Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Ấn Độ muốn hiện diện bền vững trên biển Đông

SGTT.VN - Ấn Độ đã có những bước thăm dò đầu tiên nhằm thiết lập một sự hiện diện thương mại hàng hải bền vững trên Biển Đông, qua việc hợp tác hải quân với Việt Nam.
Tàu khu trục tên lửa INS Mumbai và INS Ranveer của Ấn Độ.
Sự hợp tác này đang ngày càng được củng cố, khi Việt Nam cho phép tàu hải quân Ấn Độ viếng thăm cảng Nha Trang lần đầu tiên. Thông tin trên đã được chính phủ hai nước xác nhận.
“Động thái này sẽ mang đến cho Ấn Độ sự hiện diện bền vững tại Biển Đông, đồng thời cho phép Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn tại khu vực Đông Nam Á với những tuyến đường hàng hải quan trọng về thương mại và chiến lược”, nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết.
Ấn Độ cũng sẽ hỗ trợ huấn luyện và xây dựng cơ sở cho hải quân Việt Nam. Phó đô đốc, Tư lệnh quân chủng hải quân Việt Nam, Nguyễn Văn Hiến dự kiến sẽ đến thăm New Delhi, Mumbai và Visakhapatnam bắt đầu từ thứ hai 27.6 để tận mắt chứng kiến tiềm lực của hải quân Ấn Độ.
"Ấn Độ cũng có thể cung cấp kinh nghiệm của mình trong việc đóng tàu cho Việt Nam vốn đang có một lực lượng hải quân nhỏ", nguồn tin chính phủ cho biết thêm.
Trung Quốc được cho là đang theo dõi sát sự hợp tác hải quân giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Cả Ấn Độ và Việt Nam đang quan tâm trước việc gia tăng phát triển quân đội của Trung Quốc. Trong quá khứ, cả hai nước Việt Nam và Ấn Độ từng có xung đột với người láng giềng to lớn này.
KHẢ ANH (THEO DECCAN CHRONICLE)
Nguồnhttp://sgtt.vn/Thoi-su/146856/An-Do-muon-hien-dien-ben-vung-tren-bien-Dong.html


Mỹ tìm kiếm đối thoại ở biển Đông
Ấn Độ bắt đầu thăm dò để thiết lập sự hiện diện hàng hải dài lâu ở biển Đông.

Ngày 25-6 theo giờ địa phương, hội nghị tham vấn Mỹ-Trung đã diễn ra và kết thúc trong ngày ở Honolulu, bang Hawaii (Mỹ). Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell (đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương) và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải chủ trì hội nghị.
Mỹ quan tâm đến châu Á-Thái Bình Dương
Đây là vòng tham vấn Mỹ-Trung đầu tiên bàn về các vấn đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hãng tin AFP nhận định hội nghị diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông leo thang và Bắc Kinh tức giận về cam kết hỗ trợ của Washington cho các nước khu vực Đông Nam Á.
Trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell đã hoan nghênh Trung Quốc là một quốc gia thành công, thịnh vượng và kêu gọi Trung Quốc thể hiện vai trò lớn mạnh trong việc làm giảm căng thẳng ở biển Đông thông qua đối thoại.
Ông nhấn mạnh Mỹ cũng là một nước thuộc châu Á-Thái Bình Dương với quan tâm về hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Qua đó, ông bày tỏ Mỹ mong muốn giảm căng thẳng và tìm kiếm đối thoại giữa các nước chủ yếu có liên quan. Ông giải thích Mỹ đang cố xây dựng quan hệ đối tác mới trong khu vực cũng như đang ủng hộ Trung Quốc.
Hội nghị tham vấn cũng bàn về vấn đề phát triển quân sự và đường lối ngoại giao của Trung Quốc đối với CHDCND Triều Tiên và Myanmar cũng như lợi ích của Mỹ trong khu vực như một nỗ lực tăng cường tính minh bạch.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell (trái) bắt tay Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải tại hội nghị tham vấn Mỹ-Trung ngày 25-6 theo giờ địa phương ở Mỹ. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Phía Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với CHDCND Triều Tiên nhằm ngăn chặn CHDCND Triều Tiên tiếp tục khiêu khích và thúc đẩy hợp tác với Hàn Quốc.
Hai bên nhất trí sẽ tổ chức thêm một vòng tham vấn kế tiếp về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương ở Trung Quốc trong thời gian tới và Mỹ-Trung sẽ tiếp tục đối thoại tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii vào tháng 10, Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương ở Auckland (New Zealand) và Hội nghị Đông Á ở tỉnh đảo Bali (Indonesia).
Có nên dựa vào Mỹ?
Báo chí Trung Quốc cũng như phương Tây không đăng tải chi tiết nội dung phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Thôi Thiên Khải tại buổi tham vấn.
Hãng tin Tân Hoa Xã (Trung Quốc) ngày 26-6 chỉ đưa tin vòng tham vấn Trung-Mỹ đầu tiên với nội dung chung chung như sau: Hai bên đã trao đổi sâu các quan điểm của mình về tình hình chung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chính sách mỗi bên, thông tin liên lạc và hợp tác song phương trong khu vực cũng như các vấn đề trong khu vực khác mà hai bên cùng quan tâm.
Hai bên hoan nghênh tiến bộ đạt được trong quan hệ song phương kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Mỹ hồi tháng Giêng. Bên cạnh đó, hai bên nhất trí sử dụng cơ chế tham vấn như một nền tảng để duy trì liên lạc chặt chẽ về tình hình khu vực và chính sách hai nước, tăng cường phối hợp, thúc đẩy hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như đóng vai trò tích cực trong quá trình bảo vệ hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Theo kênh truyền hình ABS CBN News (Philippines), trưa 25-6, cộng đồng người Mỹ gốc Philippines đã biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington (Mỹ) để phản đối Trung Quốc gây hấn ở quần đảo Trường Sa.
Báo Inquirer của Philippines ngày 26-6 đưa tin Tổ chức Trung tâm Quyền lực nhân dân trong lãnh đạo ở Philippines đã cảnh báo chính phủ Philippines đừng nên dựa quá nhiều vào Mỹ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Tổ chức này đã kêu gọi chính phủ nên thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập hơn với nước ngoài.
Hiện thời chính phủ Philippines đang dựa vào hiệp ước phòng thủ chung ký kết với Mỹ năm 1951, đặt hàng mua thiết bị quân sự hiện đại của Mỹ, thậm chí Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin còn yêu cầu triển khai tàu chiến Mỹ ở biển Đông để ngăn chặn tàu Trung Quốc.
Báo Asia Age (Ấn Độ) ngày 26-6 dẫn nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết Ấn Độ đang bắt đầu thăm dò để thiết lập sự hiện diện hàng hải dài lâu ở biển Đông. Ông Commodore C. Uday Bhaskar, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu và phân tích chính sách quốc phòng Ấn Độ và là giám đốc Tổ chức Hàng hải quốc gia, nhận định: “Ấn Độ cần lưu tâm đến việc duy trì sự hiện diện hàng hải ở biển Đông như một lựa chọn tiềm năng. Bất kỳ cường quốc lớn nào đều phải có khả năng duy trì sự hiện diện đáng tin cậy của mình ở hai trong ba đại dương trên thế giới”. Ông Bhasker nhấn mạnh ở châu Á, Việt Nam là quốc gia có vị trí chiến lược đặc biệt nhất từ lâu đời. Ông nói thực tế cho thấy Trung Quốc đã bao vây Ấn Độ bằng chiến lược “chuỗi ngọc trai” khi hợp tác hàng hải với Myanmar, Sri Lanka và Pakistan, do đó Ấn Độ cần tăng cường khả năng bảo vệ tại hai quần đảo Andaman và Nicobar gần biển Đông.
ĐỨC LONG
ĐÌNH PHONG - HOÀNG DUY (Theo AFP, Inquirer, Reuters, Tân Hoa Xã)
http://phapluattp.vn/20110626113821788p0c1017/my-tim-kiem-doi-thoai-o-bien-dong.htm
Nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét