Có sức mạnh hủy diệt nhưng kích thước nhỏ đến không ngờ, vũ khí nano đang là hướng phát triển mới của các cường quốc trong chiến tranh hiện đại.
Tờ Daily Mail vừa đăng tải bài viết của Louis del Monte, chuyên gia vật lý của Mỹ đã đưa ra cảnh báo, trong tương lai với loại vũ khí siêu nhỏ, hay còn gọi là vũ khí nano, có thể dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới với sự hủy diệt không thể lường trước.
Đây không phải là mối đe dọa trong tương lai xa mà nó có thể hiển hiện ngay trong cuối thế kỷ này, Del Monte nhận định đồng thời cho biết thêm rằng, vũ khí nano, thậm chí, còn nguy hiểm hơn vũ khí hạt nhân thông thường hiện một số nước đang sở hữu.
Trước thế mạnh của vũ khí nano so với vũ khí truyền thống, Mỹ, Nga và Trung Quốc đẫ đổ hàng tỷ USD để nghiên cứu loại vũ khí này, ông del Monte viết trong cuốn sách "Vũ khí nano: Mối đe dọa ngày càng lớn mạnh đối với nhân loại".
Nano sẽ là thứ vũ khí khiến cho các quốc gia lao vào cuộc chạy đua vũ trang chết người trong thế kỷ 21.
"Vũ khí nano là loại vũ khí quân sự nhiều khả năng sẽ khiến nhân loại diệt vong. Đây hoàn toàn không phải vấn đề trên lý thuyết", vị chuyên gia này viết.
Trong khi đó, tờ Washington Post dẫn nhận định một số chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, trước mắt (trong khoảng 5 năm tới), một đội quân vi hình sẽ được thành lập từ các loại vũ khí vi ảnh trên cơ sở công nghệ nano với những ưu điểm quân sự chưa từng thấy.
Kỷ nguyên đầu tiên của vũ khí có hơi hướng công nghệ nano là cỏ tình báo là một trong những thiết bị thám thính trắc địa vi ảnh rất tinh vi. Nhìn bề ngoài, nó có hình dạng như một cọng cỏ thật. Bên trong, người ta lắp đặt máy ảnh, thiết bị trinh sát và bộ cảm ứng siêu nhạy cảm.
Nhờ các thiết bị này, cỏ tình báo có khả năng nhận biết được những chấn động và âm thanh phát ra từ xe tăng, xe tác chiến đang vận chuyển ở cự ly trên 100 m. Nó cũng có thể tự động định vị, định hướng và vượt qua các chướng ngại vật.
Con bọ điện tử là loại vũ khí có kích cỡ nhỏ như một con ruồi. Nó được phóng ra từ hàng loạt bằng máy bay, đại pháo, hoặc vũ khí bộ binh. Người ta cũng có thể bố trí chúng gần hệ thống truyền tin và hệ thống vũ khí của đối phương bằng biện pháp thủ công.
Chúng có thể dựng thành một mạng lưới trinh sát hiệu quả cao tại một vị trí đặc biệt nào đó, nâng cao số lượng tin tức chiến trường thu được.
Cũng dựa trên công nghệ nano, mới đây bộ phận thực nghiệm thuộc Đại học Illinois, Mỹ đã thiết kế một phi cơ tình báo vi ảnh có chiều dài khoảng 15cm. Nó có khả năng bay liên tục trong 60 phút, hành trình đạt tới 16 km.
Phi cơ gián điệp này còn có thể bay trong một vật thể kiến trúc hoặc gần một thiết bị mà radar thông thường không phát hiện được. Trong đêm tối, phi cơ có thể chụp ảnh hồng ngoại cực kỳ rõ nét rồi báo về bộ phận tác chiến, hướng dẫn các đường đạn tấn công chính xác vào mục tiêu.
Gần đây người Đức đã chế tạo thành công một máy bay trực thăng với kích cỡ chỉ bằng một con cánh cam, nặng không tới 0,5 gr, có khả năng bay cao 130 m. Bộ phận khởi động chỉ nhỏ như ngòi bút, nhưng tần số cánh quạt có thể lên tới 100.000 vòng/phút.
Từ công nghệ nano, người ta còn sản xuất vệ tinh có thể tích rất nhỏ và nhẹ, do vậy, chỉ cần dùng một tên lửa đẩy nhỏ cũng có thể phóng lên trăm nghìn vệ tinh một lúc, tổ hợp thành mạng vệ tinh theo những quỹ đạo khác nhau.
Chúng sẽ theo dõi từng ngõ ngách của trái đất để nắm rõ tình hình chiến sự. Hiện nay, Trung Quốc đã chế tạo thành công vệ tinh nano mang tên TBNS1, có trọng lượng dưới 10 kg. Họ đã có kế hoạch phóng thử nghiệm vào cuối năm nay.
http://soha.vn/cac-cuong-quoc-do-tien-phat-trien-vu-khi-nano-20170324233336167.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét