Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Bốn 'tử huyệt' của tàu sân bay Trung Quốc

Một trang mạng quân sự Mỹ đã liệt kê 4 nhược điểm cơ bản của tàu sân bay Thi 
Lang của Trung Quốc (mua từ Ukraine năm 1998).

>> Tàu sân bay Trung Quốc: 'chẳng giống ai'
>> Giấc mơ tàu sân bay của Trung Quốc bị kéo dài


Một là, tàu sân bay này sẽ hoạt động ở Thái Bình Dương nơi hiện đã tập trung hơn 10 tàu sân bay và tàu chở máy bay của Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ.
Hai là, tiêm kích trên hạm của Trung Quốc J-15 là hàng nhái máy bay Su-33 của Nga, có tính năng chiến đấu thua xa các tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ, ngoài ra, Thi Lang không có các máy bay báo động sớm, tác chiến điện tử và vận tải, và khoảng cách này theo thời gian chỉ có tăng lên. 


Ba là, tàu sân bay Trung Quốc có hệ thống phòng vệ cực kỳ yếu kém, không có lực lượng tàu hộ tống hiệu quả gồm các tàu nổi và tàu ngầm. 


Bốn là, Trung Quốc đã không giải quyết được vấn đề chế tạo hệ thống động lực tin cậy cho tàu sân bay.


Dưới đây là phân tích cụ thể về các điểm yếu lớn nhất của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc:


Đơn độc giữa "bầy sói"
Thi Lang sẽ hoạt động ở Thái Bình Dương lúc nhúc tàu sân bay. Thứ nhất, tại đây có các tàu sân bay Mỹ: 5 siêu tàu sân bay hạt nhân đóng tại California, Washington và Nhật Bản, cộng với 6 tàu đổ bộ chở trực thăng ở California và Nhật Bản. 


Tổng lượng giãn nước của các tàu sân bay Mỹ là không dưới 700.000 tấn và có thể chở 600 máy bay. “Hải quân Mỹ có thể chở số máy bay trên biển nhiều gấp 2 lần toàn thế giới còn lại cộng lại”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phát biểu năm 2010. Trong khi tàu sân bay Trung Quốc chỉ có lượng giãn nước 60.000 tấn và chở được không quá 40 máy bay và trực thăng.
Tàu sân bay Thi Lang trong quá trình hoàn thiện.

Nhật Bản có 2 tàu sân bay trực thăng/đổ bộ 18.000 tấn, cộng một chiếc nữa đang đóng. Hiện tại, chúng chỉ chở một ít trực thăng, song chúng cũng có thể chở các tiêm kích tàng hình hạ cánh thẳng đứng F-35B. Cũng có những khả năng tương tự là 4 tàu sân bay 14.000 tấn mà Hàn Quốc dự định đóng và 2 tàu sân bay 30.000 tấn của Australia đang đóng.

Tàu sân bay 12.000 tấn Chari Naruebet là kẻ đứng ngoài vì nó quá nhỏ, chở được một nhóm nhỏ máy bay, nhưng dĩ nhiên nó vẫn có khả năng chở được một số máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng cổ lỗ sĩ Harrier.

Ấn Độ và Nga đều có các tàu sân bay thật sự chở các tiêm kích phản lực. Tàu Đô đốc Kuznetsov thực tế là tàu cùng loại, cao tuổi ơn của Thi Lang. Tàu chở khoảng một tá Su-33. 

Gần đây, Đô đốc Kuznetsov chủ yếu hoạt động ở Địa Trung Hải. Tàu sân bay 30.000 tấn Viraat của Ấn Độ với 30 chiếc Harrier và trực thăng của nó hoạt động chủ yếu ở Ấn Độ Dương.

Trong tổng số 22 tàu sân bay đang và sẽ hoạt động ở Thái Bình Dương, không có tàu nào thuộc về một quốc gia mà Trung Quốc có thể coi là đồng minh thân cận. Hiện nay, chẳng là lạ khi nhìn thấy các tàu sân bay Mỹ chạy trong hội hình hỗn hợp với các tàu sân bay của Nhật, Hàn, Thái Lan và Ấn Độ. Bắc Kinh chỉ có thể mơ đến chuyện tập hợp được một sức mạnh hải quân quốc tế hùng mạnh nhường ấy dù có hay không có Thi Lang.

Ngoáo ộp không nang vuốt
Tàu sân bay chỉ có sức mạnh khi có không đoàn trên tàu hùng mạnh. Vì thế, Hải quân Mỹ chi hàng năm trung bình 15 tỷ USD cho các máy bay mới, gần như tương đương Không quân Mỹ. Các máy bay hoạt động hiệp đồng về tuần tra, bám và tấn công mục tiêu bên dưới mặt nước và mặt nước và bên trên mặt nước chở người và tiếp cận đến và từ tàu sân bay.

Tiêm kích trên hạm J-15 của Trung Quốc
Máy bay F-18 trên tàu sân bay Mỹ.

Thi Lang không hề có thứ gì gần giống với sự kết hợp các loại máy bay và khả năng đó. Tiêm kích trên hạm J-15 của Trung Quốc chỉ có thể gần tương đương với F/A-18, nhưng với tầm hoạt động ngắn hơn, các sensor thô sơ hơn và ít lựa chọn vũ khí hơn. Trực thăng Ka-28 săn tàu ngầm giống như trực thăng H-60. Trung Quốc cũng không có các máy bay gây nhiễu radar, máy bay cảnh báo sớm.

Một tàu sân bay hạt nhân Mỹ mang trên boong 70 máy bay và trực thăng, trong đó có các tiêm kích F/A-18, máy bay tác chiến điện tử EA-6B hoặc E/A-18G, các máy bay báo động sớm E-2, các máy bay vận tải C-2 và trực thăng H-60. Tàu sân bay của Trung Quốc thua xa khi so với một tiềm lực đa dạng như vậy. 

Có tin Trung Quốc đang phát triển máy bay báo động sớm trên hạm dạng Е-2 của Mỹ, song Thi Lang không có máy phóng máy bay bằng hơi nước để giúp các máy bay đó cất cánh. (>> chi tiết)

Trung Quốc cũng đang phát triển trực thăng báo động sớm Z-8, nhưng khả năng của nó làm sao sánh được với tính năng của Е-2. Trong thập kỷ tới, khoảng cách sẽ chỉ có rộng thêm vì Hải quân Mỹ sẽ triển khai các máy bay không người lái trên hạm các loại.

Phòng vệ yếu kém
Để bảo vệ các tàu sân bay trị giá 10 tỷ USD và lực lượng máy bay trên tàu, Hải quân Mỹ huy động nhiều tàu trong số 83 tàu khu trục trục và tàu tuần dương chạy kèm hộ tống mỗi tàu sân bay. Các tàu hộ tống được trang bị các radar AEGIS siêu hiện đại và có thể mang mỗi tàu 100 tên lửa phòng không trở lên. Một cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ sở hữu số radar công suất mạnh và tên lửa trên biển nhiều hơn toàn bộ hải quân của đa số các nước khác.

Hiện nay, Trung Quốc chỉ có thể sử dụng 2 tàu khu trục Type 052C trang bị hệ thống phòng thủ hơi giống AEGIS của Mỹ để hộ tống tàu sân bay. Đây là 2 tàu khu trục có tính năng gần gần với các tàu chiến Aegis của Mỹ, mặc dù một số tàu khác đang được đóng. 

Type 052C của Trung Quốc.
Tàu sân bay Mỹ và đội hình. 

Thế nhưng Type 052C chỉ mang số tên lửa bằng nửa tàu khu trục Mỹ, radar của nó không thể sánh với khả năng bắt bám đồng thời nhiều mục tiêu của AEGIS. Trên mặt biển, Thi Lang sẽ là chiếc tàu được bảo vệ... theo tiêu chuẩn Trung Quốc.

Tình hình với tàu ngầm bảo vệ tàu sân bay Trung Quốc còn tồi tệ hơn. Trong khi mỗi tàu ngầm Mỹ được hộ tống bởi ít nhất 1 tàu ngầm hạt nhân tấn công có nhiệm vụ tuần tra phía trước tàu sân bay, ngăn chặn các chiến hạm đối phương, nhất là các tàu ngầm, thì hải quân Trung Quốc chỉ có 2 tàu ngầm nguyên tử Type 093, có khả năng tuần tra tầm xa. Con số này quá ít cho nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay, cộng thêm các nhiệm vụ khác được giao cho lực lượng tàu ngấm tấn công Trung Quốc. 

Nhưng vấn đề khó khăn cho Trung Quốc là hơn là liên lạc tàu ngầm. Để điều phối tàu nổi và tàu ngầm, Mỹ và các hải quân tiên tiến khác dựa vào sự kết hợp các vô tuyến điện tần số cực thấp lắp trên các máy bay chuyên dụng và các vô tuyến điện tần số cao hơn để liên lạc từ tàu nổi đến tàu ngầm.

Trung Quốc không có hệ thống liên lạc hoàn thiện như vậy. Họ không có hệ thống liên lạc tàu ngầm hiện đại do các hệ thống liên lạc vô tuyến điện do Trung Quốc chế tạo không đủ hoàn thiện.
 
“Do hạn chế về công nghệ liên lạc tàu ngầm, hải quân Trung Quốc hiện chỉ có thể kiểm soát chiến thuật tương đối hạn chế đối với các tàu ngầm của họ”, Garth Heckler, Ed Francis và James Mulvenon viết trong cuốn sách “Lực lượng tàu ngầm hạt nhân tương lai” của Trung Quốc (China’s Future Nuclear Submarine Force) năm 2007. 

Như vậy, có lẽ tàu Thi Lang không thể dựa vào các tàu ngầm Trung Quốc để bảo vệ chống tàu ngầm đối phương. 

GS Bernard Cole thuộc Học viện Quốc phòng Mỹ bình luận: Với tư cách một sĩ quan hải quân, tôi rất thích nhìn thấy họ (Trung Quốc) xây dựng một hạm đội tàu sân bay ngày càng trở thành mục tiêu ngon ăn cho tàu ngầm.

Mới đây, có tin xưởng đóng tàu Trung Quốc Changxingdao đã lắp cho tàu Thi Lang các đài radar, một số hệ thống điện tử và vũ khí. Cụ thể, tàu đã được lắp 4 anten mạng pha chủ động do Trung Quốc sản xuất. Chủng loại radar lắp trên tàu sân bay không được tiết lộ. (>> chi tiết)Theo Strategy Page, radar lắp trên tàu Thi Lang có các tham số kỹ thuật giống với các radar của hệ thống Aegis của Mỹ. Ngoài ra, trang thiết bị điện tử cũng đã được đưa lên tàu. Dự đoán, trên tàu Thi Lang sẽ triển khai một hệ thống thông tin-máy tính. 

Thi Lang cũng đã được trang bị hệ thống pháo cao tốc Type 730 cải tiến. Đây là pháo 30 mm với 10 nòng quay. Hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) Phalanx của Hải quân Mỹ chỉ có 6 nòng. Pháo mới được chế tạo dựa trên một loại pháo cũ 7 nòng của Trung Quốc, Type 730 có khả năng bắn 5.800 phát/phút.

Pháo cao tốc phòng vệ tầm cực gần của Trung Quốc.

Đây không phải là hệ thống phòng thủ điểm duy nhất trên tàu Thi Lang. Trên tàu cũng đã lắp hệ thống tên lửa phòng không FL-3000N (hệ thống RAM), có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay ở cự ly đến 9 km. 

Hệ thống này gồm 1 bệ phóng với 24 tên lửa có đường kính 0,12 m, chiều dài 2 m. Một số bức ảnh được đăng tải cho thấy, tàu này còn được lắp ít nhất một bệ phóng tên lửa phòng không FL-3000N (dường như có một bệ phóng như vậy được che bạt bên phải, phía dưới, trên ảnh). 

Hệ thống tên lửa phòng không này kiểu này được xem là hiệu quả hơn các hệ thống CIWS sử dụng pháo cao tốc. Các hệ thống phòng không hiện đại này được liên kết với một hệ thống radar mạng pha mới rõ ràng là sao chép của Nga.

Động cơ tậm tịt
Việc chế tạo động cơ phản lực hiện đại cho các máy bay chiến đấu và động cơ turbine khí cho hạm tàu luôn là những nhiệm vụ nan giải nhất về kỹ thuật và công nghệ. Lầu Năm góc đang vấp phải những vấn đề tương tự khi phát triển động cơ cho tiêm kích tàng hình cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng F-35B, và động cơ cho tàu sân bay trực thăng/đổ bộ lớp San Antonio. 

Khó khăn với động cơ đã làm chậm việc phát triển trực thăng chiến đấu WZ-10 gần 10 năm, tiêm kích tiên tiến thế hệ mới J-20 đang được trang bị 2 loại động cơ turbine phản lực lưỡng mạch có tăng lực AL-31F của Nga và WS-10A của Trung Quốc.

Có tin Trung Quốc đã mua được hệ thống động cơ cho tàu sân bay Thi Lang từ Ukraine. Tuy chắc chắn tốt hơn bất kỳ động cơ nào do Trung Quốc sản xuất, song các động cơ thủy của Ukraine vẫn kém tin cậy theo tiêu chuẩn phương Tây. 

Tàu Kuznetsov lắp động cơ Ukraine do những vấn đề về động cơ mà buộc phải giam chân phần lớn thời gian trong 30 năm qua ở bến cảng để bảo dưỡng vì hỏng hóc liên tục. Mỗi khi tàu này ra khơi, lại có một tàu kéo to tướng chạy kè kè phía sau phòng khi tàu sân bay bị hỏng. Rất có thể tình trạng tương tự cũng xảy ra với tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc, vốn là tàu cùng lớp với tàu sân bay Nga. Nếu cũng như vậy, Thi Lang sẽ là con tàu có bề ngoài hoành tráng với nội thất ọp ẹp.

Nhà nghiên cứu ĐH Quốc gia Chengchi, Đài Loan Arthur S. Ding nói rằng, “Trung Quốc với những lợi ích đang gia tăng trên biển sẽ buộc phải chờ đợi để chế tạo được những tàu sân bay mạnh hơn và tin cậy hơn”.

Bù nhìn giữ dưa: Tàu sân bay dùng để dọa tàu đánh cá

Trong buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ vào tháng 4.2011, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Robert Willard đã tuyên bố rằng, ông ta không lo lắng với “khả năng quân sự của tàu sân bay Trung Quốc”. 

Tàu sân bay này chỉ có thể là bệ mang huấn luyện để huấn luyện nhân lực, mà có thể mất nhiều năm và thậm chí nhiều thập kỷ thì mới xuất hiện những tàu sân bay nội địa Trung Quốc đầu tiên thực sự hiệu quả về mặt chiến đấu. 

Ngay cả khi Thi Lang được sử dụng trong chiến đấu thì khả năng chiến đấu của nó cũng sẽ là tối thiểu. Tuy nhiên, tuần tra các vùng biển tranh chấp thì nó có thể và về mặt này tàu sân bay sẽ gia tăng đáng kể tầm hoạt động của hải quân Trung Quốc.

Tàu sân bay Thi Lang sẽ có vai trò đáng gờm nếu được dùng để... không làm một tàu sân bay.

Bản tin uy tín TTU №801, 11/5/2011 của Pháp thì cho rằng, không được lẫn lộn hiệu ứng công chúng từ sự xuất hiện của tin tức nào đó với hiện thực chiến lược. Đa số các chuyên gia vũ khí và chiến lược hải quân có thái độ hoài nghi đối với tin nói về việc hạ thủy tàu sân bay của Trung Quốc. 

Theo thông tin của tình báo Hải quân Nhật, hiệu ứng chiến lược từ việc hạ thủy con tàu sẽ bị hạn chế về thời gian bởi vì để đối phó với hạm đội Mỹ, Trung Quốc sẽ cần phải xây dựng một cụm tàu sân bay vốn gồm nhiều tàu chiến, mà đến được lúc đó thì còn xa. 

Lầu Năm góc chú ý hơn đến thành phần không quân của cụm tàu sân bay chiến đấu và cho rằng, tiêm kích trên hạm J-15 chỉ có khả năng sẵn sàng chiến đấu vào năm 2015 và chính thời điểm đó mới có thể coi là thời điểm thực sự hạ thủy tàu Thi Lang. 

Trong khi chờ đợi, tàu này sẽ được dùng để huấn luyện nhân lực, sử dụng trực thăng và máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng giống như J-18 Đại bàng đỏ mới được thử nghiệm vào tháng 4/2011. 

Đài Loan thì cho rằng, tình thế này là mối đe dọa thực sự đối với họ và cho rằng, trong thời gian này, Trung Quốc sẽ bắt tay đóng một tàu sân bay động lực hạt nhân theo thiết kế nội địa với thời điểm hoàn thành khoảng năm 2020.

Trước đây đã có tin vào cuối năm 2011 sẽ bắt đầu chạy thử tàu thi Lang và có thể nhận tàu vào cuối năm 2012. Bộ quốc phòng Trung Quốc dự tính đóng hàng loạt tàu sân bay nội địa dựa trên thiết kế tàu Varyag/Thi Lang.

>> Trung Quốc lắp đặt vũ khí cho tàu sân bay
>> Chỉ tinh hoa mới được phục vụ tàu sân bay Trung Quốc
>> Xem tàu sân bay Trung Quốc 'lột xác'

>> Nhật, Mỹ đánh giá thấp tàu sân bay Trung Quốc
>> Trung Quốc khoe Thi Lang, Đài Loan khoe Hùng Phong
>> So sánh tàu sân bay Trung Quốc và Ấn Độ

Nhân Vũ (tổng hợp)
Nguồnbaodatviet.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét