Việc Trung Quốc không ngừng đơn phương bành trướng chủ quyền và tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông khiến giới chức Mỹ tin rằng một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cuộc chiến này hoàn toàn có thể tránh được nếu Mỹ thận trọng lựa chọn chính sách đối ngoại cũng như thi hành một chiến lược mà trên hết là loại bỏ hoàn toàn tác động gây chiến.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra trên Biển Đông hồi năm 2013. |
Biển Đông vốn được xem là vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên. Tạp chí National Interest đưa tin theo Viện Khảo sát Địa chất Mỹ, trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên nằm dưới lòng Biển Đông lên tới 11 tỷ thùng dầu và 190 ngàn tỷ m3 khí đốt tự nhiên. Song theo Trung Quốc, con số này phải là hơn 200 tỷ thùng dầu và 750 ngàn tỷ m3 khí đốt tự nhiên. Chính nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào này là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc không ngừng đơn phương mở rộng chủ quyền ở Biển Đông. Nói cách khác, để phục vụ hàng loạt sáng kiến kinh tế, việc tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc.
Ngoài ra, 12% hoạt động đánh bắt cá trên thế giới cũng đang tập trung ở Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ tới 25% tổng sản lượng hải sản trên thế giới. Do đó, việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông cũng không nằm ngoài mục tiêu đưa ngư dân nước này tới đánh bắt ở đây một cách hợp pháp.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson từng nhấn mạnh: "Mỹ muốn gửi tới Trung Quốc một thông điệp rõ ràng. Thứ nhất, hành động xây đảo nhân tạo trái phép phải dừng lại. Thứ hai, hoạt động tiếp cận các đảo nhân tạo bị coi là phi pháp".
Tuyên bố của ông Tillerson phần nào cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng sử dụng vũ lực để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục bành trướng chủ quyền ở Biển Đông. Trước đó, hồi tháng 3/2016, ông Steve Bannon từng nhấn mạnh: "Mỹ sẽ phải tham chiến ở Biển Đông trong vòng 5 – 10 năm tới". Ông Bannon hiện đang giữ vị trí cố vấn cấp cao cho Tổng thống Trump.
Theo National Interest, ông Trump và nhóm an ninh quốc gia Mỹ cần hiểu rằng việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông xuất phát từ mục đích đầu tiên là giành quyền độc chiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên chứ không phải chủ quyền. Theo những số liệu thống kê mới đây, dân số Trung Quốc sẽ đạt con số 1,4 tỷ người vào năm 2020. Tăng dân số đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải tìm thêm nguồn tài nguyên như hải sản và dầu mỏ để đáp ứng nhu cầu sống cho người dân. Nói cách khác, nếu chính quyền Bắc Kinh không thể đáp ứng nhu cầu sống của người dân trong tương lai, Trung Quốc chắc chắn sẽ rơi vào một cuộc chiến dù có Mỹ tham gia hay không.
Về phần mình, Mỹ đang đặc biệt quan tâm tới hoạt động bành trướng chủ quyền và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, khi gạt bỏ yếu tố chính trị, quân đội Trung Quốc sẽ phải mất từ 10 – 15 năm nữa mới có đủ năng lực đe dọa các lực lượng của Mỹ trong khu vực.
Trong khi đó, ông Trump và chính quyền của mình có nhiều lựa chọn để ngăn chặn hoạt động bành trướng của Trung Quốc. Và nỗ lực ngoại giao nên được đặt lên làm ưu tiên hàng đầu trong việc giải quyết các mối bất đồng giữa Mỹ - Trung.
Cụ thể, Mỹ có thể cân nhắc tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với sự góp mặt của Trung Quốc và các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để đối thoại nghiêm túc về việc chia sẻ các nguồn tài nguyên trên biển. Chắc chắn Bắc Kinh sẽ không có lý do gì để thoái thác tham gia cuộc họp khi đây được xem là thành ý của Washington.
Dù không phải là một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng Mỹ đang tìm mọi cách bảo vệ những lợi ích chiến lược của mình ở Đông Á. Trong đó, hoạt động tuần tra đảm bảo quyền tự do hàng hải là vấn đề mấu chốt để Mỹ ngăn cản Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông.
Với vị thế là một trong những tuyến đường biển thương mại quan trọng bậc nhất thế giới mang lại tổng giá trị thương mại hơn 5 ngàn tỷ USD/năm, Mỹ không thể làm ngơ trước việc Trung Quốc có hành động ngăn không cho tàu thuyền nước ngoài qua lại Biển Đông. Mỹ cũng không thể phát động một cuộc chiến ngăn Trung Quốc nếu như chỉ nhờ nguồn lực quân sự có giới hạn đang hiện diện ở Biển Đông. Trên hết, hoạt động thương mại của Trung Quốc vẫn đang diễn ra nhộn nhịp trên Biển Đông, do đó, Washington nên theo đuổi con đường ngoại giao để đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán cùng chia sẻ lợi ích thay vì xung đột.
http://infonet.vn/quan-doi-trung-quoc-can-hon-10-nam-nua-moi-du-suc-de-doa-my-post222016.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét