Những cố gắng hiện đại hoá của quân đội Việt Nam sẽ được nêu lên nhằm phần nào làm sáng tỏ hơn các nền tảng vũ khí hiện có trong trang bị phù hợp với chiến thuật “bất đối xứng” trong hải chiến hiện đại.
“Bất đối xứng” là thuật ngữ đã và đang được đề cập nhiều lần khi nhắc tới khả năng xây dựng lực lượng của Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông đang ngày càng trở nên căng thẳng. Bài viết này xin đề cập tới “bất đối xứng” như một chiến thuật giao chiến trên biển trong trường hợp có xung đột xảy ra. Nhiều ví dụ cho thấy các lực lượng hải quân nhỏ hơn có thể sử dụng các phương tiện “bất đối xứng” khác nhau nhằm giành lợi thế trong hải chiến, đặc biệt là hải chiến hiện đại.
Về chiến tranh bất đối xứng trên biển
Trước hết, cần phải làm rõ hơn về mặt định nghĩa giữa các khái niệm về “chiến lược”, “chiến thuật”. “Chiến lược hải quân” (naval strategies) đề cập tới một kế hoạch hay chiến lược tổng thể nhằm giúp hải quân đạt được thắng lợi cuối cùng trên chiến trường (đầu tư vũ khí; xây dựng con người; hậu cần; kinh tế biển…), cùng với đó là triển khai và bố trí lực lượng sao cho có lợi nhất về mặt tác chiến. Mỗi một lực lượng hải quân, tuỳ vào chiến lược cụ thể mà có các mục tiêu khác nhau, ví dụ như không đề cho kẻ địch tiếp cận được vùng bờ biển của quốc gia mình; bảo vệ tự do hàng hải; tiêu diệt hạm đội đối thủ hoặc tiến hành phong toả hạm đội đối địch…
“Chiến thuật hải quân” (naval tactics), trong khi đó, là tập hợp các biện pháp đối đầu và tiêu diệt tàu chiến hay hạm đội của đối thủ trong một trận hải chiến cụ thể. Nói cách khác, chiến thuật hải quân đề cập tới cách thức mà một vị chỉ huy điều khiển tàu chiến hoặc ra lệnh cho toàn hạm đội của mình cơ động trên chiến trường (tấn công, phòng thủ, phản công…) khi chạm trán kẻ địch. Từ tác chiến cũng có một ý nghĩa tương tự, là “đánh trận với một chiến thuật cụ thể”.
Có thể thấy, chiến lược là nền tảng lý luận và chính sách giúp hải quân đánh trận (chiến thuật) một cách hiệu quả nhất. Chiến thuật là phương pháp đánh trận giúp củng cố và hoàn thành được mục tiêu tổng thể mà hải quân đã đặt ra.
Tiếp theo, chúng ta định nghĩa như thế nào là “bất đối xứng”? Chiến thuật “bất đối xứng” có thể được hiểu là các loại chiến thuật giúp cho lực lượng quân đội yếu hơn có thể chống lại một lực lượng quân đội có ưu thế kỹ thuật vượt trội hơn. Mục tiêu chính là hoá giải năng lực quân sự vượt trội của đối thủ, khiến cho đối thủ không thể đạt mục tiêu chiến thuật và chiến lược đã đề ra.
Trong chiến tranh “bất đối xứng” trên biển, lực lượng hải quân của các quốc gia yếu hơn có nhiệm vụ chống lại sự tiếp cận của hải quân đối thủ trên một khu vực chiến trường xác định ở một thời điểm xác định, thường là ở các khu vực ngoại vi của quốc gia đó (ví dụ như Trung Quốc với chuỗi đảo thứ nhất trong cuộc đối đầu giả định với Mỹ, Iran với vịnh Ba Tư, hay Việt Nam với Biển Đông). Trong trường hợp lực lượng đối phương đã có khả năng tiếp cận chiến trường, nhiệm vụ là làm cho đối phương thiệt hại về mặt nhân lực và vật lực càng nhiều càng tốt một khi xung đột xảy ra.
Lực lượng Hải quân Iran có thể được xem là điển hình trong việc áp dụng chiến thuật “bất đối xứng” trên biển. Cuộc chiến tranh Iran/Iraq vào năm 1988 đã chứng minh rằng các tàu chiến cỡ lớn (của Mỹ) có thể dễ bị tấn công bởi tên lửa và từ các cuộc không kích. Iran đã phát triển “chiến thuật bầy đàn trên biển” (naval swarming tactics): sử dụng các lực lượng hạng nhẹ, cơ động nhưng có năng lực tác chiến mạnh mẽ tập trung tấn công đối thủ từ nhiều hướng, và sau đó rút lui nhanh chóng. Xương sống của chiến thuật này là các tàu chiến cỡ nhỏ, có khả năng cơ động cao (có thể là tàu pháo, tàu tên lửa hay tàu phóng lôi).
Bắc Triều Tiên lại có một cách tiếp cận khác đối với chiến thuật “bất đối xứng”. Bình Nhưỡng tập trung vào việc xây dựng hạm đội tàu ngầm “mini” của mình với các tàu ngầm lớp Yeono. Mặc dù xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1965, nhưng Yeono có các tính năng phù hợp cho các nhiệm vụ bí mật. Phía Hàn Quốc tin rằng chính một chiếc Yeono đã đánh chìm tàu khu trục Cheonan lớp Pohang của nước này. Mặc dù chỉ sở hữu khoảng 10 tàu ngầm Yeono, nhưng năng lực của các tàu này là không thể coi thường trong bối cảnh hải quân Hàn Quốc bị đánh giá là hạn chế trong khả năng chống ngầm. Ngoài tàu ngầm, hải quân Bắc Triều Tiên còn phát triển năng lực rải mìn. Các loại mìn hải quân đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh Triều Tiên - khi 70% thiệt hại của các tàu chiến của hải quân Mỹ trong giai đoạn này đến từ thuỷ lôi của Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc hiện tại cố gắng phát triển chiến lược “chống xâm nhập/chống tiếp cận” (A2/AD) nhằm mục tiêu ngăn cản sự hiện diện của hải quân Mỹ bên trong chuỗi đảo thứ nhất. Với nguồn lực lớn về tài chính và công nghệ, khả năng tiến hành chiến tranh “bất đối xứng” trên biển của Trung Quốc là toàn diện và đa dạng hơn rất nhiều nếu so sánh với Iran hay Bắc Triều Tiên. Không chỉ đơn thuần đầu tư vào vũ khí, mà Trung Quốc còn đầu tư vào các hình thái chiến tranh khác nhau.
Hải quân Trung Quốc đang phát triển các chiến thuật căn bản của “bất đối xứng” trong cuộc chiến giả định với Mỹ nhằm “chiến thắng một cuộc chiến tranh khu vực dưới điều kiện thông tin hoá”, nguyên lý là đánh vào yếu điểm của đối phương. Ba yếu tố được nhắc tới bao gồm: chiến tranh mạng (cyber warfare) với mục tiêu ngăn cản các hoạt động phối hợp tác chiến của Mỹ khi có xung đột; tác chiến không gian (anti-space warfare), mục đích là tấn công vào các hệ thống vệ tinh và các thiết bị có liên quan; và tác chiến thuỷ lôi (sea-mine warfare) với các loại mìn cải tiển có khả năng điều khiển từ xa và phân biệt “địch-ta”. Điều này cho thấy Trung Quốc đã nhận ra sự phụ thuộc quá lớn của quân đội Mỹ vào các hệ thống vệ tinh cho các nhiệm vụ tình báo, trinh sát hay giám sát (ISR), chỉ huy và kiểm soát (C2), hay khả năng định vị chính xác vũ khí.
Mục tiêu trong tác chiến hải quân của Trung Quốc là sử dụng những hệ thống vũ khí có chi phí thấp để tiêu diệt các loại vũ khí khí tài có chi phí chế tạo cao hơn của đối phương. Đây có thể được xem là thành tố “bất đối xứng” chủ đạo trong tư duy chiến thuật của hải quân Trung Quốc. Công nghệ đã cho phép các loại vũ khí như tên lửa có thể bắn xa hơn, chính xác hơn và được triển khai trên nhiều phương tiện mang vác khác nhau, với giá thành sản xuất rẻ hơn. Xu hướng phản ứng của quân đội Trung Quốc trước cách thức triển khai quân đội của Mỹ có thể được tóm tắt theo bảng sau:
Các phương thức triển khai lực lượng của Mỹ
|
Đối sách của Trung Quốc
|
Nhanh chóng triển khai các lực lượng hải, lục, không quân tại các căn cứ tiền phương và khu vực ven biển
|
Sử dụng các cuộc tấn công từ trên không, trên mặt nước và dưới mặt nước chống lại các lực lượng được triển khai
|
Tạo lập các khu vực hậu phương an toàn cho lực lượng Mỹ và cho công tác hậu cần
|
Tấn công bằng tên lửa từ trên không, từ tàu chiến và sử dụng tên lửa đạn đạo
|
Triển khai các chiến dịch theo không gian và thời gian đã được thống nhất
|
Tình trạng chiến tranh
|
Triển khai và duy trì lực lượng không quân lớn
|
Tấn công bằng tên lửa từ trên không, từ tàu chiến và sử dụng tên lửa đạn đạo nhắm vào các sân bay và tàu sân bay
|
Dựa vào các hệ thống tác chiến phức tạp
|
Tấn công vệ tinh, tấn công mạng, tác chiến điện tử
|
Nguồn: Van Tol, Jan, AirSeaBattle: A Point of Departure Operational Concept, Washington D.C.: Center for Strategic and Budgetary Assessments, 2010, 24.
Qua bảng trên có thể nhận thấy rõ chiến thuật tác chiến của Trung Quốc dựa vào hoạt động hiệu quả của các loại tên lửa (đối không, đối hạm, đối hải, tên lửa đạn đạo) và các phương tiện mang vác (máy bay, tàu chiến, các bệ phóng di động…). Vai trò của không quân và hải quân được nhấn mạnh khi khu vực tác chiến chủ yếu là vùng biển Tây Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, tác chiến điện tử cũng là một lĩnh vực mà Trung Quốc ưu tiên khi phải đối đầu với những đối thủ có nền tảng công nghệ thông tin như Mỹ.
Các ví dụ khác nhau từ Iran, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc cho thấy các chiến thuật “bất đối xứng” có thể được xây dựng khác nhau tuỳ vào năng lực và triết lý tấn công của từng quốc gia. Đối với Iran và Bắc Triều Tiên là “chiến thuật bầy đàn trên biển” . Đối với Trung Quốc, hải quân sẽ là trọng tâm trong nỗ lực “chiến thắng một cuộc chiến tranh khu vực cấp độ thông tin hoá cao” với sự kết hợp của các loại tên lửa cùng tác chiến điện tử.
Năng lực vũ khí bất đối xứng của Việt Nam trên Biển Đông
Mặc dù không phải là điều kiện quyết định có thể dẫn tới chiến thắng, nhưng vũ khí cũng là một trong những thành tố quan trọng quyết định sự thành công của “chiến lược xây dựng lực lượng bất đối xứng”, và cụ thể hơn là các chiến thuật có liên quan. Rod Thomton trong cuốn sách Asymmetric Warfare: Threat and Response in the 21st Century đã nêu ra bốn “vũ khí” tác chiến bất đối xứng mà các lực lượng hải yếu hơn có thể sử dụng. Thứ nhất chính là sử dụng các loại tên lửa bờ và pháo bờ biển. Thứ hai là sử dụng tàu ngầm, loại vũ khí “bất đối xứng” nổi tiếng. Thứ ba là các loại mìn dưới nước. Và thứ tư là các loại tàu tấn công nhanh gần bờ.
Vai trò của hải quân
Nếu dựa trên bốn thành tố của chiến lược tác chiến bất đối xứng do Rod Thomton đưa ra, Hải quân Nhân dân Việt Nam sở hữu đầy đủ cả bốn lực lượng, trong đó mạnh nhất phải kể đến đầu tiên chính là lực lượng tàu ngầm Kilo 636 cải tiến. Lực lượng tàu tên lửa, pháo-tên lửa phòng thủ bờ biển cũng đang được tích cực xây dựng và mở rộng.
Hợp đồng mua sáu tàu ngầm Kilo từ Nga chính là ví dụ minh hoạ. Chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin khẳng định, đối với Việt Nam, việc thành lập hạm đội tàu ngầm là nhiệm vụ rất quan trọng. Không chỉ riêng Việt Nam mà bất kỳ mọi quốc gia giáp biển nếu không sở hữu hạm đội tàu ngầm đều có nguy cơ đe đối với an ninh.
Ông Litovkin khẳng định, Trung Quốc cũng có loại tàu tương tự nhưng tính năng kém hơn tàu ngầm của Việt Nam, cả về độ ồn, độ rung chấn, điều kiện sinh hoạt của thủy thủ. Các đặc tính kỹ thuật của loại tàu ngầm này cho phép chúng có thể di chuyển mà ít gây ra tiếng ồn nhất (khi so sánh với các loại tàu ngầm cùng loại khác) đem lại lợi thế cho hải quân Việt Nam.
Hơn thế nữa, một lợi thế lớn của tàu ngầm mà Nga cung cấp cho Việt Nam là tàu còn được trang bị hệ thống tên lửa hiện đại, có khả năng tấn công mạnh mẽ bằng ngư lôi hay tên lửa hành trình hải-đối-đất Club S, một đặc trưng mà các tàu Kilo của Trung Quốc không hề có. Club S có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất ở khoảng cách 275km, phóng từ độ sâu khoảng 35-40m với tốc độ 240m/s. Loại tên lửa này bay với tốc độ cận âm ở pha đầu. Đến khi tiếp cận mục tiêu, đầu đạn sẽ tách ra từ động cơ chính và tăng tốc gấp ba lần tốc độ của âm thanh, tức lớn hơn 1km/s. Đến gần mục tiêu, tên lửa này bay ở độ cao chỉ 5-10m, khiến cho radar và hầu như các hệ thống chống tên lửa của đối phương không thể phát hiện.
Độ chính xác cao, tốc độ lớn cũng với khả năng được phóng tại bất cứ địa điểm nào trên Biển Đông khiến cho các căn cứ của Trung Quốc trên Hoàng Sa hay Trường Sa và cả căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam trở thành các mục tiêu khả dĩ. Đó là chưa kể, lực lượng hải quân Trung Quốc hiện tại đang bị đánh giá là yếu kém trong khả năng chống ngầm.
Về lực lượng pháo-tên lửa bờ biển, chuyên gia Gary Li từ London cho rằng đặc điểm địa lý khiến cho vùng bờ biển của Việt Nam trở thành một “bệ phóng” hoàn hảo cho pháo binh bờ biển và cả các hệ thống tên lửa bờ. Lực lượng tên lửa bờ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh hàng hải của Việt Nam, là lực lượng đóng vai trò phòng thủ và chống tiếp cận bờ biển. Hiện lực lượng này đang sở hữu nhiều chủng loại tên lửa, xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau và đa dạng trong tầm bắn.
Hải quân Việt Nam đã có thể tự sản xuất tên lửa chống hạm P5 Pyatyorka/Shaddock với tầm bắn lên tới 550 km (sau khi được nâng cấp). Trước đây, Việt Nam là quốc gia duy nhất được Liên Xô chuyển giao loại tên lửa này. Bước hiện đại hoá quan trọng nhất của lực lượng tên lửa bờ là việc đưa vào hoạt động hai hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P với tầm bắn 300 km, có thể bảo vệ một vùng bờ biển rộng 600 km. Bên cạnh đó, hải quân Việt Nam cũng được trang bị ra-đa CW-100 được thiết kế cho nhiệm vụ giám sát bờ biển của Tập đoàn Thales có khả năng vượt “giới hạn đường chân trời”.
Theo nguồn tin quốc phòng và từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển, Việt Nam đã nhận thêm hai loại vũ khí mới cho lực lượng pháo-tên lửa bờ biển là hệ thống tên lửa Bal-E của Nga và EXTRA của Israel. Về đặc tính kỹ thuật và tầm bắn, đây lần lượt là hai loại tên lửa tấn công tầm trung và tầm gần. Loại đạn tên lửa mà Bal-E sử dụng là Kh-35 Ural-E có tầm bắn 130km; đây cũng chính là loại tên lửa được sử dụng trên các tàu tên lửa lớp Molniya, tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 có trong biên chế của Hải quân Việt Nam. Tổng công ty Tên lửa Chiến thuật (KTRV) của Nga khẳng định, Việt Nam là quốc gia thứ hai sau Nga được trang bị tổ hợp Bal-E.
Riêng về tổ hợp tên lửa EXTRA, đây là loại vũ khí ngay cả quân đội Israel cũng chưa được đưa vào trang bị. Tầm bắn của tên lửa EXTRA vào khoảng 150km và đặc biệt gây ấn tượng bởi sai số vòng tròn xác suất (CEP) rất thấp, chỉ khoảng 10m; đồng nghĩa với việc tên lửa có độ chính xác rất cao. Thêm vào đó, tên lửa EXTRA có khả năng phóng từ nhiều loại phương tiện, được ghép thành cụm ống phóng từ 2 đến 16 quả để phóng từ mặt đất. Cụm ống phóng có thể lắp lên xe tải cơ động cao hoặc tại trận địa cố định. Đạn EXTRA để trong container kín nên có tuổi thọ dài và chi phí bảo dưỡng rất thấp. Như vậy, có thể thấy, lực lượng phòng thủ bờ biển hiện nay của Việt Nam gồm rất nhiều tầng lớp và hiện đại, đủ sức ngăn chặn các trường hợp xâm nhập, đổ bộ từ đường biển.
Một trong những thành tố khác của chiến lược “bất đối xứng” chính là các tàu lớp Molniya mà Việt Nam đang sở hữu, hiện đang có trong biên chế chính thức là 10 chiếc (gồm 6 chiếc lớp Molniya và 4 chiếc lớp Tarantul - một biến thể cũ hơn). Molniya có tốc độ cao, trang bị mạnh, thích hợp với chiến thuật bầy sói kiểu “hit and run” tấn công nhanh, bất ngờ từ nhiều hướng khiến đối thủ không kịp trở tay. Chiến thuật này rất hữu dụng với lực lượng hải quân của quốc gia có bờ biển dài, nhiều đảo và cửa sông dễ ẩn nấp, thuận lợi cho việc phục kích ra đòn bất ngờ. Hiện Việt Nam cũng đã làm chủ được công nghệ đóng loại tàu này dựa trên tài liệu kĩ thuật chuyển giao từ Nga. Vũ khí trang bị chính của các tàu lớp Molniya là 16 tên lửa chống tàu Kh-35 Ural-E với tầm bắn 130 km mà Việt Nam đã nội địa hoá thành công với mã hiệu trong nước là KCT-15. Như vậy, nếu thông tin Việt Nam có hệ thống Bal-E là chính xác, hệ thống này cũng có thể sử dụng các tên lửa KCT-15 nội địa do chính Việt Nam sản xuất.
Vai trò của không quân
Tuy vậy, nếu chỉ xem chiến lược tác chiến bất đối xứng chỉ bao gồm hải quân là chưa đủ. Đối với một quốc gia có đường bờ biển trải dài trên nhiều vĩ độ và hướng biển như Việt Nam thì sự kết hợp giữa hải quân và không quân là lựa chọn tối ưu. Ngoài các máy bay chiến đấu Su-30MK2V do Nga chế tạo, Việt Nam còn triển khai thêm các máy bay tuần tra hàng hải thế hệ mới như DHC-6, C-212 (của Cảnh sát biển Việt Nam) và máy bay vận tải C-295.
Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngay từ năm 1988, Việt Nam đã đưa máy bay Su-22M ra tuần tra quần đảo Trường Sa mặc dù đây chỉ là máy bay cường kích chuyên nhiệm tấn công mặt đất. Nhiệm vụ này được tiếp tục qua nhiều năm sau đó, với nhiều máy bay thế hệ mới, được thiết kế chuyên hoạt động trong điều kiện trên biển hơn, như Su-27SK/PU và Su-30MK2V.
Một lực lượng không thể không kể đến nữa chính là các trực thăng săn ngầm. Sau một thời gian dài nằm bờ, các máy bay trực thăng săn ngầm Ka-28 đã có “đất dụng võ” khi cặp tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 xuất hiện trong biên chế Hải quân Việt Nam. Đây là sự bổ sung và hỗ trợ trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn thiếu một lực lượng tàu mặt nước chuyên săn ngầm. Trong thời gian tới, nếu có thêm sự xuất hiện của máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không, máy bay săn ngầm cánh bằng và trực thăng săn ngầm thế hệ mới, Việt Nam có thể đảm bảo được cả nhiều tầng phòng thủ, từ trên trời, trên mặt nước và dưới lòng biển.
Theo ý kiến của GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, chiến lược bất đối xứng của Việt Nam nhắm vào Trung Quốc là để ngăn chặn không cho Bắc Kinh triển khai các tàu chiến của mình trong trường hợp có xung đột cường độ thấp xảy ra. Ở đây có nghĩa là việc triển khai tàu chiến để bảo vệ các tàu bán vũ trang bao vây các đảo của Việt Nam. Các hệ thống vũ khí “bất đối xứng” khiến cho các hoạt động của hải quân Trung Quốc sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm trong khoảng cách 200-300 hải lý tính từ đường bờ biển dài của Việt Nam.
Thêm vào đó, so với Trung Quốc, Việt Nam rõ ràng chưa đủ tiềm lực tài chính để mua sắm và trang bị ồ ạt, thành lập nhiều hạm đội hải quân. Do đó, trang bị vũ khí một cách phù hợp theo phương pháp bất đối xứng là lựa chọn phù hợp với một nước có ngân sách quốc phòng khiêm tốn. Điều này đáp ứng được cả hai nhiệm vụ, thứ nhất, không để đất nước bị động trước các tình huống bất ngờ và thứ hai, tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế.
Các chính sách hợp tác và chuyển giao công nghệ chế tạo với các đối tác quốc phòng nước ngoài cũng ảnh hưởng đến năng lực tương lai của Hải quân Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến bất ngờ và phức tạp, tự chủ được công nghệ chế tạo quốc phòng sẽ đảm bảo đất nước không bị động trong mọi tình huống. Mặc dù sẽ còn mất một thời gian dài nữa để Việt Nam có thể hoàn toàn tự chủ công nghệ, song điều này là hoàn toàn không phải không có khả năng xảy ra.
Tuy đã đạt được một số bước tiến trong hiện đại hoá, song hải quân Việt Nam còn nhiều việc phải làm đề nâng cao hơn nữa năng lực tác chiến của mình. Có thể kể đến một số điểm sau còn cần phải hoàn thiện: (1) năng lực ISR vẫn còn nhiều yếu kém, trong bối cảnh Việt Nam có một vùng biển chủ quyền rộng lớn; (2) khả năng đóng các loại tàu chiến có lượng giãn nước lớn vẫn còn là thách thức, đi kèm với đó là năng lực tự chủ các loại vũ khí hải quân; (3) năng lực chỉ huy và huấn luyện dựa trên điều kiện thực tế còn yếu, chủ yếu do hạn chế trong tài chính và đạn dược.
* Tác giả Nguyễn Thế Phương là nghiên cứu viên cộng tác thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM.
http://viettimes.vn/viet-nam-va-chien-tranh-bat-doi-xung-trong-tinh-hinh-moi-54414.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét