentina luôn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này, dù nó đã bị Anh chiếm đóng từ năm 1833(1)

Xung đột vũ trang từ tháng Tư đến tháng Sáu 1982 tại quần đảo này là một trong những kết quả của cuộc đối đầu ngoại giao không có lời giải về chủ quyền với quần đảo. Các bên đã không đưa ra những lời tuyên chiến chính thức, và chiến sự được giới hạn trong phạm vi quanh lãnh thổ tranh chấp tại vùng biển Nam Đại Tây Dương. 

Lần này, Liên Hiệp quốc đã không thể hiện  được vai trò của mình trong dàn xếp tranh chấp lãnh thổ. Anh dùng lực lượng vũ trang áp đảo chiếm lại quần đảo. Argentina vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này trong bất lực. Các diễn biến của cuộc xung đột vũ trang này được viết trên báo Đất Việt tháng Sáu, 2011(2). Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu chỉ phân tích các nguyên do và tác động chính trị của một cuộc xung đột “chớp nhoáng”.

Nhưng được mong đợi (?)

Trong kinh tế Anh lúc đó, đã rõ nét những dấu hiệu trì trệ, và “Người đàn bà thép” Thatcher đang tìm kiếm các phương thức và cơ hội để cải thiện tình hình. Uy tín của chính phủ Bảo thủ, vốn khá bế tắc trong giải quyết các vấn đề xã hội(3), xuống thấp. 

Các nguồn tin của Liên Xô cho rằng, chính phủ Thatcher thậm chí từng phải tính đến việc giảm chi phí quốc phòng bằng cách tinh giản biên chế Hạm đội, bán bớt các tàu sân bay và các tàu chiến(4).

Quân đội Anh kể từ Thế chiến II không tích luỹ thêm được kinh nghiệm tác chiến gì rõ rệt. Địa vị uy tín của quân lực Hoàng gia này trong xã hội Anh sút kém, đòi hỏi phải tìm kiếm một thắng lợi quân sự nhanh chóng, dù nhỏ. 

Không hẹn mà nên, ở Argentina, tình hình còn quẫn bách hơn. Đình đốn kinh tế vùi dập đất nước vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng chính trị. Tập đoàn độc tài quân sự vừa lên cầm quyền nhờ đảo chính cuối 1982, đã quyết định dành lại chủ quyền tại quần đảo Malvinas. “Nhất tiễn tề xuyên”, chiến dịch quân sự này vừa nhằm gây uy tín chính trị cho chính thể cầm quyền,  vừa đánh lạc hướng dư luận trong nước vào “cuộc chiến” chống kẻ thù truyền kiếp. Nó cũng ăn nhập với sự phẫn nộ trong nước vì các điều kiện ngặt nghèo mà Quỹ tiền tệ quốc tế (bị mang tiếng là chỉ giúp các nước giàudo Anh và Mỹ thao túng) ràng buộc “con nợ” Argentina lúc đó.  
  


Bóng ma của “thần” dầu hoả

Đầu những năm 80, trữ lượng dầu hoả ở Biển Bắc (North Sea) gần nước Anh đã cạn. Trước đó, đã có tin một trữ lượng dầu mỏ lớn hơn của Biển Bắc được khám phá gần quần đảo Falklands. Với xu thế chinh phục Nam Cực đang ló dạng, quốc gia nào có chủ quyền tại Malvinas/Falklands tất yếu giành quyền sở hữu các phần (lô) tương thích có chứa dầu của thềm lục địa Nam Cực. 

Quyền sở hữu và nâng hạ giá dầu - khí của những nước có tài nguyên này là nỗi đau muôn thuở của các nước khác. Và cuộc chiến biến kẻ phải nhập khẩu nguyên, nhiên liệu thành nhà xuất khẩu không chỉ là chiến thắng về vật chất, chính trị, mà còn niềm an ủi “chuyển bại thành thắng” cho những nước vốn thiệt thòi về tài nguyên. Dầu hoả còn là một thứ chất đốt cho lò lửa chiến tranh đế quốc.

Tình báo các bên nói gì?

Hậu duệ của các “nhà tình báo vĩ đại”, như Richard Sorge, ở Liên Xô khẳng định rằng “toàn bộ cuộc chiến tranh này được Mi – 5 (tình báo Anh) trù liệu từ trước, để nổ ra vào một thời khắc thiết yếu đối với lợi ích của Luân Đôn(5).

Các nguồn Nga – Liên Xô cũng chỉ ra rằng truyền thông Anh, chẳng hạn báo Sunday Times ra 22 tháng Ba 1987, đã không cố tình giấu diếm rằng tình báo Anh đã biết trước về cuộc xâm nhập của Argentina lên đảo Falklands ít nhất 6 tháng(6). Moscow hẳn ngụ ý nói đến bài của S. Jenkins, một tác giả viết nhiều về cuộc xung đột Malvinas/Falklands. Trong bài này, chiến dịch của quân Anh tại đây được ngợi ca như trận Trân Châu cảng của Anh (Britain’s Pearl Harbor).

Ngược lại, truyền thông phương tây dẫn các nguồn cho rằng Liên Xô đã cung cấp những tin tức tình báo về triển khai lực lực lượng của quân Anh cho Argentina, và tìm cách hỗ trợ về vũ khí. Một cựu quan chức KGB được dẫn lời, rằng Quảng trường Đỏ đã sẵn sàng đi khá xa trong sứ mạng viện binh(7).

Mặt trời lại không lặn trên nước Anh?

Các nguồn của hai phía của chiến tranh lạnh dường như đều nhất trí rằng trang bị hiện đại hơn về hải – không - lục quân là yếu tố đảm bảo chiến thắng. Nhất là khi phía cường quốc quân sự hiện đại đã “rình” sẵn, để chộp một cơ hội, việc tổng động viên nhân vật lực cho hành động chiến tranh chỉ là vấn đề tác nghiệp. 

Các nguồn nhất tề liệt kê danh sách dài những lợi thế mà London có được sau khi đoạt lại quần đảo Falklands/Malvinas. Có cảm giác như sương mù tan đi, để mọi câu hỏi của nhiều mặt quan trọng của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội Anh cùng lúc tìm được câu trả lời. 

Cụ thể là: vị thế của Anh được nâng lên, quốc dân đoàn kết xung quanh nhà vua, quân đội và Chính phủ Bảo thủ (Thatcher lại chiến thắng trong cuộc bầu cử 1983, điều mà trước chiến tranh Falklands không hề chắc chắn); kinh tế phát triển sôi động; quân đội sau cuộc “diễn tập thực binh” đã rút ra những bài học cần thiết, không bị giảm biên chế, ngược lại, trở nên hào hùng trong hiện đại hoá. 

Ở Argentina, chính quyền quân phiệt đổ, những người cầm đầu bị kết án, bỏ tù do làm chiến tranh thất bại. Tổng thống mới, được bầu theo thể thức Tổng tuyển cử (thể thức này vốn bị gián đoạn từ năm 1973 trong gần một thập kỷ ở Argentina bởi một loạt cuộc đảo chính). Các nguồn Nga cho rằng điều này cũng nằm trong ý đồ của Anh, vì chỉ có các tổng thống “dân chủ” mới tìm cách phát triển kinh tế, trang trải nợ nần với Anh, (và Mỹ)(8).

Bao trùm lên tất cả, là Anh có dịp triển khai cơ sở hạ tầng gần sát Nam Cực – nguồn tương lai và quan trọng nhất của toàn thế giới về tài nguyên:nước ngọt, hiđrôcacbon, kim loại, tài nguyên sinh học… Anh đã đi trước một bước, trong cuộc chiến khốc liệt giành Nam Cực của các cường quốc ở ngưỡng cửa thiên kỷ mới.

Quan hệ hai nước này vốn bị gián đoạn trong chiến tranh đã được khôi phục năm 1989, theo "quy cách cái ô" (umbrella formula), tức là cho "chìm xuồng" luôn vấn đề chủ quyền của quần đảo Malvinas. 

Lẽ ra Argentina có thể chiến thắng

Vì kẻ chiến thắng thường không bị chỉ trích, nên các nguồn của hai phía của chiến tranh lạnh đều không tiếc lời ca ngợi năng lực chính trị - quân sự - kinh tế của bên Anh trong cuộc đối đầu.

Nhưng trong cuộc chiến giành Malvinas/Falklands, tiềm lực quân sự của Argentina đâu phải “trứng chọi đá” (cũng có tàu sân bay), lại được hậu thuẫn rõ rệt của: Peru, Venezuela (phụ tùng máy bay), Brazil (hai máy bay tuần tiễu biển P -95), Israel (chuyên gia không quân), và Liên Xô (ngoài tin tình báo, còn cung cấp các tên lửa Strela 2 qua Libia)… 

Theo các nguồn phương tây, Mỹ đã không cố “ra mặt” ủng hộ Anh trong cuộc khủng hoảng này là do ngại Kremli cũng sẽ “ra mặt” ở khu vực Nam Đại Tây Dương(9)

Một ngày sau khi quân Anh bắt đầu đổ bộ lên một đảo của Malvinas/Falklands, 26/4, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Perez de Cuella yêu cầu Anh dừng ngay hành động chiến tranh, nhưng Thủ tướng Anh đã lớn tiếng bác bỏ lời kêu gọi này và nước Anh tiếp tục dấn vào cuộc chiến với quy mô ngày một lớn hơn.

Nhưng, trong hồi ký “Một trăm ngày” (10) của mình, Tổng tư lệnh quân Anh thời đó là John Woodward, chỉ huy chiến dịch tái chiếm Falklands đã viết về “chiến thắng bị bỏ lỡ” của đối phương.
Theo Đô đốc John Woodward, có một sự thật “không thể cắt nghĩa nổi” là, trong cả chiến dịch hơn hai tháng ròng, các chỉ huy Argentina đã không nhận thấy rằng nếu họ đánh trúng Hermes (11) (một trong hai tàu sân bay của Anh trong chiến dịch này), thì quân Anh đã bại.
“Họ đã không thể thực sự dấn tới được một mục tiêu chắc chắn sẽ đem lại chiến thắng cho họ”. Woodward viết tiếp, “Chúng tôi hiểu rằng mình đang tác chiến ở thế đi trên lưỡi dao cạo. Tôi hiểu rằng chỉ cần có một rủi ro: một quả mìn, một vụ nổ, một đám cháy, xảy ra với một trong hai tàu chở máy bay, là chiến dịch (của Anh) sẽ bị giáng đòn chí tử. Chúng ta đã mất các tàu Shffield, Coventry, Ardent, Antelope, Atlantic Conveyor, Sir Galahad. Nếu (không quân) Argentina ném bom chính xác hơn từ các độ cao tầm thấp, chắc chắn chúng ta đã mất thêm các chiến hạm Antrim, Plymouth, Argonaut, Broadsword và Glasgow…”

Dĩ nhiên những hồi ký thường chứa những lời bàn hậu nghiệm. Vấn đề vẫn là các bên đã chuẩn bị thế nào cho một tình huống chiến tranh. Nhưng qua kinh nghiệm của Đô đốc Woodward, kỷ luật, kỹ năng của chiến sĩ và chiến lược quân sự vẫn là quan trọng nhất để chiến thắng chứ không hẳn là vấn đề trang bị. Về phương diện quốc gia, khả năng chuyển từ kinh tế thị trường sang động viên cho chiến tranh cũng là yếu tố then chốt…

Lê Đỗ Huy (Tổng hợp)
--------
1.  http://www.historyworld.net/wrldhis/PlainTextHistories.asp?historyid=ac51
2.  http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Ho-so-tranh-chap-tren-quan-dao-Falkland-ky-1/20116/148450.datviet
3.  http://www.pitt.edu/~heinisch/ca_brit.html.
4.  www.cadet.ru/ossnkr/president/index.php?news=2970
5.  www.cadet.ru/ossnkr/president/index.php?news=2970
6.  http://ansr.spb.ru/referat1.htm
7.  http://www.traditioninaction.org/HotTopics/i83ht_Russia2_Garcia.html. Phần: “Russia’s attempted alliance during the Falklands War”.
8.  www.cadet.ru/ossnkr/president/index.php?news=2970
9. http://www.traditioninaction.org/HotTopics/i83ht_Russia2_Garcia.html
10. http://www.mw.ua/3000/3150/32700/
11. Tuy nhiên, có nguồn tin Argentina khẳng định rằng không quân của họ đã đánh trúng cả hai tàu sân bay của Anh. Phía Anh bác bỏ tin này.


Nguồnhttp://bee.net.vn/channel/1984/201106/Cuoc-chien-tranh-khong-bien-dao-dau-tien-sau-the-chien-ii-1803326/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét